Với hầu hết người dân Hồng Kông, 5 năm thực hiện luật “An ninh Quốc gia” chẳng khác nào “uống băng giữa trời lạnh”, buốt giá tận xương. Trong đó đáng xót xa nhất là những gia tộc giàu có từng được gọi là “Tứ đại gia tộc Hồng Kông”, cũng phải cay đắng gánh chịu hậu quả từ Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phú quý vinh hoa như hoa trong gương, thoắt cái đã trở về không.

r shutterstock 89605735
Xe buýt 2 tầng ở Hồng Kông vào ngày 05/12/2010. (Ảnh minh họa: Fedor Selivanov / Shutterstock)

Luật “An ninh Quốc gia” phiên bản Hồng Kông đã thực thi được 5 năm, cảnh vật thay đổi. Ông Lê Trí Anh chưa xét xử cũng đã bị giam hơn 1.000 ngày trong nhà tù đen. Hoàng Chi Phong bị bắt trong tù, tội chồng thêm tội, còn Chu Đình sống lưu vong nước ngoài đã hoàn thành chương trình thạc sĩ.

Cuối thế kỷ trước, Hồng Kông tuy không có nền dân chủ thực sự nhưng được hưởng mức độ tự do cao, cùng với nền pháp trị minh bạch đã tạo ra sự thịnh vượng kinh tế vượt bậc, và từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Đến năm 1997 khi chủ quyền được trao trả, người dân vẫn tin vào lời hứa “50 năm không thay đổi” của Đặng Tiểu Bình. Trong nhiều thập niên, dựa vào thể chế đặc thù của thuộc địa Anh, cảng thương mại tự do và vị thế trung tâm tài chính quốc tế, Hồng Kông đã vươn lên trở thành một trong “Bốn con rồng châu Á”.

Đặc biệt là lĩnh vực bất động sản nổi bật nhất, tạo nên khối tài sản khổng lồ của tứ đại gia tộc: Trường Giang và Hoàng Phố của Lý Gia Thành, Hằng Cơ của Lý Triệu Cơ, Tân Thế Giới của Trịnh Dụ Đồng và Tân Hồng Cơ của Quách Đức Thắng, được cộng đồng Hoa kiều khắp nơi ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, sau khi Đại hội 18 của ĐCSTQ năm 2012 xác lập Tập Cận Bình lên ngôi, người vốn nhạy bén nhất là ông Lý Gia Thành đã sớm cảm nhận được điềm báo phong ba, bắt đầu âm thầm rút khỏi Trung Quốc, chuyển tài sản sang Âu – Mỹ – Úc.

Khi đó, “tiểu phấn hồng” (những thanh niên yêu nước mù quáng) và “chiến lang” hò hét: “Đừng để Lý Gia Thành chạy mất!”, nay tội danh ấy cũng bị áp lên Quách Đài Minh.

Trong thế hệ doanh nhân đầu tiên của Hồng Kông, ông Quách Đức Thắng, ông Trịnh Dụ Đồng và ông Lý Triệu Cơ đều đã qua đời, chỉ còn ông Lý Gia Thành ở tuổi 97 vẫn hoạt động thương trường.

Gần đây, ông còn bán tháo quyền vận hành hơn 40 cảng toàn cầu, bị ĐCSTQ nhắm vào trả đũa và đàn áp. Nhưng nhờ nhìn thấu bản chất ĐCSTQ và kịp thời chuyển tài sản ra ngoài, ông là người duy nhất trong tứ đại gia tộc giữ được sự ổn định.

Ba gia tộc còn lại vì không tách rời được với ĐCSTQ nên trong làn sóng suy thoái kinh tế Trung Quốc, tài sản bị thu hẹp nghiêm trọng, nặng nề nhất là Tân Thế Giới của gia tộc Trịnh Dụ Đồng, nay đã bên bờ vực phá sản.

Sau khi ông Trịnh Dụ Đồng qua đời năm 2016, sự nghiệp gia tộc do thế hệ thứ 3 Trịnh Chí Cương tiếp quản. Khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát năm 2019, ông Trịnh Chí Cương liều lĩnh “Bắc tiến” tăng đòn bẩy đầu tư đất.

Khi “quả bom” Evergrande nổ tung, ngành địa ốc Trung Quốc lao đao. Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ của Tân Thế Giới đã đạt 1.510 tỷ đô la Hồng Kông (HKD, khoảng 192 tỷ USD), tỷ lệ nợ ròng 57,5%, nợ ngắn hạn vượt 322 tỷ HKD (khoảng 41 tỷ USD), trong khi tiền mặt trên sổ sách chỉ còn 218 tỷ HKD (khoảng 28 tỷ USD), và 3,4 tỷ USD tiền lãi trái phiếu đã bị chậm thanh toán.

Công ty đang tìm kiếm các khoản vay ngân hàng để tránh vỡ nợ, nhưng đáng tiếc là ngành tài chính Hồng Kông cũng lao đao vì cuộc đối đầu Mỹ – Trung.

Ông Trịnh Chí Cương năm nay 46 tuổi, có học vị cao từ Harvard, sinh ra đã “ngậm thìa vàng”. Ông kém Lý Gia Thành đến 50 tuổi, khác biệt lớn nhất so với cha ông là thiếu trải nghiệm khởi nghiệp gian khổ và không hiểu rõ bản chất ĐCSTQ, đầu cơ mù quáng, chỉ đến khi thất bại mới chịu dừng.

Tân Thế Giới liệu có thoát được lời nguyền không ai giàu ba họ hay không còn tùy vào việc “hồng nhị đại” (thế hệ cách mạng thứ 2) Tập Cận Bình có ra tay cứu giúp hay không.

Nhưng theo kinh nghiệm lịch sử, Đảng cộng sản khởi đầu bằng kêu gọi đấu tranh giai cấp, ĐCSTQ và giới tư bản vốn là kẻ thù tự nhiên. Từ tính cách và tư tưởng của Tập Cận Bình, có thể thấy ông chưa từng nương tay với giới tư bản.

Từ Jack Ma, Mã Hóa Đằng, Lưu Cường Đông… đều đã nếm “cú đấm sắt” xã hội chủ nghĩa. Sao ông Tập lại có thể bỏ qua cơ hội dẹp bỏ tầng lớp tư sản “mua bán” Hồng Kông để thực hiện khẩu hiệu “đánh địa chủ, thịnh vượng chung”?

Sự suy tàn của tứ đại gia tộc Hồng Kông tượng trưng cho sự kết thúc của một thời đại. Khi Hồng Kông hoàn toàn Đại Lục hóa”, Đài Loan trở thành “thiên đường” duy nhất trong thế giới Hoa ngữ còn bảo vệ được tài sản tư nhân, điều này lại càng khiến Đài Loan trở nên quý giá hơn.

Trác Nhiên

(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả, bản gốc được đăng trên trang Up Media Đài Loan)