Thép Trung Quốc hiện đang lâm cảnh khốn đốn, giá thép không ngừng sụt giảm. Có phân tích cho rằng đây là hệ lụy từ suy thoái từ ngành bất động sản và ô tô, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn chính là mô hình kinh tế kiểu kế hoạch hóa duy ý chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Dựa trên các nguồn tin truyền thông nhà nước Trung Quốc, gần đây tập đoàn “nghìn tỷ” là Công ty Niken Đức Long – Giang Tô (Jiangsu Delong Nickel Industry, dưới đây ghi: Niken Đức Long) đang trên đường phá sản. Niken Đức Long có 27 công ty con kể từ tháng 7/2024 đã rơi vào tình thế khốn khó, liên tục bị tòa án phán quyết sáp nhập và tổ chức lại.
Hãng thép khổng lồ này được thành lập bởi Đới Quốc Phương (Dai Guofang) – người được mệnh danh là “vua thép tư nhân” của Trung Quốc, từng trở thành nhà cung cấp thép không gỉ lớn thứ hai thế giới (sau Tập đoàn Qingshan – Trung Quốc), có các dự án trên khắp các thành phố ở tỉnh Giang Tô và cũng đã vươn ra nước ngoài. Nhưng sau thời gian mở rộng nhanh chóng thì bây giờ chuỗi vốn bị phá vỡ, không thể trả nợ, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá sản.
28 công ty trực thuộc Đức Long được phán quyết tổ chức lại bao gồm các công ty ở Hưởng Thủy, Từ Châu và Đới Nam.
3 công ty chủ đạo của dự án thành phố Lật Dương tỉnh Giang Tô không có trong danh sách phá sản. Được biết trước đó Tập đoàn Đầu tư tài sản nhà nước Lật Dương đã âm thầm kiểm soát 3 công ty dự án này. Hiện tại, nhà thầu của dự án Lật Dương và Tài sản nhà nước Lật Dương có tranh chấp về quyền của chủ nợ. Nhà thầu của Dự án Lật Dương thuộc hệ thống Đức Long là công ty thép Phú Hoàng, sau khi vốn chủ sở hữu của công ty dự án này thay đổi về tài sản nhà nước Lật Dương thì họ đã từ chối thanh toán khoản nợ dự án còn lại trước đó lên đến hơn 1 tỷ RMB.
Ngành thép của Trung Quốc có vấn đề về cấu trúc, trong khi nguồn cung cấp cấp thấp dư thừa thì nguồn sản phẩm cao cấp phải nhập khẩu số lượng lớn, cho thấy nổi bật tính chất “lớn nhưng không mạnh”. Trong 3 quý đầu năm 2024, sản lượng thép thô quốc gia Trung Quốc là 768 triệu tấn, nhưng tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép chủ chốt giảm 56,39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trang tài chính Sina đưa tin, tổn thất của các nhà máy thép Trung Quốc dần tăng lên kể từ tháng 8/2024, lợi nhuận của các nhà máy giảm mạnh, vận chuyển thép giao ngay khó khăn, nhu cầu tiếp tục suy yếu, các nhà máy lần lượt gia nhập “đội quân” tu sửa, trong nước đã có 32 nhà máy thép công bố thông tin phải ngừng sản xuất để tu sửa nâng cấp, trong khi có một số nhà máy phá sản, nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến phá sản của các nhà máy này là giá thép giảm một lần nữa.
Ngày 30/7/2024, giá thép phôi của công ty Đường Sơn giảm xuống mức giá thấp nhất trong 4 năm là 3120 RMB/tấn, giảm mạnh 2700 RMB so với mức giá thời điểm cao nhất (ngày 13/5/2021) trong 4 năm là 5820 RMB/tấn.
Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, giá thép trên thị trường Trung Quốc giảm toàn diện từ giữa tháng 11/2024.
Có người đặt câu hỏi về vấn đề nhiều nhà máy thép tuyên bố phá sản và giá thành thép trở nên rẻ mạt: “Vật liệu quan trọng như vậy [trở nên rẻ mạt], theo lý là sẽ được người ta mua nhiều hơn khiến giá chắc chắn sẽ lại cao, tại sao lại giảm xuống? Chẳng lẽ bây giờ Trung Quốc không cần thép nữa sao?”
Từ Chân, một người có ‘số má’ trong giới tư bản Trung Quốc nói với Epoch Times rằng thảm họa đối với ngành thép Trung Quốc có nguyên nhân từ suy thoái của 2 nguồn khách hàng lớn là ngành bất động sản và công nghiệp ô tô Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế David Huang (người Mỹ gốc Hoa) nói với Epoch Times rằng trong hơn 20 năm qua, lượng tiêu thụ trong ngành thép Trung Quốc có đến hơn 40% ngành từ bất động sản của họ, vì vậy suy thoái của ngành bất động sản chắc chắn là nguyên nhân trực tiếp làm sụp đổ ngành thép.
