Bước ngoặt khiến cuộc vận động của sinh viên năm 1989 biến thành một cuộc vận động toàn dân trên quy mô lớn, có một phần nguyên nhân quan trọng, liên quan đến việc cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân chủ trì trấn áp tạp chí “Kinh tế Thế giới” tại Thượng Hải. Ngay trước sự kiện Lục Tứ, ông Giang đã giam lỏng Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc là ông Vạn Lý tại Thượng Hải để ép ông này đồng ý tiến hành thiết quân luật. Tư liệu giải mật của Nhà Trắng cho biết, trong thời gian sự kiện Lục Tứ, ông Giang Trạch Dân đã trực tiếp có mặt tại Bắc Kinh để tiến hành trấn áp.
Tháng 6/2014, tờ “Next Magazine” (Hồng Kông) đã tìm thấy trong các tư liệu mật mới được tiết lộ của Nhà Trắng một tài liệu nội bộ của Trung Nam Hải mà Washington có được thông qua một người đưa tin. Tài liệu này cho biết trong thời gian sự kiện Lục Tứ, ông Giang Trạch Dân đã trực tiếp có mặt tại Bắc Kinh để tham gia thảo luận và ra quyết sách.
Sự kiện Lục Tứ diễn ra trong thời gian Tổng thổng George Bush (cha) tại nhiệm. Theo luật pháp Mỹ, các tài liệu của Nhà Trắng có thể được phép giải mật trong thời gian từ 5 đến 12 năm trừ khi có liên quan đến bí mật an ninh quốc gia.
Tờ “Next Magazine” đã tìm được hơn 2.000 tài liệu các loại, tuy nhiên xung quanh sự kiện Lục Tứ, nhiều tài liệu vẫn chưa được Nhà Trắng giải mật với lý do có liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo tư liệu tìm được, trước khi diễn ra sự kiện, Washington đã nắm được thông tin rằng ông Giang Trạch Dân sẽ là người kế nhiệm chức vụ tổng bí thư. Năm 1989, ông Giang đang là Bí thư thành phố Thượng Hải. Khi phong trào dân vận năm đó lan đến Thượng Hải, quần chúng đều nhắm vào chỉ trích ông Giang. Nguyên nhân chính vì ông này đã thanh trừng tờ “Kinh tế Thế giới” do có đăng bài tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang. Đây là một tờ báo thuộc phe cải cách.
Ngày 26/5, Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông, Ma Cao là ông Anderson đã báo cáo về Washington rằng thông qua một doanh nhân người Hồng Kông có quan hệ mật thiết với gia đình ông Giang cho biết, ông này sẽ thay thế ông Triệu Tử Dương để làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Sau sự kiện Lục Tứ, phía Mỹ nhận được thông tin rằng việc thiết quân luật đã được thực hiện từ sớm vào ngày 20/5. Một tài liệu khác tiết lộ, khoảng 1 tuần trước sự kiện, ông Giang Trạch Dân đã gặp Thủ tướng Lý Bằng và Chủ tịch nước Dương Thượng Côn ở Bắc Kinh để thảo luận tình hình.
Ngày 15/4/1989 khi ông Hồ Diệu Bang bị bệnh tim qua đời, tờ “Kinh tế Thế giới” cùng hợp tác với tờ “Tân Quan Sát” đã lập tức mở “Hội thảo tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang”, dự định sẽ đăng kỷ yếu của hội thảo lên báo. Tin tức này đến ngày 17/4 được truyền thông Hồng Kông tiết lộ. Đến ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Thượng Hải là bà Trần Chí Lập biết được.
Bà này ngay lập tức thông báo cho Bí thư Thượng Hải lúc đó là ông Giang Trạch Dân và Phó Bí thư Tăng Khánh Hồng. Ngày hôm sau, ông Tăng Khánh Hồng và bà Trần Chí Lập tìm Tổng biên tập của tờ “Kinh tế Thế giới” là ông Khâm Bản Lập để “nói chuyện”.
Ngày 22/4, lễ truy điệu ông Hồ Diệu Bang diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân. Nghi lễ được chủ trì bởi Chủ tịch nước Dương Thượng Côn. Hầu hết các quan chức cấp cao của Trung Quốc đều đến tham dự. Ông Giang Trạch Dân một mặt tìm cách phản đối việc thực hiện tưởng niệm tại Thượng Hải, một mặt lại gửi vòng hoa đến viếng.
Ngày 26/4, tờ “Nhân Dân Nhật Báo” đăng bài xã luận với tiêu đề “cần thể hiện thái độ rõ ràng chống phản loạn”. Ông Giang cho rằng đây là tín hiệu chuẩn, nhanh chóng thực hiện một buổi họp khẩn cấp kéo dài đến 1 giờ sáng. Sau đó, ông này đã cho tập hợp 14.000 đảng viên và tuyên bố đình chỉ chức vụ Tổng biên tập tờ “Kinh tế Thế giới” của ông Khâm Bản Lập, đồng thời ra quyết định thanh trừng đối với tờ báo này.
