Dịch viêm phổi do virus corona chủng mới tại Trung Quốc (viêm phổi Vũ Hán) đã ảnh hưởng đến hoạt động bố trí “lưỡng hội” (Nhân đại và Chính hiệp) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Reuters dẫn nguồn tin cho biết, chính quyền Bắc Kinh đang có ý định lùi lại thời gian tổ chức “lưỡng hội” năm nay. Cũng có thông tin cho biết vấn đề này đã gây tranh luận gay gắt tại Trung Nam Hải.
“Lưỡng hội” của ĐCSTQ năm 2018 (Ảnh: Getty Images)
Hôm 6/2, Reuters cho biết những nguồn tin mà họ nhận được chỉ ra ĐCSTQ đang có ý định dời ngày tổ chức “lưỡng hội” năm nay trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đang lan rộng khiến nhiều thành phố ở Trung Quốc đã buộc phải hạn chế nghiêm ngặt giao thông và các hoạt động khác. Một quan chức cấp cao (giấu tên) của ĐCSTQ cung cấp thông tin: “Hiện nay (Bắc Kinh), trọng tâm vẫn là cố gắng xem xét cách để có thể tổ chức hội nghị, đang thảo luận về một loạt các lựa chọn, vì xem chừng trước tháng Ba chưa thể kiểm soát được dịch bệnh”.
Quan chức này nói: “Việc dời thời điểm (hội nghị) là một trong những lựa chọn. Vì tình hình hiện tại rất khó khăn nên việc hoãn lại không có gì bất ngờ.”
Tại buổi họp báo thường kỳ vào ngày 6/2 của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, khi được hỏi về vấn đề này thì người phát ngôn Hoa Xuân Oánh đã cho biết hiện chưa biết rõ thông tin cụ thể.
Theo thông lệ, hội nghị lần thứ 3 của Nhân đại (Đại hội Đại biểu nhân dân) toàn quốc khóa 13 và hội nghị lần thứ 3 của Chính hiệp (Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc) khóa 13 sẽ khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 5 và ngày 3/3 (cách gọi tắt hai hội nghị là “lưỡng hội”). Trong đó Nhân đại toàn quốc có khoảng 3.000 đại biểu, thời gian họp thường kéo dài ít nhất 10 ngày.
Chương trình nghị sự của Nhân đại toàn quốc bao gồm thông qua lập pháp và công bố các mục tiêu chính về kinh tế đất nước trong năm. Giới quan sát phổ biến suy đoán hội nghị năm nay sẽ thảo luận về chiến dịch chống dự luật dẫn độ của người Hồng Kông, công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc và quy mô của ngân sách quốc phòng.
Phong Sở Thành (Feng Chucheng), cộng sự của công ty nghiên cứu độc lập Plenum có trụ sở tại Hồng Kông, cho rằng với tầm quan trọng chính trị của Nhân đại toàn quốc năm nay, khả năng trì hoãn chỉ là 10%. Tuy nhiên, với dịch bệnh đang diễn ra, sẽ là khá mạo hiểm nếu những người tham gia hội nghị tập trung với nhau kéo dài hơn một tuần trong Đại lễ đường Nhân dân khép kín.
Về vấn đề này, nhiều thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã đưa tin về tình hình hoãn lại các hoạt động liên quan đến “lưỡng hội” năm nay diễn ra tại nhiều tỉnh thành.
Trước đó Nhật báo Apple Hồng Kông dẫn nguồn tin từ giới truyền thông tiếng Trung tại Mỹ cho biết, trong cuộc họp khẩn Ban Thường vụ Bộ Chính trị vào ngày 25/1, hai lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã xảy ra xung đột gay gắt về công tác phòng chống dịch bệnh cùng vấn đề có nên dời lại thời gian tổ chức “lưỡng hội” năm nay hay không.
Thông tin cho biết, ngoài việc quyết định phong tỏa Vũ Hán, các thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ cũng thảo luận về vấn đề lây lan của dịch bệnh và liệu có nên tổ chức “lưỡng hội” như dự kiến hay không. Phe ông Tập Cận Bình đại diện thì cho rằng nên tổ chức như thường lệ để cho xã hội bên ngoài thấy mọi việc vẫn ổn định, trong khi phe ông Lý Khắc Cường thì cho rằng “quốc nạn” Vũ Hán sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế đất nước, báo cáo công việc của Chính phủ cũng cần được điều chỉnh lại, vì thế cần phải dời lại thời gian tổ chức hội nghị. Thông tin cho biết hai phe đã tranh cãi quyết liệt mà không thể thống nhất quyết định.