Ông phân tích, nhìn từ phía cầu, trước đây ngành công nghiệp thép Trung Quốc chủ yếu dựa vào các dự án cơ sở hạ tầng và ngành bất động sản của Trung Quốc để phát triển nhanh chóng, nhưng bây giờ về cơ bản bất động sản đã bị đình trệ, khiến nhu cầu thép giảm nhanh chóng. Sau hơn 20 năm Trung Quốc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thì nhìn chung hiện đã bão hòa do các công trình phục vụ cơ bản đã đáp ứng tốt, vì vậy vấn đề dư thừa công suất thép sẽ tồn tại trong một thời gian dài.
Nhưng ông David Huang cũng chỉ ra rằng tình trạng khó khăn của ngành thép Trung Quốc liên quan đến vấn đề nguyên lý sâu xa: con đường quốc hữu hóa nền kinh tế. Ngay từ khi bắt đầu luyện thép vào thời Mao Trạch Đông thì Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều nhà máy thép, thường là các doanh nghiệp nhà nước. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp nhà nước lại mua các doanh nghiệp tư nhân khiến các doanh nghiệp nhà nước ngày càng phình to hơn, và cuối cùng đi đến thực trạng ngành này chi phối chính sách để chính sách giúp ngành tồn tại, đây là một mô hình quan liêu rất phức tạp.
Tháng 8 năm ngoái, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc thông báo đại ý sẽ tạm dừng xây dựng nhà máy thép mới. Một chuyên gia trong ngành cho hay trong quá trình cải tổ tình hình sản xuất, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã dùng nhiều cách để tăng công suất sản xuất thép dẫn đến hoạt động không ngừng trương phềnh, công suất sản xuất thép dư thừa nghiêm trọng hơn trong bối cảnh nhu cầu giảm hiện nay…
Ông Huang cho rằng cơ cấu kinh tế của Trung Quốc là không hợp lý, đặc biệt là bản thân cơ cấu công nghiệp sản xuất: “Thứ nhất là bất động sản và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy GDP; thứ hai là nợ chính phủ liên tục mở rộng, trong khi các dự án cơ sở hạ tầng này thường được duy trì thông qua nợ chính phủ, điều này không bền vững; thứ ba, ngành công nghiệp thép vì là ngành công nghiệp do nhà nước điều hành nên chủ yếu là mô hình kinh tế kế hoạch, mô hình này chắc chắn sẽ thất bại trong nền kinh tế thị trường”.
Thực trạng suy thoái kinh tế đã dẫn đến nhiều vấn đề xung đột về tiền lương. Tập đoàn thép Hán Trung tỉnh Thiểm Tây – một doanh nghiệp thép quan trọng ở khu vực phía tây Trung Quốc – đã nợ hàng ngàn công nhân tiền lương, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản thanh toán khác, số tiền lên tới hàng trăm triệu RMB, dẫn đến cuộc sống của công nhân khó khăn. Công nhân liên tục đến chính quyền quận địa phương để kiện, đạt đỉnh điểm vào ngày 6 – 7/11/2024 (Link).
Ông Huang cho hay làn sóng phá sản của các nhà máy thép đương nhiên trước tiên là tạo thành một số lượng lớn công nhân thất nghiệp, sau đó có tác động lớn đến hệ thống tài chính. Bởi vì nhiều nhà máy thép là công ty niêm yết, phá sản sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và thị trường tài chính của Trung Quốc, dẫn đến sự gia tăng các khoản nợ xấu của các ngân hàng.
David Huang nhận định phá sản hàng loạt của ngành công nghiệp thép Trung Quốc có thể xem là hình ảnh thu nhỏ của mô hình kinh tế kế hoạch, cũng là một trường hợp điển hình của vấn đề thất bại không thể tránh khỏi của mô hình kinh tế kế hoạch. Giống như xe đạp dùng chung trước đây và cái gọi là xe năng lượng mới hiện nay cũng vậy, kết quả cuối cùng sẽ là sự sụp đổ hàng loạt.
Còn ông Từ Chân thì cho rằng hệ thống độc tài của ĐCSTQ và sự thiếu hiểu biết về kinh tế của các nhà hoạch định chính sách đã dẫn đến giảm phát xoắn ốc cùng làn sóng thất nghiệp và phá sản trong toàn xã hội. Không chỉ ngành công nghiệp thép, hầu như tất cả các ngành công nghiệp đều không thể thoát khỏi số phận phá sản, tái cơ cấu, cải tổ lại, chỉ là tốc độ khác nhau. Khởi đầu từ các công ty thép, dự kiến năm 2025 sẽ có đòn tấn công hủy diệt đối với chiến lược Vành đai và Con đường của ĐCSTQ.
Theo Ninh Hải Chung, Lạc Á, Epoch Times
Theo người phát ngôn Bộ Công an, hiện tình trạng đưa tin thất thiệt, thậm…
Trong 1 tuần, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử phạt 5.654 trường hợp vi…
Trong cuộc đời, không cần phải tham lam, bạn vẫn có thể đạt được hạnh…
Tảng sáng, trong lúc bám gành đá để cạo rong mứt, hai người phụ nữ…
Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Joe Biden, FBI đã phải đối…
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã tuyên bố rằng "chế độ độc tài" của ông…