Cổng Minghui thống kê: 15.235 người tập Pháp Luân Công bị bức hại năm 2020
- Minh Nhật
- •
Theo thông tin công bố từ Minghui, một cổng thông tin của Pháp Luân Công ở hải ngoại thường xuyên đăng tải bằng chứng trực tiếp từ nguồn tin sơ cấp (nhân chứng trực tiếp) tại Đại lục về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, trong năm 2020, với số liệu thống kê không đầy đủ, tổng cộng có 6.659 người tập đã bị bắt và 8.576 người bị sách nhiễu tại Trung Quốc Đại lục. Số liệu từ Minghui đã được nhiều tổ chức nhân quyền công nhận, trong đó đáng chú ý là được trích dẫn trong các phát biểu và các báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Năm 2020 đánh dấu một cuộc khủng hoảng nặng nề tại Trung Quốc do tác động từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục tiến hành hàng loạt cuộc đàn áp tín ngưỡng, theo báo cáo mới đây của tổ chức nhân quyền Freedom House. Trong khi các cuộc đàn áp mới xảy ra đối với người Nội Mông Cổ và người Hồng Kông, thì các cuộc đàn áp người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng cũng leo thang.
Theo thông tin không đầy đủ (do các khó khăn khi thu thập thông tin trong cuộc đàn áp) mà Minghui thu thập được, 6.659 người tập Pháp Luân Công đã bị bắt và 8.576 người bị sách nhiễu trong năm 2020. Trong khi số vụ bắt giữ không chênh lệch nhiều so với năm trước đó với 6.109 người, thì năm 2020 chứng kiến số vụ sách nhiễu tăng gấp 2,4 lần so với 3.582 người vào năm 2019 do chiến dịch “Xóa sổ” được thực hiện trên toàn quốc.
Tương tự như chiến dịch sách nhiễu “Gõ cửa” vào năm 2017 nhằm vào người tập Pháp Luân Công vì đức tin của họ, cảnh sát và các nhân viên ủy ban khu dân cư đã đến gặp tất cả người tập Pháp Luân Công nằm trong danh sách đen của chính quyền nhằm ép họ phải từ bỏ tín ngưỡng trong chiến dịch “Xóa sổ” mới.
Bên cạnh đó, Minghui cho biết chiến dịch “Xóa sổ” cũng nhắm mục tiêu đến các thành viên gia đình của người tập Pháp Luân Công để đáp ứng chỉ tiêu. Khi những người tập từ chối ký vào bản tuyên bố từ bỏ tín ngưỡng, cảnh sát và các nhân viên đã gây áp lực buộc gia đình họ phải ký vào bản tuyên bố thay cho người thân. Tại các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam, nhà chức trách đã treo thưởng 100.000 Nhân dân tệ cho những ai báo cáo về trường hợp người tập Pháp Luân Công.
Trong năm 2020, nhiều người tập đã bị tra tấn khi bị giam giữ. Hai phụ nữ đã bị đánh đến chết vài ngày sau khi họ bị bắt vào cuối tháng Sáu. 81 người khác cũng đã qua đời sau khi bị tra tấn trong khi giam giữ và do sức khỏe của họ vốn đã bị suy sụp sau nhiều năm chịu bức hại.
Trong tổng số 15.235 người tập bị nhắm mục tiêu vào năm 2020, 1.188 người từ 65 tuổi trở lên. Ngoài ra còn có 17 người ở độ tuổi 90, với người lớn tuổi nhất là 94 tuổi. 401 người đã bị tống tiền hoặc tịch thu tổng cộng khoảng 7.284.097 Nhân dân tệ trong thời gian bị bắt giữ, trung bình 18.165 Nhân dân tệ mỗi người.
Ngoài các vụ bắt giữ và sách nhiễu, 622 người tập Pháp Luân Công đã bị kết án vì đức tin của họ trong năm 2020, với 114 người trong số họ từ 65 tuổi trở lên và 11 người ở độ tuổi 80. Các mức án tù từ 3 tháng đến 14 năm, trung bình là 3 năm 4 tháng.
Người tập Pháp Luân Công bị kết án đến từ 149 thành phố thuộc 27 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Liêu Ninh (68), Sơn Đông (57), Tứ Xuyên (57), Hà Bắc (56), và Cát Lâm (50) là các tỉnh có nhiều trường hợp. 15 tỉnh báo cáo trường hợp bị kết án hai con số và bảy tỉnh còn lại có các trường hợp một con số. Tỉnh Hồ Bắc, là tâm chấn của đại dịch COVID-19, đứng thứ sáu trong danh sách với 35 trường hợp.
Trong số những người tập bị kết án, 265 người đã bị tòa án phạt, với tổng số tiền là 2.788.234 Nhân dân tệ và trung bình là 10.522 Nhân dân tệ/người.
Theo Minghui.org
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
- Freedom House: ĐCSTQ thực thi chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia phức tạp nhất
- Sách “Gặm Phật”: ĐCSTQ liên tục đàn áp người Tây Tạng hơn 70 năm
Mời xem video:
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công Dòng sự kiện