Sửa Hiến pháp: ông Tập không chỉ dự tính khả năng bùng nổ chiến tranh trong 5 năm tới

Chiều ngày 11/3, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua sửa đổi Hiến pháp, bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước. Việc Trung Quốc thông qua sửa đổi Hiến pháp này đã trở thành chủ đề nóng trên thế giới. Có quan điểm cho rằng, sửa đổi này của ông Tập vì dự tính có thể có chiến tranh trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo; trong khi có phân tích khác thì nhận định những lo ngại của ông Tập không chỉ bên ngoài lãnh thổ, mà vấn đề lớn hơn là tình hình trong nước.

Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Mark Schiefelbein – Pool/Getty Images)

Tổ ba người sửa đổi Hiến pháp

Về vấn đề người hiến kế để giới chức Bắc Kinh sửa đổi Hiến pháp hủy bỏ hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch nước, một số cơ quan truyền thông nhận định là sản phẩm của “quốc sư ba triều đại” Vương Hỗ Ninh, nhân vật mới được vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dù chưa từng có kinh nghiệm làm quản lý tại địa phương nào.

Ngày 7/3, New York Times của Mỹ chỉ ra, ông Vương Hỗ Ninh, nhân vật mới vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 19, là người luôn ủng hộ quan điểm cho rằng Trung Quốc cần một nhân vật mạnh mẽ để bảo vệ trật tự xã hội.

Thông tin chỉ ra, tại cuộc họp Bộ Chính trị trong tháng 9/2017 do ông Tập Cận Bình chủ trì, đã ủy nhiệm vấn đề sửa Hiến pháp cho ba người: Ủy viên trưởng Nhân đại Trương Đức Giang, khi đó là ủy viên Bộ Chính trị; Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư; người còn lại là Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu chính sách Vương Hỗ Ninh, khi đó chỉ là ủy viên Bộ Chính trị.

Ngày 5/3/2018, tại ngày khai mạc Nhân đại (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc), ông Vương Thần (Wang Chen), Phó Ủy viên trưởng kiêm Thư ký trưởng Nhân đại đã lần đầu tiết lộ bố trí này. Theo đó, ông Vương Hỗ Ninh cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh một số chính sách tác động mạnh mẽ trong xã hội, Trung Quốc cần một người mạnh mẽ để bảo vệ trật tự xã hội.

Ngày 05/3, trang Thông tin Đa chiều (Duowei News) tại Mỹ cũng đăng tải bài viết nói về vai trò của ông Vương Hỗ Ninh trong tổ sửa đổi Hiến pháp gồm ba người. Bài viết phân tích, nội dung cốt lõi “tam vị nhất thể” của sửa đổi Hiến pháp có vai trò to lớn của “bậc thầy lý luận chính trị Trung Nam Hải” Vương Hỗ Ninh.

Tư tưởng chính trị của Vương Hỗ Ninh đi vào Trung Nam Hải từ đầu những năm 1990, ông Vương đã ngâm mình trong quan trường Trung Quốc 17 năm, luôn được tín nhiệm trải qua ba thế hệ lãnh đạo là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và nay là Tập Cận Bình.

Ngày 26/2, Nhật báo Apple của Hồng Kông đưa tin, chính ông Vương Hỗ Ninh là người hiến kế sửa đổi Hiến pháp hủy bỏ thời hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước này.

>>Người hiến kế giúp ông Tập Cận Bình kéo dài nhiệm kỳ

Ông Vương Hỗ Ninh năm nay 62 tuổi, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Phúc Đán được giữ lại trường giảng dạy. Năm 1995 Vương được ông Tổng Bí thư Giang Trạch Dân trọng dụng, bước vào giới chính trị. Sau này Vương lại được đề bạt vào Ban Bí thư Trung ương, giúp việc cho ông Hồ Cẩm Đào trong 10 năm, sau Đại hội 18 Vương lại chuyển qua trung thành với Tập Cận Bình.

Ông Vương Hỗ Ninh là bậc thầy về lý luận của ĐCSTQ, là người đã giúp Giang Trạch Dân đưa ra cái gọi là “Ba đại diện”, sau đó là “Quan điểm về học phát triển khoa học” của ông Hồ Cẩm Đào. Còn với ông Tập Cận Bình là “Trung Quốc mộng”, và việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến pháp cũng là do kế hoạch của Vương Hỗ Ninh.

