Hậu quả kỳ dị từ chính sách đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ
- Minh Nhật
- •
Rất nhiều hoạt động đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ đang diễn ra, có thể kể tới như đóng cửa đình chùa miếu mạo, cấm tượng Phật, cấm không cho các từ ngữ tôn giáo xuất hiện, và cấm thực hiện các nghi lễ truyền thống. Những chính sách nhắm vào hai tôn giáo truyền thống ở Trung Quốc là Phật giáo và Đạo giáo này đã đưa tới nhiều kết quả “dở khóc dở cười”.
Nếu như đối với Kitô giáo, ĐCSTQ dùng chiêu bài “bài Tây”, và với Hồi giáo là gán nhãn “chủ nghĩa khủng bố”, thì với hai tôn giáo lâu đời ở Trung Quốc là Phật giáo và Đạo giáo, ĐCSTQ không hề đưa ra lý do cụ thể. Chỉ biết rằng ĐCSTQ đang công khai muốn tiêu diệt tất cả những gì có liên quan tới tôn giáo tín ngưỡng tại Trung Quốc.
Cấm chữ “chùa” được phép xuất hiện
Người dân tại Đăng Phong, Hà Nam, nơi có ngôi chùa Thiếu Lâm nổi tiếng, hiện đang chứng kiến một điều kỳ lạ. Đó là chữ “chùa” (“tự” – trong “Thiếu Lâm tự”) không còn được phép xuất hiện trong vùng nữa. Đơn cử như trên đồng phục học sinh trường Võ thuật chùa Thiếu Lâm chỉ in dòng chữ “trường Võ thuật Thiếu Lâm” mà thôi. Thậm chí ngay trên đồng phục cũ của học sinh trường Võ thuật chùa Thiếu Lâm, thì chữ “chùa” cũng đã bị vá bằng một miếng vải đỏ hoặc một miếng vải có hình cờ của ĐCSTQ.
Một học sinh của trường chia sẻ, “Hiệu trưởng và huấn luyện viên yêu cầu chúng em che từ đó đi. Nếu chúng em không làm, thì chúng em sẽ bị phê bình”. Được biết việc này đã được thực hiện từ tháng 5, sau khi nhà nước yêu cầu xóa bỏ tất cả các từ ngữ có liên quan đến tôn giáo. Người học sinh cũng cho biết, huấn luyện viên của cậu thông báo: “Nhà nước muốn tiêu diệt hoàn toàn tất cả tín ngưỡng.”
Sơn xám đạo quán
Đạo quán Thượng Nguyên nằm tại huyện Thành Cố, địa cấp thị Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, là một trong những sản phẩm kỳ dị của chính sách đàn áp Đạo giáo: đạo quán này đã được sơn lại với chỉ một màu xám.
Chính quyền địa phương đưa ra hai nguyên nhân dẫn tới việc sơn lại đạo quán này: Thứ nhất, đạo quán này quá sặc sỡ, làm “lu mờ ánh sáng của chính quyền”; Thứ hai, bởi vì đạo quán được xây dựng lại vào năm 2018 là bản sao của đạo quán trước đó, nên nó không được phép sơn đỏ, mà phải sơn xám. Các quan chức địa phương cũng cho biết việc sơn lại đạo quán là nhất quán với chính sách tôn giáo hiện hành.
“Nó quá lộ liễu và dễ khiến người ta chú ý, nhiều người sẽ tới đây. Bên trên yêu cầu chúng tôi đổi lại màu sơn. Chúng tôi không thể làm gì hơn”, một quan chức cho biết.
Tuy nhiên việc sơn lại đạo quán cũng không đảm bảo là nó sẽ an toàn: rất có thể nó sẽ bị cưỡng chế phá dỡ, quan chức cảnh báo.
Theo những cư dân địa phương, một số đạo quán trong vùng đã bị phá dỡ. “Trấn Thượng Nguyên này được đặt theo tên của đạo quán. Đạo quán nằm ở ngay lối vào của trấn, và là một phần của trấn. Bây giờ nó bị sơn xám, trông vô hồn, chẳng giống một đạo quán gì cả”, một người dân địa phương chia sẻ về ảnh hưởng của chính sách đàn áp tôn giáo tại đây.
