Tranh trên tem kỷ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Khuyến. (Public Domain)
Nguyễn Khuyến sinh năm 1835 ở quê mẹ là làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam (nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), quê nội của ông ở làng Yên Đổ, cha ông là thầy đồ. Ông đỗ đầu cả 3 kỳ thi là thi Hương, thi Hội và thi Đình, vì quê ông ở làng Yên Đổ nên ông thường được gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Ông làm quan trong sạch, nổi tiếng thanh liêm chính trực nên được dân chúng yêu mến và kể nhiều giai thoại về ông.
Nguyễn Khuyến có người con trai là Nguyễn Hoan làm quan Tư phủ. Ông dặn dò con trai về đạo làm quan và làm thơ nhắc con chớ tham của cải, bài thơ có đoạn:
…Thuyền chèo bể hoạn lòng nên nhẹ
Lợi bén hơi đồng mắt chớ tham…
Có lần Nguyễn Hoan thăm cha vợ ở làng Vĩnh Trụ, huyện Thanh Liêm, nhưng không thấy hương lý và ai tiếp đón mình cả. Nguyễn Hoan bực mình cho lính gọi hương lý đến cảnh cáo rồi đánh cho một trận. Chuyện này truyền đến tai Nguyễn Khuyến làm ông rất giận.
Một tháng sau Nguyễn Hoan về quê nhà thăm cha mình, được tin hương lý và dân làng đều tụ tập để đón tiếp quan. Nguyễn Hoan về đến nơi, thấy Nguyễn Khuyến ăn mặc chỉnh tề, cáng khiêng kiệu quan đến thì thấy cha vội đến bên kiệu hành lễ.
Nguyễn Hoan thấy thế vội xuống kiệu nói “Sao cha phải làm thế”. Nguyễn Khuyến liền nói: “Bẩm quan lớn, tôi tuy già yếu nhưng vẫn là một người dân trong làng. Nếu không ra chào quan, sợ bị đòn đau như lý trưởng làng Vĩnh Trụ thì chịu sao nổi.”
Nguyễn Hoan vội bái cha nhận tội, hứa từ nay sẽ chừa không dám phạm nữa.
Có ông tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp người làng Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Đông làm quan đến Lại bộ Thượng thư. Cụ Nguyễn Khuyến có đính ước con trai cả của mình là Nguyễn Hoan đỗ Phó bảng với con gái ông Hợp.
Dù hai nhà đã có ý như thế nhưng sau đó Nguyễn Hoan thấy ông Nguyễn Trọng Hợp làm Phó sứ đại diện Triều đình ký Hiệp ước Qúy Mùi 1883 công nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Đại Nam nên từ chối hôn ước này. Sau đó cô con gái này trở thành chính phi của vua Thành Thái.
Năm 1902, người Pháp xây xong cầu Doumer (sau này đổi tên thành cầu Long Biên) và tổ chức lễ khánh thành. Cầu lấy tên Doumer cũng là tên của Toàn quyền Đông Dương khi đấy. Tham dự lễ khánh thành có Toàn quyền Paul Doumer, vua Thành Thái, quan lại nhà Nguyễn cùng hàng nghìn người dân Hà Nội.
Nguyễn Khuyến lúc này dù đã từ quan, nhưng ông từng đỗ Tam nguyên, là người có ảnh hưởng lớn nên được triệu đến Hà Nội dự lễ khánh thành cầu.
Trong đại lễ, bá quan và dân chúng phải quỳ lạy và tung hô vạn tuế, nhưng với Nguyễn Khuyến thì chính phi từng có hôn ước với con ông ngồi kế Vua, lại còn có Toàn quyền Đông Dương nữa. Người Pháp thì ông không thể quỳ lạy, còn có cô con dâu hụt của ông nếu quỳ lạy thì thành trò cười cho thiên hạ. Vì thế trong khi mọi người quỳ lạy thì Nguyễn Khuyến chỉ vái 2 vái về hướng Vua.
