Ngày 5/4, “Tạp chí Cấy ghép Tạng Hoa Kỳ” đã công bố một nghiên cứu dựa trên các báo cáo lâm sàng do Trung Quốc tự công bố. Nghiên cứu kết luận rằng trong vài thập kỷ qua, tại các bệnh viện quân đội và địa phương của Trung Quốc, người hiến tạng chưa chết trước khi tim của họ được lấy ra, nghĩa là việc cắt bỏ tim mới là nguyên nhân dẫn đến cái chết của “người hiến tạng”.
Hai tác giả của nghiên cứu này là Tiến sĩ Jacob Lavee, chuyên gia ghép tim nổi tiếng người Israel và ông Matthew Robertson, học giả nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc và nhà nghiên cứu Trung Quốc “Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản.” Theo báo cáo, nếu nội tạng được lấy từ các tù nhân bị tử hình trước năm 2015, như công bố của Chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì hành động đó được gọi là “hành quyết bằng cách cấy ghép tim.”
Các tác giả của nghiên cứu mới này cho biết “đã dùng kỹ thuật phân tích văn bản trên máy tính để tiến hành xem xét 2838 bài báo được rút ra từ bộ dữ liệu 124.770 ấn phẩm cấy ghép bằng tiếng Trung” từ năm 1980 đến 2015. Họ phát hiện rằng trong 71 bài báo, nguyên nhân cái chết của người hiến tạng không phải là “chết não” như cách gọi của các bác sĩ Trung Quốc, mà là do một cuộc phẫu thuật “cắt bỏ trái tim” được thực hiện sau đó.
Bác sĩ Lavee giải thích rằng có một quy tắc đạo đức trong lĩnh vực cấy ghép quốc tế được gọi là “Quy tắc người hiến tặng đã chết” (DDR). Nói thẳng ra là bác sĩ cấy ghép phải chắc chắn rằng nội tạng được lấy để cấy ghép là của một người đã qua đời, không phải từ một người còn sống.
Tuy nhiên, theo các thao tác trong phòng mổ do chính bác sĩ Trung Quốc viết trong tài liệu của họ, dưới con mắt của bác sĩ Lavee, một chuyên gia ghép tim, thì những người cung cấp nội tạng này chưa chết khi bị mổ lấy nội tạng.
Tại buổi làm việc, bác sĩ Lavee nói rõ hơn về định nghĩa “chết não”, tức là phải đáp ứng 3 điều kiện: hôn mê, không có phản xạ thân não và không còn thở. Nhưng 2 tác giả lại tìm thấy một loạt bằng chứng rõ ràng rằng người hiến tặng vẫn còn sống ngay trước khi bị mổ lấy nội tạng.
Ví dụ, trong một số trường hợp, các bác sĩ Trung Quốc đã sử dụng mặt nạ thay vì đặt nội khí quản tiêu chuẩn để thông khí cho người hiến tặng. Bác sĩ Lavee nói: “Đây là một trong những bằng chứng mạnh mẽ nhất về việc không tuân thủ nguyên tắc xác định ‘người hiến tặng đã chết’ (DDR), bởi vì thông qua việc đặt nội khí quản để tiến hành thông khí cho người hiến tặng là một bước quan trọng để xác định chết não hay chưa.”
Một ví dụ khác là người hiến tạng không được truyền dịch tĩnh mạch (để nuôi dưỡng tạng sau khi chết não), mà chỉ trước khi phẫu thuật bác sĩ mới làm như vậy (nghĩa là não vẫn còn hoạt động), và có một số tài liệu nói rằng người hiến tạng là “chết não cấp tính”. “Bằng chứng này chứng minh rằng nội tạng đã được lấy ra từ người hiến tạng trước khi được chẩn đoán chính xác là đã chết não”, bác sĩ Lavee nói.
Do đó, các tác giả kết luận rằng việc cắt bỏ tim là nguyên nhân gây tử vong ở những người hiến tạng.
Nghiên cứu chỉ ra trong 71 bài báo có vấn đề về BDD (tuyên bố chết não) này xảy ra tại 56 bệnh viện (trong đó 12 bệnh viện thuộc quân đội) ở 33 thành phố trên 15 tỉnh của Trung Quốc. Tổng cộng 348 bác sĩ phẫu thuật, y tá, bác sĩ gây mê và các nhân viên y tế hoặc nhà nghiên cứu khác đã ký tên là tác giả của các ấn phẩm này.
