Categories: Kinh tếTrung Quốc

HP, Dell, Amazon và Microsoft cân nhắc chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

Các hãng sản xuất công nghệ lớn bao gồm HP, Dell, Amazon và Microsoft đều đang xem xét chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc do lo ngại ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ – Trung.

Một nhà máy sản xuất đồng hồ tại Thâm Quyến, Trung Quốc. (Ảnh từ Shutterstock)

Nikkei Asian Review đưa tin rằng nhiều công ty công nghệ lớn thế giới bao gồm HP, Dell, Microsoft, Amazon, Google, Sony và Nintendo đều đang xem xét chuyển hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, một phần do tác động của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nguồn tin nói với Nikkei rằng HP và Dell, nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất và thứ ba thế giới, chiếm 40% thị trường toàn cầu, có thể chuyển tới 30% sản xuất máy tính xách tay của họ sang các nước bên ngoài Trung Quốc.

Microsoft, Google, Amazon, Sony, và Nintendo cũng được cho là đang cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất máy chơi game và loa thông minh ra khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới. Sự chuyển dịch đột ngột này được cho là do mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc kết hợp với giá thành sản xuất đang tăng cao tại Trung Quốc.

Hãng tin Breitbart dẫn theo số liệu của nhà cung cấp dữ liệu Trung Quốc QianZhan, cho biết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu điện tử Trung Quốc đã tăng trưởng 136 lần lên 1,35 nghìn tỷ USD trong năm 2017 từ chỉ hơn 10 tỷ USD vào năm 1991. Tuy nhiên, ngành kinh doanh này có thể gặp tổn thất lớn khi một số doanh nghiệp điện tử đang gia tăng lo ngại về rủi ro kinh doanh tại Trung Quốc.  Các công ty cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu như Quanta Computer, Foxconn Technology và Inventec đều đã chuyển một số cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Đài Loan, Mexico và Cộng hòa Czech để tránh bị đánh thuế bổ sung, cũng như làm hài lòng khách hàng khi họ lo ngại về bảo mật dữ liệu cá nhân tại Trung Quốc.

Trước đó vào cuối tháng Sáu, Nikkei đưa tin rằng các doanh nghiệp nổi tiếng Hàn Quốc như Samsung Electronics, Hyundai Motor, Kia Motors, LG Electronics đang chuyển dây chuyền sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc để giảm rủi ro do dựa quá nhiều vào chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Xu thế doanh nghiệp Hàn Quốc rời khỏi Trung Quốc được bắt đầu bởi Samsung. “Khi Samsung dẫn đầu, gánh nặng tâm lý của chúng tôi cũng sẽ giảm,” Nikkei dẫn lời một nhân viên của một công ty Hàn Quốc.

Nhiều năm qua, lượng tiêu thụ điện thoại thông minh của Samsung tại Trung Quốc đã giảm, năm 2018, lượng sản phẩm của Samsung chiếm chưa đến 1% thị trường Trung Quốc, nên công ty này buộc phải đóng cửa nhà máy tại Thiên Tân vào cuối năm ngoái. Năm nay, nhà máy Samsung tại Quảng Đông đưa ra kế hoạch cho nhân viên tự nguyện nghỉ hưu, và đang chuẩn bị rút lui.

Tháng Năm năm nay, Hyundai Motor đã tạm dừng hoạt động một nhà máy ở Bắc Kinh, nhà máy này có sản lượng 300.000 xe ôtô mỗi năm. Kia Motors cũng sẽ ngừng hoạt động một nhà máy ở tỉnh Giang Tô vào cuối tháng Sáu. Gần đây LG Electronics cũng chuyển dây chuyền sản xuất tủ lạnh xuất khẩu sang Mỹ tại tỉnh Chiết Giang về Hàn Quốc.

Trong khi đó, về phần Đài Loan, để ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, năm 2018, chính phủ Đài Loan đã khởi động kế hoạch “Đầu tư Đài Loan” (Invest Taiwan), nhằm thu hút doanh nghiệp Đài Loan trở về đầu tư. Đến ngày 26/4/2019, đã có 40 công ty cam kết đầu tư vào Đài Loan, tổng kim ngạch đầu tư lên đến 6,7 tỷ USD, mức đầu tư này sẽ tạo ra 20.000 cơ hội việc làm, vượt quá mục tiêu ban đầu mà chính phủ đặt ra.

Long Chen Paper, một doanh nghiệp Đài Loan có 20 năm hoạt động tại Trung Quốc đi đầu hưởng ứng kế hoạch “Đầu tư Đài Loan”, dự tính trong 3 năm tới, công ty sẽ đầu tư khoảng 226 triệu USD tại Đài Loan. Năm nay, Delta Electronics có kế hoạch trở về Đài Loan đầu tư 1,8 tỷ USD, trong đó có các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu phát triển và thiết kế.

Ngay sau khi thương chiến Mỹ – Trung kích hoạt vào mùa hè năm ngoái, nhà sản xuất xe đạp nổi tiếng Giant Manufacturing của Đài Loan lập tức điều chỉnh chuỗi cung ứng, trong đó có việc chuyển dây chuyền sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ từ Trung Quốc trở lại Đài Loan. Chiến lược này giúp công ty tránh được rủi ro chiến tranh thương mại và giá cổ phiếu đã tăng 78% trong nửa năm.

Ngoại giới nhận định rằng với việc hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài – đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ – đã, đang và sẽ rút khỏi Trung Quốc, ngành sản xuất công nghệ của nước này khả năng sẽ có thay đổi lớn trong thời gian tới.

Như Ngọc

Xem thêm: 

Như Ngọc

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Như Ngọc

Recent Posts

Tuyết rơi tháng 7, thảo nguyên rộng lớn phủ trắng xóa sau 1 đêm

Tối ngày 3 tháng 7, tuyết rơi dày đột nhiên rơi trên thảo nguyên Kỳ…

8 phút ago

Miễn giảm thuế thu nhập 30 năm đối với dự án đầu tư vào Trung tâm tài chính quốc tế

Miễn thuế thu nhập cá nhân cho các lao động có trình độ chuyên môn…

2 giờ ago

Chuyên gia: Thường xuyên gặp ác mộng có nguy cơ tử vong sớm cao gấp 3 lần

Khi mọi người gặp ác mộng, sẽ có một sự gia tăng đột ngột của…

4 giờ ago

Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh quy định đào tạo tiến sĩ

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm tại TP.HCM, lấy ý kiến…

4 giờ ago

Bé trai 1 tháng tuổi bị ngộ độc sái thuốc phiện

Thấy trẻ quấy khóc, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, người nhà tin theo bài…

4 giờ ago

Cục Đường bộ yêu cầu cập nhật biển báo giao thông sau sáp nhập tỉnh

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ điều…

5 giờ ago