Anh Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), một nhân viên của Tổng lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông, cáo buộc cảnh sát Thâm Quyến đã tra tấn và ngược đãi anh trong thời gian bị bắt giam, ép anh phải xác nhận làm gián điệp cho Anh và Chính phủ Anh đứng sau lên kế hoạch bạo loạn tại Hồng Kông. Vụ việc đã khiến mâu thuẫn giữa Chính phủ Anh và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) leo thang.
Ngày 8/8, anh Trịnh Văn Kiệt đã mất tích khi vào Thâm Quyến tại cảng La Hồ. Ngày 21/8, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho biết anh đã bị công an Thâm Quyến bắt giữ vì “mua dâm”. Tuy nhiên, Trịnh văn Kiệt kể rằng anh đã bị ngược đãi cực hình kéo dài trong 15 ngày giam giữ và buộc phải nhận tội.
Chính phủ Anh mạnh mẽ lên án ĐCSTQ đã đối xử tệ hại với nhân viên của Anh. Hôm 20/11, Ngoại trưởng Dominic Raab của Anh đã triệu tập Đại sứ của ĐCSTQ và yêu cầu giải thích.
Trong một tuyên bố, ông Raab cho biết: “Về chuyện Trịnh Văn Kiệt bị đối xử tệ bạc trong thời gian bị Trung Quốc câu lưu, chúng tôi thấy sợ hãi và choáng váng, hành vi này cấu thành tội ác tra tấn cực hình.”
“Tôi đã triệu tập Đại sứ của ĐCSTQ để bày tỏ sự phẫn nộ trước cách đối xử tàn nhẫn và đáng xấu hổ đối với Trịnh Văn Kiệt. Tôi cho biết rõ rằng Chính phủ Anh muốn chính quyền Trung Quốc điều tra và truy cứu trách nhiệm (kẻ áp bức).” Ngoại trưởng Anh cũng cho biết Bộ Ngoại giao Anh đang nỗ lực để giúp Trịnh văn Kiệt và hôn thê của anh, bao gồm cả việc giúp họ đến Anh.
Tuy nhiên, hôm thứ Tư (20/11) phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ nói với BBC rằng họ “tuyệt đối từ chối chấp nhận” giấy triệu tập của ông Raab, trái lại còn cho triệu tập Đại sứ Anh để bày tỏ “phẫn nộ” của ĐCSTQ đối với người Anh. Người phát ngôn của ĐCSTQ cũng cảnh cáo người Anh “ngừng can thiệp” vào Hồng Kông, bởi vì điều này sẽ chỉ “làm thiệt hại lợi ích của chính nước Anh”.
Hôm 20/11, tờ Guardian đưa tin rằng anh Trịnh Văn Kiệt (29 tuổi) đã kể về cảnh anh bị người của ĐCSTQ tra tấn, cho biết ngày thứ hai sau khi bị giam giữ anh bị giam một mình, trong suốt thời gian giam giữ anh không được phép liên lạc với gia đình hoặc luật sư.
Anh bị đưa đến thẩm vấn trong một căn phòng kín không có cửa sổ, đối phương gọi anh ta là “kẻ thù của đất nước” và “điệp viên bí mật của Chính phủ Anh”, đã đe dọa anh bằng cáo buộc tội gián điệp và lật đổ.
Anh bị cố định trên ghế băng, một chiếc ghế kim loại cố định cơ thể không cho người bị giam giữ nhúc nhích, anh cũng bị cấm đeo kính cho đến khi được thả ra.
Trịnh Văn Kiệt cho biết, trong thời gian bị giam giữ, anh bị còng tay và cùm chân, bị trùm kín đầu khiến anh cảm thấy ngột ngạt, chóng mặt và buồn nôn. Cảnh sát ĐCSTQ túm tóc anh để ép mặt anh thẳng vào màn hình điện thoại cầm tay để mở khóa điện thoại bằng nhận dạng khuôn mặt.
Sau đó anh được đưa ra ngoài và bị đưa đến một nơi mà anh không biết ở đâu, đầu vẫn bị trùm kín, bị cùm tay và chân, bị buộc cố định trong tư thế dang hai tay hai chân nhiều tiếng đồng hồ. Cảnh sát ĐCSTQ cũng ra lệnh cho Trịnh Văn Kiệt quỳ, cũng như vài tư thế cố định khác trong thời gian dài. Khi anh không giữ vững được tư thế thì lập tức bị đánh vào đầu gối bằng dùi cui, khiến anh không ngừng run rẩy vì đau đớn.
Trong suốt quá trình tra tấn, chúng luôn lăng mạ anh. Trịnh Văn Kiệt không được phép nói gì trong suốt quá trình tra tấn, nếu muốn nói thì trước tiên anh phải nói “báo cáo chủ nhân (report, my master)”, nếu không anh ta sẽ bị vả vào miệng hoặc đánh vào mặt.
Trịnh văn Kiệt còn cho biết anh cũng bị tước quyền ngủ vào ban đêm, bất cứ khi nào anh ngủ là sẽ bị đánh thức và ép hát quốc ca của ĐCSTQ.
Anh Trịnh Văn Kiệt cho biết sau nhiều ngày bị tra tấn, anh buộc phải thừa nhận rằng Chính phủ Anh đã tham gia vào kế hoạch biểu tình dân chủ ở Hồng Kông, còn anh là gián điệp của Anh, là cầu nối tài trợ của Anh để giúp đỡ người biểu tình. Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông vào tháng Tám về cơ bản còn rất ôn hòa.
Anh cũng được yêu cầu xác định người liên quan từ hơn 1000 bức ảnh người biểu tình ở Hồng Kông, đồng thời viết tên của những người anh biết và quan hệ chính trị liên quan. Anh cũng được an ninh ĐCSTQ thông báo rõ ràng rằng một số lượng lớn người biểu tình ở Hồng Kông đã bị bắt và giam giữ tại Đại Lục.
Cảnh sát ĐCSTQ thông báo cho anh biết, anh bị tố cáo tội “mua dâm”, nếu anh “hợp tác” với chính quyền ĐCSTQ thì sẽ chỉ chịu mức giam giữ hành chính nhẹ, thường là 15 ngày giam giữ, hoặc anh sẽ phải chịu hình phạt hình sự nghiêm khắc hơn. Trịnh Văn Kiệt không còn cách nào khác là phải thừa nhận có hành vi “mua dâm”.
Anh Trịnh chia sẻ cảm giác rất sợ hãi trong thời gian bị giam giữ, trong cảnh bị đe dọa, anh tin rằng ĐCSTQ sẽ buộc tội anh về các tội nghiêm trọng như lật đổ [chính quyền], trợ giúp phản loạn và bạo động, gián điệp hoặc phản quốc, anh lo sợ có thể sẽ bị tù chung thân.
Cuối cùng, Trịnh Văn Kiệt đã “hợp tác” với cảnh sát ĐCSTQ để thực hiện hai video ghi lại lời thú nhận, một đoạn là “phản bội tổ quốc”, và đoạn kia là “mua dâm”.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…