Năm nay đánh dấu kỷ niệm 35 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times, học giả pháp lý Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), người tận mắt chứng kiến vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6, đã hồi tưởng lại những sự kiện bi thảm mà ông chứng kiến năm đó.
Các hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Điều ông Viên Hồng Băng học được từ việc này là nếu Trung Quốc muốn giành được tự do và dân chủ, thì phải tiêu diệt sự chuyên chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông qua một cuộc kháng chiến toàn quốc và nổi dậy của quần chúng.
Từ năm 1979 đến 1986, ông Viên Hồng Băng học tại Khoa Luật của Đại học Bắc Kinh, sau đó ở lại trường để giảng dạy. Trong Sự kiện ngày 4/6/1989, ông bị đình chỉ dạy và bị giám sát, vì thành lập “Nhóm hỗ trợ giáo viên Đại học Bắc Kinh” hỗ trợ sinh viên trong sự kiện “ngày 4/6” và tham gia tuyệt thực.
Ngày 2/3/1994, ông bị chính quyền bí mật bắt giữ vì tội “lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa”. Cuối năm đó, ông bị đày đến Quý Châu, giảng dạy tại Đại học Sư phạm Quý Châu và giữ chức hiệu trưởng của trường luật này. Ông trốn sang Úc vào năm 2004.
Phóng viên: Trong biến cố ngày 4/6, ông chứng kiến việc quân đội ĐCSTQ đàn áp sinh viên và người dân thế nào?
Ông Viên Hồng Băng: Ngày 3/6 (1989), tôi bị sốt cao. 8h tối, sau khi nghe thông báo quân đội vào thành áp đặt thiết quân luật, tôi lập tức đạp xe từ căn nhà thuê cạnh Cung điện Mùa hè cũ của Đại học Bắc Kinh đến Mộc Tê Địa, gần một giờ đồng hồ. Khi tôi đến, quân đội đã bắt đầu nổ súng.
Trên đại lộ Trường An, nhiều người dân Bắc Kinh đang trốn trong bụi cây ven đường. Người dân nhặt viên gạch vuông trên mặt đất lên, nó có chín ô. Khi nhặt lên và ném xuống, viên gạch vuông sẽ vỡ thành 9 mảnh, mỗi mảnh to bằng nắm tay.
Điều khiến tôi sốc nhất là không nhìn thấy người, chỉ nghe tiếng la hét, dùng “lời nguyền quốc dân” để chửi Lí Bằng. Tôi nghe thấy có người thổi còi 3 lần, sau đó xe quân sự đi giữa đường Trường An, binh lính hai bên nổ súng. Người dân Bắc Kinh phản kháng như thế nào? Một tiếng hô vang lên 1, 2, 3, những viên gạch từ mọi hướng ném về phía xe quân sự, rồi bất ngờ rơi xuống.
Trong quá trình đó, tôi đã chở 3, 4 người bị thương đến bệnh viện. Áo sơ mi của tôi đã vấy đỏ máu.
Điều khiến tôi đau lòng nhất là có một cô bé mặc váy trắng. Có lẽ cô bé đã sợ hãi, nên chạy về phía trước ngay khi tiếng súng vang lên, nhưng không kịp. Sau đó một loạt đạn đã bắn trúng cô ấy từ phía sau. Toàn thân cô bé bay lên, cơ thể gần như bị gãy nát, không thể cứu được, cô bé chắc chắn đã chết.
Sau đó, tôi chuyển đến Lục Bộ Khẩu của quảng trường Thiên An Môn, nơi tôi tận mắt nhìn thấy một nhóm sinh viên chạy ra khỏi Quảng trường Thiên An Môn. Xe tăng của ĐCSTQ đang đuổi theo họ từ phía sau.
Vì ven đường có hàng rào sắt nên xe tăng đã dồn cơ thể học sinh lên hàng rào sắt, ngay lập tức máu chảy ra. Đây không phải là ảo giác. Lúc đó tôi cảm thấy tiếng máu phun ra còn lớn hơn cả tiếng gầm của xe tăng.