Hiệu quả làm việc của hệ thống chính trị Trung Quốc

Nguyên tắc của hệ thống chính trị Trung Quốc trong quan điểm của ông Vương Hỗ Ninh là ổn định và hiệu quả, “nguyên tắc cơ bản của mô hình chính trị dân chủ Trung Quốc phải dựa vào xã hội chủ nghĩa mới có thể đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống chính trị, đảm bảo tính nhất quán của hệ thống chính trị và phát triển xã hội ổn định, đồng thời cũng phải thích ứng với các điều kiện lịch sử-xã hội-văn hoá của Trung Quốc”.

Đã có một số cơ quan truyền thông trong và ngoài Trung Quốc Đại Lục chỉ ra tình trạng phức tạp, khó khăn trong xử lý công việc của lãnh đạo Trung Quốc, điển hình là Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhiều lần tức giận đập bàn.

Có nhận định, trước khi trở thành Thủ tướng, chưa từng thấy ông Lý Khắc Cường có những cách hành xử nóng nảy như vậy, nhưng sau Đại hội 18 đã nhiều lần ông Lý Khắc Cường tức giận đập bàn. Tạp chí Tiền Tiêu của Hồng Kông chỉ ra, ông Lý Khắc Cường nhiều lần thừa nhận tính cách điềm tĩnh của ông bị thay đổi, trở thành người hay cáu kỉnh. Nguyên nhân là bộ máy công chức quan liêu trong hệ thống luôn luôn tranh cãi không ngừng, những hiện tượng tiêu cực tầng tầng lớp lớp làm ông Lý Khắc Cường cảm thấy bị áp lực quá lớn.

>>Nhiều lần nhắc đến Tập Cận Bình trong Báo cáo công tác, ông Lý Khắc Cường muốn nhấn mạnh gì?

Truyền thông Anh: Dự tính chiến tranh trong 5 năm tới

Sau khi Ủy ban Trung ương nộp đề nghị sửa đổi Hiến pháp loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước lên Nhân đại toàn quốc, vào ngày 7/3 ông Tập Cận Bình lần đầu lên tiếng cho biết, “hoàn toàn ủng hộ bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp”.

Tân Hoa xã Trung Quốc cũng chính thức thông báo ngày 7/3 rằng, ông Tập Cận Bình hoàn toàn tán thành Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đồng thời nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp hiện hành là một quyết định quan trọng giúp thúc đẩy toàn diện việc trị nước theo pháp luật, thúc đẩy hệ thống quản lý quốc gia theo hướng hiện đại hóa.

Ngày 08/3, Thời báo Tài chính Anh (Financial Times) công bố một bài báo có tựa đề “Trung Quốc tìm đặc phái viên để quản lý mối quan hệ Trung-Mỹ”, bài báo tiết lộ ông Tập sửa đổi Hiến pháp, hủy giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước vì ông cho rằng có thể sẽ có xung đột quân sự ở biên giới Trung Quốc  trong vòng 5 năm tới.

Bài báo cũng trích dẫn một số phân tích của “cố vấn chính sách” của Bắc Kinh tiết lộ, “Ông Tập Cận Bình sửa đổi Hiến pháp liên quan đến giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, vì ông cho rằng những căng thẳng địa chính trị của đường biên giới Trung Quốc có thể bùng phát thành chiến tranh trong khoảng 5 năm tới. Ông Tập không thể làm như ông Putin đã làm ở Nga, để cho người đại diện lên làm nguyên thủ.”

