Trong 35 năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố gắng xóa bỏ ký ức về Thảm sát Thiên An Môn (4/6/1989), nhưng những người có trách nhiệm xã hội ý thức rõ những bài học lịch sử luôn có giá trị để khai mở tương lai sẽ không để cho những bài học đó bị lãng quên.

Thien An Mon
Bà Phùng Ngọc Lan (Gloria Fung), cựu chủ tịch và là người tham gia sáng lập Liên đoàn Hồng Kông-Canada, đã nhận lời phỏng vấn độc quyền với Vision Times. (Vision Times)

Ngọn nến tưởng niệm nạn nhân Thiên An Môn, đã cháy suốt 30 năm tại Công viên Victoria ở Hồng Kông, cũng bị ĐCSTQ dập tắt sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông được thực thi. Thảm sát Thiên An Môn vẫn là một trong những chủ đề bị kiểm duyệt chặt chẽ nhất trên Internet ở Trung Quốc. Hàng năm vào ngày 4/6, gia đình các nạn nhân cũng bị chính quyền sách nhiễu. Biến cố ngày 4/6 cũng góp phần khiến số người Trung Quốc kiên cường chống ĐCSTQ tăng cao, do họ tận mắt chứng kiến ​​sự tàn bạo của ĐCSTQ. Súng của “binh lính từ nhân dân” lại có thể nhắm bắn vào những người biểu tình ôn hòa tay không vũ khí, xe tăng vốn dùng cho chiến tranh với quân xâm lược lại mang dùng để đè bẹp những người dân vô tội, từ đó họ càng củng cố quyết tâm đấu tranh chống lại chế độ độc tài toàn trị này đến cùng. Trong 35 năm qua, nhóm người này chưa bao giờ ngừng nhắc nhở mọi người ghi nhớ lịch sử đẫm máu này, việc ĐCSTQ không ngừng che giấu cho thấy bản chất bạo lực và dối trá của họ chưa bao giờ có thể thay đổi.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn độc quyền của Vision Times với một trong những nhân chứng của ngày 4/6 là bà Phùng Ngọc Lan (Gloria Fung) – Chủ tịch Hiệp hội Liên doanh Hồng Kông-Canada. Bà Phùng Ngọc Lan nhớ lại những cảnh tượng kinh hoàng mà bà đã trải qua ở Bắc Kinh vào ngày 3 và 4/6/1989. Chính trải nghiệm này đã thúc đẩy bà dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ trong 35 năm qua. Qua Vision Times, bà kể lại câu chuyện về biến cố Thiên An Môn năm 1989 mà bà đích thân trải qua:

“Từ năm 1984 – 1989, tôi sống ở Trung Quốc và chịu trách nhiệm về dự án cho vay của Chính phủ Đan Mạch và dự án nông nghiệp quốc gia của Ngân hàng Thế giới. Tôi đã theo dõi phong trào sinh viên Thiên An Môn phát triển từ hoạt động bày tỏ thương tiếc cái chết của ông Hồ Diệu Bang [khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ] đến việc dần dần hình thành một phong trào theo đuổi việc thực hiện quyền tự do và dân chủ.

Văn phòng của tôi gần Quảng trường Thiên An Môn, vì vậy tôi đến Quảng trường Thiên An Môn hàng ngày để xem tình hình đang phát triển như thế nào, kể cả tại Trụ sở Ban Tuyên truyền tại Đài tưởng niệm Anh hùng Nhân dân là nơi tôi có thể thường xuyên đến nói chuyện với các đại diện sinh viên. Tôi cũng có mặt khi Tượng Dân chủ được dựng lên.

Khoảng 10h tối ngày 3/6 khi tôi và một số người bạn ở Học viện Khoa học Xã hội ăn tối xong tại ký túc xá của họ tại khu Kình Tùng (Jinsong), thấy nhiều người dân la hét rằng xe quân sự đang tiến vào thành phố, mọi người cần ra chặn lại.

Trước đó hàng ngày tôi đã đến xem (các sự kiện ở quảng trường) và tôi biết đó là một phong trào rất ôn hòa.

Về mặt an ninh công cộng, trước đó khu vực thường rất hỗn loạn. Ví dụ như trên đại lộ Trường An, nếu ô tô tông vào người hoặc ô tô tông vào ô tô thì chắc chắn sẽ xảy ra ẩu đả, ồn ào. Nhưng sau khi sinh viên và người dân đến quản lý quảng trường, tôi thấy tình hình trị an Bắc Kinh chưa bao giờ tốt như vậy, giống như xã hội Utopia xuất hiện.

