Đồng thời, Sở GTVT TP giao các đơn vị trên nghiên cứu phương án đảm bảo an toàn giao thông cho người bộ hành lưu thông từ đường song hành phải với đường song hành trái xa lộ Hà Nội tại vị trí quay đầu xe trên xa lộ Hà Nội (khu vực trước tòa nhà Cantavil).
Kết quả phương án nghiên cứu được yêu cầu báo cáo về Sở GTVT TP trong tháng 7/2022.
Trung tuần tháng 12/2021, trong kế hoạch tăng kết nối cho xe buýt, Metro Số 1, TP.HCM đã khai trương mô hình xe đạp công cộng với 43 trạm đậu xe đạp tại trung tâm quận 1. Sở GTVT TP cho biết sau 1 năm thí điểm, nếu thành công sẽ mở rộng phạm vi loại hình này tại quận 1, quận 3, nhất là các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng…
Xa lộ Hà Nội là tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía đông của TP.HCM, nối TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tuyến đường này có quy mô 16 làn xe, rộng 142 m, dài khoảng 31 km.
Xa lộ Hà Nội có tên cũ là xa lộ Biên Hòa, nối liền TP.HCM và Biên Hòa, Đồng Nai, do Mỹ đầu tư xây dựng từ năm 1957 đến năm 1961. Con đường này dài 31 km, bắt đầu từ Cầu Sài Gòn (Thủ Đức, TP.HCM) đến điểm kết thúc là nút giao cắt Quốc lộ 1 tại ngã 3 Chợ Sặt (phường Tân Biên, TP Biên Hòa).
Năm 2009, TP.HCM mở rộng xa lộ Hà Nội, từ mặt đường 23m (4 làn xe) lên 113-153m (12-16 làn xe) trên chiều dài toàn tuyến 15,7 km (điểm đầu nối với cầu Sài Gòn, điểm cuối là nút giao Tân Vạn). Tại thời điểm khởi công, dự án được công bố có tổng mức đầu tư 2.286 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT.
Tháng 3/2021, chủ đầu tư – Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP cho biết dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 có tổng mức đầu tư 4.905,8 tỷ đồng (chiều dài 15,7km từ chân cầu Sài Gòn đến nút giao thông Tân Vạn), thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 9 tháng.
Công ty này khẳng định trạm thu phí xa lộ Hà Nội trước đây chỉ thu phí để hoàn vốn dự án cầu Rạch Chiếc (là một dự án khác), chưa hề thu cho dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1.