“Quy mô trên thực tế lớn đến mức nào? Chúng tôi nghĩ đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi”, bác sĩ Lavee nói. “Bởi vì chúng tôi không biết có bao nhiêu ca cấy ghép đã xảy ra, và bao nhiêu ca được ghi lại. Ngoài ra, việc cấy ghép tim (được nghiên cứu) chỉ là một phần của hoạt động cấy ghép. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng dữ liệu thực tế vượt xa so với con số 71 bản mà chúng tôi có được.”
Tác giả cũng tuyên bố rằng mặc dù vào năm 2015, Chính phủ ĐCSTQ đã đổi giọng, nói rằng trong tương lai họ sẽ không thu hoạch nội tạng từ các tử tù, sau này tất cả những người hiến nội tạng sẽ là “tự nguyện”. Nhưng về mặt logic, nếu ĐCSTQ vẫn sử dụng nội tạng của tù nhân, thì việc cắt bỏ nội tạng trên cơ thể sống vẫn tồn tại.
Báo cáo cho biết: “Chúng tôi tin rằng có bằng chứng chắc chắn cho thấy nội tạng của tù nhân vẫn đang được sử dụng.” Vì vậy, việc phẫu thuật thu hoạch tạng sống trong các bệnh viện của ĐCSTQ đã đang tiếp diễn.
Ông Đằng Bưu, một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Chicago, kiêm Tiến sĩ Luật từ Đại học Bắc Kinh, luật sư nhân quyền Trung Quốc, cũng tham dự hội thảo về báo cáo nghiên cứu mới. Ông bác bỏ lời nói dối của Chính phủ Trung Quốc về việc “thiết lập hệ thống hiến tạng tự nguyện.”
Ông nói: “Có một niềm tin sâu sắc trong văn hóa Trung Quốc rằng mọi người phải bảo quản toàn bộ cơ thể của họ được hoàn chỉnh sau khi chết, vì vậy người dân Trung Quốc rất, rất miễn cưỡng đối với việc hiến tạng.” Dù chính quyền ĐCSTQ nói rằng nội tạng được lấy từ các tử tù hay từ những người hiến tạng tự nguyện, nhưng “thực ra không có gì khác biệt”, “họ sẽ phân loại những tù nhân bị tử hình mà họ muốn lấy nội tạng là ‘những người hiến tặng tự nguyện’.”
“Tôi tin 100% rằng người Trung Quốc vẫn đang thu hoạch nội tạng một cách có hệ thống, không chỉ từ các tù nhân trên khắp đất nước, mà còn từ các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ,” ông Đằng Bưu nói.
Bà Susie Hughes, giám đốc điều hành “Liên minh Quốc tế Ngăn chặn Lạm dụng Cấy ghép tạng ở Trung Quốc”, đã cảm ơn 2 vị chuyên gia và học giả này vì những đóng góp mới của họ trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, nhằm ngăn chặn tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ.
“Sự tàn bạo này đã được các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động vạch trần từ năm 2006. Mặc dù bắt đầu tiến triển từ đó, nhưng thật khó để tin rằng sự việc khẩn cấp với hàng ngàn người vô tội bị giết hại, lại mất một khoảng thời gian lâu như vậy mới khiến các nhà lãnh đạo thế giới vào cuộc.”
Bà Hughes nói: Nhờ sự tiết lộ bằng chứng của các chuyên gia có lương tâm như 2 tác giả của bản báo cáo, ngày càng có nhiều quan chức các quốc gia, tổ chức và chuyên gia y tế tham gia vào cuộc chiến chống lại cái ác.
Bà kết luận rằng các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở các quốc gia khác nhau đang đề xuất các kế hoạch lập pháp, và các quốc gia như Israel, Tây Ban Nha, Đài Loan, Ý, Na Uy, Bỉ, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Canada đã tăng cường luật pháp ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhằm cấm công dân nước mình đến Trung Quốc cấy ghép tạng; cộng đồng y tế cũng đang hành động.
