Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tổ chức bắn pháo hoa mừng ngày giành được chính quyền (1/10), khi những người lính ĐCSTQ hành quân qua Quảng trường Thiên An Môn, thì người dân Trung Quốc không được quên quang cảnh ‘hoành tráng’ mà chính quyền này đạo diễn được lát bằng máu và sự áp bức vô số người dân trong hơn 70 năm qua. Chỉ tính 70 năm xây dựng chính quyền kể từ năm 1949, ĐCSTQ đã gây ra nhiều tội ác ngút trời, không sách nào kể hết.
Trong những ngày đầu xây dựng chính quyền, để loại bỏ những thế lực đối lập gây nguy hại quyền lực, tháng 3/1950, ĐCSTQ đã phát động “Chỉ thị về Nghiêm trị phần tử phản cách mạng”.
Tháng 12/1950, Lưu Thiếu Kỳ đưa ra chỉ thị: “Những tên thổ phỉ, bao gồm các tên đầu sỏ trong nước, đã quy hàng hối cải thì không nằm trong đối tượng hoạt động chống cách mạng, ngay cả khi trong quá khứ chúng có nợ máu thì cũng tha tội chết”. Nhưng Mao Trạch Đông đã sửa lại thành: “Nếu nợ máu nặng, quần chúng yêu cầu án tử hình, và nếu thấy tử hình tốt hơn là không thì cũng có thể áp dụng án tử hình.” Mao cũng ban hành chỉ đạo tử hình tại một số địa phương. Mao cho biết: “Thượng Hải là một thành phố lớn với 60 triệu người, chiếu theo tình hình Thượng Hải đã bắt hơn 20.000 người nhưng chỉ giết hơn 200 người, tôi nghĩ rằng năm 1951 nên có ít nhất 3.000 tên phản cách mạng bị tử hình. Trong nửa đầu năm, ít nhất nên tử hình 1.500 tên.”
Theo đề nghị của Mao, Trung ương ĐCSTQ đã họp để thảo luận về vấn đề tỷ lệ kẻ phản cách mạng phải tử hình, “Đã đưa ra quyết định dựa trên tỷ lệ dân số 1/1000, trước tiên một nửa con số này sẽ dựa theo tình hình quyết định”. Thời điểm đó tổng dân số Trung Quốc là 550 triệu người, và một nửa của 1/1000 là 275.000 người.
Cuối cùng bao nhiêu người thiệt mạng vì chiến dịch này? Trong một báo cáo năm 1954 của Thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ Từ Tử Vinh cho biết: Trong chiến dịch chống phản cách mạng đã bắt giữ 2,62 triệu người, trong đó tử hình 712.000 người, chiếm 1,31/1000 dân số toàn quốc; 1,29 triệu người bị kết án lao động cải tạo; 1,2 triệu người bị quản chế; 380.000 người được thả sau khi được giáo dục cải tạo. Ông Dương Khuê Tùng (Yang Kuisong), chuyên gia nghiên cứu lịch sử ĐCSTQ là Giáo sư Đại học Bắc Kinh cho biết, “Nếu chú ý đến nửa sau tháng 4/1951 khi Mao Trạch Đông ‘khẽ nhắc nhở’ vấn đề ở ban chỉ đạo tại một số khu vực đã quá lạm dụng tử hình, thậm chí một số nơi dường như che giấu tình hình, thì trong thực tế số vụ hành quyết trên toàn quốc có khả năng vượt quá con số 712.000 người.”
Để củng cố quyền lực chính trị, về mặt kinh tế chính trị, ĐCSTQ đã thực hiện chính sách “loại bỏ” và cải tạo, gọi đó là “Phong trào cải cách xã hội chủ nghĩa”. Phong trào này là để tiến hành cải cách ruộng đất ở nông thôn, với mục đích tiêu diệt địa chủ, chiếm đoạt tài sản của địa chủ và phú nông, đồng thời thiết lập quyền lực kiểm soát của ĐCSTQ đối với nông dân.
Ngày 24/2/1950, Viện Quản lý Nhà nước (Chính vụ viện) của ĐCSTQ đã thông qua “Chỉ thị về cải cách ruộng đất và trưng thu thuế lương thực tại các khu vực mới giải phóng”. Ngày 28/6 cùng năm, ĐCSTQ đã thông qua “Luật cải cách ruộng đất” để bắt đầu cải cách ruộng đất. Mao cũng cho biết khó có thể thực hiện được chính sách này trong hòa bình, phải tổ chức nông dân đấu tranh để chiếm lại ruộng đất, phải đấu tranh trực diện với giai cấp địa chủ.
