Lượng nước lớn tích tụ tại ga xe lửa Trường Sa, tỉnh Hồ Nam hôm 28/7, có độ sâu tới đầu gối người đi bộ. (Ảnh cắt từ video)
Mưa lớn liên tục ở Hồ Nam, Trung Quốc đã gây ra thảm họa. Bờ kè Tứ Tân ở huyện Tương Đàm, Tp. Tương Đàm có nguy cơ bị vỡ đập, vết vỡ đã rộng tới 77 mét. Có thông tin cho biết 8 ngôi làng ở Tp. Tư Hưng, Sâm Châu đã mất liên lạc do mưa lớn, sau đó liên lạc đã được nối lại hôm 29/7. Ngoài ra, Cát Lâm – nằm ở phía đông bắc, cũng báo cáo có thiên tai nghiêm trọng.
Theo truyền thông Trung Quốc như CCTV, Hunan Daily, v.v, bắt đầu từ ngày 26/7, nhiều thị trấn và làng mạc ở Tp. Tư Hưng, Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam đã hứng chịu mưa lớn, giao thông bị gián đoạn, 8 trong số 10 ngôi làng ở thị trấn Diện Sơn mất liên lạc.
Sáng ngày 29/7, 10 đội cứu hộ đã vào các ngôi làng bị mất tích. Bằng cách sử dụng các phương tiện hỗ trợ liên lạc, máy bay không người lái, điện thoại vệ tinh và các thiết bị khác, cũng như sửa chữa thủ công tại chỗ, cả 8 ngôi làng đã gần như khôi phục được liên lạc lại vào trưa ngày 29.
Trong thảm họa này, đáng chú ý là tình hình vụ vỡ đê Tứ Tân ở làng Tân Đường, Tp. Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam vào sáng sớm ngày 29/7, chỗ vỡ đã mở rộng từ 55 mét lên 77 mét. Báo cáo cho biết, hiện tại chiều rộng chỗ vỡ không thay đổi nhiều, mực nước trong và ngoài đê kè về cơ bản ngang nhau, tốc độ dòng chảy chậm lại.
Chiều 29/7, đoạn kè thôn Hoa Trung, thị trấn Hà Khẩu, huyện Tương Đàm cũng xảy vỡ đê, chiều dài khoảng 30m. Trước đó, một chỗ vỡ hơn 10 mét đã xuất hiện ở đê sông Quyên Thủy, tại vịnh Liễu Thụ ở làng Long Đàm, thị trấn Hoa Thạch, huyện Tương Đàm.
(Lở núi ở Hành Dương ngày 28/7, ít nhất 12 người tử vong)
Theo thống kê, từ 8h ngày 26/7 đến 16h ngày 28/7, lượng mưa trung bình ở Hồ Nam đạt 95,8 mm, 682 thị trấn, làng mạc trong tỉnh có lượng mưa trên 100 mm. Trong số đó, thành phố Tư Hưng có lượng mưa hơn 600 mm, với lượng mưa tối đa đạt tới 673 mm tại thị trấn Hưng Ninh. Kể từ ngày 26/7, lượng mưa 12 giờ, 24 giờ ở Tư Hưng, và lượng mưa 24 giờ ở huyện Lục Khẩu, Chu Châu đều vượt quá giá trị cực trị lịch sử trên địa bàn tỉnh.
Một khu vực khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ở tỉnh Cát Lâm, nhiều thị trấn và làng mạc ở huyện Vĩnh Cát, Tp. (cấp huyện) Giao Hà, quận Phong Mãn, v.v, bị nước lũ nhấn chìm. Nước ở hai con sông ở huyện Vĩnh Cát dâng cao, tràn qua các con đập và tràn vào thành phố. Hơn 2/3 diện tích huyện này bị nhấn chìm. Khi được phỏng vấn, những người dân bị mắc kẹt trong huyện cho biết, áng chừng bằng mắt, nước trên đường chính cao từ 1,5 đến 1,7 mét, có nơi nước đã lên đến tầng 2.
Thành phố Lâm Giang ở Cát Lâm nằm sát biên giới với Triều Tiên do mực nước tại trạm quan trắc thủy văn trên dòng chính của sông Áp Lục đã vượt quá mực nước lũ đảm bảo an toàn, đồng thời mực nước vẫn đang dâng nhanh nên một thông báo đã được đưa ra, yêu cầu cư dân sống dưới tầng 3 trong thành phố phải di chuyển lên khu đất cao hơn hoặc chuyển lên tầng cao hơn.
Trí Đạt (t/h)
Trong những lần đi dịch, tôi rất tò mò muốn biết “cảnh sát Nhật làm…
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đặt hàng ít nhất 16 tỷ USD chip máy…
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ Hà Vệ Đông gần đây tiếp tục…
Hôm 2/4 tại London, một du học sinh Trung Quốc tại Anh đã bị kết…
Vương quốc Lesotho, ông Trump gọi là quốc gia "chẳng có ai từng nghe nói…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, cuối tuần này, đoàn công tác của Việt Nam…