Ngoài ra, tôi cũng tận mắt nhìn thấy gần Lục Bộ Khẩu, một sinh viên bị nghiền nát thành từng mảnh, hai tay còn đang cầm một lá cờ. Dường như đó là lá cờ của một trường đại học Sư phạm ở Thiểm Tây.
Vào lúc bình minh, tôi đạp xe đến nhiều trường đại học và nhìn thấy xác sinh viên chất đống ở cổng vào của nhiều trường. Một giáo viên luật tại Đại học Bắc Kinh đã khiêng xác chết trên một chiếc xe ba bánh đi đi lại lại trong khuôn viên Đại học Bắc Kinh, để phản đối sự chuyên chế của ĐCSTQ…
Đây là cảnh tượng thảm sát mà tôi đã tận mắt chứng kiến ngày hôm đó. Đặc biệt là, chiếc xe tăng còn cố tình dùng đường ray nghiền nát học sinh trên lan can sắt. Cảnh tượng đó thực sự là kinh hồn bạt vía. Đây là sự chuyên chế của ĐCSTQ!
Sau này người ta kể rằng đêm đó ĐCSTQ đã cho toàn bộ vệ binh của họ uống thuốc kích thích, nên mới tàn sát điên cuồng như vậy.
Phóng viên: Ông có linh cảm rằng ĐCSTQ sẽ nổ súng không? Hoặc nghe nói về nó?
Ông Viên Hồng Băng: Không, lúc đó tôi không có linh cảm gì cả. Bởi vì trước đó, một số giáo viên trẻ của chúng tôi tại Đại học Bắc Kinh đã tiếp cận Nguyên soái Nhiếp Vinh Trân (Rongzhen Nie), Nguyên soái Từ Hướng Tiền (Xu Xiangqian) và Tần Cơ Vĩ (Qin Jiwei). Tôi là người lãnh đạo và người khởi xướng Nhóm Hỗ trợ Giáo viên Đại học Bắc Kinh.
Thông tin thu thập được trong Nhóm Hỗ trợ Giáo viên Bắc Kinh của chúng tôi là những nguyên soái này, bao gồm cả ông Tần Cơ Vĩ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó, đều nói rằng quân đội nhân dân sẽ không bao giờ bắn vào nhân dân.
Lúc đó chúng tôi còn nghe nói rằng những giáo viên trẻ cũng đang chuẩn bị sách lược nổi dậy, chống lại những sĩ quan quân đội cấp cao này. Tin tức từ mọi người truyền về là tương đối lạc quan, có vẻ như mệnh lệnh này không thể thực hiện được.
ĐCSTQ tuyên bố thiết quân luật vào ngày 19/5. Tôi dẫn đầu một nhóm tuyệt thực của Nhóm hỗ trợ giáo viên Đại học Bắc Kinh chiếm giữ bục quản lý ở phía bên trái quảng trường Thiên An Môn. Vì thiết quân luật có nghĩa là quân đội sẽ tiến vào thành phố, chúng tôi chuẩn bị ra quảng trường bảo vệ học sinh.
Kết quả là quân đội ĐCSTQ không thể tiến vào thành phố vào đêm hôm đó, vì người dân Bắc Kinh đã lập rào chắn ở nhiều ngã tư khác nhau.
Sau này, tôi nghe nói Đặng Tiểu Bình vô cùng hoảng loạn và sẽ gặp họa lớn nếu quân đội không vào được thành phố. Lúc đó ông ta đã kéo quân về vùng núi xung quanh Bắc Kinh, không cho quân đội lấy được thông tin thật nào, tiến hành tẩy não và hành quân theo chế độ khép kín trên núi.
Ngày 19/5 quân đội không vào thành, nên chúng tôi buông lỏng cảnh giác. Nhưng khi nghe chương trình phát sóng (Thiết quân luật) vào đêm ngày 3/6, tôi cảm thấy sự việc đã trở nên nghiêm trọng và nhanh chóng chạy đi.
