Ngày 1/10/2020, cảnh sát Hồng Kông bắt giữ hơn 80 người dân xuống đường biểu đạt yêu cầu. (Ảnh: Li Tianzheng / Vision Times).
Cảnh sát an ninh quốc gia Hồng Kông đã công bố lệnh bắt giữ 19 nhà hoạt động ở nước ngoài, cáo buộc họ phạm tội lật đổ chính quyền theo luật an ninh quốc gia. Đây là đợt bắt giữ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Anh, Úc, Mỹ, Canada đều lên án hành động này của chính quyền Bắc Kinh.
Năm 2020, chỉ một năm sau làn sóng biểu tình đòi dân chủ kéo dài nhiều tháng tại Hồng Kông năm 2019, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt lên trung tâm tài chính châu Á. Các nhà hoạt động bị cáo buộc là đã vi phạm luật này khi tổ chức hoặc tham gia vào “Nghị viện Hồng Kông” – một nhóm mà chính quyền đặc khu cho rằng có âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước.
Cụ thể, họ bị buộc tội đã phát động một cuộc trưng cầu dân ý hoặc ứng cử trong nhóm “Nghị viện Hồng Kông” – vốn không chính thức và không được công nhận – với mục tiêu đạt quyền tự quyết và soạn thảo “Hiến pháp Hồng Kông”.
Cảnh sát cho biết nhóm này đã tìm cách lật đổ chính quyền Trung Quốc và Hồng Kông bằng các biện pháp bất hợp pháp, đồng thời khẳng định cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn và có thể sẽ có thêm các vụ bắt giữ.
Trong số những người bị nêu tên, có doanh nhân Elmer Yuen, nhà bình luận Victor Ho, cùng các nhà hoạt động Johnny Fok và Tony Choi. 4 người này đã bị truy nã trước đó, với mức tiền thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông (127.000 USD) cho mỗi người.
Đối với 15 người còn lại, cảnh sát treo thưởng 200.000 đô la Hồng Kông (25.480 USD) cho mỗi người. Đây là những cá nhân bị cho là đã tổ chức, tham gia tranh cử hoặc tuyên thệ làm nghị viên của “Nghị viện Hồng Kông”.
Phó giáo sư Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Úc – ông Phùng Sùng Nghĩa (馮崇義) – cũng bị đưa vào danh sách đó. Ông Phùng nói với tờ Sydney Morning Herald hôm thứ Bảy:
“Thật sự quá nực cười. Họ (tức Đảng Cộng sản Trung Quốc) nắm quyền lực, có ảnh hưởng ở nước ngoài, và thậm chí còn muốn kiểm soát mọi thứ ở hải ngoại.”
Vào thứ Bảy (ngày 26/7), Hoa Kỳ và Canada đã lên án việc chính quyền Hồng Kông về việc này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rubio tuyên bố: “(Chính quyền Hồng Kông) đang nhắm vào những người dân Hồng Kông đang thực hiện các quyền tự do cơ bản của họ ở nước ngoài. Đây là một hình thức đàn áp xuyên quốc gia”. “Chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho nỗ lực của chính quyền Hồng Kông sử dụng (cái gọi là) Luật An ninh Quốc gia để đàn áp hoặc đe dọa người Mỹ hoặc bất kỳ cá nhân nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ.”
Ông cũng lưu ý rằng với loạt lệnh bắt giữ và tiền thưởng mới, chính quyền Hồng Kông tiếp tục làm xói mòn lời hứa của Bắc Kinh về việc trao quyền tự chủ cho người dân Hồng Kông khi trao trả quyền lực cho thành phố này vào năm 1997.
Tuyên bố cho biết: “Tự do ngôn luận và tự do tranh luận chính trị là những giá trị cốt lõi của nước Mỹ, và chính quyền Trump sẽ tiếp tục bảo vệ những giá trị này”.
Ngoại trưởng Canada Anita Anand và Bộ trưởng An ninh Công cộng Gary Anandasangaree đã đưa ra một tuyên bố chung vào thứ Bảy, lên án quyết định của chính quyền Hồng Kông về việc phát lệnh truy nã và treo thưởng quốc tế đối với 19 nhà hoạt động dân chủ đang sinh sống tại nhiều nơi trên thế giới.
Tuyên bố viết:
“Việc chính quyền Hồng Kông cố gắng tiến hành đàn áp xuyên quốc gia ở nước ngoài, bao gồm đe dọa, uy hiếp hoặc cưỡng ép công dân Canada hay những người đang cư trú tại Canada, là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Chính phủ Canada tái khẳng định, yêu cầu chính quyền Hồng Kông bãi bỏ đạo luật vi phạm nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Hồng Kông, và rút lại tất cả các lệnh truy nã và treo thưởng liên quan.