Theo chỉ đạo của ban lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ, các cán bộ của ĐCSTQ được chia thành nhiều nhóm thâm nhập sâu vào các vùng nông thôn trên cả nước. Sau khi họ đến nông thôn đã kích động những người nông dân không có ruộng đất, đặc biệt là nông dân thất thế ở nông thôn, đấu tranh với nông dân có ruộng đất. Ngoài ra, ĐCSTQ còn thực hiện phân chia giai cấp và thành phần ở các vùng nông thôn, cả nước có ít nhất 20 triệu người bị chụp mũ “Địa chủ, phú nông, chống cách mạng, thành phần xấu”, khiến họ trở thành “dân đen” mất quyền công dân. Hơn nữa, mỗi khu vực đều có một số địa chủ có thanh thế bị quy kết là “bá”, địa chủ bị xác định là “bá” sẽ bị xử tử.
Như vậy cuối cùng có bao nhiêu địa chủ đã bị giết hại và trấn áp? Trong tác phẩm “Lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” do nhà sử học người Mỹ John King Fairbank biên soạn được Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải công bố năm 1990 chỉ ra, trong thời kỳ đầu ĐCSTQ lên nắm quyền đã trấn áp khoảng một triệu đến hai triệu địa chủ và phú nông.
Theo nghiên cứu của nhà sử học đương đại Mỹ Erpin Gao, theo tinh thần chỉ đạo trong cải cách ruộng đất “8% số hộ nông dân và 10% của tổng số nông dân tại khu mới giải phóng bị xử lý” cho thấy ít nhất 30 triệu nông dân đã bị thanh trừng với những mức độ khác nhau, ít nhất hai triệu địa chủ trở lên đã bị đàn áp và tước đoạt tất cả tài sản, họ không chỉ bị mất đất mà phần nhiều rơi vào cảnh gia đình tan vỡ và thiệt mạng. Đặc biệt khi chiến dịch đàn áp phản cách mạng “nối bước theo sau” được triển khai thì kế hoạch của ĐCSTQ nhằm tiêu diệt địa chủ trên quy mô rộng khắp và xây dựng trật tự mới được đẩy mạnh thực hiện. Chẳng hạn như một vụ án xảy ra sau cải cách ruộng đất tại tỉnh Cam Túc, một số nông dân vì đánh một cán bộ thôn mà tất cả đã bị kết tội phản cách mạng, trong đó có 4 người bị tử hình và 3 người bị kết án tù nặng nề.
Điều đáng sợ hơn là việc giết địa chủ trong cải cách ruộng đất được thực hiện dựa theo tỷ lệ, theo định mức số người để tính hoàn thành nhiệm vụ, mà không dựa theo lý lẽ phải trái. Từ ước tính bảo thủ của giới chuyên gia thì có khoảng hai triệu “thành phần địa chủ” bị sát hại trong cải cách ruộng đất. Thậm chí có học giả người Mỹ còn ước tính đến 4,5 triệu người bị chết trong chiến dịch cải cách ruộng đất.
>>Nhìn lại hậu quả tai hại của cuộc “Cải cách ruộng đất” tại Trung Quốc
Tài liệu được giải mật cho thấy thực tế cái gọi là “hỗ trợ Triều Tiên chống Mỹ” mà ĐCSTQ thường khoe khoang chính là ủng hộ cuộc chiến xâm lược tàn ác của Triều Tiên đối với Hàn Quốc. Ngày 30/1/1951, Ủy ban thứ nhất của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết lên án Trung Quốc là kẻ xâm lược với số phiếu là 44 phiếu ủng hộ và 7 phiếu trắng. Ngày 18/5, cùng năm, Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua một đề xuất yêu cầu các quốc gia thành viên áp đặt lệnh cấm vận đối với Trung Quốc.
Dưới lãnh đạo của Mỹ, quân của Liên Hiệp Quốc đã đẩy lùi quân của ĐCSTQ vượt qua “giới tuyến 38”. Sau cái chết của Stalin, trong hoàn cảnh khốn khó cả trong đối nội lẫn đối ngoại, ĐCSTQ đã đồng ý ký hiệp định đình chiến. Trong Lễ kỷ niệm 50 năm nổ ra Chiến tranh Triều Tiên, khi đó Tổng thống Mỹ Bill Clinton dưới ủy quyền của Quốc hội Mỹ đã phát biểu tuyên bố kỷ niệm, trong đó cho biết: “Quân đội Mỹ và các đồng minh của chúng tôi đã chiến đấu gian khổ vài tháng, có công có thủ, có được có mất, nhưng không bao giờ khuất phục kẻ địch… Cuối cùng vào ngày 27/7/1953, đã ký một hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm. Triều Tiên trở lại phía bắc của giới tuyến 38, Hàn Quốc giữ chế độ tự do dân chủ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một tổ chức liên minh quốc tế xuất quân để chiến đấu chống lại xâm lược, và đã thành công, dĩ nhiên trong thành công này phải cảm tạ lòng dũng cảm của gần hai triệu người lính Mỹ.”
