Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa cho hay có 9 lô vắc-xin COVID-19 Pfizer được tăng hạn sử dụng lên 9 tháng thay vì 6 tháng như in trên nhãn, trong đó, 2 lô đã công bố.
Theo văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố vào ngày 13/12, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết có 9 lô vắc-xin Pfizer được tăng hạn sử dụng lên 9 tháng thay vì 6 tháng.
9 lô vắc-xin được gia hạn sử dụng gồm: lô số 124001, 123002, 126001, 123001, 128002, 129001, PCA0006, PCA0017, PCA0021. Trong đó, 2 lô số 124001 và 123002 đã được công bố gia hạn sử dụng trước đó, tức có thêm 7 lô vắc-xin Pfizer khác đã được gia hạn sử dụng.
Cụ thể, trong số 9 lô, các lô 124001, 123002, 126001, 123001 có hạn sử dụng ghi trên nhãn là ngày 30/11/2021 được gia hạn đến ngày 28/2/2022. Các lô 128002, 129001, PCA0006, PCA0017 có hạn ghi trên nhãn là ngày 31/12/2021 được gia hạn đến ngày 31/3/2022. Lô PCA0021 có hạn ghi trên nhãn là ngày 31/1/2022 được gia hạn đến ngày 30/4/2022.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu CDC các tỉnh thành thông báo đến các đơn vị, điểm tiêm chủng về hạn sử dụng mới của các lô vắc-xin này.
Ngoài ra, Viện này đề nghị cán bộ y tế các tỉnh thành tư vấn kỹ, đầy đủ thông tin cho người tiêm chủng và cha mẹ của trẻ em (trong trường hợp người tiêm là trẻ em) để tránh hiểu sai về hạn dùng của vắc-xin.
CDC các tỉnh thành được yêu cầu ngay sau khi tiếp nhận vắc-xin được phân bổ phải tổ chức tiêm ngay số vắc-xin để đảm bảo sử dụng hiệu quả, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, không để hủy bỏ vắc-xin do hết hạn sử dụng.
Vào thời điểm 2 lô vắc-xin Pfizer 124001 và 123002 được công bố gia hạn làm dấy nên nhiều ý kiến lo ngại trong công luận, tại thông báo báo chí vào chiều ngày 1/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay “việc gia hạn vắc-xin Pfizer thực hiện theo thông lệ của quốc tế, Việt Nam không tự động gia hạn. Mọi vắc-xin về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới và đảm bảo chất lượng khi sử dụng”.
Bộ Y tế cho hay từ thời điểm Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) phê duyệt, các lô vắc-xin Pfizer sản xuất trước đây có hạn sử dụng 6 tháng thì tự động tăng hạn dùng lên 9 tháng. Các quốc gia trên thế giới vẫn giữ nguyên nhãn trên lọ vắc-xin theo hạn sử dụng của nhà sản xuất và chỉ thông báo riêng về tăng hạn sử dụng.
Mặc dù vậy, nhiều phụ huynh và học sinh tiếp tục lo ngại về việc tiêm vắc-xin Pfizer được gia hạn sử dụng.
Chiều 7/12, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết TP đã trả lại số vắc-xin được phân bổ từ 2 lô vắc-xin được gia hạn sử dụng. Tối cùng ngày, ông này lên tiếng đính chính rằng phát ngôn “trả lại vắc-xin” của ông hồi chiều là “chưa nắm được thông tin đầy đủ và việc phát ngôn kể trên là chưa đúng thẩm quyền”.
Ngày 8/12, cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi tại tỉnh, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định – ông Cao Xuân Hùng cho biết hiện có hơn 1.000 gia đình chưa đồng ý cho con tiêm vắc-xin COVID-19, theo Tiền Phong. Phóng viên báo này qua khảo sát thấy phần lớn các trường hợp chưa đồng ý cho con tiêm vì biết được tin trong đợt tiêm này có số lượng lớn vắc-xin trong lô được gia hạn sử dụng.
Gần đây nhất, ngày 11/12, Sở Y tế Quảng Trị có tờ trình đề nghị trả lại Bộ Y tế lô vắc-xin Pfizer tăng hạn dùng 3 tháng, cho hay vì qua khảo sát có đến 31.500 học sinh (chiếm 94%) trong tổng số 33.800 học sinh “không đồng ý” tiêm lô vắc-xin 124001. Hơn nữa, Quảng Trị đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.
Sau 1 ngày ban hành, Sở Y tế Quảng Trị thu hồi lại văn bản vì cho rằng “trong quá trình soạn thảo có nhiều nội dung không đúng theo chỉ đạo”.
Ngoài Hà Nội, Nam Định, Quảng Trị, giới chức các tỉnh Bắc Giang, Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Ninh xác nhận đã nhận phân bổ từ 2 lô gia hạn sử dụng nói trên và đang tiến hành tiêm số vắc-xin này cho trẻ, theo Vnexpress ngày 2/12.
Dẫn số liệu của Bộ Y tế, Vnexpress ngày 11/12 cho hay tính đến ngày 10/12, Việt Nam đã đưa vào tiêm tổng cộng hơn 6,8 triệu liều vắc-xin COVID-19 Pfizer cho trẻ từ 12-17 tuổi, trong đó hơn 5,6 triệu mũi một (tỷ lệ 61,5% tổng số trẻ) và 1,19 triệu mũi hai (tỷ lệ 10,3% tổng số trẻ).
Bộ Y tế công bố khoảng 0,3% trẻ bị phản ứng thông thường sau tiêm (sốt, đau vết tiêm, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi…); 5 trẻ tử vong sau tiêm, trong đó ba trẻ (1 tại Hà Nội, 1 tại Bắc Giang, 1 tại Bình Phước) được xác định là “do sốc phản vệ độ 4” (cơ thể phản ứng quá mức với vắc-xin).
Với hai trẻ tử vong (1 tại Quảng Trị, 1 tại Sơn La), các cơ quan y tế chưa có thông tin công bố về nguyên nhân tử vong.
Đáng lưu ý, tình trạng phản ứng sau khi tiêm đã xảy ra hàng loạt tại Thanh Hóa. CDC Thanh Hóa ngày 3/12 cho hay sau 3 ngày (30/11 – 2/12) tiêm vắc-xin COVID-19 Pfizer cho trẻ từ 15-17 tuổi, tỉnh này ghi nhận 895 học sinh bị phản ứng (sưng đau chỗ tiêm, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, sốt cao…). Toàn tỉnh có tổng cộng hơn 120 em phải nhập viện điều trị sau khi tiêm vắc-xin.
Sau khi xảy ra phản ứng hàng loạt, tỉnh Thanh Hóa quyết định dừng tiêm lô vắc-xin đang tiêm. Nguyên nhân dẫn đến phản ứng sau tiêm ở hàng loạt trẻ em chưa được Sở Y tế tỉnh này công bố.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…