Categories: Kinh tếTrung Quốc

ĐCSTQ trấn an giới doanh nhân trước thực trạng kỷ lục số người giàu đào thoát

Diễn đàn Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos mùa hè 2023 đã khai mạc tại Thiên Tân – Trung Quốc hôm 27/6. Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp tục cổ vũ tinh thần kinh doanh và trấn an giới doanh nhân. Nhưng sau những màn trấn áp khiến giới giới nhà giàu tháo chạy, liệu niềm tin có đơn giản lấy lại được bằng những lời hoa mỹ?

Ngày 27/6 Thủ tướng Lý Cường của Trung Quốc phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos ở Thiên Tân. (Nguồn: WANG Zhao/AFP)

Gặp gỡ doanh giới tại Diễn đàn Davos 2023 Thiên Tân

Theo Tân Hoa Xã của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Diễn đàn Davos mùa hè 2023 được tổ chức tại Thiên Tân từ ngày 27 – 29/6, chủ đề năm nay là “Tinh thần kinh doanh: Động lực của nền kinh tế thế giới”. Tham dự diễn đàn có hơn 1500 nhà lãnh đạo và nhà sáng tạo toàn cầu từ hơn 90 quốc gia và khu vực, bao gồm Thủ tướng Motley của Barbados, Thủ tướng Mông Cổ Oyun Erden, Thủ tướng Hipkins của New Zealand, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính…

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết trong bài phát biểu khai mạc vào sáng ngày 27 rằng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp để tăng cường nhu cầu trong nước, kích hoạt thị trường, thúc đẩy phát triển, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và thúc đẩy mở cửa ở mức độ cao.

Trong bài phát biểu, ông Lý Cường cũng đề cập đến sự ủng hộ vững chắc của Trung Quốc đối với toàn cầu hóa kinh tế, duy trì nền kinh tế thị trường và hỗ trợ thương mại tự do. Ông Lý Cường chỉ ra đây là những cách cụ thể để mang lại kỳ vọng ổn định và không gian rộng rãi cho doanh nghiệp và kích thích tinh thần kinh doanh.

Vào chiều ngày 27/6, ông Lý Cường đã tham dự Đối thoại Doanh nhân Toàn cầu của Diễn đàn Davos tại Thiên Tân, thảo luận và trao đổi với đại diện của các doanh nhân với khoảng 120 doanh nhân tham gia. Ông nhấn mạnh: “Trí tuệ và sức mạnh của doanh nhân là động lực không thể thiếu để phát triển kinh tế”.

Nhật báo Kinh tế (Economic Daily) của Trung Quốc hôm 27 đã đăng bài cho biết, “Các doanh nghiệp và doanh nhân không chỉ tạo ra của cải xã hội, còn là chủ thể sáng tạo chính của xã hội. Các chính sách cần ổn định, minh bạch… để xây dựng lại niềm tin của giới doanh nhân”.

Đài VOA Mỹ đưa tin hôm 27 rằng khi ông Lý Cường gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài tại diễn đàn, đã tìm cách trấn an.

Nói với Epoch Times cùng ngày, nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất cho rằng tại Diễn đàn Davos mùa hè do ĐCSTQ tổ chức này, quy cách nhân vật quan trọng có vẻ “thu hẹp”, không có sự tham dự từ một số nhân vật ở châu Âu hay một nước Trung Á… Nhìn lại các diễn đàn trước, ví dụ Diễn đàn Davos mùa hè 2018 được tổ chức cách đây 5 năm với số lượng đại diện hơn 2500 người, nhiều hơn diễn đàn này tới gần 1.000 người; thành phần tham dự có Tổng thống Vučić của Serbia, Tổng thống Vejónis của Latvia, Tổng thống Karyurad của Estonia, Thủ tướng Tuilaepa của Samoa… Còn nếu so với Davos đầu tiên vào năm 2013 thì mức chênh lệch thậm chí còn kinh khủng hơn.