Đến nay chưa thể biết rõ số binh lính của ĐCSTQ tử nạn trong cuộc chiến tranh xâm lược này. Ngày 2/10/2010, trong bài viết “70% số 180.000 liệt sĩ hy sinh khi chưa đầy 30 tuổi trong cuộc chiến viện trợ Triều Tiên chống Mỹ” đăng trên Tuần san Liễu Vọng của Tân Hoa xã Trung Quốc, trong công bố số người thiệt mạng (bao gồm chết do bệnh tật) của “quân tình nguyện”, ĐCSTQ đã phải qua ba lần điều chỉnh con số: Ban đầu là 156.600 người, sau đó do nhiều chất vấn chỉ ra con số không hợp lý đã sửa lại thành 171.700 người, nhưng những áp lực chỉ trích sau đó lại buộc sửa đổi số liệu thành 183.000 người.
Theo số liệu từ “Tổng kết kinh nghiệm công tác y tế trong chiến tranh hỗ trợ Triều Tiên chống Mỹ” mà ĐCSTQ công bố vài năm trước cho thấy, tổng số “quân tình nguyện” vào Triều Tiên bị giảm tới 978.122 người. Nếu con số này chính xác, vậy thì trong số 1,35 triệu “quân tình nguyện” vào Triều Tiên chỉ có 372.000 sống sót người trở về.
Nhưng theo hồ sơ được Liên Xô giải mật thì cho biết số “quân tình nguyện” của ĐCSTQ thiệt mạng là một triệu. Còn số liệu thống kê của Mỹ hồi giữa những năm 1970 là thiệt mạng 908.447 người, còn mất tích là 4.471 người.
Để ủng hộ kẻ xâm lược, gần một triệu binh sĩ ĐCSTQ đã mất mạng ở Triều Tiên, trong số đó có một bộ phận là quân Quốc dân đảng đã đầu hàng ĐCSTQ, còn mục đích chính của Mao Trạch Đông đưa những người lính này đến chiến trường Triều Tiên làm bia đỡ đạn là “làm sạch” quân đội, để không còn tàn dư Quốc dân đảng trong quân đội ĐCSTQ.
Sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền, cùng với tiến hành cải cách ruộng đất và diệt trừ địa chủ ở nông thôn, tại vùng đô thị ĐCSTQ cũng bắt đầu tổ chức phong trào cải cách công thương nghiệp để tiêu diệt giai cấp tư sản dân tộc. Ngày 26/5/1952, ĐCSTQ đã phát động “chiến dịch ngũ phản” đối với giới tư bản, có nghĩa là “chống hối lộ, chống trốn thuế, chống đánh cắp tài sản nhà nước, chống gian lận làm sản phẩm kém chất lượng, chống hành vi trộm cắp của tình báo kinh tế”. Đầu tháng Hai cùng năm, chiến dịch này đã được triển khai tại các thành phố lớn, sau đó nhanh chóng lên đỉnh cao nhắm vào cải tạo giai cấp tư sản, trong đó Thượng Hải là mục tiêu đầu tiên vì Thượng Hải là một trung tâm của nền kinh tế Trung Quốc, là nơi quy tụ đông đảo nhà tư bản.
Trong màn tắm máu này, các nhà tư bản thường xuyên bị buộc phải “khai báo tội trạng”, họ đã buộc phải bàn giao tài sản của họ, rất nhiều người không khuất phục chịu nhục đã tự tử bằng cách nhảy lầu hoặc uống thuốc độc. Người ta kể rằng thời gian đó không ai dám đi lại trên vỉa hè đường phố ở Thượng Hải vì lo ngại bất ngờ có người trên cao rơi trúng mình. Lý giải nguyên nhân người ta thường nhảy lầu chứ không nhảy sông, vì nếu nhảy sông ĐCSTQ sẽ không thấy thi thể lại cho rằng trốn đi Hồng Kông, như vậy người thân của người tự tử sẽ tiếp tục bị liên lụy.
Với thủ đoạn đàn áp này, chỉ trong vài năm ĐCSTQ đã xóa bỏ hoàn toàn giai cấp tư sản và sở hữu tư nhân trong cả nước, đưa doanh nghiệp vào quản lý của ĐCSTQ. Có thể nói, thực tế cái gọi là “ngũ phản” là cướp của cải của các nhà tư bản.
