Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phê duyệt việc xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới, khởi động một dự án đầy tham vọng ở rìa phía đông cao nguyên Tây Tạng, dự án này có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người ở hạ lưu Ấn Độ và Bangladesh.
Theo Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đưa tin hôm 25/12, Chính phủ ĐCSTQ gần đây đã phê duyệt các dự án thủy điện ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo (hay sông Brahmaputra, Yarlung Tsangpo). Con đập lớn sẽ nằm ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo. Năm 2020, theo ước tính của Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc, sau khi hoàn thành Dự án Thủy điện Yarlung Zangbo, sản lượng điện hàng năm sẽ đạt 300 tỷ kilowatt giờ. Con số này sẽ gấp hơn 3 lần công suất phát điện thiết kế hàng năm 88,2 tỷ kilowatt giờ của đập Tam Hiệp, hiện là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Tân Hoa Xã cho biết, dự án sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu “carbon kép” của Trung Quốc là đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon, kích thích phát triển ngành nghề liên quan như công trình và xây dựng, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho Tây Tạng.
Một đoạn sông Yarlung Zangbo trong phạm vi ngắn khoảng 50 km đã giảm độ cao đột ngột tới 2000 mét, mang lại tiềm năng lớn về thủy điện và những thách thức kỹ thuật đặc biệt. Chi phí xây dựng đập, bao gồm cả chi phí kỹ thuật, được dự đoán sẽ vượt qua con số 254,2 tỷ nhân dân tệ của đập Tam Hiệp. Số tiền này bao gồm cả việc tái định cư cho 1,4 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đập Tam Hiệp, cao gấp hơn 4 lần so với dự toán ban đầu là 57 tỷ nhân dân tệ.
Các nhà chức trách chưa cho biết có bao nhiêu người sẽ buộc phải di dời do dự án thủy điện ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo, hoặc nó sẽ có tác động gì đến hệ sinh thái địa phương, một trong những hệ sinh thái phong phú và đa dạng nhất trên cao nguyên Tây Tạng. Tuy nhiên, theo các quan chức ĐCSTQ, các dự án thủy điện ở Tây Tạng sẽ không có tác động đáng kể đến môi trường hoặc nguồn cung cấp nước ở hạ lưu, đồng thời cho biết Tây Tạng có hơn 1/3 tiềm năng thủy điện của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ấn Độ và Bangladesh bày tỏ lo ngại về kế hoạch xây đập vì dự án có thể không chỉ làm thay đổi môi trường sinh thái địa phương mà còn thay đổi dòng chảy và hướng của dòng sông ở hạ lưu.
Sau khi rời Tây Tạng, sông Yarlung Zangbo chảy về phía nam vào các bang Arunachal Pradesh và Assam của Ấn Độ và cuối cùng vào Bangladesh. Sông Yarlung Zangbo chảy qua Tây Tạng từ tây sang đông và Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất thủy điện ở thượng nguồn sông này. Trung Quốc đang lên kế hoạch cho nhiều dự án ở thượng nguồn.
Tờ Washington Post đưa tin, Dự án thủy điện Yarlung Zangbo là một trong hàng chục dự án trên cao nguyên Tây Tạng do các nhà hoạch định chính sách của ĐCSTQ đề xuất, họ đang tìm kiếm các nguồn năng lượng mới ở thượng nguồn bên cạnh nhiều khu vực đã có đập ở hạ lưu sông Dương Tử. Nếu sự bùng nổ xây dựng tiếp tục diễn ra, nó có nguy cơ khơi lại tranh chấp biên giới với Ấn Độ vốn mới chỉ dịu bớt gần đây. Ở Ấn Độ, sông Yarlung Zangbo được gọi là sông Brahmaputra và chảy qua bang Arunachal Pradesh. Trong nhiều năm, Chính phủ Trung Quốc nhất quyết không thừa nhận địa vị pháp lý của Arunachal Pradesh.
Vào ngày 3/12/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Hoa Xuân Oánh cho biết trước những lo ngại của Ấn Độ rằng “Việc phát triển thủy điện ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo là quyền chính đáng của Trung Quốc và Trung Quốc luôn duy trì thái độ có trách nhiệm đối với việc phát triển thủy điện ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo, thực hiện chính sách đồng thời khai thác và bảo vệ các dòng sông xuyên biên giới, mọi dự án đều phải trải qua quy hoạch và luận chứng khoa học, đồng thời cân nhắc đầy đủ đến tác động đến các khu vực hạ nguồn, có tính đến lợi ích của cả khu vực thượng nguồn và hạ nguồn.”