Bắc Kinh có thể bị gạt ra ngoài lề trong “đàm phán của thế kỷ”

Vào tối ngày 08/3, Giám đốc cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong đến thăm Mỹ và chuyển thư tay của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cho Tổng thống Mỹ  Donald Trump, cho biết Kim Jong-un bày tỏ nguyện vọng tiếp tục đàm phán với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa, sẽ dừng  tất cả các vụ thử hạt nhân và bắn tên lửa trong thời gian đàm phán, đồng thời thu hồi phản đối tập trận chung Mỹ – Hàn được tổ chức vào đầu tháng Tư. Ông Kim Jong-un mong muốn gặp ông Trump càng sớm càng tốt. Ông Trump cho biết, để đạt được mục tiêu phi hạt nhân vĩnh viễn tại bán đảo Triều Tiên, Trump sẽ gặp Kim Jong-un trước tháng Năm. Cuộc họp này được coi là ngoạn mục nhất trong lịch sử ngoại giao, là cuộc đàm phán mang tính lịch sử kịch tính nhất.

Sau khi thông tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Bắc Triều Tiên được công bố công khai, ngày 10/3 Tổng thống Mỹ Trump đã chia sẻ trên Tweeter rằng, vì tình hình trên bán đảo Triều Tiên, ông đã có một cuộc nói chuyện điện thoại dài với ông Tập Cận Bình.

Ông Trump nói: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi đã nói chuyện chi tiết về tình hình ông Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên. Ông Tập cảm tạ vì Mỹ đã nỗ lực dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề, chứ không phải là lựa chọn cách không hay khác. Trung Quốc vẫn sẽ ủng hộ!”

Wall Street Journal có nhận định rằng Bắc Triều Tiên nhiều lần “chỉ nói chứ không làm”, vì thế nhiều người lo lắng không biết có phải lần này Bắc Triều Tiên lại giở mánh khóe. Nhưng một số nhà lập pháp Mỹ cho rằng Trump không như các đời Tổng thống Mỹ trước đây, nếu Kim Jong-un trêu chọc Trump thì sẽ đi vào đường chết.

Le Figaro của Pháp chỉ ra: Trung Quốc đã rất bất ngờ khi bị loại khỏi cuộc đối thoại. Biểu hiện phía sau bức tường màu đỏ của Trung Nam Hải tỏ rõ vẻ lúng túng. Hiển nhiên, Bắc Kinh cần nhẹ nhàng trong vấn đề quan hệ Mỹ – Bắc Triều Tiên, vì như vậy Bắc Kinh sẽ yên tâm hơn trước viễn cảnh một cuộc chiến tranh có thể bùng nổ ở vùng biên giới Trung Quốc.

Báo cáo bí mật nội bộ Trung Nam Hải

Lo lắng của ông Tập Cận Bình có lẽ không chỉ là “có thể xảy ra một cuộc xung đột quân sự tại biên giới của Trung Quốc trong vòng 5 năm tới”. Hạt nhân của hệ thống chính trị Trung Quốc do ông Vương Hỗ Ninh thiết kế vẫn ổn định. Ông Vương Hỗ Ninh cũng đang bàn về việc Trung Quốc liệu có rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị, như mệnh đề chính trị mà ông đưa ra: “Chúng tôi phải nghiên cứu vấn đề này, chú ý đến bốn hệ thống, cụ thể là Quân đội, Đảng, Quan chức và Trí thức”. Vương tin rằng chỉ cần bốn hệ thống này không xảy ra vấn đề, Trung Quốc sẽ có thể ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, tình trạng của bốn hệ thống này là gì?

Quân đội: Truyền thông quân đội Trung Quốc từng công khai đưa tin về tuyên bố của Quách Chính Cương, con trai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng: “Một nửa số quan chức quân đội là do nhà ta đưa lên”.

Quan chức: Ngày 11/10/2017, Đài Tiếng nói nước Hoa Kỳ (VOA) chỉ ra, theo số liệu chính thức của Nhà nước Trung Quốc, trong 5 năm qua, gần hai triệu cán bộ đảng viên vi phạm kỷ luật vì tham nhũng đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương xử lý.

Trí thức: Từ ngày 09/7/2015, nhà cầm quyền Trung Quốc đã mở đợt trấn áp quy mô lớn đối với hơn 100 luật sư, người thì bị gửi giấy triệu tập, người thì bị tạm giam, một số người đang bị mất tích. Số người bị trấn áp trải khắp đến 23 tỉnh.

Ngày 26/2, tờ RIA Novosti của Nga có nhận định, sau 40 năm bước vào nền kinh tế thị trường, hầu hết giới tinh anh Trung Quốc trung thành với phương Tây chứ không phải là đất nước của họ.