Cuối cùng có bao nhiêu nhà tư bản ở Thượng Hải đã trở thành “lính nhảy dù” trong chiến dịch này, đến nay vẫn chưa thể biết được câu trả lời cụ thể. Theo số liệu trong “Sự thực Phong trào chính trị trong lịch sử ĐCSTQ từ khi xây dựng chính quyền” do Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Trung ương ĐCSTQ công bố năm 1996, chiến dịch này đã bắt giữ hơn 323.000 người, hơn 280 người đã tự sát hoặc mất tích. Có lẽ con số này cũng chỉ để tham khảo, vì khó biết được con số thực sự.
Từ năm 1955-1957, ĐCSTQ đã phát động “chiến dịch tiêu diệt phản động”, mục đích chính là để loại bỏ phe chống đối trong nội bộ ủng hộ dân chủ và gián điệp Đài Loan.
Ngày 1/7/1955, Trung ương ĐCSTQ đã ban hành “Chỉ thị về Triển khai đấu tranh loại bỏ phần tử phản động ẩn núp”, sau đó đẩy mạnh thực hiện chỉ thị này trên toàn quốc. Theo tỷ lệ người tốt và người xấu mà Mao Trạch Đông hoạch định, “phải bắt giữ được phần tử phản động và phần tử xấu ẩn núp trong số người khoảng 5% của mỗi tổ chức”.
Sau khi kết thúc chiến dịch này, trong báo cáo công việc của Bộ trưởng Bộ Công an La Thụy Khanh cho biết: Việc quét “phản động” quốc nội trong hơn 18 triệu viên chức cả nước phát hiện hơn 10.000 phần tử phản động và phần tử xấu, trong đó hơn 5.000 đối tượng trong Đảng, cán bộ lãnh đạo cấp huyện trở lên là 260 đối tượng, hơn 3.000 đối tượng trà trộn vào Đoàn Thanh niên Cộng sản. Theo tài liệu giải mật: chiến dịch này đã xử lý hơn 1,4 triệu trí thức và cán bộ trong cả nước, trong đó bắt giữ 214.000 người, xử bắn 22.000 người, bị chết bất thường 53.000 người.
Năm 1957, ĐCSTQ đã phát động “chiến dịch chỉnh đốn chống hữu khuynh”. Đây là chiến dịch chỉnh đốn của ĐCSTQ, xem xét những đối tượng khuynh hướng cánh hữu cả trong và ngoài Đảng để trấn áp. Mao đã áp dụng phương pháp “dẫn rắn ra khỏi hang” để xúi giục người ngoài Đảng nêu ý kiến góp cho ĐCSTQ. Sau khi những trí thức chân thành lên tiếng phê bình ĐCSTQ thì lúc này Mao mới lộ ra bộ mặt thật ma quỷ.
Theo các số liệu được công bố tại cuộc họp mở rộng vào ngày 3/5/1958 của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, trong “chiến dịch chống cánh hữu” này có 31,78 triệu người bị xếp vào cá nhân cánh hữu; 22.071 người bị xếp vào cánh hữu có tổ chức; 4.127 người bị liệt vào chống Đảng có tổ chức. Sau Cách mạng Văn hóa, Trung ương ĐCSTQ dựa theo hồ sơ số 55 năm 1978 để “minh oan” cho cánh hữu, chỉ có 96 người không cho thay đổi bản án “cánh hữu”, như vậy tỷ lệ sai lầm là 99,998%. Đến năm 1986, trong cả nước còn lại khoảng 5.000 người cánh hữu. Theo nguồn tin, đến giữa những năm 1990 thì cả nước chỉ còn chưa đến 1.000 người “cánh hữu”. Trong số đó “cánh hữu” ở cấp trung ương chỉ còn 5 người.
Dữ liệu cũng cho thấy, số trí thức “cánh hữu” bị bức hại trên toàn Trung Quốc vào năm 1957 là 3,17 triệu người, đến năm 1978 có 550.000 người được cởi mũ cánh hữu. Như vậy nghĩa là trong quá trình chống cánh hữu này, cả nước có 2,62 triệu trí thức “cánh hữu” âm thầm mất tích. Số phận của họ như thế nào?
Từ năm 1959 đến 1961, Trung Quốc Đại Lục xảy ra đại nạn mất mùa hiếm gặp. Ở thành phố, người ta phải mua lương thực bằng tem phiếu, mọi người ngày ngày thiếu ăn; còn ở nông thôn, các nông dân sau khi ăn hết khẩu phần hạn chế thì không chỉ phải ăn thêm rễ cỏ, vỏ cây, mà thậm chí ăn cả thịt người. Bao nhiêu người đã chết đói trong đại nạn mất mùa này?
