Trung Quốc

6 vụ sát hại quan chức ĐCSTQ liên tiếp xảy trong hơn 3 tháng

Chỉ trong hơn 3 tháng, Trung Quốc đã xảy ra ít nhất 6 vụ án giết quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các nhà phân tích cho rằng sự đen tối có hệ thống của ĐCSTQ khiến người dân nước này gặp khó khăn trong việc giải quyết những bất bình của mình, tạo ra bầu không khí bạo lực mạnh mẽ lan rộng trong xã hội, và cuối cùng khiến việc giết người trở thành lối thoát.

Cảnh sát ở quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. (Ảnh: Citta Studio/ Shutterstock)

1. Nữ Giám đốc Sở tài chính tỉnh Hồ Nam

Ngày 20/9, Sở Tài chính tỉnh Hồ Nam đã ban hành cáo phó, theo đó bà Lưu Văn Kiệt (Liu Wenjie), đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, đại biểu Nhân đại toàn quốc Trung Quốc lần thứ 14, đồng thời là Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hồ Nam, bị giết ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam một ngày trước đó, hưởng dương 58 tuổi.

Theo báo cáo của cảnh sát ngày 19/9: Vào lúc 9:12 sáng ngày hôm đó, một vụ án hình sự đã xảy ra tại một ký túc xá thuộc một cộng đồng trên đường Thành Nam, quận Thiên Tâm, thành phố Trường Sa. Bà Lưu Văn Kiệt bị giết, và hai nghi phạm họ Giang rơi từ trên lầu xuống tử vong.

Tối muộn hôm sau, cảnh sát thành phố Trường Sa lại thông báo về vụ việc, nói rằng khi bà Lưu Văn Kiệt mở cửa nhà thì bị hai nghi phạm dùng dao uy hiếp. Bà Lưu giằng co với một nghi phạm và cùng nghi phạm ngã từ ban công xuống, nghi phạm còn lại trong quá trình chạy trốn cũng rơi từ trên lầu xuống tử vong 

Báo cáo của cảnh sát đặc biệt nhấn mạnh rằng không có bất cứ sự tiếp xúc nào nào giữa bà Lưu Văn Kiệt và người nhà của bà với hai nghi phạm trước khi vụ việc được phát hiện.

Nhưng ngay cả các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng không tin vào tuyên bố này. Sau vụ việc, nhiều nguồn tin nói với trang tin Yicai (China Business News) rằng hai nghi phạm có mối liên hệ công việc với bà Lưu Văn Kiệt. 

Ông Tưởng Võng Chính (Jiang Wangzheng), một người tự truyền thông từng làm việc trong ngành ngân hàng tại Trung Quốc Đại Lục và hiện sống ở Úc, mới đây nói với tờ Epoch Times rằng 1 trong 2 nghi phạm tên là Giang Huy (Jiang hui, 35 tuổi) và người còn lại tên là Giang Diệc Huy (Jiang Yihui, 31 tuổi). Giữa hai người có mối quan hệ cho vay với bà Lưu Văn Kiệt. Trong khoản vay trị giá 60 triệu nhân dân tệ (tương đương 8,5 triệu USD), bà Lưu Văn Kiệt là người bảo lãnh, nhưng người đi vay đã không thực hiện lời hứa khi trả nợ. Vì vậy, nghi phạm thứ hai đòi bà Lưu Văn Kiệt tiền gốc và lãi vay và xảy ra tranh chấp với bà.

2. Tin đồn quan chức cấp cao ở Thiểm Tây bị “diệt môn”

Ngày 5/9, phân cục Công an Tần Đô của Cục Công an thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây đã đưa ra “thông báo treo thưởng”. Thông báo cho biết, văn phòng đang điều tra một vụ án hình sự nghiêm trọng, những người như Trương Chí Hào (Zhang Zhihao), Phùng Long (Feng Long), Triệu Tuấn Khánh (Zhao Junqing), Trương Bằng Phi (Zhang Pengfei), Cảnh Vệ Vệ (Jing Weiwei) bị tình nghi phạm tội lớn và bỏ trốn vào ngày 19/7.

