Việt Nam

Vụ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam nợ phụ huynh 3.200 tỷ đồng: Ý kiến của luật sư

Theo đơn phản ánh của các phụ huynh trường Quốc tế Mỹ Việt Nam gửi cơ quan chức năng, trường này đang nợ phụ huynh 3.200 tỷ đồng. Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM đánh giá vụ việc là vấn đề lớn.

Phụ huynh căng băng rôn đòi nợ bà Út Em – Chủ tịch HĐQT trường ngay trước cổng trường hồi tháng 9/2023. (Ảnh: giaoducthoidai.vn)

Vừa qua, phụ huynh có con theo học Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) tiếp tục gửi cầu cứu đến cơ quan chức năng tại TP.HCM vì “1.400 học sinh đang bị thất học”.

Trong đơn thư của phụ huynh gửi lên cơ quan chức năng có đoạn: “Hơn 90% phụ huynh chúng tôi đã đóng tiền đầy đủ cho con mình theo học hết cấp 3 ở trường Quốc tế Mỹ dưới hợp đồng cho vay, hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư; tổng số tiền chúng tôi đã đóng vào hay nói cách khác là bà Út Em đã huy động đang nợ chúng tôi lên đến hơn 3.200 tỷ”.

Ngôi trường này từng gây chú ý hồi cuối tháng 9 năm ngoái khi bị nhiều phụ huynh căng băng rôn đòi nợ trước cổng trường đòi nợ, số khác làm đơn kiện lên tòa án yêu cầu trả tiền và lãi suất.

Theo phản ánh từ phụ huynh học sinh, Chủ tịch HĐQT Trường AISVN huy động tiền vay (lãi 0%) từ phụ huynh. Theo hợp đồng do phụ huynh cung cấp, số tiền vay không có tài sản thế chấp, chỉ thông qua hợp đồng vay vốn. Bù lại, con của họ được học miễn phí, trường sẽ trả lại số tiền vay khi học sinh tốt nghiệp hoặc chuyển trường. Tuy nhiên, khi việc học kết thúc, các phụ huynh này lại rơi vào cảnh mòn mỏi đi “đòi nợ”.

Ngày 20/3, trường thông báo đón học sinh trở lại, nhưng có không ít tiết cả trăm học sinh phải ngồi căng tin vì không có giáo viên. Điều này khiến học sinh hoang mang không biết đến trường có được học hay không.

Đưa ra quan điểm về sự việc, một luật sư trong lĩnh vực pháp lý và tài chính tại TP.HCM (yêu cầu không nêu tên) nhận định giá trị hợp đồng rất lớn, song nội dung sơ sài, điều kiện không rõ ràng.

“Về bản hợp đồng mua gói học hay còn gọi là hợp đồng hợp tác đầu tư, cái này tôi chỉ đọc được 2 hợp đồng giống nhau, chứ chưa đọc hợp đồng đã ký. Hợp đầu chỉ có 2 trang giấy, nội dung hết sức sơ sài, điều kiện không rõ ràng, lỏng lẻo, mặc dù trị giá hợp đồng khoảng 5 tỷ.

Nói một cách nghiêm khắc, hợp đồng này có thể rơi vào trường hợp vô hiệu, và bên chủ trường phải trả lại tiền cho nhà đầu tư.” – vị luật sư cho hay.

Cũng theo vị này, để có thể lấy lại tiền, phụ huynh cần có luật sư tư vấn, thực hiện các bước pháp lý phù hợp để đòi tiền, và đưa vụ việc ra tòa án và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Nói về việc chọn trường cho con em theo học, luật sư tham vấn phụ huynh cần xem xét nhân cách của chủ trường trước khi xem xét về trường, và bản hợp đồng. Phụ huynh cần trò chuyện và tìm hiểu những gia đình có con học ở nhiều trường, gặp và trao đổi với những đứa trẻ, bạn sẽ có thể đưa ra nhận định về trường đó. Tiếp theo, phụ huynh cũng cần tìm hiểu lịch sử và hoạt động dạy và học của trường, xem kỹ các hợp đồng ký với nhà trường. Đặc biệt , tìm hiểu chủ đầu tư kỹ càng là việc cần làm.