Các tài liệu giải mật nội bộ của ĐCSTQ tiết lộ, sau khi giải mật hồ sơ lưu trữ từ năm 1959 đến 1962, tổng cộng toàn Trung Quốc Đại Lục có hơn 37,558 triệu người đã chết vì đói! Hơn nữa, tỷ lệ tăng dân số Trung Quốc năm 1959 là âm 2,4%, năm 1960 là âm 4,7%, năm 1961 là âm 5,2%, năm 1962 là âm 3,8%. Vấn đề cần lưu ý là các số liệu trên chỉ là số liệu thống kê của một số khu vực nhất định!
Năm 2007, trong cuốn sách “Âm mưu” của học giả Đinh Trứ (Ding Shu) người Mỹ gốc Hoa, đã cho biết hậu quả nghiêm trọng của Đại nhảy vọt là đã khiến tổng cộng 35 – 40 triệu người bị chết đói. Cuối năm 2009, trong một lần trả lời phỏng vấn, chuyên gia nổi tiếng về lúa nước Viên Long Bình (Yuan Longping), lần đầu tiên đề cập đại nạn mất mùa làm 40 – 50 triệu người chết đói. Năm 2010, Tiến sĩ Frank Kikotter, một học giả về nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cận hiện đại của Hà Lan, đã cho biết trong cuốn sách “Đại nạn mất mùa do Mao gây ra: Câu chuyện về thảm họa lớn nhất Trung Quốc”, chỉ ra rằng 45 triệu người đã chết đói vì đại nạn mất mùa. Rõ ràng, theo nghiên cứu của tất cả các bên, số người chết đói trong đại nạn mất mùa 3 năm không dưới 40 triệu người.
Ông Dương Kế Thằng (Yang Jisheng), cựu ký giả Tân Hoa xã Trung Quốc, qua nhiều năm điều tra nghiên cứu đã viết thành sách «Bia mộ: Nhìn lại đại mất mùa thập niên 60 tại Trung Quốc». Sách lần đầu được xuất bản tại Hồng Kông tháng 5/2008 và đã được đánh giá cao về tính chân thực. Theo sách «Mộ bia», trong thời gian ba năm này mưa thuận gió hòa, vì thế nguyên nhân gây ra nạn đói là vì con người chứ không vì thiên tai. Chính sách “Đại nhảy vọt” đưa ra chỉ tiêu thu hoạch cao cho các địa phương, trưng thu cao… dẫn đến phải giảm tối đa khẩu phần lương thực của người nông dân. Khi số lương thực nộp lên không đủ để báo cáo chính phủ, người nông dân bị ép phải bớt khẩu phần của mình, phải nộp cả phần hạt giống, vì thế mà gây ra thảm họa mất mùa khủng khiếp này. Theo ghi chép lịch sử về các cuộc họp của lãnh đạo ĐCSTQ, Mao hoàn toàn biết về những gì đang xảy ra, nhưng vẫn ra lệnh thu vét nhiều lúa gạo hơn.
Nhà sử học Frank Dikötter, tác giả cuốn “Nạn đói lớn của Mao” đã tóm tắt Đại nhảy vọt của Mao như sau:
Mao đã nghĩ rằng ông ta có thể giúp đất nước của mình vượt qua đối thủ cạnh tranh bằng cách tập hợp dân làng trên khắp đất nước thành những công xã khổng lồ. Nhằm theo đuổi một thiên đường không tưởng, tất cả mọi thứ phải là sở hữu tập thể. Người ta bị lấy đi công việc, nhà cửa, đất đai, đồ đạc và sinh kế. Trong bếp ăn tập thể, thức ăn, được phân phối theo thìa dựa theo công tội, đã trở thành một vũ khí để buộc người dân phải theo sát từng mệnh lệnh của Đảng. Động lực làm việc bị tiêu tan, thay vào đó cưỡng chế và bạo lực đã được sử dụng để bắt những nông dân đói khát phải lao động trên những công trình thủy lợi quy hoạch kém, còn những cánh đồng lúa thì rơi vào quên lãng.
Như vậy, thảm kịch khủng khiếp này không phải vì thảm họa thiên nhiên hiếm gặp như sách sử ĐCSTQ viết, cũng không phải vì Liên Xô ép trả nợ, lý do cơ bản là vì vấn đề về thể chế: “Chế độ độc đảng của Trung Quốc đã triệt tiêu mọi quyền tự do của xã hội và người dân, không có tự do ngôn luận, di cư, du lịch, thông tin… thì người dân chỉ biết nghe lệnh và làm theo chỉ dẫn của Đảng, như vậy cơ hội để phát hiện cũng như sửa chữa sai lầm là rất nhỏ nhoi.”