Thông báo chỉ liệt kê thông tin cơ bản của 5 người, còn yêu cầu công chúng tố cáo ngay lập tức nếu phát hiện 5 người này. Số tiền thưởng là 10.000 đến 30.000 nhân dân tệ (khoảng 1.420 đến 4.260 USD), đồng thời cũng cảnh cáo những người bao che.

Thông báo khen thưởng nói trên được đưa ra 48 ngày sau khi nghi phạm bỏ trốn và không đề cập đến bất kỳ thông tin nào về vụ án liên quan, điều này cực kỳ bất thường.

Có người tự xưng là người trong ngành công an nói rằng có 5 người thuộc một băng nhóm và phạm tội. Họ cướp nhà của một quan chức cấp cao ở Hàm Dương và xóa sổ cả gia đình ông ta. Cựu nhân vật làm truyền thông Trung Quốc Triệu Lan Kiện cũng tiết lộ trên mạng xã hội X rằng cả gia đình phó thị trưởng thành phố Hàm Dương đã bị sát hại.

Một người ở địa phương nắm được tình hình đã nói với phóng viên Epoch Times về nguyên nhân vụ việc. Fang Hao (hóa danh), cư dân thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây, cho biết đây không phải là vụ giết người vô tội một cách bừa bãi. Kẻ chủ mưu vụ án Trương Chí Hào là một chủ nhà tắm nổi tiếng ở địa phương, rất có sức ảnh hưởng ở địa phương, 4 người còn lại là nhân viên của ông. Vụ án liên quan đến tranh chấp giữa anh rể Trương Chí Hào là đại biểu nhân đại địa phương Vu Kiến Bang với quan chức cấp cao địa phương. Vì liên quan đến những người nhạy cảm nên chính quyền đã phong tỏa mọi thông tin.

3. Chủ tịch ngân hàng ở Hàm Đan

Ngày 15/8, cảnh sát thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc cho biết, vào khoảng 11h cùng ngày đã xảy ra một vụ án hình sự tại một tòa nhà thương mại ở quận Tùng Thái, một người đàn ông bị đâm, đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó tử vong. Nghi phạm họ Tống (54 tuổi) đã bị cảnh sát khống chế.

Truyền thông Trung Quốc ngày hôm sau xác nhận nạn nhân là ông Trịnh Chí Anh (Zheng Zhiying), chủ tịch Ngân hàng Hàm Đan. Ông đã bị giết giữa thanh thiên bạch nhật trong văn phòng của mình. Ngoài ra còn có tin đồn rằng kẻ sát nhân họ Tống là một giám đốc chi nhánh ngân hàng đã bị sa thải trước đó.

4. Nữ thẩm phán ở Hà Nam

Vào khoảng 6h chiều ngày 7/8, bà Vương Giai Giai (Wang Jiajia), một nữ thẩm phán 37 tuổi ở thành phố Tháp Hà, tỉnh Hà Nam, bị đâm chết tại cửa thang máy của bãi đậu xe ngầm trong khu chung cư của bà. Theo thông báo do Tòa án quận Yểm Thành, thành phố Tháp Hà đưa ra, đây là vụ án giết người trả thù do đương sự không hài lòng với kết quả phán quyết. 

Cách đây 4 tháng, một chiếc xe điện hai bánh do một người họ Đảng điều khiển đã va chạm với một ô tô du lịch nhỏ do người họ Lý điều khiển, vụ va chạm khiến người họ Đảng bị thương nhẹ. Cảnh sát giao thông xác định Lý phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Do hai bên hòa giải không thành, nên sau đó người họ Đảng đã đệ đơn kiện lên tòa án, yêu cầu người họ Lý và công ty bảo hiểm tài sản bồi thường 18.832,93 nhân dân tệ (khoảng 2.670 USD) cho các chi phí y tế và các tổn thất khác.