Vào thời điểm đó, tất cả những người dân thường, sinh viên hoặc những người từ bên ngoài đến đều dễ mang lý tưởng cao đẹp hơn, đó là đấu tranh cho dân chủ, tự do, chống lại chế độ quan liêu ở đất nước này. Do đông đảo mọi người muốn muốn góp một phần công sức, nên đều ủng hộ phong trào dân chủ của sinh viên. Cho nên mỗi người đều mong gánh vác trách nhiệm với tư cách là một người dân, một công dân, thậm chí cả những người tự kinh doanh vốn mang bản chất vị lợi nhất cũng tham gia, họ thành lập đội phi hổ sử dụng xe máy để hỗ trợ sinh viên, những người bán nước hoặc phục vụ miễn phí cho sinh viên hoặc giảm nửa giá. Không khí xã hội Bắc Kinh lúc bấy giờ là như vậy.

Cả những người trong chúng tôi đến Bắc Kinh từ Hồng Kông và những người từ nơi khác đến làm việc ở Bắc Kinh cũng thấy rằng bầu không khí trong toàn xã hội chưa bao giờ tốt đến thế, ai nấy đều mong muốn thể hiện bản thân như những người tốt nhất, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, mọi người đồng cảm với những yêu cầu của sinh viên và sẵn sàng trợ giúp. Đây là tình trạng của xã hội Bắc Kinh trước vụ thảm sát ngày 4/6/1989. Với tư cách là một nhân chứng, tôi đã thấy rõ phong trào sinh viên Thiên An Môn là về vấn đề gì.

Do vậy có thể nói trên thực tế đến tận ngày 3/6, không ai suy nghĩ có thảm họa chính trị gì xảy ra. Mọi người không ngờ rằng chính phủ sẽ dùng súng và xe tăng để tàn sát và đàn áp phong trào ôn hòa này. Đêm đó tôi đạp xe cùng mọi người đi để chặn xe quân sự. Chúng tôi đã chặn thành công các xe quân sự đến từ Thẩm Dương. Tôi từng truy hỏi một viên sĩ quan, ‘Anh làm gì ở đây?’ Ông ấy nói rằng chúng tôi được lệnh từ trên xuống đây để dập tắt bạo lực. Lúc đó tôi mỉm cười và hỏi ‘Anh nhìn xem chúng tôi có giống bạo dân hay không?’. Anh ấy liếc nhìn chúng tôi, mỉm cười nhẹ và không trả lời. Anh ta không thể vi phạm mệnh lệnh quân sự, phải không? Nhưng anh ấy cũng có thể thấy điều đó (chúng tôi là những người hòa ái).

Khi đó xe quân sự tiến vào thành phố Bắc Kinh gia tăng, chúng tôi tìm cách để ngăn chặn.

Sáng sớm ngày 4/6, xe tăng đang đi từ thành phía tây sang thành phía đông, chúng tôi tìm cách ngăn chặn bằng cách đẩy lan can giữa đường ra ngang đường, nhưng xe tăng đã lao qua dễ dàng. Có người có vẻ từng là lính trong quân đội nói với chúng tôi rằng làm như thế vô nghĩa, phải dùng gậy sắt chọc vào trong [bánh]  xe thì xe mới bị kẹt mà dừng lại. Sau đó anh ấy đã làm như vậy với một khiến xe không chạy được. Nhưng kết quả là chiếc xe tăng này đã tông vào một chiếc xe quân sự ở Thẩm Dương, một số binh sĩ trên xe quân sự bị ngã và bị xe quân sự đè lên. Tôi còn nhớ đầu một người lính đã bị nghiền nát. Tôi đã chụp bức ảnh này, một bức ảnh đẫm máu. Khi đó, có nhiều người bị thương, một người phụ nữ đi ngang qua đã bị xe tăng tông tử vong…

Sau đó, tôi đạp xe đạp đuổi theo chiếc xe tăng chạy về phía nam Thiên An Môn. Khi đến nơi, tôi thấy ba hàng lính xếp hàng ở đó chĩa súng vào chúng tôi, ngăn cản chúng tôi tiến lại gần. Tôi còn chưa kịp lấy lại bình tĩnh thì thấy một cậu học sinh 15 tuổi bên cạnh đã bị trúng một viên đạn dumdum, máu chảy lênh láng. Việc sử dụng đạn dumdum đã bị cấm kể từ Thế chiến II, vì loại đạn này sẽ phát nổ trở lại sau khi xâm nhập vào cơ thể, bắn ra nhiều viên đạn nhỏ và phá nát cơ quan nội tạng của người trúng đạn. Có thể nói người bị trúng đạn dumdum không thể cứu được. Tôi thấy cậu học sinh chảy máu rất nhiều và có thể đã chết sau đó.

Lúc đó có một số bạn trẻ khác kêu gọi tôi, sao còn đứng đó làm gì, người tiếp theo trúng đạn có thể là tôi, kêu tôi nhanh chóng bỏ chạy. Tôi vội lên xe đạp và phóng về phía khách sạn Bắc Kinh.

