Nhu cầu trong nước giảm sút, buộc các doanh nghiệp sản xuất thép Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới. Dự kiến, xuất khẩu thép của Trung Quốc năm 2024 sẽ đạt mức cao nhất trong 8 năm qua. Thế giới tràn ngập thép giá rẻ Trung Quốc, gây áp lực cho ngành sản xuất thép của các nước nhập khẩu và đe dọa căng thẳng thương mại toàn cầu. 

• Xuất khẩu tăng phi mã nhưng chỉ 1% các nhà máy thép Trung Quốc có lãi.

thep khong gi
Các cuộn thép không gỉ trong nhà máy. (Ảnh minh họa: Vladimir Mulder/Shutterstock)

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ thép. Từ đầu năm đến nay, ngành thép Trung Quốc đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do lĩnh vực bất động sản – nguồn cầu lớn nhất của ngành này vẫn chìm sâu trong suy thoái.

Tập đoàn thép Baowu, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, hồi tháng 8 đã cảnh báo rằng ngành thép Trung Quốc đang phải đối mặt với một “mùa đông dài và lạnh giá”, thậm chí còn tồi tệ hơn các cuộc khủng hoảng thép trước đó vào năm 2008 và 2015.

Nhu cầu nội địa ở Trung Quốc chiếm tới 50% sản lượng thép toàn thế giới. Số liệu của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho thấy, trong nửa đầu năm nay, tiêu thụ thép tại Trung Quốc chỉ đạt khoảng 478 triệu tấn, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy cầu giảm nhưng các nhà sản xuất thép nước này lại không cắt giảm sản lượng mà vẫn sản xuất rất nhiều thép. Chỉ trong nửa đầu năm nay, sản lượng thép Trung Quốc đạt 531 triệu tấn. Điều này đã khiến ngành thép nước này luôn trong tình trạng dư thừa công suất, biên lợi nhuận nhà máy liên tục sụt giảm và đẩy giá thép giảm sâu. Chỉ số giá thép Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp gần 8 năm tính đến ngày 16/8.

Đứng trước tình trạng này, các nhà sản xuất thép Trung Quốc phải chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới để mong tìm kiếm lợi nhuận.

Trong những năm 2000, thép của Trung Quốc chiếm khoảng 15% trong tổng sản lượng thép toàn cầu. Đến năm 2023, con số này tăng lên hơn 54% và Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu thép thành phẩm hàng đầu thế giới. Sang năm 2024, Công ty tư vấn MySteel có trụ sở tại Thượng Hải cho biết, xuất khẩu thép của Trung Quốc dự kiến đạt 100 triệu tấn, mức cao nhất kể từ năm 2016.

Với việc ồ ạt xuất khẩu, thép giá rẻ Trung Quốc đang tràn ngập thế giới và đẩy giá thép xuống. Dòng chảy của thép giá rẻ Trung Quốc đã gây áp lực đáng kể lên ngành sản xuất thép của các quốc gia nhập khẩu. Phải chia sẻ thị phần không nhỏ với thép Trung Quốc, doanh số sụt giảm làm gia tăng hoạt động cạnh tranh không lành mạnh và gây thêm áp lực giá lên thép nội địa.

Ví dụ với thép HRC, giá HRC tại Mỹ đã giảm khoảng 40% so với đầu năm nay, thấp nhất kể từ tháng 9/2023. Tại châu Âu, giá đã giảm khoảng 11%. Giá thép HRC tại khu vực Bắc Mỹ cũng giảm khoảng 7% trong tháng 7 và là tháng giảm thứ ba liên tiếp.

Vì thế, để bảo hộ ngành thép trong nước, nhiều quốc gia đã áp đặt các mức thuế cao hơn đối với thép từ Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng thương mại thế giới. Ngày càng có nhiều vụ kiện thương mại được đệ trình chống lại Trung Quốc.

Nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi như Mexico và Brazil đã tăng thuế trong năm nay, các quốc gia khác như Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc điều tra mới chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc do lo ngại bị mất thị trường.

Mỹ đã tăng gấp 3 lần thuế đối với thép Trung Quốc trong năm nay, còn EU hồi tháng 5 đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép mạ thiếc của Trung Quốc.

Nối gót các nước này, Canada đã công bố mức thuế mới đối với thép vào tuần trước.

Năm ngoái, Chính phủ Thái Lan, thị trường lớn thứ tư của thép Trung Quốc, đã mở một cuộc điều tra hành vi bán phá giá thép cuộn Trung Quốc sau khi nhận phản ánh của các doanh nghiệp thép trong nước.

Trước tình trạng trên, ngày 29/8, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc, đại diện cho các nhà máy lớn thuộc sở hữu nhà nước của nước này, đã kêu gọi các nhà sản xuất thép chấm dứt “sự cạnh tranh khốc liệt” và cáo buộc họ “dựa vào ‘cuộc chiến giá cả’ để giành thị phần”.

Phan Vũ (t/h)