Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân bị “tê liệt” nhiều năm vì thiếu vốn. (Ảnh: diendandoanhnghiep.vn)
Tập đoàn Vingroup vừa đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Quảng Ninh với vận tốc 300 km/h, rút ngắn thời gian di chuyển xuống 30 phút. Dự án theo mô hình PPP hứa hẹn thúc đẩy du lịch và đầu tư, trong bối cảnh tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu hiện đại.
Tập đoàn Vingroup vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – Quảng Ninh phục vụ vận tải hành khách, với vận tốc thiết kế tối đa lên đến 300 km/h.
Doanh nghiệp mong muốn được nghiên cứu và triển khai dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) với hình thức hợp đồng xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO), nhằm giảm gánh nặng đầu tư, bảo trì và vận hành cho ngân sách nhà nước.
Theo đề xuất, tuyến đường sắt dài 121 km, với vận tốc 300 km/h, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Quảng Ninh xuống khoảng 30 phút.
Theo Vingroup, nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, dự án hứa hẹn trở thành động lực lớn, thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút đầu tư cho hai địa phương.
Hiện chưa rõ tuyến đường sắt do Vingroup đề xuất sẽ được xây mới hoàn toàn hay tận dụng hạ tầng của tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân (nối Hà Nội đến Quảng Ninh), vốn đang thi công dang dở.
Tuyến đường sắt trên được khởi công từ năm 2004 nhưng bị đình hoãn vào năm 2011 do thiếu vốn, được thiết kế với tốc độ 120 km/h, phục vụ cả vận chuyển hàng hóa và hành khách. Tuyến chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập: Hạ Long – cảng Cái Lân; Lim – Phả Lại; Phả Lại – Hạ Long; Yên Viên – Lim
Hành lang kết nối Hà Nội – Quảng Ninh đã quy hoạch tuyến này, tận dụng hạ tầng tuyến Hà Nội – Lạng Sơn (đoạn Yên Viên – Lim) và Kép – Hạ Long – Cái Lân.
Tuy nhiên, Vingroup cho rằng tốc độ thiết kế 120 km/h là không phù hợp với công nghệ hiện đại, khó đáp ứng nhu cầu hành khách và thiếu sức cạnh tranh với các phương tiện đường bộ, đặc biệt khi các tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Quảng Ninh ngày càng hoàn thiện và thuận tiện.
Trước đó, vào cuối tháng 1/2025, Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã kiến nghị Chính phủ phương án hoàn thiện tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, với tổng chi phí đầu tư ước tính khoảng 8.300 tỷ đồng, tăng 700 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu. Trong đó, khoảng 4.000 tỷ đồng sẽ được bổ sung để tiếp tục đầu tư.
Dự án này ban đầu được lập dựa trên nhu cầu vận tải hàng hóa, chủ yếu kết nối khu vực Vân Nam (Trung Quốc) với cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Tuy nhiên, do quy hoạch cảng biển chuyển trọng tâm sang khu vực Hải Phòng (cảng Lạch Huyện), cùng với nhu cầu vận tải hành khách tăng cao trên hành lang Hà Nội – Bắc Ninh – Hải Dương – Quảng Ninh, công năng của dự án đã được điều chỉnh sang tập trung phục vụ hành khách.
Hiện tại, Tiểu dự án 1 (đoạn Hạ Long – cảng Cái Lân) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Bộ Xây dựng đề xuất tập trung đầu tư Tiểu dự án 2 và 3, bao gồm xây mới đoạn Lim – Phả Lại để thông tuyến và nâng cấp, cải tạo đoạn Phả Lại – Hạ Long, đảm bảo kết nối từ Yên Viên đến cảng Cái Lân.
Tiểu dự án 4 (đoạn Yên Viên – Lim) trùng với tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, hiện là đường đơn khổ lồng 1.435 mm và 1.000 mm, vẫn đáp ứng nhu cầu khai thác mà không cần đầu tư thêm.
Bộ cũng đề xuất chuyển đổi từ đường đơn khổ lồng sang đường đơn khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, vận tốc 120 km/h, đồng thời điều chỉnh vị trí và chức năng một số ga, như ga Chí Linh, để phù hợp với nhu cầu vận tải, quy hoạch đô thị và phát triển du lịch. Vật tư dư thừa sẽ được chuyển cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để bảo trì các tuyến đường sắt quốc gia.
Tại buổi làm việc ngày 16/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá các tuyến đường sắt trên hành lang Hà Nội – Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng trong kết nối vùng đồng bằng sông Hồng. Chính phủ hoan nghênh đề xuất của Vingroup và giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư để rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới đường sắt, xem xét lựa chọn hướng tuyến phù hợp nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư của nhà nước và tư nhân. Tuyến đường cần đáp ứng yêu cầu sử dụng đa mục đích, tích hợp với các phương thức giao thông khác, kết nối liên vận, liên tỉnh và đô thị.
Vingroup được yêu cầu làm rõ hướng tuyến, công trình hạ tầng, phương thức đầu tư và cơ chế, chính sách đi kèm để khai thác, phát triển hạ tầng, đô thị, thương mại, dịch vụ dọc tuyến dự án.
Báo cáo Beige Book của Cục Dự trự Liên bang mới công bố, chi tiêu…
Ô tô khách 29 chỗ đi từ thị trấn Tam Đảo xuống thì bị mất…
Bộ sưu tập sách cá nhân phản ánh tính cách và những kỷ niệm đáng…
Thị trưởng Kiev, ông Vitaly Klitschko, đã thừa nhận rằng Ukraine có thể phải nhượng…
Moskva và Washington đang "đi đúng hướng" để hoàn tất một thỏa thuận chấm dứt…
Các quan chức xác nhận một vị tướng hai sao đang giữ chức phó tổng…