Việt Nam

Tranh luận giữ hay giảm phí công đoàn: Mức đóng 2% là gánh nặng của doanh nghiệp

Phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trở thành chủ đề “nóng” trong phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội, xoay quanh “quyền lợi của người lao động” và áp lực đối với doanh nghiệp.

Công nhân trong một xưởng may tại Nhà Trang, năm 2015. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết trong quá trình thảo luận có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Một số ý kiến không đồng tình và đề nghị mức đóng tự nguyện đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Dự luật quy định miễn, giảm phí công đoàn cho doanh nghiệp khó khăn là đủ?

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2% và các quy định tại dự thảo luật.

Theo ông Minh, nguồn kinh phí công đoàn đã được duy trì hơn 60 năm qua, từ năm 1957 khi có Luật Công đoàn đến nay.

Nguồn kinh phí này được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để chi phúc lợi cho đoàn viên, như thăm hỏi, ốm đau, quà Tết, quà sinh nhật… hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa thể thao.

Hiện dự thảo luật đã bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, như quy định tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn với các tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn. Vì vậy, nguồn thu từ kinh phí công đoàn dự kiến sẽ giảm, theo ông Minh.

Trong khi đó công đoàn cấp trên vẫn chi hỗ trợ, duy trì quyền lợi cho đoàn viên, người lao động tại công đoàn cơ sở thuộc trường hợp tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn.

Theo hướng phân tích này, ông Minh cho rằng việc luật hóa và tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn 2% như quy định trong dự thảo luật là “hết sức cần thiết”.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho rằng kinh phí công đoàn 2% cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng giúp công đoàn chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động, tạo sự gắn kết giữa công đoàn người lao động.

Doanh nghiệp càng lớn, phí công đoàn càng nặng

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng từ năm 1957, kinh phí công đoàn 2% được duy trì là hợp lý. Vì người lao động thời kỳ này chủ yếu là cán bộ, nhân viên làm việc trong cơ quan nhà nước. Kinh phí trích ra do nhà nước cấp.

Với bối cảnh hiện nay, mức kinh phí này không còn hợp lý. Việc đóng phí công đoàn 2% trở thành gánh nặng khi hiện nay số lượng doanh nghiệp rất lớn, số lượng người lao động từ vài trăm, vài nghìn, thậm chí cả vạn người.

“Nặng đến mức doanh nghiệp không mở rộng được, thậm chí không duy trì hoạt động được thì người lao động mất việc. Thu hẹp doanh nghiệp, đầu tư FDI giảm, nền kinh tế đất nước sẽ bị ảnh hưởng, người lao động thất nghiệp, Rồi nhiều doanh nghiệp trốn đóng, thậm chí không tham gia công đoàn nữa, hậu quả thật nặng nề.”, ông Trí nêu một loạt hệ lụy.

Từ hướng này, ông Trí đề nghị đối với doanh nghiệp dưới 500 lao động, mức kinh phí công đoàn vẫn giữ nguyên mức 2%. Với doanh nghiệp từ 500 lao động đến dưới 3.000 người, mức đóng là 1,5%. Với doanh nghiệp trên 3.000 người, mức kinh phí chỉ 1%.

Để phù hợp với điều kiện hiện nay, đại biểu Trí đề nghị đối với doanh nghiệp dưới 500 lao động, mức kinh phí công đoàn là 2%. Doanh nghiệp có 500-dưới 3.000 người, mức này là 1,5%. Doanh nghiệp trên 3.000 người thì kinh phí công đoàn chỉ 1%.

Ngoài ra, dự luật Luật Công đoàn (sửa đổi) cần có quy định nhiều hơn về việc doanh nghiệp chăm sóc đời sống tinh thần, văn hóa, thể thao giải trí với người lao động. Như vậy, quỹ công đoàn mới có hiệu quả hơn với người lao động.

Giải trình sau đó, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho hay về kinh phí công đoàn, đại đa số các đại biểu đồng tình với mức 2% và trong quá trình soạn thảo đã báo cáo tiếp thu giải trình những ý kiến có liên quan về kinh phí công đoàn.

Ông Khang nói hiện nay 75% kinh phí công đoàn được để lại công đoàn cơ sở để chăm lo cho người lao động. Ông này hoan nghênh các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động.

Với vấn đề doanh nghiệp khó khăn, ông Khang nói ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã thiết kế điều khoản mới so với luật cũ là về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Ông Khang nói thêm cơ quan soạn thảo đồng tình đề xuất dự luật chỉ quy định có tính nguyên tắc việc phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Sau này sẽ có các quy định chi tiết của Chính phủ, của Tổng liên đoàn để hướng dẫn thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn giữ mức đóng 2%

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (trung bình khoảng 0,38%), có ít kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến nộp 2% kinh phí công đoàn. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đề nghị Quốc hội được giữ quy định về mức kinh phí công đoàn 2%.

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) giữ nguyên quy định phí công đoàn 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

“Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn”, theo dự thảo luật.

Dự luật Luật Công đoàn (sửa đổi) bổ sung một số nhiệm vụ chi mới của nguồn kinh phí công đoàn như: chi cho công đoàn cơ sở mà tại đó tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn được miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn; thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác; xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, xây dựng công trình công cộng cho đoàn viên, người lao động.

Ngoài ra, tài chính công đoàn dùng để thiết chế công đoàn chủ yếu từ số tài chính công đoàn tích luỹ của cấp tỉnh, thành phố và tương đương và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn; Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, tham quan, du lịch cho người lao động.

Khi nào doanh nghiệp được miễn, giảm đóng phí công đoàn?

Trường hợp được miễn đóng phí là các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã có tài sản sau khi phân chia mà không đủ số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn theo quy định thì được miễn số tiền đó;

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được giảm mức đóng.

Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn thì được tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, thời gian không quá 12 tháng. Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng.

Dự thảo luật giao Chính phủ quy định về mức giảm kinh phí công đoàn và trình tự, thủ tục miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.

Nguyễn Quân

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Tố cáo bệnh viện mua bán nội tạng sống, một thực tập sinh bất ngờ tử vong

Một sinh viên thực tập chết bất ngờ, nghi bị bức hại vì đã vạch…

49 phút ago

Curcumin và sức khỏe thận: Lợi ích, rủi ro và những người nên tránh

Curcumin thường được sử dụng để phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính khác nhau. Nghiên…

53 phút ago

Chuyên gia: 5 Sai lầm sức khoẻ phổ biến cần tránh sau tuổi 60

Nhiều thói quen sức khỏe được coi là bình thường, nhưng có thể không còn…

57 phút ago

Tỷ lệ bỏ học đại học Úc cao kỷ lục, chỉ 62% sinh viên địa phương tốt nghiệp

Phân tích, dựa trên dữ liệu của Bộ Giáo dục liên bang, cho thấy các…

3 giờ ago

[VIDEO] Nổ lớn nghi do chế pháo ở Bắc Giang

Tối 23/10, trên địa bàn xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên (Bắc Giang) có tiếng…

3 giờ ago

[VIDEO] Bão Trà Mi khiến 14 người chết, 27 tuyến đường phải đóng cửa ở Phillipines

Do ảnh hưởng của bão Trà Mi (tên địa phương là Kristine), ngập lụt nghiêm…

3 giờ ago