Thân Quan Âm, đầu Khổng Tử
Bức tượng kỳ lạ đầu Khổng Tử, thân Bồ Tát này được đặt tại Công viên văn hóa dân gian Thánh Thủy của thôn Thành Đông Phụ, thuộc đô thị mở rộng Bình Độ.
Năm 2011, ủy ban thôn Thành Đông Phụ đã chi hơn hai triệu nhân dân tệ (khoảng 300.000 USD) để chạm khắc một bức tượng bằng đá cẩm thạch cao 21 mét, Thánh Tuyền Quán Âm trong công viên. Sau này bức tượng được biết đến với cái tên “Đệ nhất Quán Âm của Sơn Đông”. Người dân địa phương và khách du lịch đều thường xuyên đến địa điểm này để thắp hương và cầu may.
Mùa thu năm 2018, chính sách đàn áp tôn giáo bắt đầu được triển khai, mệnh lệnh từ trung ương cấm truyền bá các hoạt động “phong kiến hay mê tín dị đoan”, trong đó có tín ngưỡng Phật giáo và thờ Quán Âm Bồ Tát. Trên cơ sở đó, bí thư thôn yêu cầu bức tượng của Quán Âm phải bị phá dỡ.
Các thành viên của Ủy ban thôn không sẵn sàng phá hủy bức tượng Quán Âm, nhưng lại sợ trái ý cấp trên. Cuối cùng, một trong số họ đã đề xuất giải pháp: thay thế đầu Quán Âm bằng đầu Khổng Tử. Một bức tượng với cái đầu của Khổng Tử sẽ không bị coi là mê tín dị đoan.
Sau hơn ba tháng làm việc tiêu tốn 400.000 nhân dân tệ (khoảng 60.000 USD), kết quả là bức tượng đứng ở trung tâm công viên có đầu của Khổng Tử và thân của Quán Âm, còn giữ nguyên áo choàng và thủ ấn. Chiếc bình ngọc trên tay trái của Quán Âm đã được thay thế bằng quyển sách tre. Hoa sen ở đế tượng bị gột bỏ và các chữ “Thánh Tuyền Quán Âm” đã bị xóa đi, và bức tượng ban đầu màu trắng được đổi sang sơn màu đồng.
Cấm người dân tụ tập
Những điều trên chỉ là một vài ví dụ cho các kết quả kỳ dị từ chính sách đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ. Hiện tại, một số đình chùa miếu mạo còn bị lấy danh nghĩa trùng tu, xây dựng lại, hoàn toàn mất đi kiến trúc đình chùa.
Chính sách đàn áp đối với những người có tín ngưỡng tại Trung Quốc cũng ngày càng nặng nề hơn. Tháng 11/2018, một số người theo Phật giáo tại Liêu Dương, Liêu Ninh đã bị bắt giữ chỉ vì tổ chức một bữa tiệc ăn mừng nhỏ cho một người vừa ra viện. Họ bị kết tội là “tụ tập trái phép”.
Tháng 3/2019, 7 người theo Phật giáo đã mặc quần áo truyền thống và nhảy múa để kỷ niệm ngày lễ Bồ tát Quán Âm. Những khách qua đường đã quay những thước phim về họ và chia sẻ trên mạng xã hội. Chẳng mấy chốc, các quan chức Tuyên Giáo để ý đến họ, kết luận hoạt động nhảy múa này “có hại” cho người dân, và cấm không cho những hoạt động tương tự diễn ra.
“Kiểm soát vô cùng khắc nghiệt, cứ như thời Cách mạng văn hóa. Họ có thể kết tội ai về bất cứ điều gì, và người đó tự động là có tội. Chính quyền lo sợ người dân tụ tập”, một người dân địa phương chia sẻ.
Theo Bitter Winter
Minh Nhật tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa Đàn áp tôn giáo Phật giáo Đạo giáo