“Thông báo ngày hôm qua đánh dấu lần thứ ba Hồng Kông ban hành lệnh truy nã quốc tế, cho thấy sự leo thang của các biện pháp đàn áp xuyên quốc gia mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát) đang thực hiện – điều này thật đáng lo ngại,” tuyên bố nhấn mạnh.
Tuyên bố cũng lưu ý rằng Chính phủ Canada đã phát hiện ra hệ thống tài khoản trực tuyến nhắm vào cộng đồng nói tiếng Hoa, đang lan truyền những thông tin sai lệch và có tổ chức về các lệnh truy nã do chính quyền Hồng Kông đưa ra.
“Các hành động của Hồng Kông đang đe dọa chủ quyền của Canada và an toàn của người dân Canada,” tuyên bố cảnh báo.
Ngoại trưởng Úc Penny Wong hôm thứ Bảy đã đăng bài trên nền tảng mạng xã hội X, tuyên bố:
“Úc kịch liệt phản đối việc chính quyền Hồng Kông phát lệnh bắt giữ các nhà vận động dân chủ tại Úc. Tự do ngôn luận và tự do hội họp là nền tảng thiết yếu đối với nền dân chủ của chúng tôi.”
Bà Wong nói thêm:
“Chúng tôi luôn kiên quyết phản đối việc Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) và chính quyền Hồng Kông áp dụng rộng rãi và ngoài lãnh thổ luật an ninh quốc gia của Hồng Kông, và chúng tôi sẽ tiếp tục giữ lập trường đó.”
Ngoại trưởng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh đã cùng ra tuyên bố chung lên án động thái này, gọi các vụ bắt giữ là “một ví dụ nữa về đàn áp xuyên quốc gia” và cho rằng điều đó làm tổn hại đến uy tín quốc tế của Hồng Kông.
Tuyên bố hôm thứ Sáu của Anh nêu rõ:
“(Vương quốc Anh) sẽ không dung thứ cho những nỗ lực của chính phủ nước ngoài nhằm cưỡng ép, đe dọa, quấy rối hoặc làm hại những người chỉ trích họ ở nước ngoài.”
Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh cho rằng các phát biểu của Chính phủ Anh đã “can thiệp thô bạo” vào công việc nội bộ của Trung Quốc và pháp quyền tại Hồng Kông.
“Trung Quốc kêu gọi Anh từ bỏ tư duy thực dân, ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông và ngừng bao che cho các đối tượng phạm tội,” tuyên bố nhấn mạnh.
Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh, được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 với cam kết đảm bảo mức độ tự trị cao, bao gồm quyền tự do ngôn luận, theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.
Những người chỉ trích luật an ninh quốc gia cho rằng chính quyền đang sử dụng luật này để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông nhiều lần khẳng định luật an ninh quốc gia là thiết yếu để khôi phục ổn định sau khi thành phố bị rung chuyển trong suốt nhiều tháng vào năm 2019, bởi các cuộc biểu tình đôi khi còn kèm theo bạo lực, nhằm chống chính phủ và chống Trung Quốc.
Cảnh sát Hồng Kông nhấn mạnh rằng các tội danh liên quan đến an ninh quốc gia là những tội nghiêm trọng, có phạm vi áp dụng ngoài lãnh thổ, và kêu gọi những cá nhân bị truy nã trở về Hồng Kông đầu thú.
Cảnh sát tuyên bố, “Nếu các đối tượng tự nguyện chấm dứt hành vi phạm tội, ra đầu thú, thành khẩn khai báo hoặc cung cấp thông tin quan trọng giúp giải quyết các vụ án khác, họ có thể được xem xét giảm nhẹ hình phạt.”
Cảnh sát cũng cảnh báo rằng hành vi hỗ trợ, xúi giục hoặc tài trợ cho người khác tham gia vào “Nghị viện Hồng Kông” có thể cấu thành hành vi phạm tội.
Mưa lớn đêm 26/7 và sáng 27/7 tại Sơn La gây lũ quét, sạt lở…
Hàng nhập khẩu giá rẻ xuyên biên giới đang lấn lướt thị trường nội địa…
Tối 26/7, một xe máy SH sụt lún trên đường Trường Chinh, TP. Hà Nội…
Giao tranh pháo kích và bộ binh giữa quân đội Campuchia và Thái Lan vẫn…
Gần đây, nền tảng thông tin ô tô nổi tiếng của Trung Quốc Dongche Di,…
Hôm Thứ Bảy, Giáo hoàng Leo XIV tiếp đãi Tổng giám mục Nga Anthony tại…