Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trong các vụ bạo hành trẻ em, 84% vụ thuộc về xâm hại tình dục. Không những em gái, mà các em trai cũng bị xâm hại tình dục; không chỉ tội phạm Việt Nam mà cả tội phạm nước ngoài vào Việt Nam cũng thực hiện hành vi này.
Trong phiên chất vấn chiều nay (5/6), vấn đề xâm hại tình dục trẻ em là một trong những vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm. Quốc hội đã mời Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Viện trưởng VKSND dân tối cao Lê Minh Trí, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng giải trình thêm về vấn đề này.
Trước đó, trong phiên chất vấn buổi sáng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) – chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng con số 2.000 vụ bạo hành không sát thực. Vì riêng vấn đề xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm đã là 1.500 vụ.
Là người giải trình đầu tiên, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nhận định xâm hại trẻ em là vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. Thống kê, chỉ 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan tố tụng đã khởi tố 701 vụ, truy tố 753 vụ với hơn 800 bị can, trong đó có 486 vụ đã xét xử với 490 bị can.
Để giải quyết vấn đề này, ông Trí cho rằng cần có sự nỗ lực rất lớn cùng các giải pháp đồng bộ và hoàn thiện của hệ thống pháp luật liên quan; đồng thời cần giáo dục kỹ năng cho các em, toàn xã hội cùng lên án hành vi này.
Ông Trí cũng thông tin tháng 12/2017, Bộ Công an và Viện KSND Tối cao đã ban hành thông tư liên tịch để phối hợp trong việc tiếp nhận tin báo tố giác hành vi phạm tội, đặc biệt tội xâm hại tình dục trẻ em.
Ngoài ra, VKSND Tối cao cùng TAND tối cao đã xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự về đối tượng tham gia tố tụng dưới 18 tuổi, dự kiến đầu quý III sẽ được ban hành.
Còn theo Chánh án Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong giai đoạn 2013-2017, tòa án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em với 5 tội danh khác nhau theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, có 549 vụ xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 6%) phải trả hồ sơ, 93% vụ xét xử đúng người, đúng tội.
“Đây là những vụ không khó trong xét xử nhưng khó trong điều tra bởi đa số các vụ việc chỉ truy xét, không có chứng cứ, xảy ra đã lâu. Gia đình nạn nhân không khai báo, thậm chí che giấu. Có những loại tội giám định nạn nhân là bắt buộc nhưng gia đình từ chối”, ông Bình cho biết.
Chánh án tối cao cho rằng một trong những vấn đề đặt ra của ngành là phải hạ tỷ lệ số vụ trả hồ sơ, điều tra bổ sung, sửa án.
Theo đó, TAND tối cao đã xuất bản 3 tập giải đáp về nghiệp vụ, có bộ giáo trình riêng để tập huấn việc xét xử cho các tội về xâm hại tình dục trẻ em; nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi, tập huấn cho hơn 6.000 thẩm phán, ban hành những thông tư về hướng dẫn tòa thân thiện, tòa gia đình.
Hiện mô hình tòa thân thiện dành cho các vụ án hôn nhân gia đình, xâm hại tình dục trẻ em cũng được xây dựng, đang đưa vào thực thi trên toàn quốc. Với những vụ án xâm hại tình dục thì xét xử kín, thậm chí không ra tòa, chỉ phỏng vấn qua micro để không ảnh hưởng tâm lý người liên quan.
Trong năm nay, mô hình xét xử thân thiện được thực hiện trên cả nước dành cho các vụ việc liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên. Những trường hợp với các vụ xâm hại tình dục phải xử kín, chỉ phỏng vấn qua micro để không ảnh hưởng tâm lý người liên quan.
Người giải trình cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 682 vụ trong lĩnh vực này, số lượng vụ xâm hại tình dục chiếm 84%, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2017.
Bộ trưởng cho biết ngoài trẻ em gái, trẻ em trai cũng là nạn nhân của xâm hại tình dục; không chỉ tội phạm Việt Nam mà cả tội phạm nước ngoài vào Việt Nam cũng thực hiện hành vị này.
Việc tố cáo tội phạm xâm hại trẻ em thường diễn ra chậm nên điều tra thu chứng cứ, dấu vết khó khăn; nhiều trường hợp nạn nhân cũng như người thân giấu thông tin khiến nhiều tội phạm thực hiện thời gian dài mới bị phát hiện; có những gia đình không hợp tác điều tra vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vụ án xâm hại tình dục thường không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân nhỏ tuổi nên khai báo không chính xác, không thống nhất, hoặc khai theo hướng dẫn của cha mẹ nên khó khăn điều tra; đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng cũng chưa thống nhất.
Hiện Bộ luật Hình sự 1999 quy định 5 tội về xâm hại tình dục, nhưng Bộ luật này sửa đổi năm 2015 quy định thành 6 tội rõ ràng.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường nhận thưc phòng chống xâm hại tình dục; thực hiện công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm; cần có quy trình điều tra đặc biệt với loại tội phạm này.
Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp sẽ đứng ra làm trọng tài, tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này theo quy trình đặc biệt chứ không thể theo trình tự thông thường.
Phiên làm việc với nhóm vấn đề thứ 3 trong chiều nay kết thúc với 51 ĐB đặt câu hỏi và 18 ĐB tranh luận. Ngày mai (6/6), phiên làm việc của Quốc hội về nhóm vấn đề thứ 4 (thuộc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ) sẽ được tiếp tục.
Trần Tâm
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…