Nhân viên bệnh viện Hồng Kông đình công đòi đóng cửa biên giới với Trung Quốc

Hàng trăm nhân viên bệnh viện tại Hồng Kông hôm thứ Hai (3/2) đã đình công, yêu cầu chính quyền Đặc khu phải đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc đại lục để giảm rủi ro lây lan virus corona.

Cho tới nay, chính quyền Đặc khu Hồng Kông đã đình chỉ các dịch vụ đường sắt và phà xuyên biên giới với Trung Quốc đại lục, nhưng nhân viên bệnh viện tại hòn đảo bán tự trị này muốn đóng cửa biên giới hoàn toàn.

Giới chức Hồng Kông nói rằng việc đóng cửa biên giới hoàn toàn sẽ đi ngược lại khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bà Winnie Yu, chủ tịch Liên minh Viên chức Bệnh viện mới thành lập cho biết: “Nếu không đóng cửa hoàn toàn biên giới, sẽ không có đủ nhân lực, thiết bị bảo hộ hoặc phòng cách ly để chống lại bệnh dịch.

Theo BBC, hàng trăm nhân viên y tế làm các việc “không trọng yếu” đã đình công vào thứ Hai (3/2). Liên minh Viên chức Bệnh viện nói rằng những nhân viên y tế tuyến đầu – bao gồm các bác sĩ và y tá – sẽ tham gia phong trào đình công vào thứ Ba (4/2) nếu chính quyền Đặc khu không đáp ứng yêu cầu của họ.

Hồng Kông với dân số khoảng 7 triệu người là một phần của Trung Quốc, nhưng vẫn được duy trì mức độ tự trị cao kể từ khi được Anh Quốc trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Các chức năng biên giới tại đây cũng giống với chức năng của các điểm kiểm soát quốc tế bình thường khác.

Trước đó vào thứ Sáu (31/1), Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã bác yêu cầu của Liên minh Viên chức Bệnh viện về việc đóng cửa biên giới hoàn toàn với Trung Quốc đại lục. Bà Lâm khi đó kêu gọi nhân viên y tế không được tổ chức đình công.

Liên minh Viên chức Bệnh viện vào sáng 31/1 nói rằng 6.500 thành viên của họ sẽ đình công nếu biên giới vẫn mở. Động thái này đến chỉ một ngày sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do virus corona bùng phát.

Trong tuyên bố hôm 30/1, WHO khuyến cáo tất cả các nước cố gắng ngăn chặn hoặc giảm thiểu lây lan bệnh dịch qua biên giới. Nhưng tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc này nói rằng các biện pháp chặn dịch bệnh lây lan nên tránh can thiệp không cần thiết vào thương mại hoặc du lịch.

>>WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Phát biểu trong buổi họp báo hôm 31/1, bà Lâm nói: “Tôi sợ rằng (việc đóng cửa biên giới) đi ngược lại khuyến nghị của WHO… họ yêu cầu các chính phủ không được thực thi bất kỳ biện pháp nào mà có thể kích hoạt phân biệt đối xử.

Thay vì đáp ứng yêu cầu đóng cửa biên giới, bà Lâm đã thông báo một loạt các biện pháp mới chống lại bệnh dịch và nói rằng mọi hành động đơn phương của nhân viên y tế sẽ chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Cuối cùng, những người sẽ hứng chịu hậu quả sẽ là công dân Hồng Kông và hệ thống y tế cộng đồng của chúng ta,” bà Lâm nói.

Bà Lâm nói thêm rằng hôm 30/1, chỉ có 9,7% những người đến Hồng Kông, không tính tại sân bay, là đến từ Trung Quốc đại lục, và hầu hết những trường hợp còn lại là công dân Hồng Kông trở về nhà. Bà Lâm nói rằng bà dự đoán dòng người tới Hồng Kông sẽ tiếp tục giảm khi nhiều thành phố tại Trung Quốc đại lục bị phong tỏa.

Bà Lâm cũng đã gia hạn kỳ nghỉ lễ cho học sinh, sinh viên ít nhất tới ngày 2/3 và nói rằng viên chức không làm các dịch vụ khẩn cấp và thiết yếu sẽ được làm việc ở nhà trong tuần tới và điều này có thể xem xét gia hạn hàng tuần tùy tình hình diễn biến bệnh dịch.

Hiện tại Hồng Kông xác nhận có 15 trường hợp nhiễm virus corona mới. Trong khi đó, số người nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục đã hơn 17.000 người và con số tử vong tăng lên 361, vượt số ca tử vong tại Trung Quốc do dịch SARS bùng phát năm 2002-2003.

>>CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (sáng 3/2)

Bên ngoài Trung Quốc, có ít nhất 26 nước xác nhận có người nhiễm virus corona mới và con số được xác nhận là hơn 150 người. Một trường hợp bệnh nhân ngoài Trung Quốc thiệt mạng là một người Trung Quốc ở Philippines.

Trước tình hình bệnh dịch ngày càng gia tăng, nhiều nước đã áp đặt hạn chế di trú với nhiều mức độ khác nhau.

Các nước cấm nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài đã từng ở Trung Quốc gần đây gồm: Mỹ, Úc và Singapore.

Các nước cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài di chuyển từ Trung Quốc đại lục gồm: New Zealand và Israel.

Các nước cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã từng tới Vũ Hán gồm: Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhiều nước khác đã đình chỉ tạm thời các chuyến bay tới Trung Quốc đại lục, trong đó có Ai Cập, Phần Lan, Indonesia, Anh Quốc, Ý và Việt Nam.

Như Ngọc

Như Ngọc

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Như Ngọc

Recent Posts

Sở VH và TT TP.HCM đề xuất chi 1.850 tỷ đồng xây nhà thi đấu Phan Đình Phùng

TP.HCM quyết định dừng dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức…

59 phút ago

Bình Định: 9 ca nhiễm bệnh, 4 ca đã tử vong do cúm A/H1pdm

Trong 22 trường hợp viêm phổi nặng được xét nghiệm, sàng lọc tại tỉnh Bình…

1 giờ ago

Tập đoàn Trung Quốc cùng Vingroup xây cầu Tứ Liên (Hà Nội)

Cầu Tứ Liên có chiều dài khoảng 11,5km, tổng mức đầu tư được tạm tính…

1 giờ ago

Lợn giống chết ở Gia Lai: Lên phương án cấp lại cho các hộ nghèo, cận nghèo

Tại thời điểm thống kê, xác định dịch bệnh, 58/100 con lợn giống cấp trong…

2 giờ ago

Sáu điều cần biết về bà Kristi Noem, ứng viên Bộ trưởng An ninh Nội địa của ông Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…

3 giờ ago

Ukraine nghiên cứu mảnh vỡ từ tên lửa đạn đạo mới của Nga

Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…

3 giờ ago