Trong lúc Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp khai mạc (16/10), vào ngày 13/10 trên cầu Tứ Thông ở quận Hải Điến – Bắc Kinh đã bất ngờ xuất hiện một số biểu ngữ phản đối. Những hình ảnh liên quan được chia sẻ nóng trên mạng xã hội đã trở thành tâm điểm chú ý và bị kiểm duyệt mạng Trung Quốc ngăn chặn.
Theo một số hình ảnh và video, vị trí của các biểu ngữ phản đối xuất hiện ở Bắc Kinh là trên một khu vực của cầu Tứ Thông quận Hải Điến, đây là con đường giao thông chính từ trung tâm thành phố Bắc Kinh.
Tổng cộng có 4 biểu ngữ phản đối khổng lồ, các biểu ngữ ghi những hàng chữ như: “Không cần axit nucleic mà cần lương thực, không cần phong tỏa mà cần tự do, không cần dối trá mà cần tôn nghiêm, không cần Cách mạng Văn hóa mà cần cải cách, không cần lãnh tụ mà cần bầu cử, không cần nô tài mà cần công dân”.
Theo đoạn video đăng tải trên mạng, trong lúc phía dưới cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh là dòng xe chạy kín thì trên cầu bốc lên đám khói đen, đồng thời có một người đàn ông mặc áo đỏ mũ vàng dùng loa hô hào những câu phản đối như ghi trong biểu ngữ.
Theo các thông tin, cầu Tứ Thông là cây cầu có tiếng của Trung Quốc, hiện nhà chức trách đã bố trí nhiều cảnh sát tại hiện trường vụ việc, các biểu ngữ đã được gỡ bỏ. Sự kiện nhanh chóng được cộng đồng mạng Trung Quốc chia sẻ, còn nhà chức trách thì đã nhanh chóng thực hiện phong tỏa trên toàn bộ các nền tảng internet Trung Quốc.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc than thở: “Không lên tiếng sẽ chết trong im lặng”; “Đây là một chiến binh thực sự!”; “Nhiều người trong chúng ta không hài lòng với chính sách hiện tại nhưng chưa bao giờ dám lên tiếng, cầu mong chiến binh này được an toàn!”
Nếu tìm kiếm các từ khóa chính như “Bắc Kinh biểu ngữ”, “Khẩu hiệu Bắc Kinh”... trên nền tảng Weibo sẽ không tiết lộ bất cứ điều gì về vụ việc xảy ra ở Bắc Kinh vào ngày 13/10, còn tìm kiếm từ khóa “cầu Tứ Thông” chỉ có hai hàng tin của năm ngoái. Tình trạng tương tự cũng thấy trên các nền tảng mạng xã hội khác của Trung Quốc như TikTok…
Từng có người dùng Twitter đã cố gắng chuyển tiếp các bức ảnh liên quan trong nhóm WeChat, nhưng đã bị quản trị mạng ngăn chặn và bị nhà chức trách xử phạt.
Theo thông tin được chia sẻ trên mạng, người biểu tình ngày tên là Bành Tái Chu (Peng Zaizhou), tên khai sinh là Bành Lập Phát (Peng Lifa). Được biết, hiện anh đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giữ. Theo thông tin từ mạng lưới tạp chí trong nước Trung Quốc, năm 2021, trên tạp chí “Báo cáo Sáng tạo Khoa học Công nghệ” có một bài viết ký tên tác giả là Bành Tái Chu, đơn vị làm việc của tác giả này là Công ty Công nghệ Internet Melon Bắc Kinh ở quận Hải Điến, thành phố Bắc Kinh. Tờ Epoch Times cho biết họ không thể chứng thực rằng người biểu tình hôm thứ Năm và tác giả của bài báo nói trên có phải là cùng một người hay không.
Sự kiện này thu hút chú ý của các hãng truyền thông nước ngoài ở Bắc Kinh, phóng viên các hãng truyền thông đã đổ xô đến hiện trường.
Reuters đưa tin các cửa hàng in đã được nhà chức trách yêu cầu từ chối in bản kiến nghị và thỉnh nguyện cho những người khiếu kiện, cơ quan chức năng cũng yêu cầu tất cả các chuyến hàng chuyển phát nhanh đến Bắc Kinh phải qua quá trình “kiểm tra an ninh thứ cấp”.
Phóng viên của Bloomberg đến khu vực lân cận của cầu Tứ Thông để kiểm tra và phát hiện dấu vết cháy trên mặt cầu. Phóng viên BBC cũng đến hiện trường lúc gần 4h chiều ngày 13/10 và nhận thấy việc triển khai cảnh sát gần cầu Tứ Thông đã tăng lên đáng kể.
Một phóng viên của Wall Street Journal là ông Josh Chin đã tweet: “Tinh thần can đảm cần thiết, để thực hiện được điều này trong bối cảnh an ninh ngột ngạt như vậy thật đáng kinh ngạc”. Được biết ông Josh Chin là một trong 3 phóng viên của Mỹ bị chính quyền Trung Quốc trục xuất vào năm 2021.
CNN đưa tin, các cuộc biểu tình công khai nhắm vào cấp cao nhất ĐCSTQ là cực kỳ hiếm thấy ở Trung Quốc Đại Lục, đặc biệt là trước thềm Đại hội 20 của ĐCSTQ. Để đảm bảo an ninh và ổn định, các nhà chức trách đã biến Bắc Kinh thành như một boongke được canh gác nghiêm ngặt.
Hãng thông tấn AP đưa tin, sau khi vụ việc xảy ra đã có hàng chục cảnh sát tuần tra gần cầu Tứ Thông, họ ập vào các cửa hàng để kiểm tra, đôi khi còn chặn người đi bộ để thẩm vấn. Phóng viên AP đã 3 lần bị cảnh sát thẩm vấn và yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân. Nhưng cảnh sát phủ nhận trong khu vực đã xảy ra bất cứ điều gì bất thường.
Sự kiện này rõ ràng nhắm vào Đại hội 20 ĐCSTQ sắp khai mạc, đây là đại hội rất quan trọng đối với lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình. Dư luận phổ biến cho rằng ông Tập sẽ phá bỏ quy tắc của ĐCSTQ tại đại hội này để bắt đầu nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 3 với tư cách là lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. Xu thế bất bình trong dân chúng tại Trung Quốc trở nên gia tăng trầm trọng hơn bởi chính sách ‘Zero COVID’ hà khắc, vì chính sách này gây ra tình trạng phong tỏa liên tiếp làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tàn phá nền kinh tế.
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…