Vụ việc do bà Vương Giai Giai xử lý. Bà Vương không ủng hộ mọi yêu cầu của Đảng và cuối cùng yêu cầu công ty bảo hiểm tài sản của Lý bồi thường cho Đảng 9.384,89 nhân dân tệ (1.330 USD). Đảng không hài lòng với kết quả này.

Đảng đâm chết bà Vương Gia Giai rồi uống thuốc độc tự sát. Khi bị bắt tại nhà vào sáng sớm hôm sau, anh ta đã trong trạng thái hôn mê do uống thuốc độc. Tuy nhiên, cuối cùng Đảng đã được cứu sống.

Giết người chỉ vì chênh lệch 9.448,04 nhân dân tệ (khoảng 1.340)? Vụ việc thu hút sự quan tâm và bàn luận rộng rãi của dư luận. Tuy nhiên, một số cư dân mạng đặt câu hỏi rằng đằng sau vụ việc liệu còn có ẩn tình khác không.

5. Chủ tịch Liên đoàn Văn học Nghệ thuật Lâm Nghi bị sát hại

Ngày 9/7, cảnh sát thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông cho biết, vào gần 9:00 sáng hôm trước, nghi phạm họ Mã (49 tuổi) dùng dao làm bị thương người họ Chiến (53 tuổi) ở quận Lan Sơn rồi bỏ trốn. Người họ Chiến đã tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện, còn người họ Mã thì bị giam giữ.

Nạn nhân họ Chiến chính là ông Chiến Tường Xuân (Zhan Xiangchun), Chủ tịch Liên đoàn Văn học và Nghệ thuật Lâm Nghi ở tỉnh Sơn Đông. Ông bị đâm nhiều nhát với vết đâm ở mặt và cổ.

Tuần báo Tin tức Trung Quốc (China News Weekly) dẫn lời những người trong cuộc nói rằng nghi phạm họ Mã và ông Chiến Tường Xuân làm cùng đơn vị, Mã là công nhân và từng làm tài xế. Vị trí của Mã là một vị trí phúc lợi công cộng, và theo quy định, hợp đồng sẽ không được gia hạn sau khi hết hạn. Mã đã làm việc nhiều năm và bị sa thải sau Tết âm lịch năm 2024 nên rất bất mãn vì không thể gia hạn hợp đồng.

Người trong cuộc cũng tiết lộ, hiện trường vụ việc là trên tầng 7 của tòa nhà văn phòng Liên đoàn Văn học Nghệ thuật Lâm Nghi. Vào ngày xảy ra vụ việc, Mã và Chiến Tường Xuân đã xảy ra cãi vã trong tòa nhà văn phòng.

6. Chủ tịch Chính hiệp huyện Thấm tỉnh Sơn Tây Tần bị giết

Vào lúc 7:00 sáng ngày 3/6, một vụ án hình sự lớn đã xảy ra ở huyện Thấm, thành phố Trường Trị, tỉnh Sơn Tây. Chủ tịch Ủy ban Hội nghị hiệp thương chính trị (gọi tắt là Chính hiệp) là ông Quách Kiến Vũ (Guo Jianyu, 58 tuổi)  bị đâm chết. Vào đêm xảy ra vụ việc, nghi phạm là ông An Diệu Hồng (An Yaohong, 59 tuổi) đã bị cảnh sát bắt giữ.

Theo trang tin Wangyi tại Trung Quốc Đại Lục, An Diệu Hồng là nhân viên cũ của Hệ thống Thực phẩm Quận Thấm, đã làm việc hơn 30 năm. Vào khoảng năm 2000, do hoạt động của công ty gặp khó khăn, hầu hết nhân viên đều chọn cách mua đứt thâm niên làm việc, và rời khỏi công ty hoặc bị sa thải trực tiếp để tìm công việc khác. Tuy nhiên, An Diệu Hồng, một người khiếm thính, vẫn ở lại nhưng không nhận được lương cũng như tiền thưởng.