Sau 8h tối ngày 3/6, vụ thảm sát kéo dài suốt đêm và kéo dài đến sáng sớm ngày hôm sau. Người ta nói rằng phố Trường An không phải là nơi xảy ra vụ thảm sát nghiêm trọng nhất, mà là cầu Hổ Phường, cũng không phải Mộc Tê Địa.
Phóng viên: Có nhiều phiên bản khác nhau về số người bị thảm sát trong sự kiện ngày 4/6. Các tài liệu được giải mật của Anh cho thấy, quân đội ĐCSTQ đã giết chết ít nhất 10.000 người trong sự kiện ngày 4/6. Ví dụ, tại Đại học Bắc Kinh, ông có nhớ bao nhiêu sinh viên đã chết trong vụ thảm sát này không?
Ông Viên Hồng Băng: Không có số liệu thống kê từ Đại học Bắc Kinh. Nhưng khách quan mà nói, phong trào này được khởi xướng bởi các sinh viên ở Bắc Kinh.
Các em ngồi ở quảng trường giữa thời tiết tháng Năm và tháng Sáu, ban ngày bị phơi nắng gần chết, ban đêm lại mát mẻ như đêm cuối thu. Hầu hết những người ngồi tuyệt thực là sinh viên Bắc Kinh. Tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 86. Khi đó chỉ có một học sinh duy nhất không đi, đó là Tiêu Kiến Hoa, người tốt nghiệp khoa Luật lớp 86.
Đến đầu tháng Sáu, tình trạng sức khỏe của những học sinh này của tôi không còn tốt nữa. Hầu hết học sinh Bắc Kinh đều không còn ở Quảng trường Thiên An Môn. Vào ban đêm, nhiều lều trại được dựng lên ở Quảng trường Thiên An Môn, chủ yếu là sinh viên các nơi khác đến, một số ít là sinh viên Bắc Kinh.
Vì vậy, chủ yếu có 2 nhóm người thiệt mạng trong đêm đó. Một nhóm là người dân Bắc Kinh vì đã kháng cự anh dũng, nhóm kia là sinh viên các nơi khác. Không thể đếm được con số tử vong của sinh viên các nơi khác.
Khi học sinh từ nơi khác mất tích, không ai dám trình báo vụ việc. Ngay cả cha mẹ của các em cũng không dám thừa nhận rằng các em đã đến Bắc Kinh. Vì không biết liệu các em còn sống hay không. Nếu còn sống mà nói đã tới Bắc Kinh, sau này các em sẽ bị ĐCSTQ bức hại, nên không thể thống kê được.
Trong đêm bi thảm đó, nhiều người tử vong là sinh viên ngoại tỉnh.
Phóng viên: Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hành động như thế nào trong Sự kiện ngày 4/6?
Ông Viên Hồng Băng: Vào thời điểm đó, ông Lý Khắc Cường đã đến làm việc tại Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên. Sự tách biệt của chúng tôi với ông ấy bắt đầu từ sự việc ngày 4/6. Sau vụ Thảm sát Lục Tứ (4/6), ông đã công khai viết bài, công khai ca ngợi chính sách thảm sát của Đặng Tiểu Bình, tán thành sự chuyên chế của ĐCSTQ và hoàn toàn phản bội chúng ta.
Khi còn học tại Đại học Bắc Kinh, thi thoảng ông Lý Khắc Cường có tham dự các buổi họp mặt của một số giáo viên trẻ của chúng tôi. Vào thời điểm đó, các giáo viên trẻ đã có sự đồng thuận, đặc biệt là sau năm 1987, rằng chúng ta nên thâm nhập vào hệ thống ĐCSTQ, giành lấy quyền lực, nhằm thúc đẩy cải cách Trung Quốc.
Lúc đó, ông vẫn còn đam mê với việc này. Nhưng sau sự kiện ngày 4/6/1989, ông ấy đã hoàn toàn phản bội lại lập trường chính trị ban đầu của mình. Từ đó, chúng tôi đường ai nấy đi.
Phóng viên: Sau khi trải qua “Phong trào 4/6”, nhìn lại, sinh viên thời đó có gì khác với giới trẻ ngày nay?