Đại sứ quán ĐCSTQ tại Ấn Độ đã đưa ra tuyên bố liên quan đến dự án thủy điện này vào tháng 12/2020, cho biết: “Bất kỳ kế hoạch phát triển nào cũng phải trải qua quy hoạch và luận chứng khoa học, đồng thời xem xét đầy đủ tác động đến các khu vực hạ nguồn cũng như lợi ích của các nước thượng nguồn và hạ nguồn.”
Tuy nhiên, tuyên bố của phía Trung Quốc hầu như không trấn an được New Delhi. Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ông Jagannath Panda, chuyên gia về các vấn đề Đông Á tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar (Manohar Parrikar Institute for Defence Studies and Analyses), một tổ chức tư vấn ở New Delhi, cho biết: “Một tuyên bố bằng văn bản không có ích lợi gì”.
Ông nói thêm rằng trong cuộc xung đột biên giới căng thẳng giữa hai nước vào năm 2017, Bắc Kinh đã không cung cấp cho New Delhi bất kỳ dữ liệu thủy văn liên quan nào quan trọng để dự đoán tình trạng lũ lụt ở phía đông bắc Ấn Độ.
Ông cho biết, điều này làm gia tăng mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng vị trí ở thượng nguồn sông để đạt được lợi thế chiến lược.
Theo VOA, Ấn Độ và Trung Quốc không có hiệp ước chính thức về chia sẻ tài nguyên nước, nhưng họ đã ký thỏa thuận chia sẻ thông tin về thủy lưu. Bắc Kinh đã xây dựng khoảng 12 con đập vừa và nhỏ trên sông Brahmaputra.
Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã diễn ra suốt 4 năm, phải đến trước cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10 năm nay, hai bên mới đạt được thỏa thuận về vấn đề tuần tra ở khu vực biên giới tranh chấp. Các nhóm nhân quyền cũng cảnh báo rằng những con đập này sẽ thay đổi hoàn toàn cảnh quan thiên nhiên của Tây Tạng, phá hủy hệ sinh thái mỏng manh ở địa phương và buộc cộng đồng địa phương phải di dời.
Vào tháng Hai năm nay, cộng đồng người Tây Tạng đã tổ chức một cuộc biểu tình hiếm hoi phản đối việc xây dựng con đập ở Kamtok, một khu vực miền núi hẻo lánh ở biên giới giữa Tây Tạng và tỉnh Tứ Xuyên. Các nhóm nhân quyền cho biết con đập sẽ nhấn chìm 6 tu viện Phật giáo, một số trong đó có những bức tranh tường có niên đại ít nhất là từ thế kỷ 16. “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc xây dựng một con đập ở một trong những môi trường sống ít bị xáo trộn nhất trên Trái đất”, tổ chức phi lợi nhuận “Tây Tạng Quan sát” (Tibetan Watch) có trụ sở tại London viết trong một báo cáo hồi tháng Năm.
Theo các tổ chức nhân quyền, khoảng hơn 1.000 người Tây Tạng và tăng lữ địa phương đã bị bắt.
Đài BBC cho biết, “Theo một điều tra kéo dài nhiều tháng của BBC, hàng trăm người Tây Tạng phản đối một con đập của Trung Quốc đã bị bắt giữ trong một cuộc đàn áp tàn bạo vào đầu năm nay, một số người bị đánh đập và bị thương nghiêm trọng”.
Tổng thống Đức Steinmeier đã tuyên bố giải tán quốc hội và xác định ngày…
Chính phủ Ấn Độ ngày 27/12 công bố lễ Quốc tang kéo dài 7 ngày…
Năm 2024, Chính phủ, NHNN siết chặt quản lý thị trường vàng khiến các kênh…
Những công nhân người Hoa đang làm việc tại một địa điểm xây dựng tại…
Trong số 17 bị cáo hầu tòa đại án Chuyến bay giải cứu giai đoạn…
Những cuộc đối thoại trong đời sống và công việc, những câu chuyện xung quanh…