Tối ngày 30/6, lượng lớn người Hồng Kông ngồi máy bay đến Anh. Tại sân bay, người rời Hồng Kông đến Anh xếp hàng dài, trong đó không ít người đi cùng người nhà. Một người mẹ dẫn theo cả gia đình di dân cho biết, vốn muốn mua vé máy bay ngày 2/7, nhưng lo lắng xuất cảnh sẽ gặp khó khăn sau ngày 30/6, nên thà thêm tiền để đổi vé máy bay rời đi vào ngày 30.
Tại sảnh xuất cảnh ở sân bay, hành khách xếp hàng dài rời Hồng Kông đến Anh. Người thân bạn bè ôm nhau nghẹn ngào rơi nước mắt.
Ông Trần đã phải tháo khẩu trang để lau nước mắt sau khi tiễn biệt con gái, con rể và cháu ngoại ở sảnh khởi hành. Trả lời phỏng vấn của Epoch Times, ông cho biết cả nhà con gái từ một năm trước đã chuẩn bị di dân đến Anh Quốc, hôm nay cuối cùng đã rời đi, tâm trạng ông trở lên rối loạn. Bởi vì dịch bệnh nên thời gian gần tới ông sẽ không đến Anh để thăm họ. Ông lặp lại nhiều lần: “Tôi không nỡ rời xa chúng.”
Khi được hỏi về nguyên nhân cả nhà con gái ông di dân, ông Trần nói: “Điều này không rõ lắm, dù sao thì người trẻ tuổi có suy nghĩ của người trẻ tuổi.” Mặc dù không nói rõ suy nghĩ của người trẻ tuổi là như thế nào, nhưng ông cho biết, ông có thể chấp nhận suy nghĩ của con gái.
Một gia đình 3 người đặc biệt vội vã rời Hồng Kông trước ngày 1/7. Người mẹ nói với Epoch Times rằng giá vé ngày 30/6 rất đắt, bình thường chỉ cần vé máy bay khoảng 3.000 đô la Hồng Kông (khoảng 386,2 USD), hiện giờ phải mất 8.000 đô la Hồng Kông (khoảng 1029,99 USD). Ban đầu cô đã đặt vé ngày 2/7, nhưng do thấy Chính phủ Hồng Kông cấm chuyến bay từ Anh đến Hồng Kông, lo lắng việc rời khỏi Hồng Kông sẽ gặp khó khăn, nên thà bỏ ra nhiều tiền hơn để đổi lại vé ngày 30/6. Cô đặc biệt nhấn mạnh, rời khỏi Hồng Kông là vì con trai của cô. Cô cho biết, cảm ơn ơn hãng hàng không Anh Quốc vẫn đến đón người Hồng Kông rời đi sau khi Chính phủ Hồng Kông cấm các chuyến bay đến.
Cô nói, cô cảm thấy đau lòng đối với việc phải rời khỏi Hồng Kông. Trong lúc nói chuyện, cô không kìm nén được cảm xúc và ôm phóng viên nghẹn ngào, dặn dò phóng viên “ở Hồng Kông cần cẩn thận”.
Trước thời điểm ngày 1/7, ĐCSTQ và Chính phủ Hồng Kông tăng cường đàn áp truyền thông và những người dân dám lên tiếng. Sau khi Apple Daily bị bức bách phải ngừng xuất bản, cựu chủ bút Lư Phong cũng bị bắt tại sân bay vào ngày 27/6, đã gây chấn động cho xã hội Hồng Kông.
Ngày 28/6, Chính phủ Hồng Kông tuyên bố thực hiện “cơ chế cắt đứt” đối với các chuyên bay ở khu vực Anh Quốc với lý do dịch bệnh tại Anh quay trở lại và biến chủng Delta lây lan rộng. Từ ngày 1/7, sẽ cấm tất cả các chuyến bay dân dụng từ Anh hạ cánh xuống Hồng Kông, đồng thời liệt Anh Quốc vào khu vực A1 có rủi ro cực cao, hạn chế người từng ở Anh hơn 2 tiếng đồng hồ lên bất cứ chuyến bay dân dụng nào đến Hồng Kông nhằm ngăn chặn họ chuyển máy bay đến Hồng Kông.
Không ít người có ý đến Anh Quốc lo lắng rằng sau khi máy bay chở khách của Anh không thể đến Hồng Kông thì sẽ ảnh hưởng đến các chuyến bay từ Hồng Kông đi Anh. Hôm 29/6, British Airways cho biết, mặc dù các chuyến bay chở khách của Anh từ London đến Hồng Kông tạm thời gián đoạn, nhưng các chuyến bay từ Hồng Kông đến London tiếp tục hoạt động bình thường (trừ ngày 1/7), hành khách xuất phát từ Hồng Kông sẽ không bị ảnh hưởng.