Sở GD&ĐT TP.HCM nói “đây là vấn đề lớn”

Chiều ngày 21/3, tại một buổi họp báo, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM đã đưa ra nhiều thông tin về vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (huyện Nhà Bè) nợ lương giáo viên, dẫn đến gần 1.300 học sinh trường phải nghỉ học khi hầu hết giáo viên không đến trường.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu – Phó Giám đốc Sở cho biết Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam là trường tư thục  gồm 3 cấp học là Tiểu học, THCS, THPT.

Ngôi trường có các giáo viên trong nước và giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy. Tình trạng các giáo viên trường nghỉ việc bắt đầu từ ngày 4/3 tới nay. Từ thời điểm đó, Sở đã mời Hiệu trưởng, Hội đồng nhà trường lên làm việc.

Bà Châu cho hay qua các buổi làm việc, nhà trường nói đang gặp khó khăn về phương án tài chính từ giai đoạn dịch COVID-19 đến nay.

Phương án được phía nhà trường đưa ra là tiếp tục mời gọi các quỹ đầu tư, tái cấu trúc lại nhà trường. Do đó, thời gian này, hoạt động và vấn đề trả lương cho giáo viên bị ảnh hưởng.

Theo bà Châu, sau khi tiếp nhận thông tin, Sở đã báo cáo với UBND TP.HCM và tính toán các phương án. Sở cũng thành lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh, tổ xử lý đơn thư liên quan đến Trường Quốc tế Mỹ.

Bà Châu nhấn mạnh trường có 1.213 học sinh, tới từ nhiều tỉnh thành. Đây là vấn đề lớn của thành phố.

Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đề nghị các trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức, hiệu trưởng các trường THPT, trường có vốn đầu tư nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận học sinh từ Trường Quốc tế Mỹ có nhu cầu chuyển đến.

“Sáng nay, chúng tôi đã làm việc với khoảng 20 phụ huynh học sinh tại Trường Quốc tế Mỹ. Họ có ý không muốn chuyển trường mà muốn phía sở trao đổi với chủ đầu tư cho phép họ tiếp quản, điều hành nhà trường”, bà Châu chia sẻ thông tin và khẳng định đây là điều vượt thẩm quyền của Sở vì sở chỉ đảm bảo việc dạy và học cho học sinh.

Trường Quốc tế Mỹ được xem là một trong những trường quốc tế có mức học phí cao nhất tại TP.HCM. Là hệ thống trường liên cấp từ mầm non đến lớp 12 với khoảng 1.400 học sinh đang theo học. Theo công bố, học phí năm học 2023-2024 của trường này dao động từ 280 triệu đồng đến mức cao nhất 725 triệu đồng/năm, chưa tính nhiều khoản chi phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ…

Trường Tiểu học, THCS, THPT Quốc tế Mỹ được thành lập theo quyết định 432 ngày 31 tháng 1 năm 2019 của UBND TP.HCM trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học Tư thục Mỹ và Trường THPT Quốc tế Mỹ.

Ý kiến của phụ huynh và dư luận

Theo thông tin trên báo VnExpress ngày 22/3, chị Hải Anh (một phụ huynh trường AISVN) và một nhóm khoảng 160 người muốn làm việc trực tiếp với ban giám hiệu, đóng thêm tiền để phần nào trả lương cho giáo viên, cố duy trì hoạt động cho đến hết năm.

“Việc chuyển trường ngay lúc này sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học của con. Tôi vẫn muốn con hoàn thành năm học ở AISVN, sau đó tìm trường khác phù hợp”, chị Hải Anh nói.

Anh Phước Nguyên cho rằng cách này “như muối bỏ bể” vì tháng 10/2023, bà Út Em đã kêu gọi phụ huynh đóng thêm tiền để “cứu” trường. Nhiều người đã đóng nhưng không giải quyết được vấn đề. Anh đang liên hệ với vài trường để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Chị Hồng Hà thì đã quyết chuyển trường. Chị nói cần ưu tiên việc học của con, số tiền đóng ở AISVN sẽ tính sau.