Không còn gì nghi ngờ, Đại Cách mạng Văn hóa kéo dài từ tháng 5/1966 đến tháng 10/1976 do “Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương” được Mao Trạch Đông khởi xướng và chỉ đạo, chắc chắn là một thảm họa. Chiến dịch này không chỉ phá hủy hoàn toàn nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, mà còn phá hủy một số lượng lớn các di tích văn hóa, cũng giết hại vô số người dân Trung Quốc.
Trong “Trung Quốc: Lịch sử mới” (China: A New History), giáo sư John King Fairbank của Đại học Harvard đã ước tính có hơn một triệu người đã bị bức hại thiệt mạng. Giáo sư Đinh Trữ, một học giả người Mỹ gốc Hoa đã thông qua phương pháp phân tích dữ liệu lịch sử và kết luận số người chết bất thường trong Cách mạng Văn hóa là khoảng 2 triệu người.
Giáo sư Tô Dương (Su Yang) thuộc Phân hiệu Irvine Đại học California, đã bỏ công cả chục năm để tìm số liệu người thiệt mạng từ các cuốn Huyện chí được ĐCSTQ xuất bản cũng như các tài liệu lưu trữ nội bộ khác, đã ước tính Cách mạng Văn hóa Trung Quốc làm ít nhất 750.000 đến 1,5 triệu người ở các vùng nông thôn đã bị bức hại đến chết; một số lượng người tương tự trở thành người tàn phế vì bị tra tấn đánh đập; ít nhất 36 triệu người trải qua bức hại chính trị ở các mức độ khác nhau. Số nạn nhân này là chưa tính tại các thành phố chủ chốt.
Trong cuốn sách “Thế kỷ đẫm máu tại Trung Quốc”, giáo sư R. J. Rummel đầy uy tín của Mỹ nghiên cứu về các vụ thảm sát trên thế giới, đã cho biết số người thiệt mạng trong Cách mạng Văn hóa là khoảng 7,73 triệu người.
Trong bài viết tựa đề “Tôi nghĩ về Cách mạng Văn hóa: Con đường, Lý luận và Thể chế”, ông Dương Kế Thằng (Yang Jisheng), người từng là phóng viên cấp cao của Tân Hoa xã Trung Quốc và là cựu Tổng biên tập tờ “Viêm Hoàng Xuân Thu” đã chỉ ra, tại cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ diễn ra sau Hội nghị Toàn thể Trung ương lần 1 Khóa 12, ông Phó Chủ tịch ĐCSTQ khi đó là Diệp Kiếm Anh đã tiết lộ số người thiệt mạng trong Cách mạng Văn hóa: (1) Hơn 4.300 vụ đấu tố vũ lực quy mô lớn, hơn 123.700 người chết; (2) 2,5 triệu cán bộ bị đấu tố, hơn 302.700 cán bộ bị giam giữ bất hợp pháp, và hơn 115.500 cán bộ bị chết bất thường; (3) Tại khu vực các đô thị, 4,81 triệu người thuộc nhiều tầng lớp bị xem là phản cách mạng, bất đồng chính kiến, theo chủ nghĩa tu chính, học thuật phản động, trong đó hơn 683.000 người chết bất thường; (4) Tại nông thôn, hơn 5,2 triệu địa chủ và phú nông (bao gồm cả một phần trung và thượng nông) bị đàn áp, trong đó 1,2 triệu trường hợp chết bất thường; (5) Có hơn 100 triệu người đã bị áp bức chính trị, 557.000 người mất tích. Nói cách khác, ĐCSTQ thừa nhận có hơn 2 triệu người đã chết bất thường trong Đại Cách mạng Văn hóa.
>>Giết người như giết lợn trong thời Cách mạng Văn hóa ở Quảng Tây
Tuy nhiên, trong sách “Rửa oan: Sửa lại án oan sai” do đồng tác giả là phó giáo sư của Đại học Sơn Đông, ông Đổng Bảo Huấn (Dong Baoxun) và phó chủ nhiệm Lịch sử Đảng của tỉnh Sơn Đông, ông Đinh Long Gia (Ding Longjia), đã trích dẫn phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Công tác Trung ương vào ngày 13/12/1978 của Phó chủ tịch ĐCSTQ Diệp Kiếm Anh: “Sau hai năm và bảy tháng điều tra toàn diện của Trung ương ĐCSTQ phát hiện, Cách mạng Văn hóa hại chết khoảng 20 triệu người, hơn 100 triệu người từng chịu đàn áp chính trị, chiếm 1/9 dân số toàn quốc, gây lãng phí 800 tỷ nhân dân tệ.”