Khi đó, không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều thị dân, sinh viên, phóng viên tay không tấc sắt, có nhiều sinh viên từ nơi khác đến, không ai nghĩ nhà cầm quyền  là có thể dùng xe tăng quân đội và súng để đối phó người dân thường đấu tranh ôn hòa tay không vũ khí gì. Nhiều phóng viên thực sự bàng hoàng khi chứng kiến ​​cảnh tượng đẫm máu này và không biết phải phản ứng thế nào. Chúng tôi là những người chưa có kinh nghiệm huấn luyện quân sự nhưng cũng không sợ chết, tôi cảm thấy mình khá dũng cảm, không hề có cảm giác nguy hiểm, tôi cứ đuổi theo chiếc xe tăng, nghĩ cách cứu người…

Nhìn lại, những gì xảy ra ngày hôm đó đã dạy một bài học cho nhiều người dân, sinh viên đã tham gia hoặc có mặt: ĐCSTQ là một chế độ rất tà ác! Mức độ tàn ác của chúng là không có giới hạn!

Vào ngày 5/6 tôi trở về Hồng Kông cùng đội. Khi tôi rời đi, thành viên đội cứu thương của Bệnh viện Hiệp Nghị đã đưa chúng tôi đến sân bay, đóng vai trò là tài xế và liều mạng để đưa chúng tôi ra ngoài. Khi đó tôi hỏi anh ấy rằng chúng ta có thể làm được gì? Anh nói rằng các bạn phải nhớ tất cả những gì đã xảy ra ngày hôm nay, các bạn phải nói sự thật với thế giới và không để sự kiện lịch sử này bị lãng quên. Vì vậy cho đến ngày nay, tôi tham gia vào mọi cuộc biểu tình kỷ niệm ngày 4/6. Tôi hy vọng sẽ bảo vệ [lưu giữ ký ức] giai đoạn lịch sử này bằng hết khả năng của mình. Mọi người đừng quên rằng chúng ta cũng phải rút ra bài học từ sự kiện lịch sử, riêng đối với sự kiện này để thấy rõ mức độ tàn ác không có giới hạn của ĐCSTQ.

Trên thực tế, dù là trong phong trào sinh viên Thiên An Môn hay sự sụp đổ của Hồng Kông năm 2019, các phương pháp mà ĐCSTQ sử dụng đều tương tự nhau, điểm khác biệt duy nhất là tại Hồng Kông không có xe tăng. Nhưng ở Hồng Kông chúng còn sử dụng cảnh sát vũ trang, súng, hơi cay và nhiều loại bom hóa học để đàn áp những sinh viên và thanh niên Hồng Kông không có vũ khí. Đối với phong trào chống luật dẫn độ ở Hồng Kông, tôi biết rằng hơn 10.000 người đã bị bắt, hàng ngàn người tự sát, một số sinh viên và vận động viên bơi lội 20 tuổi được phát hiện khỏa thân và chết ở biển Hồng Kông. Nhiều nữ sinh bị đưa về đồn công an và bị cưỡng hiếp tập thể. ĐCSTQ vẫn không ngừng gây ra rất nhiều, rất nhiều điều đẫm máu không có tính người.

Vì vậy chúng ta sẽ không bao giờ quên từ vụ Thảm sát Thiên An Môn đến cuộc đàn áp đẫm máu người dân Hồng Kông, vì tất cả những điều này cho thấy dù là người dân Hồng Kông hay người dân các dân tộc trên Đại Lục, chúng ta đều có một điểm chung: Kẻ thù đó là chế độ độc tài ĐCSTQ, nên dù ở đâu chúng ta cũng phải ghi nhớ lịch sử đẫm máu này!

Chúng ta phải làm mọi thứ thông qua các liên minh phối hợp trên khắp thế giới để đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ Cộng sản Trung Quốc.

Tin vui là phong trào do Liên minh Luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài Toàn Canada (33 tổ chức) thúc đẩy đã đạt được tiến bộ vượt bậc, giành được ủng hộ của các nghị sĩ từ 5 đảng phái chính trị [tại Canada]. Chúng tôi yêu cầu Quốc hội [Canada] ban hành luật để tăng cường tính minh bạch của thể chế dân chủ của chúng ta, buộc những kẻ phục vụ dưới danh nghĩa tay sai của các chế độ độc tài như Trung Quốc, Nga và Iran phải bị đưa ra ánh sáng, để các thành viên của chúng tôi biết họ làm việc cho chính phủ nào. Dự luật này cũng nhằm mục đích bảo vệ an toàn của tất cả những người bị đàn áp và đàn áp xuyên biên giới. Tôi rất vui mừng vì chúng ta đã tổ chức thành công buổi họp báo vào ngày 30/4.

Cảnh sát Liên bang Canada đã trình dự luật lên Quốc hội vào đầu tháng Năm, buổi đọc thứ hai đã được tổ chức tại Quốc hội vào thứ Tư (29/5). Nhưng tôi nhắc nhở mọi người đừng buông lơi, vì không thể đánh giá thấp sức mạnh phản đối của ĐCSTQ và các chế độ chính trị tương tự khác. Chúng tôi phải thông báo với các nghị sĩ trong khu vực của mình rằng chúng ta muốn dự luật này được Quốc hội thông qua càng sớm càng tốt và được thực thi trước cuộc bầu cử liên bang năm 2025.