Ông Viên Hồng Băng: Ông Hồ Diệu Bang là người có lương tâm nhất trong ĐCSTQ. Trong thời gian ông cầm quyền, Trung Quốc đã có thời kỳ 10 tự do và giải phóng về tư tưởng. Cuối cùng, quân thổ phỉ ĐCSTQ đã thanh trừng ông Hồ Diệu Bang với tội danh thúc đẩy tự do hóa tư sản. Trên thực tế, đó là tự do hóa tư tưởng.
Dưới chính sách thúc đẩy tự do hóa tư tưởng của ông Hồ Diệu Bang, xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ tràn đầy sức sống, tư tưởng của giới trẻ cũng đầy nhiệt huyết.
Trong suốt 10 năm chúng tôi ở Đại học Bắc Kinh, hầu như đêm nào cũng có nhiều bài giảng học thuật khác nhau. Nhiều quan chức tranh luận khá thoải mái. Trong bầu không khí đó, thế hệ thanh niên Trung Quốc khi ấy tràn đầy nhiệt huyết với đất nước, tràn đầy lý tưởng muốn đưa Trung Quốc thực sự tiến tới tự do và dân chủ. Đó là một niềm đam mê rất sâu sắc.
Phóng viên: Là giảng viên đại học, cảm xúc của ông khi tham gia Phong trào 4/6 là gì?
Ông Viên Hồng Băng: Chúng tôi cảm thấy rằng Trung Quốc phải đi theo con đường tự do và dân chủ. Khi đó, chúng tôi có mối liên hệ rất chặt chẽ với Chu Hậu Trạch, Trương Hiển Dương, Tôn Trường Giang, Trịnh Trọng Binh, cũng như Tần Xuyên, Vương Nhược Thủy của Nhân dân Nhật báo.
Tất cả họ đều là những quan chức giác ngộ trong hệ thống của ông Hồ Diệu Bang. Sau này, sau khi ông Hồ Diệu Bang bị thanh trừng, đương nhiên chúng tôi có thái độ cực kỳ ghê tởm đối với Đặng Tiểu Bình.
Ông Hồ Diệu Bang muốn sử dụng sự cởi mở và tự do chính trị để lãnh đạo cải cách kinh tế. Ông Đặng Tiểu Bình chỉ theo đuổi cải cách kinh tế theo định hướng thị trường. Về mặt chính trị, ông ta muốn tuân thủ 4 nguyên tắc cơ bản, nghĩa là tuân thủ sự lãnh đạo của ĐCSTQ.
Về cơ bản, Đặng Tiểu Bình là một quan chức cứng rắn đã khuất phục trước sự chuyên chế của ĐCSTQ. Ông Hồ Diệu Bang là người có lương tâm cao cả trong hệ thống của ĐCSTQ.
Phóng viên: Phải chăng những sự kiện như phong trào dân chủ “ngày 4/6” vẫn sẽ diễn ra trong xã hội Trung Quốc?
Ông Viên Hồng Băng: Tôi chưa bao giờ nghĩ như vậy. Trung Quốc muốn được tự do dân chủ cứu rỗi, thì trước hết phải noi gương nhân dân Liên Xô cũ, và thông qua cuộc kháng chiến toàn quốc. Chỉ có cuộc nổi dậy của nhân dân mới có thể tiêu diệt được sự chuyên chế của ĐCSTQ.
Nếu không có sự thức tỉnh của người dân, thì sự chuyên chế của ĐCSTQ không thể sụp đổ. Vì vậy, làn sóng phản kháng toàn quốc tiếp theo ở Trung Quốc có thể sẽ không do sinh viên lãnh đạo, mà do thanh niên có học thức, hoặc những người thuộc các tầng lớp khác trong xã hội lãnh đạo, gây ra sự phản kháng và nổi dậy của nhân dân trên toàn quốc.
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…
Các tổ chức nhân quyền phương Tây đã lên án Tổng thống Hoa Kỳ Joe…
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã đề xuất cải cách hiến pháp nhằm mở rộng…
Lão hóa là một phần không thể tránh khỏi trong quy luật tự nhiên, nhưng…