Bệnh án của “người thổi còi” bác sĩ Lý Văn Lượng lần đầu được tiết lộ

Tờ New York Times gần đây đã trích dẫn tư liệu về bệnh tình của “người thổi còi” – bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), tiết lộ chi tiết về việc ông được điều trị thế nào vào thời điểm bị nhiễm virus corona mới (COVID-19).

Bác sĩ Lý Văn Lượng (Nguồn ảnh: Weibo)

Hồ sơ bệnh án của bác sĩ Lý Văn Lượng trước khi qua đời

Bác sĩ Lý Văn Lượng, người từng công tác tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, qua đời đã được hơn 2 năm. Gần đây, New York Times đã tiết lộ tư liệu liên quan đến thông tin y tế điều trị, hồ sơ bệnh án về những giây phút cuối đời của bác sĩ Lý, bao gồm cả các ghi chép về nội dung thảo luận và biện pháp cứu chữa mà đội ngũ y tế đã sử dụng. New York Times cho biết tư liệu này có được từ một đồng nghiệp của ông Lý, có hóa danh là “Bác sĩ B”.

Theo một số bác sĩ hỗ trợ xem xét hồ sơ bệnh án lần đầu tiên được công khai này, ngày 12/1/2020 ông Lý Văn Lượng nhập viện với các triệu chứng như sốt và nhiễm trùng phổi. Vào ngày thứ 3 nhập viện, bệnh tình của ông trở nặng cần được hỗ trợ oxy.

Hồ sơ bệnh án cho thấy vào ngày 5/2 cùng năm, tình trạng của ông Lý Văn Lượng xấu đi nghiêm trọng, viêm phổi nặng hơn và thở rất khó khăn. Buổi chiều cùng ngày, bác sĩ của ông Lý đã tiến hành nhiều xét nghiệm về chức năng phổi và tim của ông. Sáng 6/2, bác sĩ ghi vào bệnh án rằng ông Lý Văn Lượng có nguy cơ suy đa tạng.

Một số bác sĩ đã đọc hồ sơ bệnh án cho biết điều này cho thấy tình trạng của ông rất nghiêm trọng, và đội ngũ y tế của ông ấy có lẽ đã xem xét đặt nội khí quản và nối máy thở vào thời điểm này hoặc sớm hơn để cung cấp lượng oxy hỗ trợ cao hơn.

Báo cáo lưu ý rằng một số bác sĩ có sự dè dặt trong việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân trẻ tuổi, đôi khi chính bệnh nhân từ chối. Không rõ tại sao ông Lý Văn Lượng không được đặt nội khí quản.

Ngoài quá trình khám chữa bệnh, hồ sơ bệnh án này cũng cho thấy tim của ông Lý Văn Lượng ngừng đập vào khoảng 7h20 tối ngày 6/2. Mặc dù không nói rõ là tim của ông ngừng đập, nhưng hồ sơ cho thấy đội ngũ y tế đã bắt đầu thực hiện hô hấp nhân tạo cho ông. Đây là loại hành động thường xảy ra trong những trường hợp khẩn cấp. Sau đó, bác sĩ đặt nội khí quản cho ông Lý Văn Lượng. Hồ sơ cho thấy phản xạ với ánh sáng của đồng tử của ông Lý đã biến mất.

Theo hồ sơ bệnh án, cuộc giải cứu kéo dài hơn bảy tiếng rưỡi nhưng tim của ông Lý vẫn không đập trở lại.

Theo báo cáo, những dữ liệu này cho thấy phương pháp điều trị mà ông Lý Văn Lượng nhận được nhìn chung phù hợp với các phương pháp điều trị bệnh nhân COVID-19 thông thường vào thời điểm đó. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về việc ông Lý Văn Lượng chán ăn, không ngủ được vào ban đêm, suy sụp tinh thần và được chẩn đoán là “trầm cảm” đã không được công khai.

Vài tuần trước khi được chẩn đoán “trạng thái trầm cảm”, ông Lý Văn Lượng đã bị cảnh sát “răn dạy” vì cảnh báo với bạn bè trong nhóm WeChat rằng một loại virus mới đang lây lan trong thành phố. Vào thời điểm đó, ông đang làm bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, và bệnh viện đã yêu cầu ông viết bản tự kiểm điểm.

Thời gian tử vong có thể sớm hơn so với thời gian chính quyền công bố

Bệnh viện Vũ Hán thông báo rằng ông Lý Văn Lượng qua đời lúc 2h58 sáng ngày 7/2 và cuộc điều tra của chính quyền Trung Quốc đã trích dẫn “một điện tâm đồ cho thấy đường thẳng” vào thời điểm đó làm bằng chứng.

Tuy nhiên, theo tư liệu được “bác sĩ B” cung cấp, trong đó có có kết quả siêu âm màu tim vào khoảng 21h10 ngày 6/2 cho thấy lúc đó tim đã ngừng đập.

“Bác sĩ B” đến phòng chăm sóc đặc biệt của ông Lý Văn Lượng vào khoảng 9h tối ngày 6/2. “Khi tôi nhìn thấy anh ấy (Lý Văn Lượng), anh ấy đã chết. Theo quy trình thông thường, tình trạng của anh ấy có thể được tuyên bố là đã chết.”

“Trì hoãn thời gian lâu như thế này mới tuyên bố, các bác sĩ thực sự không coi chúng tôi là con người”, “bác sĩ B” nói rằng ông chọn nói với công chúng vào thời điểm này là để tôn trọng sự thật mà ông biết. Đây cũng chính là việc mà bác sĩ Lý Văn Lượng làm trước đây.

Tờ New York Times đưa tin, sau khi có được thông tin và được các chuyên gia y tế giải thích, nhiều người đã cố gắng liên hệ với đội ngũ y tế của ông Lý Văn Lượng, nhưng không ai đồng ý trả lời câu hỏi. Văn phòng Thông tin của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán cho biết không tiếp nhận các cuộc phỏng vấn từ các phương tiện truyền thông quốc tế.

Ngoài ra, Ủy ban Giám sát Nhà nước – cơ quan giám sát hàng đầu của Trung Quốc, cơ quan điều tra cái chết của ông Lý Văn Lượng, cũng như Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đều không phản hồi về thông tin liên quan đến các tài liệu nói trên.

Bi kịch “người thổi còi”

Khi bắt đầu bùng phát COVID-19 vào năm 2019, bác sĩ Lý Văn Lượng là người đầu tiên cảnh báo các bạn cùng lớp của mình trên mạng xã hội WeChat. Vào ngày 3/1/2020, ông bị buộc tội “công bố những ngôn luận không đúng sự thật trên Internet” và bị cảnh cáo và “răn dạy” bởi đồn cảnh sát trong khu vực của mình, và ông đã ký “Giấy phê bình và giáo dục”. Ngày 7/2 cùng năm, ông Lý Văn Lượng qua đời vì bệnh dịch. Vũ Hán bị phong tỏa từ ngày 23/1 đến ngày 8/4 cùng năm.

Một ngày trước khi ông Lý được xác nhận lây nhiễm (tức ngày 30/1/2020), một bài đăng trên Weibo đã tóm tắt quá trình ông “tung tin” và bị lây nhiễm virus corona mới từ bệnh nhân. “Ngày 3/1, cơ quan công an tìm thấy tôi và tôi đã ký giấy phê bình giáo dục. Từ đó đến nay, tôi vẫn làm việc bình thường. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân viêm phổi virus corona mới, đến ngày 10/1 tôi bắt đầu có biểu hiện ho, bị sốt vào ngày 11 và nhập viện ngày 12.”

Trong bài đăng trên Weibo này, ông Lý Văn Lượng đặt câu hỏi về báo cáo của chính quyền rằng không có sự lây truyền từ người sang người. “Lúc đó, tôi vẫn đang suy nghĩ tại sao báo cáo vẫn nói rằng bệnh không lây truyền từ người sang người, không có nhân viên chăm sóc y tế bị lây nhiễm”. Ông cũng tiết lộ, “bố mẹ tôi cũng đang ở trong bệnh viện.”

Thông báo chính thức của ĐCSTQ vào thời điểm đó đã thay đổi từ “không có sự lây truyền rõ ràng từ người sang người” thành “sự lây truyền hạn chế từ người sang người” sau 2 ngày (tức ngày 14/1) sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng bị nhiễm bệnh và phải nhập viện.

Ông Lý Văn Lượng đang nằm trên giường bệnh, trong ngày ông đăng bài viết nói trên lên Weibo, ông cũng đã có cuộc phỏng vấn với trang tin Caixin tại Đại Lục và nói rằng: “Điều quan trọng hơn là mọi người phải biết sự thật, việc giải oan đối với tôi nó không quá quan trọng, công đạo tự ở trong lòng người.”

Vào ngày 30/12/2019, bà Ngải Phân (Ai Fen), chủ nhiệm khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán, nhận được báo cáo xét nghiệm virus của một bệnh nhân bị viêm phổi không rõ nguyên nhân. Bà khoanh tròn các từ “SARS coronavirus” bằng bút đỏ, chụp ảnh báo cáo và gửi cho một số đồng nghiệp của mình. Bác sĩ Lý Văn Lượng đã đã chuyển thông tin liên quan đến nhóm WeChat của các bạn cùng lớp và nhắc nhở mọi người nên chú ý đề phòng.

Sau đó, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát đi một thông cáo báo chí chính thức cho biết “8 người đã bị cảnh sát xử lý theo pháp luật vì phát tán thông tin sai sự thật.” Bà Ngải Phân đã bị khiển trách nghiêm khắc bởi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của bệnh viện. Ông Lý Văn Lượng đã ký vào “giấy phê bình và giáo dục” của đồn cảnh sát.

Sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, người ta mới nhận ra rằng những bác sĩ đưa ra cảnh báo sớm về dịch không phải là những người tung tin đồn, mà là những “người thổi còi / người người tố giác”.

Nhà báo công dân Phương Bân (Fang Bin) nói với VOA trước khi bị bắt vào tháng 2/2020 rằng ông Lý Văn Lượng là một nhân vật có tính bi kịch.

“Anh Lý Văn Lượng là một nạn nhân”, nhà báo công dân Phương Bân nói. “Tôi phát hiện ra rằng đây thực sự là một dịch bệnh, nhưng sau khi anh ấy nói ra điều đó, chính quyền đã đàn áp anh ấy, bắt anh ấy viết bản kiểm điểm, thừa nhận sai lầm của mình, cũng như không cho anh ấy lên tiếng. Anh ấy đang trong trạng thái uất ức, trong tình trạng hoàn toàn bất lực, anh ấy đã bị virus cướp đi sinh mệnh.”

Dương Thiên Tư

Published by
Dương Thiên Tư

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

3 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

4 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

4 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

5 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

7 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

8 giờ ago