Vào lúc bình minh, cánh cổng lớn của nhà tù mở toang. Một chiếc xe tải chở nhiều tấn tỏi chạy vào trong sân. Sau khoảng ba tiếng trôi qua, chiếc xe tải đó chạy ra với số tỏi đã được bóc vỏ. Chiếc xe chạy khoảng hai giờ thì đến “kinh đô tỏi của thế giới”: một nhà kho ở Kim Sơn tỉnh Sơn Đông, tại đây tỏi sẽ được đóng gói để xuất khẩu sang Ấn Độ.
Thời báo Tài chính của Anh (Financial Times) đã theo dõi và đưa tin về hoạt động này. Theo luật thương mại quốc tế, xuất khẩu sản phẩm được sản xuất trong nhà tù là bất hợp pháp. Mặc dù vậy, có vô số bằng chứng về chuỗi cung ứng ở Trung Quốc bắt nguồn từ lao động tù nhân, từ túi xách cho đến linh kiện máy giặt. Rosenzweig (Joshua Rosenzweig) Giám đốc nghiên cứu Đông Á thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Nhiều công ty Trung Quốc do cơ quan quản lý nhà tù cấp tỉnh thành lập, nhìn bên ngoài giống như một công ty bình thường.” “Các công ty nước ngoài rất khó để xác định được trong chuỗi cung ứng của họ có vấn đề lao động trong nhà tù hay không.”
Lao động nhà tù là phổ biến ở Trung Quốc, và hệ thống này được gọi là “cải tạo lao động”.
Lao động cưỡng bức không phải là một hiện tượng mới ở Trung Quốc, nhưng thực tế này đang trở nên phổ biến hơn trong hoàn cảnh phải chi trả tiền lương cho lao động tăng lên và dân số trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc thì đang suy giảm.
Lý Cường (Li Qiang), người đứng đầu Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc (China Labor Watch) cho biết, các nhà cung cấp của các nhà bán lẻ tại Mỹ chia sẻ với ông rằng họ đã chuyển một số đơn đặt hàng vào tù để cắt giảm chi phí.
Các nhà sản xuất giảm chi phí tiền lương bằng cách chuyển giao công việc cho nhà tù hoặc các trung tâm giam giữ, bởi vì các nhà tù hoặc các trung tâm giam giữ giữ lại đa số hoặc thậm chí tất cả tiền thù lao của người lao động. Theo lời của một chủ công ty gia công tỏi loại nhỏ ở Kim Hương: “Lao động miễn phí.”
“Chúng tôi đã thấy các công ty sử dụng lao động tù nhân như một cách để giảm chi phí”, Kenneth Kennedy, cố vấn chính sách cấp cao cho Cơ quan Thực thi Di dân và Hải quan Mỹ (U.S. Immigration and Customs Enforcement) cho biết. Một phát ngôn viên của Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới có các nhà cung cấp tại Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức đánh giá các nhà sản xuất và thiết lập hệ thống thích hợp để điều tra các khiếu nại”.
Theo video giám sát từ các thương nhân tỏi địa phương và Financial Times, trong một trại giam tại huyện Bái (Pei) cách huyện Kim Sơn 90 km về phía nam thuộc tỉnh Giang Tô, các tù nhân đang phải cùng nhau xử lý các đầu tỏi tươi. Một số tù nhân đang chờ xét xử, một số người khác đã bị kết án và sẽ bị chuyển đến nhà tù. Một cựu tù nhân chia sẻ rằng axit cay trong tỏi có thể làm tan móng tay, làm lộ cả mảng thịt vùng móng tay. Những người không còn có thể dùng được móng tay để bóc tỏi thì phải dùng răng bóc.
Những người bị giam giữ ở huyện Bái chỉ là một phần nhỏ trong số những người bị cưỡng bức làm việc trong chuỗi cung ứng xuất khẩu của Trung Quốc. Theo một cựu tù nhân trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, tù nhân ở thành phố phía tây nam Quế Lâm cách Kim Hương hàng ngàn cây số làm túi xách bán ở bang Arizona Mỹ, còn tù nhân tại thành phố phía đông bắc là nhà tù Thông Hóa làm túi xách xuất khẩu sang Hàn Quốc. Các tù nhân ở Yên Đài gần Kim Hương lắp các thiết bị điện gia dụng bán trên toàn thế giới.
