BOT Cai Lậy hơn 10 lần xả trạm – Tiếp tục chờ câu trả lời từ Bộ GTVT; Khởi tố, bắt tạm giam chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh vì bạo hành trẻ; Tiếp tục điều tra vụ bà nội sát hại cháu bé hơn 20 ngày tuổi; Trưởng BTC TW: ‘Phải tinh giản 140.000, lại tăng 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn’; Xét xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm-Như Quỳnh: Y án sơ thẩm 10 năm tù và Luật sư Võ An Đôn: ‘Tôi bị tước thẻ Luật sư’,…là những tin tức nóng trong tuần qua.
BOT Cai Lậy hơn 10 lần xả trạm – Tiếp tục chờ câu trả lời từ Bộ GTVT
Trạm thu phí BOT Cai Lậy là sự kiện nóng nhất tuần qua với hơn 10 lần phải xả trạm do vấp phải sự phản đối kịch liệt từ cánh tài xế và người dân.
Sau 3 tháng tạm dừng, BOT Cai Lậy thu phí trở lại vào 9h sáng ngày 30/11. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 4 tiếng, trạm thu phí bắt buộc phải xả trạm lần thứ nhất vì các tài xế dùng chiến thuật 25-1 để trả phí – gom tiền mệnh giá 20.000, 200, 500 đồng thành 25.100 để trả vé 25.000 và yêu cầu nhân viên trả lại đúng 100 đồng, tài xế mới đồng ý đi qua trạm. Các lần xả trạm tiếp theo là 16h55 cùng ngày, 3h sáng ngày 1/12.
Đến trưa cùng ngày (1/12), trạm thu phí phải tạm ngưng hoạt động. Nhiều tài xế chuẩn bị một mâm cúng thịnh soạn (cách trạm khoảng 100 m) gồm heo quay, hoa quả, tiền lẻ, vàng mã,… để ăn mừng vì chiến thuật 25-1 áp dụng thành công.
Để “đối phó” với chiến thuật 25-1, BOT Cai Lậy chuẩn bị hàng ngàn tờ mệnh giá 100 đồng để trả các tài xế. Đến 23h20 đêm ngày 1/12, BOT Cai Lậy thu phí trở lại. Tuy nhiên liên tục tới ngày 2/12, khi lượng xe dồn về rất đông, gây nên ùn ứ tạm thời, BOT Cai Lậy đã buộc phải xả trạm hơn 10 lần vào các giờ: 11h55, 12h30, 13h30, 15h25, 16h30, 19h30, 20h20, 21h55, 23h20,…
Theo các tài xế, việc giảm giá vé qua trạm không phải là điều các tài xế mong muốn. Điều họ cần là trạm này phải dời vào đường tránh thị xã Cai Lậy, nơi mà chủ đầu tư bỏ nhiều tiền ra làm con đường mới và nên thu khi xe vào đường đó. Còn trên quốc lộ 1, họ chỉ tu sửa sơ sài nhưng thu phí là không hợp lý.
Về phía Bộ GTVT, tại cuộc họp vào tháng 8/2017, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết vị trí đặt trạm đã được nghiên cứu kỹ, căn cứ vào phương án tài chính được chủ đầu tư lập, có lấy ý kiến của Bộ Tài chính, HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội.
“Không có lý do gì phải thay đổi” vị trí đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy, “nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể”, ông Đông cho biết.
Khởi tố, bắt tạm giam chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh vì bạo hành trẻ
Ngày 28/11, Cơ quan cảnh sát điều tra công an quận 12 (TP.HCM) có quyết định khởi tố, bắt tạm giam Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi, chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở phường Hiệp Thành, quận 12) để điều tra tội Hành hạ người khác, hai bảo mẫu còn lại nếu trong quá trình điều tra thu thập đủ các bằng chứng, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xử lý.
Theo clip bạo hành trẻ được đăng tải ngày 26/11, ba người phụ nữ đã dùng tay đánh; dùng chân đạp; tát vào mặt, đầu,… thậm chí còn dùng dao để dọa các bé. Thời điểm các bảo mẫu bạo hành các bé là vào giờ ăn, lúc tắm rửa hay khi ngủ trưa.
Giải thích về việc đánh các bé, bà Linh cho biết vì các bé hiếu động nên phải đánh để dọa các bé sợ và nghe lời bà Linh cùng các bảo mẫu.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND TP tiến hành họp và yêu cầu lắp camera tại các cơ sở mầm non để đảm bảo an toàn cho các bé, đồng thời tổng kiểm tra lại các cơ sở mầm non ngoài công lập.
Tiếp tục điều tra vụ bà nội sát hại cháu bé hơn 20 ngày tuổi
Ngày 1/12, Công an tỉnh Thanh Hóa công bố kết quả giám định ADN của bé gái tử vong được phát hiện tại bãi rác phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) hôm 27/11. Kết quả cho thấy bé gái chính là cháu Lê Minh Anh – con của anh Lê Hữu Thuận (37 tuổi) và chị Phạm Thị Thanh Huyền (38 tuổi, sống ở khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn) – đã bị sát hại vào tối 25/11.
Cơ quan công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra và xác định được nghi can liên quan đến cái chết của bé là bà nội Phạm Thị Xuân (SN 1952, ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) – người tạo hiện trường giả là một vụ bắt cóc.
Cơ quan cảnh sát điều tra Thanh Hóa cũng cho hay do đây là vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và đang trong quá trình điều tra nên chưa đưa ra kết luận nguyên nhân, động cơ và mục đích phạm tội của bà Phạm Thị Xuân.
