Trưởng BTC TW: ‘Phải tinh giản 140.000, lại tăng 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn’
- Trần Tâm
- •
Theo ông Phạm Minh Chính – Trưởng BTC Trung ương, sau 2 năm phải tinh giản 140.000 biên chế nhưng thực tế không giảm mà còn tăng lên 96.000 người; chi thường xuyên tăng 16,25%; có 81.492 lãnh đạo cấp phó – chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức,...
Sáng nay (29/11), tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, ông Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức (BTC) Trung ương đã giới thiệu Nghị quyết số 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Chính cho biết hiện nay tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo thống kê, cả nước hiện có:
- 42 tổng cục tăng 2 lần so với năm 2011;
- 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%;
- 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7% so với năm 2011;
- 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6%;
- 3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với năm 2011.
Số liệu này chưa kể quân đội và công an. Riêng các cơ quan giúp việc của Trung ương tăng 23 đầu mối (21,9%) và 40 đầu mối cấp vụ tăng 21%; đầu mối cấp phòng cũng tăng 37,4%;…
Trong khi đó, ở Nhật Bản con số này chỉ là 11, Singapore là 15, Trung Quốc là 20,… So với các nước châu Âu thì Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, ông Chính cũng chỉ ra vấn đề cơ cấu tổ chức cán bộ, công chức còn bất cập, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn.
Tính đến ngày 1/3/2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước khoảng 4 triệu người, chưa tính quân đội và công an. Số cán bộ công chức ở Trung ương là 279.143 người; cấp tỉnh, huyện 2.080.000 người; cấp xã, thôn, tổ dân phố 1.266.000 người.
“Có thể khẳng định số người ăn lương và phụ cấp của ta tăng rất nhanh. Nền kinh tế phải gánh vác rất khó khăn. Khó khăn này tập trung vào 2 điểm chính là các đơn vị sự nghiệp trên 2 triệu người và cấp xã, thôn, tổ dân phố” – ông Chính cho biết.
Trưởng BTC Trung ương cũng nêu ra nghịch lý trong việc tinh giản biên chế sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 39, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên.
“Theo Nghị quyết 39, mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người nhưng thực tế lại không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn” – ông Minh cho hay.
Về tỷ lệ công chức viên chức hưởng lương, thống kê trên 1.000 dân thì Việt Nam có 43 người chưa tính quân đội và công an. Trong khi đó, tại một số nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philipines 1.000 dân chỉ có 13 cán bộ công viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người; Singapore có 25 người…
“Về cơ bản là cao hơn rất nhiều so với các nước” – ông Chính đánh giá.
Về chi thường xuyên, tính từ năm 2011 đến năm 2015 chiếm 65% tổng chi ngân sách, tăng 2,2 lần so 5 năm trước. Những năm gần đây, tổng chi thường xuyên đều tăng. Trong chi thường xuyên này, chi cho con người là cao (lương và phụ cấp khác chiếm 53%). Cụ thể:
- Năm 2014 là 704.000 tỷ đồng;
- Năm 2015 là 777.000 tỷ tăng 10,3% so 2014;
- Năm 2016 là 837.000 tỷ tăng 1,7% so với năm 2015;
- Năm 2017 là 900.000 tỷ, tăng 7,87% so với năm 2016, tăng 16,25% so với năm 2015 (năm ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế).
Về số lượng cấp phó, ông Minh cũng khẳng định “Chúng ta đang lạm phát cấp phó”. Hiện cả nước có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng – chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện.
Thống kê, cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng.
“Tôi có tổng kết thì báo cáo của các bộ ngành với danh bạ không khớp nhau. Như vậy trong quá trình in sai hoặc là báo cáo không đúng. Báo cáo về cấp hàm, cấp phó có nơi không có nhưng mở danh bạ ra thì 19 hàm vụ phó. Cấp hàm này nhiều quá thì ngượng” – ông Minh nói.
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa tinh giản biên chế số lượng cấp phó Việt Nam Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính