Gần đây chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố rằng theo luật, 5 loại tàu nước ngoài đi vào “lãnh hải” của Trung Quốc phải báo cáo với phía Trung Quốc. Chuyên gia quân sự chiến lược của Đài Loan Tô Tử Vân nói với Epoch Times rằng ĐCSTQ có thể áp dụng quy định mới này đối với các đảo tranh chấp, vi phạm luật pháp quốc tế và làm gia tăng xung đột khu vực.
Ngày 1/9, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu thực thi “Luật An toàn Giao thông Hàng hải” sửa đổi được thông qua vào ngày 29/4 vừa qua.
Ngày 27/8, tài khoản WeChat chính thức của Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải của ĐCSTQ “Trung Quốc Hải sự” đã đưa ra thông báo: Bắt đầu từ ngày 1/9, “Theo quy định của ‘Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa’, tàu có quốc tịch nước ngoài đi vào lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì cần báo cáo với cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc.”
Thông báo cho biết, 5 loại tàu phải khai báo gồm: tàu ngầm; tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân; tàu chở vật liệu phóng xạ; tàu chở hàng rời như dầu, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác; các tàu khác có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo quy định của luật, quy định hành chính hoặc Quốc vụ viện.
Nội dung của báo cáo bao gồm: tên tàu, tín hiệu gọi, số IMO (Số Tổ chức Hàng hải Quốc tế) và mã nhận dạng dịch vụ thông tin di động hàng hải; ngày, giờ báo cáo và vị trí hiện tại của tàu; tên cảng, ngày giờ khởi hành; tên cảng tiếp theo, ngày đến dự kiến và thời gian đến; số điện thoại vệ tinh trên tàu; tên chính thức của hàng hóa nguy hiểm được chở, số UN (nếu không có số UN, đánh dấu NA), loại ô nhiễm (nếu không áp dụng, đánh dấu NA), tải trọng (tấn).
Ông Tô Tử Vân, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Quốc phòng An ninh Quốc gia Đài Loan, đồng thời là một chuyên gia chiến lược quân sự, nói với phóng viên Epoch Times hôm 30/8 rằng những quy định mới này của “Luật An toàn Giao thông Hàng hải” của ĐCSTQ, cộng với “Luật Hải cảnh” (có hiệu lực vào ngày 1/2 vừa qua) sẽ làm gia tăng xung đột khu vực, và tình hình đáng lo ngại.
Ông Tô Tử Vân cho rằng ĐCSTQ có thể vi phạm luật pháp quốc tế khi áp dụng “Luật An toàn Giao thông Hàng hải” đối với các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm ở Biển Đông.
“Theo luật pháp quốc tế, có hai vấn đề đối với các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm: thứ nhất là tồn tại tranh chấp về quyền sở hữu; thứ hai là các đảo và bãi đá ngầm này là đá ngầm nửa nổi nửa chìm, tức là chúng nằm dưới biển sau khi thủy triều lên và lộ ra khi thủy triều xuống, về cơ bản ĐCSTQ không thể đòi các quyền lãnh hải. Nếu Bắc Kinh bắt đầu áp dụng cái gọi là luật an toàn giao thông hàng hải đối với các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm từ ngày 1/9, khi các quốc gia khác đi vào 12 hải lý xung quanh các đảo và đá ngầm này, ĐCSTQ có thể gây khó dễ, hoặc có thể xảy ra xung đột”, ông Tô Tử Vân nói.
Thông tin công khai cho thấy, ĐCSTQ đã cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo trên quy mô lớn trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tờ Washington Times ngày 13/7 cho biết, các hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Trung Quốc đã vi phạm cam kết khi triển khai máy bay và trực thăng giám sát và cảnh báo sớm điện tử trên hai đảo nhân tạo đang tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời bắt đầu tiến hành các chuyến bay thường lệ. Các đảo và bãi đá ngầm này đều là một phần của quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là quần đảo Nam Sa), một số quốc gia và khu vực có tuyên bố chủ quyền bao gồm Philippines, Việt Nam và Brunei, Malaysia.
Ông Tô Tử Vân nói thêm rằng “Luật An toàn Giao thông Hàng hải” của ĐCSTQ, cùng với “Luật Hải cảnh” được thông qua vào tháng Hai năm nay sẽ làm gia tăng một số xung đột trong khu vực.
“Luật Hải cảnh” của ĐCSTQ nêu rõ: “Khi các quyền của Trung Quốc bị các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp hoặc đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm bất hợp pháp trên biển, các cơ quan cảnh sát biển của Trung Quốc có quyền sử dụng vũ khí”.
Ông Tô Tử Vân nói: “ĐCSTQ có thể là nước đầu tiên mở rộng quá mức loại khái niệm lãnh hải này, và cũng áp dụng cho các đảo và rạn san hô nhân tạo không phù hợp; thứ hai chính là đi đầu trong việc sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền khác đi vào ‘lãnh hải’. Cả hai điều này đều không phù hợp với các quy tắc quốc tế.”
Theo báo Thanh Niên, hồi tháng Một năm nay, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng của phía Việt Nam đã nói: Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Đồng thời bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp với UNCLOS 1982 và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó. Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế UNCLOS 1982, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Theo RFI, việc Trung Quốc yêu cầu tàu chiến nước ngoài đi vào lãnh hải Trung Quốc phải được chấp thuận không phải là quy định mới.
Ông Tống Thừa Ân, Giám đốc Nền tảng Đài Loan bảo vệ dân chủ, chuyên về luật pháp quốc tế, nói với Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) rằng trong “Luật Lãnh thổ và Vùng tiếp giáp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được thực thi vào năm 1992 đã có các quy định liên quan.
Ông Tống Thừa Ân cho biết, chủ trương “tự do hàng hải” là chính sách lâu dài của Mỹ, chỉ là mấy năm gần đây liên tiếp đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông nên mới được chú ý. Ông nói rằng việc cử tàu chiến đi qua ven biển có liên quan “một cách vô hại” là cách làm thường thấy của Mỹ. Theo ông Tống, Mỹ chủ trương rằng một số đảo và bãi đá ngầm “chỉ nổi lên khi thủy triều xuống” không nên có lãnh hải; và kêu gọi các tàu chiến của đồng minh như Anh, Pháp, Đức ra vào Biển Đông để bảo vệ “tự do hàng hải”, tình hình Biển Đông càng lộ vẻ căng thẳng.
Ông Tống Thừa Ân cho rằng Trung Quốc đang sử dụng lần sửa đổi luật này để biểu đạt thái độ rằng tàu chiến của Mỹ và các nước khác gây ra mối đe dọa an ninh và không được hưởng quyền lợi “đi qua một cách vô hại” trong luật pháp quốc tế.
Theo CNA, trong số 5 loại tàu nước ngoài được liệt kê trong danh sách sửa đổi luật của Trung Quốc, có tàu ngầm và tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân thu hút sự chú ý. Hiện tại, các quốc gia duy nhất có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân là Mỹ và Pháp, và các điều khoản liên quan được coi là nhằm vào tàu chiến của các quốc gia này.
Hôm 30/8, nhà lập pháp Đài Loan Vương Định Vũ đã đăng bài viết trên Facebook nói rằng: “Cách làm mới này của ĐCSTQ về cơ bản là một hành động ngu xuẩn ‘hại người khác và gây bất lợi cho chính mình’.”
Ông Vương Định Vũ nói: “Nếu là lãnh hải Trung Quốc phù hợp với quy phạm quốc tế và được công nhận thì không có vấn đề gì lớn, nhưng nếu đó là lãnh hải do chính Trung Quốc (ĐCSTQ) nhận định và không phù hợp với quy phạm quốc tế, chẳng hạn như Biển Đông, vạch một đường rồi nói là địa bàn của mình, còn đưa ra quy định, thì đúng là hành vi ngang ngược!”.
Ông nói: “Các tàu của các quốc gia khác thực chất là đang ở trên ‘vùng biển chung’ hoặc ‘vùng biển kinh tế của mình’, nhưng bởi ĐCSTQ tự nhận định đó là lãnh hải của mình, và yêu cầu khi đi qua thì phải báo cáo với chính phủ Trung Quốc. Đây là hành vi tạo tranh chấp một cách vô trách nhiệm.”
Ông nói rằng tàu của các quốc gia khác nhau (đặc biệt là tàu chiến, tàu tuần dương và tàu công vụ) sẽ không chú ý đến các quy định vô lý đơn phương của Trung Quốc, và vấn đề này sẽ trở lại chính Trung Quốc (ĐCSTQ), “Lẽ nào … … quân của ĐCSTQ sẽ nổ súng? Hay không dám động thủ với các nước lớn như Mỹ mà chỉ dám uy hiếp các nước nhỏ yếu?”
“Cách làm này của ĐCSTQ, chỉ làm gia tăng nhân tố bất ổn tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tạo ra rắc rối cho các nước khác, cũng một lần nữa chứng thực xưng hiệu Trung Quốc (ĐCSTQ) là ‘kẻ gây rối quốc tế’”, ông Vương Định Vũ nói.
Mộc Lan (t/h)
Xem thêm:
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…