Vì cuộc sống, An Diệu Hồng đã đi khắp nơi vay mượn, và xây dựng hơn chục ngôi nhà trên vùng đất của Khu dự trữ ngũ cốc huyện Thấm. Ngoài việc tự mình sống ở đó, ông còn cho người khác thuê những căn phòng còn lại với một mức giá nhất định. Những ngôi nhà này đã trở thành nguồn sinh kế quan trọng của ông cùng vợ và con gái. Hành động của ông cũng nhận được sự cho phép ngầm của các quan chức cấp cao trong hệ thống thực phẩm.

Hơn 20 năm trôi qua trong chớp mắt. Vào năm 2022 và 2023, chính quyền huyện Thấm đã ban hành thông báo phá dỡ. Một số địa điểm nhà máy của các doanh nghiệp theo hệ thống ngũ cốc ban đầu sẽ bị thu hồi, và tất cả các tòa nhà liên quan đến khu vực nhà máy sẽ bị phá bỏ. Nếu hơn chục ngôi nhà do ông An Diệu Hồng xây dựng nhận được tiền bồi thường phá dỡ thì đó sẽ là một số tiền rất lớn. Câu hỏi liệu ông có sở hữu những ngôi nhà này hay không là một vấn đề gây tranh cãi.

Trong quá trình đàm phán lặp đi lặp lại và trước khi thỏa thuận bồi thường được ký kết, toàn bộ ngôi nhà của ông An Diệu Hồng đã sụp đổ giữa tiếng gầm rú của máy xúc. Ông không còn nhà và phải chuyển nơi ở liên tục. Vợ ông không thể chịu đựng được tình thế khốn khổ nên đã quyết định ly hôn với ông.

An Diệu Hồng từng ra ngoài làm việc nhưng lực bất tòng tâm. Trong cơn tuyệt vọng, ông buộc phải quay trở lại huyện Thấm. Để giải quyết vấn đề bồi thường mà trước đây ông chưa nhận được, An Diệu Hồng đã tìm đến Quách Kiến Vũ, Chủ tịch Ủy ban Chính hiệp của huyện Thấm, người chịu trách nhiệm về công việc phá dỡ, hy vọng rằng vị lãnh đạo lớn này có thể ra tay giúp đỡ. Nhưng cuối cùng thì bi kịch nói trên đã xảy ra.

Còn rất nhiều trường hợp giết quan chức, cảnh sát lan truyền trên mạng ở Trung Quốc Đại Lục, nhưng do yếu tố tin tức chưa đầy đủ nên không thể trình bày ở đây.

Về số vụ giết hại quan chức ngày càng gia tăng, nhà văn độc lập Gia Cát Minh Dương cho rằng đây là bùng phát “sự thù địch xã hội” do sự cai trị tà ác của ĐCSTQ gây ra.

Ông nói với tờ Epoch Times: “Sự đen tối về mặt thể chế của ĐCSTQ, chẳng hạn như các quan chức bảo vệ lẫn nhau, các cấp cao hơn đàn áp người dân, những bất công nghiêm trọng về mặt tư pháp, khiến người dân Trung Quốc khó có thể đòi được công lý. Khi sự bất mãn này càng bị đè nén, nó sẽ tạo ra một loại oán hận nặng nề lan rộng trong xã hội. Cuối cùng giết người đã thành một lối thoát duy nhất cho loại oán hận này, trả thù cũng thế, báo thù cũng thế, hay lạm sát vô cớ cũng thế, các câu chuyện bi kịch giống như trong phim “Chạm vào tội ác” của Giả Chương Kha sẽ ngày càng nhiều. Kiểu phản kháng bất thường lấy mạng đổi mạng này, cuối cùng sẽ đè đổ chính quyền ĐCSTQ.” 

Theo Dịch Phàm, Ngung Tâm / Epoch Times

Dịch Phàm, Ngung Tâm

Published by
Dịch Phàm, Ngung Tâm

Recent Posts

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

4 phút ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

1 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

1 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

1 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

1 giờ ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

2 giờ ago