Categories: Thời sựViệt Nam

Vụ bò sữa chết sau tiêm vắc-xin: Bồi thường, kiểm tra toàn bộ việc sản xuất, đấu thầu vắc-xin

Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương (Công ty NAVETCO) – đơn vị sản xuất, cung ứng vắc-xin NAVET-LPVAC phải chịu trách nhiệm bồi thường trong vụ việc bò sữa đổ bệnh tiêu chảy rồi chết hàng loạt sau khi tiêm vắc-xin. Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu làm rõ quy trình đấu thầu; quá trình giao, nhận và bảo quản vắc-xin này.

Người dân bên một con bò sữa phát bệnh sau khi tiêm vắc-xin viêm da nổi cục ở Lâm Đồng. (Ảnh: lamdongtv.vn)

Bồi thường, làm rõ quy trình đấu thầu vắc-xin NAVET-LPVA

Ngày 21/8, UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay đã thành lập tổ công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại vụ bò sữa chết sau tiêm vắc-xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Công ty NAVETCO.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNN) tỉnh Lâm Đồng làm tổ trưởng; bà Nguyễn Thị Kim Lan – Tổng giám đốc Công ty NAVETCO là tổ phó.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhiệm vụ của tổ này là rà soát, thống kê, tính toán thiệt hại của nông dân có bò bị bệnh, chết do tiêm vắc-xin; đồng thời phối hợp với Công ty NAVETCO để thực hiện hỗ trợ, đền bù cho người dân bị thiệt hại trong vụ việc.

Trước đó, sau các buổi làm việc với các địa phương, cơ quan chuyên môn, Cục Thú y (Bộ NN-PTNN), Công ty NAVETCO…, ông Nguyễn Thái Học – Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan liên quan làm rõ quy trình đấu thầu; quá trình giao, nhận và bảo quản vắc-xin; các quy trình, hướng dẫn sử dụng và các vấn đề liên quan khác về việc lần đầu tiên sử dụng chủng loại vắc-xin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC để tiêm cho đàn bò trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời yêu cầu khẩn trương nghiên cứu các quy định, chính sách để xây dựng kế hoạch, phương án bồi thường hỗ trợ, cho người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại. Căn cứ kết luận nguyên nhân gây bệnh (sau khi được công bố chính thức), xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bồi thường, hỗ trợ. Đánh giá cụ thể tình hình từng hộ chăn nuôi; từng loại, tình trạng bò để xác định mức hỗ trợ, bồi thường.

Vắc-xin gây bệnh ở bò sữa được tiêm cho cả bò thịt

Hiện tượng bò sữa chết bắt đầu xuất hiện từ ngày 26/7 ở xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương), tới nay đã lan sang các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh.

Sở NN-PTNN tỉnh Lâm Đồng cho hay trong ngày 19/8 phát sinh thêm 380 con bò nhiễm bệnh, 7 con bị chết. Cập nhật đên 16h ngày 20/8, toàn tỉnh có 6.439 con bò bị bệnh; 362 con đã chết (tăng 14 con so với ngày 19/8).

Hiện người dân đang cố gắng cứu chữa cho bò sữa bị suy kiệt do phát bệnh sau khi tiêm vắc-xin. Có trường hợp bê (không tiêm vắc-xin) bị nhiễm bệnh do bú sữa từ bò mẹ được tiêm vắc-xin, cũng suy kiệt. (Ảnh: lamdongtv.vn)

Tại báo cáo của Bộ NN-PTNN gửi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, theo báo cáo của tỉnh Lâm Đồng, việc tiêm vắc-xin NAVET-LPVAC phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò được thực hiện từ ngày 19/6 đến 2/8. Tổng cộng đã tiêm 35.002 con bò, trong đó 25.876 con bò thịt (đến nay vẫn khỏe mạnh bình thường) và 9.126 con bò sữa.

“Căn cứ triệu chứng lâm sàng, mổ khám kiểm tra bệnh tích, kết quả xét nghiệm và giải trình tự gene, Cục Thú y bước đầu kết luận (do hiện nay các phòng thí nghiệm đang nuôi cấy phân lập vi-rút, giải trình tự gene và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm tham chiếu của Tổ chức Thú y thế giới để xác định chính xác) nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc-xin NAVET-LPVAC của Công ty NAVETCO” – theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Phùng Đức Tiến đứng tên.

Cụ thể, kết quả kiểm tra, quan sát và trao đổi về triệu chứng lâm sàng của bò sữa bị bệnh cho thấy con vật mệt mỏi, bỏ ăn, lờ đờ, thở dốc, viêm đường hô hấp, ủ rũ, chảy nước dãi. Bò vận động kém hoặc nằm một chỗ, triệu chứng mất nước và điện giải biểu hiện rõ. Bò bị sốt (có nhiều con sốt cao trên 40 độ C), tiêu chảy phân lỏng dạng nước và có thể bị chết sau vài ngày xuất hiện triệu chứng.

Đoàn công tác của Cục Thú y đã tiến hành mổ khám 17 con bò sữa (12 con đã tiêm vắc-xin, 5 con chưa tiêm vắc-xin và không có triệu chứng bệnh).

Ngoài ra, Cục Thú y lấy 14 lô vắc=xin NAVET-LPVAC để gửi các phòng thí nghiệm của Cục này, tiến hành xét nghiệm lặp lại nhiều lần tổng cộng 51 mẫu nhằm phát hiện các tác nhân gây bệnh.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), hiện nay có 3 type Pestisvirus gồm: Pestisvirus bovis (BVD type 1), Pestisvirus tauri (BVD type 2) và Pestisvirus brazilense (BVD type 3). Bệnh xảy ra chủ yếu trên bò sữa, loài nhạy cảm với thay đổi môi trường nuôi dưỡng, thời tiết và có sức đề kháng yếu hơn so với bò thịt, bò bản địa.

Sơn Nguyên

Sơn Nguyên

Published by
Sơn Nguyên

Recent Posts

Chút tản mạn về tên ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký

Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…

2 phút ago

Có cách nào cải thiện tình trạng quần áo bị xù lông?

Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…

9 phút ago

Ý định của ông Trump trong việc muốn giải thể Bộ Giáo dục Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…

12 phút ago

Cựu Dân biểu Matt Gaetz rút lui khỏi vị trí ứng cử viên tổng chưởng lý

Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…

18 phút ago

Ông Trump bán cây đàn guitar có chữ ký với giá hơn 10.000 USD

Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…

37 phút ago

Bệnh tiểu đường gây tổn thương võng mạc như thế nào?

Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…

55 phút ago