Đảng: Vài tháng trước truyền thông Hồng Kông đã tiết lộ báo cáo bí mật nội bộ Trung Nam Hải, báo cáo cho biết chính quyền Bắc Kinh thừa nhận đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, báo cáo được đưa vào tài liệu học tập nghiên cứu nội bộ.

Báo cáo này được tiết lộ trên Tạp chí Trung văn Hồng Kông số tháng 10/2017, theo đó cho biết báo cáo này do Ủy ban Trung ương cùng Quân ủy Trung ương và Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ hoàn thành vào đầu tháng Chín năm ngoái, được liệt vào văn bản cơ mật, gửi cho các thành viên của ban lãnh đạo đảng ủy cấp một, quân đội, bộ, tỉnh để nghiên cứu học tập.

Toàn văn “Báo cáo Tổng kết” có 32.500 chữ, chia thành ba phần. Trong đó phần đầu tiên đã chỉ ra việc chính quyền ĐCSTQ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Những nguy cơ này được thể hiện qua 5 khía cạnh:

Thứ nhất, tư tưởng chính trị, tổ chức và xây dựng đội ngũ của ĐCSTQ đang tiềm ẩn đầy hiểm họa, đã đi đến điểm giới hạn.

Thứ hai, hiện có rất nhiều cơ quan quản lý bị “mất tích”, từ bỏ trách nhiệm lãnh đạo, đã tê liệt trong thời gian dài.

Thứ ba, tình trạng lối sống sa đọa trên quy mô rộng khắp tại tất cả các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quân đội.

Thứ tư, mối quan hệ căng thẳng giữa các cơ quan chính phủ, đảng và quân đội với cộng đồng xã hội, thậm chí rơi vào tình cảnh đối lập như kẻ thù của nhau.

Thứ năm, phân cực giữa người giàu và người nghèo trong xã hội Trung Quốc quá lớn, làm mâu thuẫn xã hội gay gắt, xu hướng xem nhau như kẻ thù này tác động trực tiếp đến ổn định chính trị và phát triển xã hội.

Báo cáo thống kê, trong 31 Đảng ủy cấp tỉnh có biên chế, số lượng không đạt chuẩn lên đến 23; trong 29 Đảng ủy cấp Bộ thuộc Ủy ban Trung ương, số lượng không đạt chuẩn là 18; trong 66 Đảng ủy cấp Bộ thuộc Chính phủ, số lượng không đạt chuẩn là 42.

Đối với Đảng ủy các cấp thấp hơn thì tình trạng không đạt chuẩn thậm chí còn kinh khủng hơn. Đây là chân dung thực sự cho thấy hệ thống quản trị Nhà nước của ĐCSTQ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Tạp chí Tranh Minh của Hồng Kông số tháng 11/2016 có bài viết tiết lộ, tại phiên họp lần thứ 52 Ban Thường vụ của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Bí thư Vương Kỳ Sơn đã lần đầu công khai thừa nhận ĐCSTQ đang đứng trên bờ vực của sự sụp đổ. Ông Vương cho biết, “Đây là tình hình thực tế, bất kể bạn có thừa nhận hay không, đây là tình trạng suy thoái trầm trọng của thể chế…”.

Ông Tập Cận Bình cũng nhiều lần đề cập đến tình trạng khủng hoảng của ĐCSTQ. Tháng 6/2015, Bộ Chính trị ĐCSTQ đã tổ chức Hội nghị Sinh hoạt Chính trị mở rộng, tại hội nghị ông Tập Cận Bình cho biết hệ thống quản lý đất nước đang bị thoái hóa biến chất nghiêm trọng, rơi vào nguy cơ “vong đảng hủy nước”, chúng ta phải can đảm để chấp nhận và đối mặt với thực tế này.

Có chuyên gia phân tích, việc ĐCSTQ còn có khả năng cầm quyền được bao lâu, đây có lẽ là mối quan tâm thực sự của ông Tập Cận Bình.

Tuyết Mai

Xem thêm:

Tuyết Mai

Published by
Tuyết Mai

Recent Posts

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

10 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

24 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

46 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

1 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

2 giờ ago