Điều kỳ lạ là bài phát biểu này không được đưa vào tài liệu của Trung ương ĐCSTQ, nhưng đã xuất hiện trong tác phẩm “Tuyển tập Diệp Kiếm Anh” do Nhà xuất bản Nhân dân xuất bản vào tháng 3/1996.
Theo “Tuyển tập Đặng Tiểu Bình”, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nữ nhà báo người Ý Oriana Fallaci vào tháng 8/1980, ông Đặng Tiểu Bình cho biết “Cách mạng Văn hóa đã làm chết bao nhiêu người, đây là con số thiên văn, một con số không bao giờ có thể tính được”. Như vậy, theo mô tả của Đặng thì số người chết vì bị bức hại trong Cách mạng Văn hóa không đơn giản là con số 20 triệu?
Ngày 4/6/1989, ĐCSTQ cho quân đội vào quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh thảm sát người dân và sinh viên tay không tấc sắt “chống hủ bại, đòi dân chủ”. Dù ĐCSTQ chưa từng công bố chính thức về số người bị hại chết, nhưng theo một số tài liệu lưu trữ nội bộ được công bố tại hội thảo “Tình trạng Xã hội hiện nay” do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tổ chức vào đầu tháng 3/1996 cho biết, tổng số người thiệt mạng là 931 người, hơn 22.000 người bị thương.
Ông Bào Đồng, người mà trước ngày 4/6/1989 là thư ký của Tổng Bí thư ĐCSTQ Triệu Tử Dương, vào năm 2013 đã chia sẻ về sự kiện này thông qua một video được chuyển ra ngoài Đại Lục, qua đó lần đầu tiết lộ rằng khi đó Hội chữ thập Đỏ từng cho biết số người thiệt mạng trong sự kiện đàn áp này lên đến hơn 2.000 người. Ngoài ra, trong năm 2013, các tài liệu lưu trữ của Liên Xô cũ được Nga cho giải mật đã chỉ ra số người chết và bị thương trong vụ thảm sát Thiên An Môn là 3.000 người.
Theo một bài viết trên Tuần san Next Magazine (Hồng Kông) vào năm 2014 trong kỷ niệm tròn 25 năm vụ bức hại Thiên An Môn cho biết, hồ sơ giải mật của Nhà Trắng Mỹ cho thấy có tới 40.000 người bị chết và trọng thương trong vụ Thiên An Môn, trong đó số người chết là 10.454 người. Tài liệu giải mật này được lưu giữ trong kho lưu trữ hồ sơ của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, hầu hết các tài liệu liên quan đến sự kiện Thiên An Môn được Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là James R. Lilley viết khi ở Bắc Kinh, còn một số do Donald M. Anderson khi đó trú tại Tổng lãnh sự Hồng Kông viết.
Tài liệu giải mật mới nhất của Anh năm 2017 chỉ ra, trong vụ Thiên An Môn, quân đội ĐCSTQ giết chết ít nhất 10.000 người. Con số này được Đại sứ Anh ở Trung Quốc lúc đó là Alan Donald biết thông qua một người bạn trong Chính phủ Trung Quốc, sau đó được truyền về Chính phủ Anh thông qua một bức điện tín ngoại giao bí mật.
Tuy nhiên, trò giết người của ĐCSTQ vẫn chưa kết thúc.
>> Hồ sơ giải mật Anh: Thảm sát Thiên An Môn giết chết hơn 10.000 người
Vào tháng 7/1999, lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là ông Giang Trạch Dân đã phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công. Qua thời gian 20 năm, chiến dịch đàn áp này hiện vẫn chưa dừng lại. Trong 20 năm này, không biết bao nhiêu người tập Pháp Luân Công đã bị bắt giam trái phép, bị tra tấn, hành hạ đến chết và thậm chí bị mổ cướp nội tạng bán. Do ĐCSTQ che giấu nên đến nay số lượng học viên Pháp Luân Công bị giết vẫn là một ẩn số.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của trang mạng Pháp Luân Công Minghui.org ngoài Đại Lục, tổng số học viên Pháp Luân Công thiệt mạng vì bị ĐCSTQ bức hại đã được xác thực danh tính là hơn 4.000 người. Như vậy tính cả những trường hợp chưa được tiết lộ thì là bao nhiêu người?
Ngoài ra, những người bị ĐCSTQ đàn áp còn có người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, Cơ đốc giáo, Thiên chúa giáo, số người thiệt mạng vì ĐCSTQ bức hại thuộc những nhóm người này là bao nhiêu?
