Sau khi thống nhất các bộ tộc Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn muốn tiến đánh nước Kim. Bấy giờ Kim vốn là đại quốc thôn tính cả Bắc Tống nên làm bá chủ một phương, lãnh thổ rộng đến 2,3 triệu km2, quá khứ luôn quấy phá các bộ tộc của Mông Cổ và bắt nộp lễ vật. Việc tiến đánh nước Kim được các bộ tộc Mông Cổ nhất lòng đồng ý. Tất nhiên trong cuộc chiến này không thể thiếu Mộc Hoa Lê.
Thành Cát Tư Hãn bắt đầu cuộc chiến này bằng cách công khai nói rằng Hoàng đế nước Kim hèn nhát và không xứng đáng ở ngôi vị. Hoàng đế Kim là Hoàng Nhan Vĩnh Tế vô cùng tức giận sai xử tử sứ giả Mông Cổ. Một năm sau, vào năm 1211, Thành Cát Tư Hãn thống lĩnh 9 vạn quân Mông Cổ tiến đánh nước Kim.
Trước đó nước Kim đã xây dựng được tuyến phòng ngự kiên cố dài đến 300 km để ngăn quân Mông Cổ, nhiều học giả gọi đây là “Vạn Lý Trường Thành của nhà Kim”. Khi quân Mông Cổ tiến sang, quân sư Kim là Độc Cát Tư Trung dẫn 75 vạn quân đến phòng tuyến này ngăn quân Mông Cổ.
Đến tháng 6/1211, quân Mông Cổ vượt qua được phòng tuyến Ô Sa Bảo, Độc Cát Tư Trung bị tử trận. Quân Mông Cổ nghỉ ngơi 1 tháng rồi tiến đến Dã Hồ Lĩnh.
Quân sư mới của nước Kim là Hoàn Nhan Thừa Dụ chỉ huy toàn quân nước Kim, tập trung 45 vạn quân chủ lực đến Dã Hồ Lĩnh, lợi dụng địa hình núi non ở đây quyết ngăn quân Mông Cổ.
45 vạn quân Kim chủ lực tại Dã Hồ Lĩnh chia làm 2 cánh, cánh chính gồm 30 vạn quân trực tiếp đối mặt với quân Mông Cổ, cánh thứ 2 gồm 15 vạn quân sẵn sàng tiếp ứng.
Quân Mông Cổ chỉ có 9 vạn quân, so với quân Kim thì ít hơn rất nhiều. Tấn công vào Dã Hồ Lĩnh là trận đánh lớn nhất tính đến thời điểm đó của quân Mông Cổ.
Mộc Hoa Lê sau khi phân tích tình hình 2 bên cho rằng nếu liều mạng tấn công thì khó lòng phá được quân Kim. Nhất là khi quân Mông Cổ là bên tấn công, lại có binh lực ít hơn.
Mộc Hoa Lê bèn hiến kế để ông cùng đội quân tinh nhuệ Lỗ Bát Doanh tấn công thẳng vào trung quân của Kim, tức đánh thẳng vào doanh trại chính, nơi tập trung sức mạnh của quân Kim. Cuộc tiến quân bất ngờ này sẽ khiến cho quân Kim hoảng loạn, tạo điều kiện cho quân Mông Cổ phía ngoài chia các cánh tấn công vào.
Đây là kế hoạch mạo hiểm đặc biệt, Mộc Hoa Lê và tinh binh phải dấn thân vào nơi nguy hiểm nhất. Nhưng Mộc Hoa Lê rất tin tưởng vào kế hoạch này. Trước khi tấn công Mộc Hoa Lê đã hứa với Thành Cát Tư Hãn rằng: “Thần nguyện chết nếu không tiêu diệt được quân nhà Kim”. Sĩ khí quân Mông Cổ lên rất cao.
Địa hình Dã Hồ Lĩnh núi non hiểm trở, Mộc Hoa Lê phải cho quân dắt ngựa mà tiến. Sau khi vượt qua địa hình này, Mộc Hoa lê cùng đội quân Lỗ Bát Doanh tiến thẳng vào đại bản doanh quân Kim.
Dù có ít quân hơn rất nhiều nhưng Mộc Hoa Lê đã khiến quân Kim bất ngờ hoảng sợ, Nguyên soái Hoàng Nhan Cửu Cân cùng 12 vạn quân Kim tại đại bản doanh bị tử trận. Quân Kim các nơi vô cùng bối rối.
Thành Cát Tư Hãn lúc này mới chia quân tấn công thẳng vào quân Kim. Mặc dù cánh quân Kim thứ hai có 15 vạn quân đến tiếp ứng, nhưng trước sự rối loạn và sợ hãi, đã không chống nổi phải bỏ chạy.
Quân Mông Cổ truy kích quân Kim khắp Dã Hồ Lĩnh, hơn 40 vạn quân Kim chủ lực bị tử trận, xác chết trải dài trăm dặm. Tin tức về trận đánh đã làm chấm động của Kim quốc.
Trận đánh nổi tiếng lịch sử này mang đậm dấu ấn của danh tướng Mộc Hoa Lê. Đồng thời, đây cũng là trận đánh quan trọng bậc nhất trong cuộc chiến giữa Mông Cổ và Kim. Sau trận này, nước Kim bị mất 40 vạn quân chủ lực.
Dù số quân Kim còn lại đông hơn quân Mông Cổ rất nhiều lần (riêng khu vực “Vạn lý trường thành” của nhà Kim cũng đã có 50 vạn quân, còn có quân ở Trung Đô và các nơi khác), thế nhưng do mất quân chủ lực nên quân Kim không đủ sức để đối phó với quân Mông Cổ. Kim quốc hoàn toàn phải dựa vào địa hình hiểm trở và thành quách để phòng thủ.
Sau trận Dã Hồ Lĩnh, Thành Cát Tư Hãn tiếp tục tấn công quân Kim, hướng thẳng đến Kinh đô. Năm 1213, quân Mông Cổ đã đến được Trung Đô Yên Kinh của nhà Kim.
Trung Đô được xây dựng vô cùng chắc chắn với 3 lớp hào và 900 tháp canh, hệ thống các máy bắn tên và hoả khí được bố trí dày đặc trên tường thành.
Qua do thám, quân Mông Cổ ước tính nhà Kim đã huy động 130 đến 170 vạn dân vào bảo vệ Trung Đô. Hơn nữa nhà Kim cũng lệnh cho quân đội các nơi cấp tốc về bảo vệ Trung Đô.
Kim sử có ghi chép rằng:
“Thành Cát Tư Hãn đứng trên đồi quan sát Trung đô Yên Kinh, cảm thán rằng: Nhìn những vách thành sừng sững như vách núi, trải dài đến tận đường chân trời, nhà cửa san sát ngút tầm nhìn, quân Kim đông như kiến cỏ, vô số loại trọng khí cùng gươm giáo sáng loà. Trong khi đó bên ngoài thành, bốn phương tám hướng đều có quân Kim kéo đến tiếp ứng, khí thế rất mạnh, đội quân Mông Cổ như bị lọt thỏm vào cái biển người của đế quốc Kim rộng bao la đấy.”
Sau 4 tháng đến Trung Đô Yên Kinh nhưng chưa tiến đánh, dịch bệnh bất ngờ bùng phát trong quân Mông Cổ. Biết rằng thời cơ chưa đến, Thành Cát Tư Hãn quyết định tạm thời cho quân rút lui khỏi Kim, chuẩn bị cho cuộc chiến sau này.
(Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…