Phân tích: ĐCSTQ gian lận số liệu kinh tế

Ông Lý Cường cho biết tại Diễn đàn Davos, “Các doanh nghiệp có tiếng nói nhất, Chính phủ không thể làm thay nổi”.

Về vấn đề này, hôm 27/6 Tiến sĩ Tạ Điền tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, nói với Epoch Times, “Trên thực tế, chính ĐCSTQ đang đi quá giới hạn khi can thiệp vào nền kinh tế, họ đã theo nhu cầu chính trị gây kìm hãm kinh tế [tiêu biểu như trong đại dịch COVID-19]”; “Các chính phủ phương Tây đang tìm hướng giảm thiểu rủi ro và các doanh nghiệp cũng vậy, như xu thế chuyển chuỗi công nghiệp thực chất là các doanh nghiệp tìm cách tránh rủi ro, họ đi tìm kiếm chuỗi công nghiệp mới an toàn”.

Ông Lý Cường cũng đề cập tại diễn đàn rằng “Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đạt 5%, điều này sẽ góp phần vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới”. Về vấn đề này, ông Tạ Điền cho rằng những động lực tăng trưởng kinh tế ban đầu của Trung Quốc đều đã suy sụp: xuất nhập khẩu đình trệ, vỡ bong bóng bất động sản, tiêu dùng yếu, nợ chính phủ cao và vốn nước ngoài tháo chạy. Thực tế kinh tế Trung Quốc không còn động lực thì làm sao có thể đóng góp cho thế giới?

Ông chỉ ra tăng trưởng kinh tế của ĐCSTQ nhất định là âm, vì hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp lớn, số doanh nghiệp đóng cửa nhiều và doanh số bán lẻ giảm sút như vậy thì làm sao nền kinh tế có thể phát triển được. Ông nói: “ĐCSTQ đang dối trá, làm sai lệch một cách có hệ thống và tiếp tục lừa dối bằng các dữ liệu kinh tế”.

Kỷ lục mới về lượng người giàu đào thoát

Báo cáo chuyển dịch của cải tư nhân Henry năm 2023 cho thấy, do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị đình trệ và Chính phủ mở rộng kiểm soát chính trị, ngày càng có nhiều tỷ phú rời khỏi Trung Quốc. Năm 2023 Trung Quốc có đến 13.500 người giàu đã di cư khỏi Trung Quốc, tỷ lệ đứng đầu thế giới.

Trước đó, năm 2022 Trung Quốc có tổng cộng 13.000 người giàu di cư, cũng là một kỷ lục mới khi đó về người giàu Trung Quốc di cư.

Nikkei đưa tin, tuy Trung Quốc ước tính có khoảng 823.800 triệu phú, nhưng làn sóng di cư này sẽ kéo theo hàng chục triệu USD chuyển ra khỏi Trung Quốc, làm trầm trọng thêm tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại của nước này.

Thông tin cho biết, sau khi nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đắc cử nhiệm kỳ 3, nhà chức trách nước này đã đẩy mạnh thanh trừng các công ty tư nhân và tiến hành một loạt cuộc khám xét, bao gồm cả một số công ty tư vấn. Đồng thời, Chính phủ cũng thắt chặt kiểm soát đối với ngành công nghệ và tài chính. Tháng 2 năm nay, sau “mất tích” bí ẩn gây hoang mang của người sáng lập tổ chức tài chính China Renaissance là ông Bao Phàm (Bao Fan), cho đến một thời gian dài sau đó công ty này mới tiết lộ rằng ông Bao hiện đang “hợp tác với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc trong cuộc điều tra, công ty sẽ theo yêu cầu hợp tác với cuộc điều tra”.

Vào năm 2022 đã có nhiều doanh nhân và người giàu Trung Quốc bị chính quyền ĐCSTQ do ông Tập Cận Bình lãnh đạo đàn áp, nhà chức trách đã đàn áp nhiều ngành công nghiệp dưới danh nghĩa giám sát, một số ngành thậm chí đã bị đẩy vào ngõ cụt; trong khi nhiều công ty tư nhân gặp khó khăn thì nhà chức trách vẫn khăng khăng sử dụng ‘Zero COVID’ chống dịch để kìm hãm nền kinh tế. Thực trạng đó khiến năm nay làn sóng người giàu Trung Quốc “đào thoát” gia tăng.