Ví dụ, cấm các bác sĩ Trung Quốc công bố các tài liệu chuyên môn về cấy ghép. Một cuốn sách hướng dẫn sẽ được phát hành vào cuối tháng này, giải thích các chính sách thương mại và nhân quyền trong lĩnh vực y học cấy ghép tạng. Cuốn sách giúp các trường đại học, bệnh viện, tổ chức y tế, công ty dược phẩm và những người hành nghề trên khắp thế giới hiểu rằng họ có nghĩa vụ nhân quyền nào khi hợp tác và tương tác với đồng nghiệp của mình, từ đó giảm nguy cơ tham gia vào tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ.
Tại Hoa Kỳ, cách đây vài tháng, một số nhà lập pháp đã đề xuất “Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công“. Năm ngoái, Quốc hội cũng đưa ra đề xuất lưỡng đảng nhằm ngăn chặn hoạt động mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ. Đề xuất này hiện đang được thảo luận ở cả Thượng viện và Hạ viện.
Bà Hughes nói: “Vì vậy, chúng tôi hy vọng nghiên cứu mới này sẽ thu hút nhiều thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ hơn nữa sẽ đứng ra, ủng hộ việc thông qua đề xuất quan trọng này sẽ trở thành luật trong năm nay.”
“Mọi người đều có thể làm điều gì đó trong hoàn cảnh của riêng mình, dù bạn đang ở trường đại học, trong tổ chức phi chính phủ, hoặc chỉ nói về điều đó trong cộng đồng của mình. Mọi người không nên thờ ơ đứng nhìn, hãy đóng góp điều gì đó, đây mới là điều thực sự quan trọng.”
Vào ngày công bố báo cáo nghiên cứu mới này, ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh của Canada phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Châu Phi, người đầu tiên trên thế giới vạch trần hoạt động mổ cướp nội tạng đẫm máu các học viên Pháp Luân Công do ĐCSTQ thực hiện, đã qua đời vì mắc bệnh ở tuổi 81.
Hai tác giả của bản báo cáo đã rất sốc và vô cùng đau buồn khi biết tin này. Hai ông là cộng sự của ông Kilgour trong nhiều năm. Các tác giả cho biết tại một hội nghị chuyên đề do “Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản” tổ chức vào ngày 7/4 rằng họ chỉ dành hội nghị chuyên đề này cho “người bạn và đồng nghiệp thân yêu của chúng tôi là David Kilgour“, nhằm vinh danh sự đóng góp xuất sắc của ông đối với việc vạch trần tội ác sống mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ.
Bác sĩ Lavee nói rằng mình rất đau buồn khi biết tin về cái chết của ông Kilgour. “Ông Kilgour là người đầu tiên vạch trần việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống trong báo cáo ‘Thu hoạch nội tạng đẫm máu’.”
Sau đó, bác sĩ Lavee cho biết ông ấy cũng tham gia những nỗ lực nhằm ngăn chặn tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ, và thành công đưa Israel trở thành một trong số ít quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật cấm công dân đến Trung Quốc để cấy ghép nội tạng.
Ông Robertson cho biết, nghiên cứu mới nhất của họ chỉ là đang “đứng trên vai người khổng lồ” mà thôi. Kể từ năm 2006, ông Kilgour đã dốc sức điều tra độc lập về tội ác mổ cướp nội tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống do ĐCSTQ thực hiện, và sau đó đã công bố một báo cáo điều tra độc lập về tội ác này. Ông cùng với luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada David Matas và những người khác đã xuất bản cuốn sách “Nội tạng quốc gia”.
Ông Kilgour đã rút ra kết luận từ hơn một thập kỷ trước: “Chúng tôi tin rằng việc thu hoạch nội tạng học viên Pháp Luân Công trên quy mô lớn, trái với ý nguyện của họ vẫn luôn tồn tại và tiếp diễn.”
Ông đã đi đến hơn 50 quốc gia trên thế giới và làm việc không mệt mỏi với chính phủ và người dân của nhiều quốc gia, nhằm vạch trần hoạt động mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ, “tội ác xưa nay chưa từng có trên hành tinh này.” Ông Kilgour được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về sự dũng cảm, chính nghĩa và lòng nhân ái.
Xem toàn bộ báo cáo về nghiên cứu mới tại đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…