Không thực hiện đúng lễ là mang tội khi quân có thể chém đầu. Tuy nhiên vua Thành Thái vốn cũng không ưa gì người Pháp nên hiểu được phần nào tâm tư của ông. Khi Vua trách thì ông nói: “Muôn tâu Hoàng Thượng, thần giờ chỉ như một con trâu già, xin đức Khâm thượng khai ân”.
Vua Thành Thái chỉ mỉm cười, nhưng để giữ phép nước nên nói: “Vậy khanh hãy làm bài thơ “Vịnh trâu già”, nếu hay trẫm miễn tội”.
Nguyễn Khuyến ung dung đọc bài Đường luật thất ngôn bát cú “Vịnh trâu già” như sau:
Một nắm xương khô, một nắm da.
Bao nhiêu cái ách đã từng qua.
Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa.
Tai nặng buồn nghe Ninh Tử ca.
Sớm thả vườn đào chơi đủng đỉnh.
Tối về thôn hạnh thở nghi nga.
Có người toan giết tô chuông mới.
Ơn đức vua Tề lại được tha.
Bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú này có kết cấu chặt chẽ, nhưng hiểu được thì không hề dễ. Bài thơ sử dụng điển tích như Điền Đan của nước Tề thời Chiến quốc dùng trâu mà đánh tan quân Yên giúp nước Tề phục quốc. Ninh Tử làm nghề trăn châu nhưng có chí lớn, sau làm quan Đại phu trông coi quốc chính.
Sau này sự việc tại lễ khánh thành cầu thì ít người nhớ tới, nhưng bài “Vịnh trâu già” thì rất nổi tiếng được nhiều người biết tới.
Dân gian còn truyền rằng có một anh nọ dựa vào cha là quan lớn, lại khéo chạy chọt với người Pháp nên được bổ nhiệm giữ chức Tri huyện Thanh Liêm gần huyện của Nguyễn Khuyến. Bề ngoài vị Tri huyện này hiền lành, thanh liêm, nhưng bên trong kín đáo tìm cách ăn tiền của dân, lại làm mật thám cung cấp thông tin cho người Pháp. Vị Tri huyện này cũng thích thi thơ, lấy thi thơ để nhằm tôn vinh bản thân.
Một lần ông ta tổ chức kỳ thi thơ cấp huyện, đề thi là “Bồ tiên thi” (nghĩa là thơ roi cỏ bồ) lấy chữ “bồ” làm vần. Đề này mang ý nghĩa ông quan thương dân, khi cần răn dạy thì chỉ dùng roi cỏ bồ, loại roi này mềm mại đánh không đau.
Chuyện đến tai Nguyễn Khuyến, ông liền gửi đến một bài thơ như sau:
Chú huyện Thanh Liêm khéo vẽ trò,
Bồ tiên mà lại lấy vần bồ.
Nghênh ngang võng lọng nhờ ông sứ,
Ngọng nghẹo văn chương giở giọng Ngô!
Bồ chứa miệng dân chừng bật cạp,
Tiên là ý chú muốn nhiều xu.
Từ vàng sao chẳng luôn từ bạc,
Không khéo mà roi nó phết cho.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Mưa lớn đêm 26/7 và sáng 27/7 tại Sơn La gây lũ quét, sạt lở…
Hàng nhập khẩu giá rẻ xuyên biên giới đang lấn lướt thị trường nội địa…
Tối 26/7, một xe máy SH sụt lún trên đường Trường Chinh, TP. Hà Nội…
Giao tranh pháo kích và bộ binh giữa quân đội Campuchia và Thái Lan vẫn…
Gần đây, nền tảng thông tin ô tô nổi tiếng của Trung Quốc Dongche Di,…
Hôm Thứ Bảy, Giáo hoàng Leo XIV tiếp đãi Tổng giám mục Nga Anthony tại…