Ở Kim Hương, lao động là tù nhân là “bí mật không thể che giấu được”. Chủ sở hữu của hai cửa hàng khác nhau gần Trung tâm Giam giữ huyện Bái cho biết mỗi ngày có ít nhất một hoặc hai xe tải tỏi chạy vào trung tâm giam giữ. Một người bảo vệ trung tâm giam giữ cũng xác nhận điều này. Vào buổi chiều, một chiếc xe chở rác rời khỏi trung tâm giam giữ, bên trong đầy vỏ tỏi, những giọt nước xám nhỏ dọc theo vỉa hè chiếc xe chạy. Thiết lập mối quan hệ tốt với cảnh sát là rất quan trọng đối với công ty muốn tiếp cận lao động trong nhà tù.
Chủ một công ty tỏi cho biết: “Đây không phải là một dịch vụ mà bất cứ ai có thể nhận được. Để có phần thì phải có quan hệ tốt với các quan chức.”
Phóng viên của Financial Times bám theo một chiếc xe tải chở khoảng 2 tấn tỏi về Kim Sơn để bóc vỏ, số tỏi được bọc trong những túi lưới. Chiếc xe tải chạy vào một sân bãi có bảng ghi “Kim Sơn Song Long” (JinShan Shuanglong). Trong sân bãi, công nhân lái xe nâng hàng đang chuyển những khối tỏi tại nhà kho xung quanh. “Chúng tôi xuất khẩu tỏi bóc vỏ đến nhiều nước trong khu vực,” ông chủ của Song Long nói với phóng viên Financial Times, “Nhu cầu tỏi bóc vỏ ở các nước phát triển ngày càng tăng, vì người ta muốn tiết kiệm thời gian.”
Ông nói thêm rằng công ty này xuất khẩu tỏi bóc vỏ. Tuy nhiên, sau đó phóng viên của Financial Times liên lạc với công ty để yêu cầu có ý kiến đánh giá thì công ty lại cho biết không xuất khẩu tỏi bóc vỏ, chỉ bán cho thị trường trong nước.
Đại diện của một công ty tỏi khác ở Kim Sơn cho biết, trước đây công ty của ông đã phải dựa vào lao động bóc tỏi trong các nhà tù địa phương và các trung tâm giam giữ để xuất khẩu tỏi sang Nhật Bản, nhưng do mối quan hệ không tốt đẹp với bên an ninh nên đã không tiếp tục duy trì được. Hệ quả đến cuối năm 2017, trong vòng hai năm giá tỏi bóc vỏ của công ty ông đã tăng 50%. Tỏi sản xuất tại Kim Sơn chiếm 80% lượng tỏi xuất khẩu trên toàn cầu. Theo dữ liệu thương mại của Công ty tư vấn ASKCI, 80% tỏi tươi của Mỹ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo số liệu của Mỹ và Trung Quốc, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm từ 20% – 30% lượng tiêu thụ tỏi của Mỹ. Tuy nhiên, nhập khẩu sản phẩm có nguồn gốc từ lao động cưỡng bức vào Mỹ là bất hợp pháp. Nếu có khiếu nại đối với nơi sản xuất nước ngoài, Hải quan Mỹ và Cục Bảo vệ Biên giới sẽ có lệnh tạm giữ, có nghĩa là những hàng hoá liên quan sẽ bị giữ lại tại biên giới và nhà nhập khẩu có thể phải chịu điều tra hình sự.
Tuy nhiên, việc sử dụng lao động cưỡng bức không chỉ giới hạn ở ngành công nghiệp tỏi. Nó cũng xảy ra trong các chuỗi cung ứng khác của Trung Quốc. Trong số 29 lệnh “tạm giữ” có hiệu lực của Mỹ, có 23 lệnh nhắm vào các nhà sản xuất Trung Quốc.