“Hai tháng nữa là kết thúc năm học, tôi buộc phải chuyển sang trường quốc tế tương đương để con hoàn thành chương trình. Nếu trễ hơn, các con phải học lại một năm”.

Về lý do mà trường này đưa là vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, một phụ huynh đã để lại bình luận trong nhóm Facebook Hội Phụ Huynh Trường Quốc Tế Tại Việt Nam như sau: “Lý do dịch COVID nhưng dạy online tiền vẫn tính offline ko thiếu 1 đồng, rồi hết dịch 2-3 năm vẫn lỗ và học sinh vẫn tăng?”

Trên báo VnExpress, một phụ huynh có con học tại trường Quốc tế Mỹ Việt Nam thì cho hay: “Tôi cũng còn vài trăm triệu chưa lấy được ở trường này, vì cũng tham gia 2 hợp đồng đầu tư giáo dục ở đây , nhưng riêng trường hợp của tôi nếu mất thì cũng không tiếc. Hai con tôi học trường công rồi chuyển qua đây học 3 năm lớp 10,11,12. Các con đều được học bổng 90-100 % học phí cho 4 năm đại học ở trường tư top 100 Mỹ. Công bằng mà nói chất lượng ở trường này quá tốt. Thật đáng tiếc!”

Một người khác viết: “Con sếp hiện tại của mình cũng mắc kẹt ở đó hơn 2 tỷ đồng cho đứa con học ở đó. Viễn cảnh con học xong được nhận lại tiền đầu tư quá xa vời.”

Nick name Trương Quang Nhật cho rằng: “Thực ra mối quan hệ giữa trường và hội phụ huynh là mối quan hệ theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, bên B (phụ huynh) thụ hưởng một số quyền lợi dựa theo vốn góp, cụ thể ở đây là các con được thụ hưởng dịch vụ giáo dục do bên A (nhà trường) cung cấp. Tình hình kinh doanh bất lợi nên cả 2 bên sẽ phải chịu thiệt hại, trường nên tuyên bố phá sản, thực hiện giải thể theo luật, phân chia lợi ích hài hoà với phụ huynh thôi. Về phía phụ huynh thì coi như đã đầu tư thất bại một phi vụ, chờ phân chia quyền lợi/ nghĩa vụ theo tỷ lệ góp vốn thôi. Bài học rút ra là chọn môi trường giáo dục con cái phải tính đến yếu tố bền vững, không nên áp tư duy lời lỗ.”

“Tài sản của những người này khá lớn, khó hiểu khi họ chọn cách quá rủi ro như vậy?”, độc giả tên Mạnh thắc mắc.

Một người khác bình luận rằng: “Đóng tiền vào rồi con học xong trả lại, vậy chủ trường đầu tư gì để ra được số lời mà duy trì trường suốt thời gian học sinh học, nghe đã vô lý rồi.”.

Thành lập tổ chuyên trách xử lý đơn thư của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam

Sở GD&ĐT TP.HCM công bố tiếp nhận thông tin của phụ huynh học sinh trường qua số điện thoại 028.38294016 và địa chỉ email tiepcongdan@hcm.edu.vn.

Trong trường hợp phụ huynh học sinh có nhu cầu chuyển trường, Sở GD&ĐT đã công khai danh sách cơ sở giáo dục, địa chỉ, mức học phí công lập và ngoài công lập để phụ huynh làm các thủ tục chuyển trường theo quy định.

Sở GD&ĐT thành lập tổ chuyên trách xử lý đơn thư của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam. Hằng ngày, có bộ phận tổng hợp báo cáo tình hình học sinh, giáo viên của trường này đến Ban Giám đốc trước 17h.

Khánh Vy

Khánh Vy

Published by
Khánh Vy

Recent Posts

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

8 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

13 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

47 phút ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

1 giờ ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

1 giờ ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

1 giờ ago