Dưới đây liệt kê một số triệu/tỷ phú Trung Quốc đã di cư ra nước ngoài cùng với vốn của họ: Yang Huiyan – người đứng đầu công ty phát triển bất động sản Country Garden, Sun Hongbin – người sáng lập bất động sản Sunac Group, Duan Yongping – chủ tịch Better Life, Shi Zhengrong – người sáng lập công ty sản xuất tấm pin mặt trời Suntech Power, Huang Chulong – người sáng lập Galaxy Holding, Zhang Yong – người sáng lập chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao, Ji Kaiting của Longguang Real Estate, Zhang Lan – người sáng lập chuỗi nhà hàng  LAN Club,  người vợ Tang Jianfang của Zhou Fuyu – người sáng lập Zhou Hei Ya Int’l, Li Xiaoming – người kiểm soát thực tế Semcorp (người giàu nhất Vân Nam), Zhang Yin – người sáng lập công ty sản xuất giấy Nine Dragons (người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc), Li Xiting của nhà sản xuất thiết bị y tế Mindray, Pan Shiyi và người vợ Zhang Xin – chủ tịch kiêm CEO của SOHO China…

Kéo theo khủng hoảng chính trị gia tăng

Về động cơ của những người Trung Quốc giàu có di cư này, nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất từng cho biết, tại Đại hội 20 của ĐCSTQ hồi tháng 10/2022, ông Tập Cận Bình đã phá tiền lệ khi đắc cử nhiệm kỳ 3, theo đó là các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị mới đều là tay chân của Tập Cận Bình, điều này khiến tia hy vọng cuối cùng của các doanh nhân và những người giàu có Trung Quốc đã bị tiêu tan. Cho dù gần đây chính quyền ĐCSTQ có nói những điều tốt đẹp gì đi chăng nữa, thì những doanh nhân đó đã không còn tin, họ không thể quay đầu lại chỉ vì một vài lời hoa mỹ của nhà cầm quyền. Còn cách hành xử của nhà cầm quyền hiện nay rõ ràng chỉ vì lo lắng cho kinh tế chứ không phải xuất phát từ lòng chân thành.

Ông Lý Lâm Nhất nói: “Những người giàu có, kể cả những người có ít tiền hơn, đều chuyển tài sản của họ ra nước ngoài. Điều đó không chỉ tiêu cực về mặt kinh tế mà còn thể hiện sự tiêu cực về chính trị, thậm chí sẽ trở thành một trong những yếu tố đẩy nhanh xu thế sụp đổ của chế độ”.

Còn ông Đường Tĩnh Viễn – chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc (sống tại Mỹ) cũng đã có phân tích rằng lớp người giàu có và trung lưu Trung Quốc cảm thấy một cảm giác hoang mang chưa từng có, tức là họ cảm thấy an toàn tài sản của họ không còn được đảm bảo. Không chỉ người giàu doanh nhân, các quan chức càng hiểu sâu sắc hơn về thực trạng đi vào ngõ cụt của ĐCSTQ, cho nên làn sóng quan chức cho vợ con chạy ra nước ngoài sống để mở trước lối thoát sau này cũng gia tăng, một khi xảy ra biến cố là họ lập tức cao chạy xa bay.

“Cách họ vận hành của cải có thể khác nhau, nhưng xuất phát điểm và động cơ giống nhau. Họ đều biết rằng hệ thống của ĐCSTQ là một con tàu đang chìm, họ không có lòng tin đối với thể chế nhưng họ đều muốn sử dụng lợi thế quyền lực hoặc nguồn lực để vơ vét càng nhiều càng tốt”, ông Đường Tĩnh Viễn nói.

Miêu Vi

Published by
Miêu Vi

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

4 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

5 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

5 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

6 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

8 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

9 giờ ago