Trong số hàng hóa được tiêu thụ ở Anh và Mỹ, từ đồ trang trí Giáng sinh đến những chiếc tất đều đã từng có phát hiện mảnh giấy do tù nhân lén giấu vào. Năm ngoái, sau khi mua một túi xách thương hiệu Wal-Mart, một phụ nữ Arizona đã phát hiện một mảnh giấy có chữ viết tay tiếng Trung Quốc: “Các tù nhân trong nhà tù ở Anh Sơn Quảng Tây Trung Quốc phải làm việc 14 giờ một ngày”, “Người nào không thể hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị đánh đập. Tù nhân ở Trung Quốc không bằng một con chó ở Mỹ.”
Ký tên của mảnh giấy này là tên của một người đàn ông vào năm 2012 bị kết án 15 năm tù tại nhà tù Anh Sơn. Người điều tra đã gọi đến nhà tù Anh Sơn kiểm chứng và được xác nhận rằng nhà tù có một bộ phận sản xuất và bán hàng.
Wal-Mart xác nhận với tờ Financial Times rằng, sau khi điều tra vấn đề này, hãng bán lẻ đã từ chối nhà cung cấp có liên quan nhà tù Anh Sơn.
Nhưng thông tin đăng ký của ít nhất 55 công ty nhà tù có ghi chi tiết các công việc sản xuất khác nhau, thậm chí có cả lĩnh vực xây dựng. Một số công ty ghi rõ ràng là “nhà tù”, chẳng hạn như Tập đoàn Nhà tù Giang Tây. Một số công ty khác thuộc sở hữu của cơ quan quản lý nhà tù của tỉnh hoặc sở hữu của quan chức thuộc cơ quan quản lý nhà tù. Nhiều công ty mô tả sự tham gia của họ trong ngành công nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là công ty ở các khu vực ven biển của Chiết Giang, Giang Tô và Sơn Đông.
Cả Trung tâm giam giữ huyện Bái và Bộ Thương mại Trung Quốc không trả lời các yêu cầu bình luận về thông tin đưa ra. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận.
“Cách hoạt động của công ty nhà tù cũng như những công ty bình thường bên ngoài, cũng có đội ngũ bán hàng riêng”, ông Lý – nhà theo dõi Lao động Trung Quốc cho biết. Điểm khác biệt là các công ty nhà tù không thực thi luật lao động. “Chúng tôi thường xuyên phải làm việc từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, như thế nhà tù mới kiếm được nhiều tiền hơn”, một người phạm tội từng đi tù 5 năm ở Thông Hóa tỉnh Cát Lâm cho biết, ông đã ở đó để làm vòng hoa xuất khẩu sang Hàn Quốc. Một tù nhân khác mãn hạn vào năm ngoái sau khi ngồi tù 4 năm ở nhà tù Yên Đài tỉnh Sơn Đông cũng khẳng định phải làm việc từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối, mỗi tháng chỉ được một ngày nghỉ. Ông cho biết các tù nhân cuộn dây điện cho Công ty Điện tử Thụy Thảo ở Uy Hải (Weihai Ruicao), là một nhà cung cấp của LG Hàn Quốc.
LG xác nhận rằng Điện tử Thụy Thảo ở Uy Hải là nhà cung cấp của SL Electronics thuộc LG. Sau đó trong một tuyên bố LG chia sẻ với Financial Times: Khi SL hiểu rõ Điện tử Thụy Thảo ở Uy Hải không tuân thủ quy tắc ứng xử của LG, SL Electronics đã cắt đứt quan hệ kinh doanh với công ty này.
“Tại Trung Quốc Đại lục, các công ty đa quốc gia thường dựa vào một loạt các công ty trung gian và các nhà cung cấp địa phương, những công ty này có xu hướng sử dụng lao động tù nhưng rất khó khăn để có thể xác minh. Như nhiều cựu tù nhân tiết lộ, nhà tù không in biên lai hoặc ký hợp đồng. Nhưng đối với tù nhân họ không có sự lựa chọn. Vả lại động lực làm việc của các tù nhân không phải là tiền. Tham gia vào lao động là một điều kiện tiên quyết để được giảm án hoặc tạm tha bổng”, một nhà quan sát chia sẻ.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…