Nếu đúng như thông tin của Reuters, phải chăng trong cuộc tranh luận gay gắt này, phe Tập Cận Bình đã phải nhượng bộ?
Tại Hội nghị Công tác Ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ vào ngày 17/1, ông bí thư của ban này là Quách Thanh Côn đã truyền đạt chỉ đạo của Tập Cận Bình: nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2020 của Ban Chính trị và Pháp luật Trung ương là “bảo vệ an ninh chính trị quốc gia”. Tuyên bố kéo theo những suy đoán dường như Trung Nam Hải đã sớm dự đoán năm 2020 sẽ là năm đầy hiểm họa cho bộ máy chính trị ĐCSTQ.
Ngày 20/1, khi ông Tập Cận Bình chỉ đạo về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã cho biết, kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh nhưng không được buông lỏng “giữ ổn định đại cuộc trong toàn xã hội”. Nhiều nhà phân tích chỉ ra thực trạng rối loạn trong giới lãnh đạo chóp bu ĐCSTQ liên quan đến hoạt động chống dịch bệnh, tình hình đặc biệt nhạy cảm về chính trị.
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bị lây lan nhanh có nguyên nhân do trì hoãn thông tin của bộ máy cầm quyền, khiến người dân Trung Quốc rất tức giận. Trong lần trả lời phỏng vấn truyền thông hiếm hoi hôm 27/1, Thị trưởng Vũ Hán là ông Chu Tiên Vượng đã quy trách nhiệm cho Trung Nam Hải với lý do “chờ ủy quyền của trung ương”, động thái cho thấy rõ vấn đề nghiêm trọng như thế nào trong công tác quản lý xã hội của bộ máy cai trị toàn trị khi gặp phải những hiểm họa khó lường.
Hendrik Ankenbrand, phóng viên của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức) trú ở Thượng Hải đã có bài viết chỉ ra ngày càng có nhiều người cáo buộc chính phủ Trung Quốc cố tình che giấu số liệu thực về dịch bệnh, đại dịch này đã thực sự trở thành một nguy cơ nghiêm trọng của ĐCSTQ.
Một bài phân tích của Lea Deuber được công bố trên tờ Süddeutsche Zeitung (Đức) hôm 27/1 có nhận định, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần mà bệnh viêm phổi Vũ Hán đã làm cho một quốc gia có dân số hơn một tỷ người rơi vào cảnh ngưng trệ. Dịch bệnh lan nhanh nhanh đã thực sự trở thành mối nguy đối với bộ máy chính trị của ông Tập Cận Bình. Bài viết nhận định thử thách về niềm tin của người dân đối với ĐCSTQ đang lung lay hơn bao giờ hết. Với tình hình đất nước trở nên hỗn loạn hơn thì nhà cầm quyền lại càng mạnh tay đàn áp giới bất đồng chính kiến.
Myers – người phụ trách chi nhánh Bắc Kinh của New York Times đã đứng tên chung trong một bài viết cùng phóng viên kỳ cựu Chu Bách Lượng (Chu Bailiang) ở Bắc Kinh, theo đó nhận định, kể từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã đẩy mạnh tập trung thao túng quyền lực, nhưng dịch viêm phổi Vũ Hán là một trong những khảo nghiệm phức tạp và khó lường nhất mà ông Tập gặp phải.
Trả lời VOA (Tiếng nói Hoa Kỳ), ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), người khởi xướng tổ chức nhân quyền “Quyền lực công dân” cho biết nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng ngoài khả năng kiểm soát, có thể sẽ là mối nguy đối với chế độ của ĐCSTQ.
Nhà bình luận Tiêu Nhược Nguyên (Xiao Ruoyuan) là người luôn theo dõi dịch bệnh, nhận định mức nghiêm trọng của dịch bệnh có thể so sánh với vụ thảm họa hạt nhân Chernobyl lớn nhất trong lịch sử, nguyên nhân của thảm họa là do tình trạng tắc trách trong hoạt động thông tin khiến việc ứng phó tình hình ngăn chặn thảm họa bị chậm trễ.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…