Sau khi British Airways thông báo như trên, lượng lớn cư dân mạng đã để lại lời cảm ơn trên tài khoản Facebook của British Airways: “Cảm ơn sự bố trí hào hiệp của British Airways để người Hồng Kông đến Anh!”. Còn có cư dân mạng để lại bình luận, hình dung British Airways duy trì các chuyến bay rời Hồng Kông là “Cuộc di tản Dunkirk Hồng Kông” (Hong Kong Dunkirk), “Cảm ơn British Airways đưa người Hồng Kông ra khỏi sự đau khổ”.
“Dự thảo Luật Nhập cảnh 2020 (hiệu đính)” được gọi là “Luật khóa Hồng Kông” sẽ bắt đầu được thực thi từ ngày 1/8, cũng khiến cho người dân Hồng Kông lo lắng. Luật nhập cảnh sau khi hiệu đính đã quy định Giám đốc An ninh có thể trao quyền cho Giám đốc Di trú, yêu cầu máy bay cung cấp thông tin về hành khách trên phương tiện vận chuyển và chỉ thị một phương tiện giao thông nhất định không được chở ai đó.
Cơ quan an ninh cho biết, việc sửa đổi này là nhắm vào vấn đề tị nạn, nhắm vào chuyến bay đến Hồng Kông chứ không phải là rời Hồng Kông, và đính kèm các hạn chế luật pháp liên quan. Tuy nhiên các tổ chức chú ý đến vấn đề này vẫn lo lắng rằng luật chính này trao quá nhiều quyền lực cho giám đốc Di trú, các luật pháp đính kèm không đủ để hạn chế.
Ngoài ra, một một nguyên nhân khiến cho số người đến Anh tăng mạnh đó là, hiện tại có rất nhiều người Hồng Kông thông qua “Giấy phép nhập cảnh đặc biệt” (Leave Outside the Rules), chính sách này sẽ hết hạn vào ngày 19/7. Người xin giấy phép này không cần visa BNO khi nhập cảnh, nhưng sau khi đến Anh trong nửa năm phải xin visa BNO. Từ năm ngoái, sau khi Chính phủ Anh công bố “giấy phép nhập cảnh đặc biệt” đối với người Hồng Kông có visa BNO, đến nay đã nhiều lần gia hạn, tạm thời chưa rõ sau khi hết hạn liệu có tiếp tục gia hạn thêm nữa hay không.
Ngày 1/7 hàng năm là ngày kỷ niệm Hồng Kông chuyển giao chủ quyền, người dân Hồng Kông đều tổ chức tuần hành quy mô lớn vào ngày này. Trong phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ năm 2019, có đến 550.000 người Hồng Kông tuần hành. Năm nay có 3 đoàn thể nộp đơn xin phép tuần hành ngày 1/7, nhưng đã bị phía cảnh sát từ chối. Ngày 30/6, cảnh sát đã bắt giữ Phó Chủ tịch của Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc Trâu Hạnh Đồng, hủy bỏ bảo lãnh của cô, truy tố cô tội “kích động tập trung chưa được phê chuẩn”. Cảnh sát cho biết, nghi ngờ cô có phần tham dự vào nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền và kêu gọi hoạt động tuần hành ngày 1/7.
Ngày 17/6, cảnh sát dùng Luật An ninh Quốc gia để bắt giữ 5 quản lý cấp cao của Next Digital và Apple Daily, đóng băng tài sản, sau đó lại tiếp tục bắt giữ hai chủ bút. Ngày 24/6, Apple Daily cuối cùng bị bức bách phải ngừng xuất bản. Chính quyền thắt chặt đàn áp truyền thông đã dẫn đến hiệu ứng ve mùa đông, nhiều trang truyền thông trực tuyến ngừng hoạt động, nhà bình luận thời sự cũng liên tiếp gỡ bài viết, video, đóng cửa kênh mạng xã hội.
Ông Hà Lương Mậu, một người làm trong lĩnh vực truyền thông Hồng Kông đã di cư đến Canada, chia sẻ với Epoch Times rằng: “Trước và sau năm 1997 trào lưu di dân thực sự là di dân, nhưng hiện nay dùng từ ‘trào lưu di dân’ e là không chính xác, mà cần dùng ‘trào lưu chạy nạn’ để hình dung, nói thẳng là ‘lánh nạn’.” Ông nói tiếp, nguyên nhân người Hồng Kông di dân là trong tâm lý có sự lo sợ bất an, đối mặt với sự bức hại vô pháp vô thiên của ĐCSTQ, người Hồng Kông giống như người Việt Nam ngồi thuyền vượt biên đi lánh nạn năm xưa, buộc phải rời khỏi quê nhà.
Chính phủ Hồng Kông chưa công bố số người di dân. Theo Tạp chí kinh tế Hồng Kông trích dẫn một biểu đồ dữ liệu nhập – xuất cảnh do nhà bình luận chứng khoán độc lập David Webb thực hiện, cho thấy trong một năm thực thi “Luật An ninh Hồng Kông, đến ngày 27/6 năm nay, số người dân Hồng Kông nhập cảnh từ sân bay là 230.982 người, còn người xuất cảnh là 338.514 người, số người xuất cảnh thực tế là 107.532 người, chiếm 1,4% tổng dân số Hồng Kông.
Theo Trần Mân Kỳ, Epoch Times
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…