>>Đàn áp tôn giáo của Trung Quốc có thể sánh ngang với thời Đức Quốc Xã
Sau khi ĐCSTQ gia cố được quyền lực đã học theo mô hình Liên Xô áp dụng “hỗ trợ cách mạng thế giới”, đã “xuất khẩu” ra thế giới mô hình chủ nghĩa Mao và cách mạng Trung Quốc, tư tưởng này đã luôn là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của ĐCSTQ, đối tượng được chú trọng là các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, đặc biệt là các nước Đông Nam Á có số lượng lớn người Hoa. Giai đoạn dữ dội nhất mà ĐCSTQ thực hiện chính sách này là sau khi Cách mạng Văn hóa nổ ra.
Tại Campuchia, trò “xuất khẩu cách mạng” này của ĐCSTQ đã dựng lên tên bạo chúa khét tiếng là thủ lĩnh Pol Pot của Khmer Đỏ tại. Mặc dù Khmer Đỏ chỉ tồn tại được 4 năm ở Campuchia, từ năm 1975 đến 1978, nhưng đã tàn sát 2 triệu dân tại một nước nhỏ chưa đầy 8 triệu dân khi đó, trong đó gồm cả hơn 200.000 người Hoa. Chắc chắn Pol Pot là người tuyệt đối sùng bái Mao, bắt đầu từ năm 1965, hắn đã 4 lần đến Trung Quốc để lắng nghe lời dạy của Mao. Những lý luận và thực tiễn như “chính quyền từ báng súng”, đấu tranh giai cấp và chuyên chính giai cấp vô sản đều đã trở thành điểm tựa trong quá trình xây dựng quyền lực của hắn. Sau khi từ Trung Quốc trở về, Pol Pot đổi tên đảng ban đầu thành Đảng Cộng sản Campuchia, và theo mô hình nông thôn bao quanh đô thị của ĐCSTQ để xây dựng căn cứ cách mạng.
Ngoài ra còn có Đảng Cộng sản Ấn Độ của Ấn Độ tôn thờ Mao, những năm 1970, đã noi theo bạo lực cách mạng của Mao và bắt chước phong trào nông dân Hồ Nam mà Mao phát động, tổ chức cho nông dân thành lập các hiệp hội nông dân tại một số vùng ở Ấn Độ, hủy bỏ nợ nần, đốt giấy tờ khế đất, phân phối lại ruộng đất cho nông dân, chiến dịch này cũng có mục tiêu là tiêu diệt giới tinh hoa nông thôn, bao gồm địa chủ và giới cho vay nợ, quan chức cơ sở và giáo viên nông thôn. Trong chiến dịch này khuyến khích các thành viên không dùng súng, mà dùng các vũ khí kiểu thời nguyên thủy, thậm chí dùng tay để giết nạn nhân, thậm chí còn chặt tay và đầu của nạn nhân, phanh thây.
Phong trào cũng nhanh chóng lan ra thành phố. Mùa xuân năm 1970, tại một số trường đại học nổi tiếng ở Kolkata Ấn Độ, các sinh viên cấp tiến bắt chước Hồng vệ binh Trung Quốc và bắt đầu tổ chức phong trào sinh viên nổi loạn.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ Ấn Độ, 91% các vụ bạo lực ở Ấn Độ và 89% các trường hợp tử vong do các sự cố bạo lực là do Đảng Cộng sản Ấn Độ (học theo Mao) gây ra. Đến tháng 7/2009, Đảng Cộng sản Ấn Độ (Mao) đã tạo ra hơn 6.000 vụ bạo lực, hại chết ít nhất 3.000 người.
Ngoài ra còn có thủ lĩnh cánh tả của Đảng Cộng sản Peru là Abimael Guzmán, được ĐCSTQ đào tạo từ năm 1967 – 1968. Ngoài việc học cách đánh bom và sử dụng vũ khí, điều quan trọng hơn là phải hiểu tư tưởng Mao Trạch Đông. Sau khi trở về nước Guzmán đã thành lập một tổ chức bạo lực mang tên “Con đường vinh quang”. Tổ chức này đã dùng mọi thủ đoạn phá hoại xã hội Peru trong gần 20 năm, đã giết chết vô số người. Những người bị sát hại không chỉ có cảnh sát và nhân viên chính phủ, mà ngay cả giới dạy học ở nông thôn.
Sau khi kết thúc Cách mạng Văn hóa năm 1976, xuất khẩu Cách mạng Đỏ của ĐCSTQ cũng thoái trào, nhưng di họa thì vẫn chưa dễ chấm dứt.
Một thứ đảng chính trị đã nhuốm đầy máu, đã gieo rắc tai họa từ trong ra ngoài nước, và hiện vẫn đang là hiểm họa của nhân dân yêu chuộc hòa bình và dân chủ tiến bộ trên thế giới, sự tồn tại của nó có còn cần thiết nữa không?
Tuyết Mai (Theo Epoch Times)
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…