Hiện lượng thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đáp ứng chưa đến 1/3 nhu cầu hiện tại, với nguồn thuốc được chuyển nhượng từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhiều bệnh nhân phải chờ đợi nhiều ngày mới được chụp PET/CT.
Tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM thường kỳ tháng 7/2024, chiều 1/8, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Hải Nam phản hồi thông tin thiếu thuốc phóng xạ trong chẩn đoán, điều trị ung thư.
Ông Nam cho biết hoạt chất phóng xạ 18F-FDG được sử dụng cho các trường hợp chụp PET/CT để chẩn đoán, theo dõi điều trị ung thư, phát hiện bệnh tồn lưu hoặc tái phát, để đưa ra phác đồ điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Tại TP.HCM, có 3 bệnh viện có sử dụng hoạt chất này trong điều trị ung thư là như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quận y 175 và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Sở Y tế TP.HCM nhận thấy có 2 nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề thiếu thuốc phóng xạ. Thứ nhất là do nguồn thuốc phóng xạ được chuyển nhượng từ Bệnh viện Chợ Rẫy, mà cơ sở sản xuất này đã lâu năm, không đủ năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các bệnh viện của TP.HCM.
Thứ hai là mặc dù đã có Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ nhưng do một số nguyên nhân khách quan nên trung tâm này chưa thể đưa quy trình sản xuất vào, do đó các bệnh viện cũng chưa thể lấy nguồn cung cấp dược chất, thuốc phóng xạ từ trung tâm.
Ông Nam cho biết hiện tại Bệnh viện Ung bướu được trang bị hai máy chụp PET/CT, công suất 30 ca/máy/ngày. Nếu được cung cấp đủ thuốc 18F-FDG và cả hai máy vận hành, công suất đáp ứng tối đa lên 50 – 60 ca/ngày. Tuy nhiên, hiện nguồn cung cấp thuốc phóng xạ được chuyển nhượng từ Bệnh viện Chợ Rẫy, và lượng thuốc trung bình chỉ đủ chụp được 7 – 9 ca/ngày, mỗi tuần 3 ngày. Số lượng trên đáp ứng chưa đến 1/3 nhu cầu hiện tại. Do vậy, bệnh nhân phải chờ đợi nhiều ngày mới được chụp PET/CT.
“Tình trạng thiếu thuốc phóng xạ dẫn đến người bệnh phải chờ đợi nhiều ngày, đã có nhiều trường hợp người bệnh phải đến các tỉnh khác để chụp, nhiều trường hợp phải ra Huế, Hà Nội và không ít trường hợp phải ra nước ngoài. Từ đó dẫn đến tăng chi phí cho người bệnh, tăng chi phí cho ngành y tế”, ông Nam nói.
Về giải pháp, ông Nam cho biết trước mắt các bệnh viện vẫn tiếp tục chuyển nhượng thuốc phóng xạ 18F-FDG từ Bệnh viện Chợ Rẫy để giải quyết nhu cầu điều trị cho người bệnh. Để giải quyết nhu cầu chẩn đoán cho người bệnh, các bác sĩ có một số chỉ định thay thế khác như CT Scan, MRI…, để giảm nhu cầu dùng thuốc phóng xạ 18F-FDG.
Theo thông tin tại trang web của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện tại cả nước có 3 cơ sở sản xuất đã được cấp phép sản xuất thuốc phóng xạ; tại TP.HCM là Công ty cổ phần Y học Rạng Đông (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), 2 cơ sở còn lại nằm ở Hà Nội.
Đại diện Sở Y tế cho hay đây là loại thuốc có thời gian bán hủy ngắn nên việc sử dụng phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất. Việc vận chuyển thuốc từ các địa phương khác về TP.HCM là không khả thi. Do đó, để đáp ứng nhu cầu cho người bệnh chỉ có thể tự sản xuất ngay tại thành phố mới kịp thời.
Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị Bộ khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) hỗ trợ phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa cơ sở sản xuất tại TP. Thủ Đức (Công ty cổ phần Y học Rạng Đông) đi vào hoạt động, đảm bảo cung ứng thuốc 18F-FDG đáp ứng nhu cầu các cơ sở khám chữa bệnh.
Nguyễn Quân
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…