Xu hướng rời bỏ quê hương để sống ở nơi khác có dấu hiệu tăng vọt ở Hồng Kông sau những cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại Luật dẫn độ.
Theo các nhân viên tư vấn di trú, mối quan tâm của công dân Hồng Kông đối với việc di cư sang nước khác đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây, đặc biệt sau những cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại Luật dẫn độ về Trung Quốc.
Ông John Hu, Giám đốc một văn phòng tư vấn di trú tại Hồng Kông cho biết văn phòng ông nhận được khoảng 100 cuộc gọi mỗi ngày hỏi về cách xin quy chế công dân ở nước ngoài. Số người quan tâm đến việc này nhiều gấp 3 lần trước khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Trên thực tế, sự quan tâm này đã liên tục gia tăng kể từ Phong trào Ô dù năm 2014 yêu cầu quyền phổ thông đầu phiếu trong bầu cử.
“Rõ ràng là áp lực chính trị lên các công dân Hồng Kông đã khiến họ cân nhắc đến việc ra nước ngoài cư trú. Trong 5 năm gần đây, doanh số kinh doanh của chúng tôi tăng trưởng hai con số,” ông John Hu nói, đồng thời cho biết thêm Úc, Canada, Anh và Mỹ là những lựa chọn định cư hàng đầu. Châu Âu cũng ngày được quan tâm hơn.
Quan ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh tới Hồng Kông đã khiến ông Henry Lau, 43 tuổi, một nhà báo chuyên viết về mảng phong cách sống nộp đơn xin visa đầu tư cho gia đình ông để chuyển đến đảo Prince Edward nằm ở bờ đông Canada vào tháng 10 năm ngoái.
Ông Lau cho biết cảm thấy lo sợ hệ thống giáo dục Hồng Kông sẽ trở nên ngày càng giống của Trung Quốc đại lục, và ông muốn con cái mình chắc chắn được tiếp thu những giá trị giáo dục mà ông từng được hưởng.
“Điều xảy ra trong những tháng gần đây có thể tiên đoán được,” ông Lau nói, đề cập đến các biện pháp của Chính phủ Hồng Kông hiện tại tìm cách thúc đẩy việc thông qua đạo luật.
“Tôi rất yêu đất nước tôi, tôi yêu quý các bạn mình, nhưng khi có con, tôi phải có trách nhiệm chăm sóc chúng và mang lại cho chúng môi trường tốt nhất,” ông Lau cho biết.
Theo các văn phòng tư vấn di trú, Canada là một trong những điểm đến được ưa chuộng nhất. Năm 2018, nước này đã chấp nhận 1.525 đơn xin làm thường trú nhân từ Hồng Kông, tăng khoảng 12% so với năm trước.
Đài Loan cũng ngày càng thu hút được sự quan tâm của người dân Hồng Kông khi các điều kiện để được cấp thị thực đầu tư được nới lỏng hơn. Theo thống kê, năm 2018 đã có 231 công dân Hồng Kông được cấp thẻ thường trú thông qua thị thực đầu tư, tăng hơn 20% so với năm trước đó.
Các dữ liệu của Chính phủ Hồng Kông cho thấy số người xin cấp lý lịch tư pháp để xin học hoặc sinh sống ở nước ngoài liên tục tăng trong những năm gần đây.
Bà Margaret Chau thuộc văn phòng tư vấn di trú Goldmax cho biết doanh số của Goldmax tăng trưởng đều đặn từ 20% đến 30% mỗi năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng mất hy vọng vào tương lai tại Hồng Kông là lý do chính để nhiều người rời đi. Điều này bao gồm thiếu tự do chính trị, hệ thống giáo dục cứng nhắc, chi phí bất động sản ngoài tầm với, không gian cá nhân hạn chế, cuộc sống căng thẳng.
Bảo Minh (theo Financial Times)
Xem thêm:
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…