Sáng sớm ngày 11/2, Chính phủ Hồng Kông đã phải tiến hành di tản khẩn cấp hơn 100 cư dân thuộc 35 căn hộ ở chung cư Khang Mỹ tại Trường Khang, quận Thanh Y, sau khi có 2 người cùng khu nhà cách nhau 10 tầng bị nhiễm virus corona mới. Một số chuyên gia nhận định rằng virus có thể truyền qua ống nước thải, điều này khiến nhiều người liên tưởng đến vụ bùng nổ dịch SARS tại tòa nhà chung cư ở Ngưu Đầu Giác vào năm 2003.
Nhiều trường hợp lây nhiễm virus corona diễn ra ở khu chung cư Khang Mỹ tại các tầng khác nhau khiến các chuyên gia y tế nghi ngờ rằng virus có thể lây lan qua đường ống thải. Chính quyền đã sơ tán người dân ngay trong đêm (Ảnh: Getty Images)
Trước đó, một phụ nữ 62 tuổi sống tại căn hộ số 307, tầng 3 của khu chung cư đã được chẩn đoán nhiễm virus corona mới. Sau đó, cụ ông 75 tuổi sống tại căn hộ số 1307 của tòa nhà đó cũng nhiễm dịch.
Sau khi điều tra, giới chức phát hiện đường ống nước thải của căn hộ 307 đã không được niêm phong, và không loại trừ trường hợp virus lây lan qua đường ống nước hoặc đường ống nước thải trong tòa. Do đó, chính quyền đã ra lệnh sơ tán toàn bộ cư dân sống trong các căn hộ có số cuối là 07 trong toàn bộ các tầng.
Từ đêm 10/2, đông đảo nhân viên của Sở Y tế mặc quần áo bảo hộ ở Tòa nhà chung cư Khang Mỹ để sắp xếp sơ tán cư dân. Hàng loại cảnh sát chống bạo động, cảnh sát mặc cảnh phục và cảnh sát mặc thường phục cũng xuất hiện ở bên dưới nhằm phong tỏa tòa nhà, không khí hết sức căng thẳng.
Cục trưởng Giao thông vận tải và Nhà ở Trần Phàm cho biết tổng cộng 32 căn hộ với hơn 100 cư dân đã được lệnh sơ tán, trong đó 23 căn đã tiến hành ngay trong đêm 10/2, rạng sáng 11/2 và đưa đến 4 khu cách ly trong vòng 14 ngày. Có 4 người thuộc 3 hộ hiện đang có triệu chứng nhiễm bệnh. Giới chức cũng chưa thể liên lạc với 9 hộ còn lại. Cảnh sát đã phong tỏa tòa nhà và tiếp tục sơ tán cư dân vào trưa ngày 11/2.
Giáo sư chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Khoa Vi sinh Đại học Hồng Kông Viên Quốc Dũng đã đến thị sát khu nhà vào lúc 12 giờ sáng ngày 11/2. Được biết, nữ bệnh nhân 62 tuổi đã bắt đầu bị ho từ ngày 3/2, đến khám bác sĩ tư 3 lần và đã nhập viện Princess Margaret hôm 9/2. Con trai và con dâu bà cũng có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh. Còn với bệnh nhân 75 tuổi ở tầng 13, ông bị bệnh từ ngày 22/1 và từng giấu giếm việc mình đã tới Đại Lục.
Theo giáo sư Viên Quốc Dũng, hiện vẫn chưa rõ virus lây lan theo con đường nào, nhưng “Hệ thống nước thải có kết nối với ống thông khí, nên rất nhiều khả năng virus trong phân sẽ bị phát tán thông qua lỗ thông gió trong các toilet”. Do đó, ông nhận định việc di tản là hết sức cần thiết để giúp người dân tránh bị lây nhiễm tập thể.
Ông còn nói: “Những rủi ro tiềm ẩn là rõ ràng, chúng tôi có lý do để lo lắng về việc virus có thể lây lan qua đường không khí.” Điều tra cho thấy, đường ống nước thải của các căn hộ có số 07 của tòa nhà được thiết kế nối liền với nhau. Hai bệnh nhân nhiễm bệnh cách nhau 10 tầng, và không loại trừ khả năng bệnh nhân nam ở tầng 13 đi vệ sinh, sau đó virus lẫn vào đường ống xả toilet. Khi người phụ nữ ở tầng 3 bật quạt thông gió trong nhà vệ sinh, virus corona có thể rò rỉ từ đường nước thải của hệ thống tự hoại, khiến bà bị lây nhiễm.
Sự cố lây nhiễm dịch viêm phổi Vũ Hán tại tòa nhà Khang Mỹ không khỏi khiến người ta nhớ đến sự cố lan truyền dịch SARS tại tòa nhà Amoy Gardens năm 2003. Khi đó, virus SARS đã lan truyền qua đường dẫn chất thải hình chữ U dưới sàn buồng tắm. Điều kiện ẩm ướt tại đó khiến các giọt nước chứa virus trong chất thải người bốc lên qua các chỗ rò rỉ trong đường ống. Quạt thông gió ở các phòng tắm đã thổi những giọt nước chứa virus này vào phòng ở, khiến cho hơn 300 người nhiễm bệnh chỉ trong vòng hơn 2 tuần.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí sáng nay, giáo sư Viên Quốc Dũng đã nhấn mạnh, thông qua vụ việc ở chung cư Khang Mỹ, ông có lý do để lo lắng về việc virus lan truyền qua không khí, nhưng cũng không loại trừ các phương thức lây truyền khác.
Ông Viên Quốc Dũng giải thích rằng “lây truyền qua không khí” thường xảy ra trong một số môi trường nhất định. Ví dụ, trong các thủ tục y tế như chiết xuất đờm khiến các giọt dịch tiết nhỏ li ti của bệnh nhân co lại thành các hạt lơ lửng, trôi nổi trong không khí và ai đó vô tình hít phải thì chúng sẽ thâm nhập sâu vào trong phổi. Nếu lần này virus thực sự rò rỉ từ đường ống xả thải, thì “Có khả năng quạt hút mùi của các hộ dân khi khi mở ra tạo thành thành áp suất mạnh, khiến không khí bị nổ và tạo ra các hạt lơ lửng trong không khí. Nếu ai không may hít vào phổi sẽ gây viêm phổi.”
Tuy nhiên, ông nhận định rằng sự cố ở chung cư Khang Mỹ sẽ không phải là một phiên bản mới giống như Khu nhà E của chung cư Amoy Gardens hồi dịch SARS năm 2003.
Minh Ngọc
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…