Ba người đàn ông từ 61-86 tuổi tại huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) lần lượt qua đời sau khi uống cùng một loại rượu.
Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) vừa có kết luận các nạn nhân tử vong đều do chất độc của cây lá ngón ngâm trong bình rượu.
Theo thông tin vụ việc, tối 6/3, ông Nông Văn U. (SN 1963, ngụ thôn Luông Doan, xã Vĩnh An, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) ăn cơm cùng con cháu tại nhà, có uống một cốc rượu ngâm. Sau đó ông U. đi ngủ, sáng hôm sau con gái ông U phát hiện bố mình tử vong trên giường.
Khi gia đình tổ chức tang lễ, nhiều khách đến thăm hỏi, chia buồn. Trên bàn uống nước của gia đình có để sẵn ấm rượu ông U uống dở từ hôm trước. Các ông Hoàng Văn Th. (SN 1938) và ông Nông Văn N. (SN 1960, ngụ cùng địa phương) mỗi người uống vài chén.
Ông Th. tử vong ngay tại chỗ. Ông N. bị hôn mê được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Đến ngày 19/3, ông N. qua đời.
Công an huyện Sơn Động đã phối hợp với VKSND huyện, Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang điều tra, đồng thời gửi mẫu rượu các nạn nhân sử dụng và một số mẫu vật phẩm khác đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để giám định.
Theo kết quả giám định, trong máu, nước tiểu, phủ tạng, dạ dày và chất chứa trong dạ dày của cả 3 nạn nhân gửi giám định có tìm thấy ethanol (cồn) và các alkaloid (gelsemine, koumine, gelsenicine) của cây lá ngón.
Ngoài ra, không tìm thấy các chất độc thường gặp khác như: Cyanide (CN); methanol; thuốc diệt chuột; hóa chất bảo vệ thực; alkaloid độc của mã tiền, cà độc dược, ô đầu-phụ tử; các chất an thần gây ngủ và các chất ma túy.
Từ kết quả giám định, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) xác định các nạn nhân tử vong đều do chất độc cây lá ngón ngâm trong bình rượu.
Gia đình ông U. cho hay ông U. tự lên rừng tìm các loại cây về để ngâm rượu, chữa bệnh.
Cây Lá ngón có tên khoa học là Gelsemium elegans, được người dân gọi với nhiều tên khác nhau như: ngón vàng, thuốc rút ruột, cây rút ruột, co ngón, hồ mạn trường, hồ mạn đằng, hoàng đằng, đoạn trường thảo, câu vẫn,… Loài cây này mọc hoang ở các vùng núi cao từ Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh, Hoà Bình, Nghệ An, Kon Tum, …, rất dễ nhầm lẫn với Bù ốc leo (một loại Lá ngón ăn được), Chè vằng (cây lấy lá uống). Các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây; thậm chí mật hoa, ong ăn phải mật cũng có thể bị nhiễm độc. Các alkaloid trong cây Lá ngón gồm: koumin (nhiều nhất), gelsemine, gelsenicin (độc nhất), gelsamydin, gelsemoxonin, 19- hydroxygelsamydin… Chưa có nghiên cứu về các liều gây chết tối thiểu trên người của các độc tố từ lá ngón. Các tài liệu về cây thuốc ở Việt Nam cho thấy lá ngón là cây rất độc, ăn 3 lá có thể đủ gây tử vong. Tác dụng chính của các độc tố là trên các đầu mút dây thần kinh vận động dẫn tới liệt các cơ vân. Khi phát hiện trường hợp ngộ độc có liên quan đến lá ngón, cần lập tức gây nôn và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh Theo kinh nghiệm của Thiếu tá quân y Lê Anh Đức (Nghệ An), cách gây nôn nhanh là lấy nước vắt từ thân cây chuối kết hợp với nước lá rau má, có thể thả nhái vào để tạo chất tanh, kích thích nôn (Vnexpress). |
Minh Sơn
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…