Trưởng BTC TW: ‘Phải tinh giản 140.000, lại tăng 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn’
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng ngày 29/11, ông Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức (BTC) Trung ương cho biết hiện nay tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.
“Theo Nghị quyết 39, mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người nhưng thực tế lại không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn” – ông Minh cho hay.
Về số lượng cấp phó, ông Minh cũng khẳng định “Chúng ta đang lạm phát cấp phó”. Hiện cả nước có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng – chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện.
Bên cạnh đó, chi thường xuyên năm 2017 tăng 16,25% so với năm 2015; tỷ lệ công chức viên chức hưởng lương về cơ bản cao hơn rất nhiều so với các nước,..
Phạt hơn 500 triệu đồng, cho tồn tại ‘biệt phủ’ gia đình ông Phạm Sỹ Quý
Cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã xử phạt hành chính gia đình ông Phạm Sỹ Quý – nguyên Giám đốc Sở TN&MT hơn 507 triệu đồng do xây dựng một số công trình sai phép và không phép tại “biệt phủ”. Đồng thời, xử phạt chậm nộp thuế số tiền hơn 51 triệu đồng. Sau khi nộp phạt, các hạng mục công trình sai phép và không phép tại biệt phủ tiếp tục được phép tồn tại.
Trước đó, theo kết luận thanh tra Chính phủ, ông Phạm Sỹ Quý đã vi phạm quy định về trách nhiệm của người có nghĩa vụ phải kê khai; vi phạm quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại Nghị định số 78 về minh bạch tài sản, thu nhập; gây nghi ngờ về tài sản của gia đình, tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy của Nhà nước.
Ông Quý đã vi phạm quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, vì theo Luật này thì ông không được để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
Kết luận thanh tra chỉ rõ: “Những sai phạm trên của ông Phạm Sỹ Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh“.
Luật sư Võ An Đôn: ‘Tôi bị tước thẻ Luật sư’ và Xét xử phúc thẩm blogger Mẹ Nấm-Như Quỳnh: Y án sơ thẩm 10 năm tù
Chiều ngày 26/11, Đoàn Luật sư Phú Yên ban hành quyết định kỷ luật Luật sự Võ An Đôn – Trưởng Văn phòng Luật sư Võ An Đôn bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư Phú Yên.
Theo Đoàn Luật sư Phú Yên, lý do áp dụng hình thức kỷ luật là Luật sư Võ An Đôn “lợi dụng quyền tự do ngôn luận, đã có nhiều bài viết, video clip, phát ngôn trả lời phỏng vấn với báo chí, đối tượng ở nước ngoài, bịa đặt nói xấu luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng, Đảng và Nhà nước Việt Nam”.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, Luật sư Võ An Đôn viết:
“Quyết định này có hiệu lực ngay, kể từ đây ước mơ làm luật sư bào chữa cho dân nghèo và người cô thân yếu thế của tôi coi như chấm dứt, để lại nhiều vụ án oan đang làm dở dang.
Đoàn Luật sư không làm tròn nghĩa vụ cao cả của mình là bảo vệ luật sư, mà theo sự chỉ đạo từ phía an ninh, kỷ luật tôi gấp gáp ngay trong ngày Chủ Nhật, không có mặt tôi, nhằm mục đích không cho tôi tham gia bào chữa cho blogger Mẹ Nấm tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30/11/2017.
Mong cộng đồng hãy lên tiếng bảo vệ tôi, để tôi trở lại làm luật sư bào chữa cho dân nghèo, người cô thân yếu thế và tù nhân lương tâm”.
7h30 sáng ngày 30/11, tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh/blogger Mẹ Nấm với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật hình sự.
Tại phiên tòa, HĐXX tòa phúc thẩm vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù.
Bộ TN&MT: Lùi thời hạn ghi tên thành viên gia đình trong sổ đỏ
Tại buổi họp báo ngày 1/12, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết do quy định ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ (Khoản 5, Điều 6 Thông tư 33) ban hành ngày 29/9/2017 còn có cách hiểu khác nhau nên Bộ đã quyết định chưa thực hiện quy định trên vào ngày 5/12 như dự kiến.
Thông tư có quy định “ghi tên tất cả thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ”, thay vì chỉ ghi một người đại diện như hiện hành khiến dư luận có ý kiến trái chiều.
Giải thích về thông tư số 33, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết có những quy định ban hành ra thì người “trong ngành” hiểu ngay nhưng “bên ngoài mọi người chưa hiểu đúng ý của mình”.
“Chúng tôi thấy cần rút kinh nghiệm, xin tiếp thu vì pháp luật về tài nguyên và môi trường rất rộng. Quan trọng nhất là làm sao để văn bản ra đời thì người dân cũng đều hiểu được dễ dàng” – Thứ trưởng cho hay.
Bên cạnh đó, các sự kiện: Bắt nguyên GĐ công ty Imex Trà Vinh gây thất thoát 659 tỷ đồng; Kỷ luật cảnh cáo Phó GĐ Sở Công Thương Quảng Ngãi; Thái Bình: Hỏa hoạn thiêu rụi đình cổ Lưu hơn 300 tuổi; Tạm dừng giao dịch bất động sản tại bán đảo Sơn Trà; Giá điện tăng 6,08% lên mức 1.720 đồng/KWh từ hôm nay (1/12); Tây Ninh: Chi gần 1.000 tỷ đồng xây công trình tưới tiêu sông Vàm Cỏ Đông,… tiếp tục là những vấn đề thời sự đáng chú ý diễn ra trong tuần qua.
Minh Hợp
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.