Sự việc nhanh chóng bị phản đối bởi truyền thông Thượng Hải cũng như toàn quốc. Ngày hôm sau, tại Thượng Hải đã diễn ra cuộc diễu hành quy mô lớn. Quần chúng yêu cầu phục hồi chức vụ cho ông Khâm Bản Lập và quyền tự do treo cờ và biển hiệu. Nhiều thành viên nổi tiếng của Hội Nhà văn Thượng Hải đã tham gia cuộc diễu hành. Nhiều người nổi tiếng và trí thức khác của Bắc Kinh cũng gọi điện cho ông Giang Trạch Dân yêu cầu thu hồi quyết định đối với ông Khâm Bản Lập và tờ “Kinh tế Thế giới”.
Khoảng 8.000 sinh viên ở trước Tòa thị chính Thượng Hải và Bến cảng Thượng Hải hô các khẩu hiệu. Cuộc kháng nghị này đã trở thành cuộc vận động sinh viên lớn nhất tại Thượng Hải. Rất nhiều người đã chỉ trích ông Giang Trạch Dân kích động và gây ra cuộc kháng nghị này. Trên thực tế, không chỉ làm dấy lên “cuộc diễu hành lớn nhất tại Thượng Hải“, nó cũng làm dấy lên nhiều cuộc diễu hành khác tại Bắc Kinh.
Theo cuốn “Sự thật về Giang Trạch Dân”, ngày 30/4 ông Triệu Tử Dương sau khi đi thăm Triều Tiên trở về, cùng đêm đó ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng cũng lên Bắc Kinh để báo cáo tình hình. Ông Triệu đã vô cùng thất vọng với cách xử lý vấn đề của ông Giang, biến chuyện nhỏ thành biểu tình trên diện rộng.
Sau đó, 600 người, chủ yếu là sinh viên của Đại học Bắc Kinh đã tuyệt thực tại quảng trường Thiên An Môn làm truyền thông các nước đặc biệt chú ý và liên tục nhắc lại việc Bí thư Thượng Hải Giang Trạch Dân đã hành xử bất chấp pháp luật. Ở Thượng Hải, khoảng 4000 sinh viên đã tụ tập trước cửa Ủy ban Thành phố để yêu cầu Bí thư Giang phải có lời giải thích nhưng ông này không hề lộ diện. Sự việc càng làm các sinh viên vô cùng bất mãn.
Trong buổi họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào khoảng giữa tháng Năm, tranh đấu trong nội bộ ĐCSTQ bắt đầu tăng nhiệt. Ông Triệu Tử Dương cho rằng sự việc ở tờ “Kinh tế Thế giới” là sự thất trách của Thành ủy Thượng Hải, cần phải xử lý Bí thư Thượng Hải. Ông Triệu công khai chỉ ra rằng hai nguyên lão Trần Vân và Lý Tiên Niệm đã ủng hộ ông Giang Trạch Dân, làm những người này vô cùng tức giận.
Sau khi buổi họp đổ vỡ, ông Triệu Tử Dương tự mình đến quảng trường Thiên An Môn vào 4 giờ sáng ngày 19/5 để gặp các sinh viên đang tuyệt thực.
Video: Triệu Tử Dương phát biểu với sinh viên tại Thiên An Môn trước sự kiện “Lục Tứ”
10 giờ tối ngày 19/5, Thủ tướng Lý Bằng đã có bài diễn thuyết thể hiện lập trường của Trung ương rằng sẽ “có các biện pháp cứng rắn để chống phản loạn“. Hai tiếng sau vào lúc nửa đêm, tại quảng trường Thiên An Môn, một loa lớn được sử dụng để công bố việc thiết quân luật.
2 giờ sáng ngày 20/5, không lâu sau khi ông Lý Bằng phát biểu, ông Giang Trạch Dân đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với quyết định của Trung ương thông qua một bức điện. Trong bản tiếng Anh của quyển “Tiểu sử Giang Trạch Dân” có ghi rằng “từ sớm vào ngày 20/5, các nguyên lão của ĐCSTQ đã sớm quyết định rằng Giang Trạch Dân sẽ là Tổng Bí thư mới của ĐCSTQ”.
Ngay sau đó, ông Giang Trạch Dân được ông Đặng Tiểu Bình triệu lên Bắc Kinh. Ông Đặng Tiểu Bình khen ông Giang xử lý tờ “Kinh tế Thế giới” rất tốt và giao thêm một nhiệm vụ khác cho ông Giang. Ông Đặng yêu cầu ông Giang cản đường của Ủy viên trưởng Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc Vạn Lý đang đi thăm Canada. Kế hoạch là sẽ đưa máy bay của ông Vạn Lý về Thượng Hải thay vì Bắc Kinh và nhiệm vụ của ông Giang là thuyết phục ông Vạn Lý đồng ý với chủ trương cứng rắn.
Lúc đó, 57 vị Ủy viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc đã yêu cầu thảo luận về tính hợp pháp của tuyên bố thiết quân luật của Thủ tướng Lý Bằng. Ông Đặng Tiểu Bình e ngại rằng nếu ông Vạn Lý về được Bắc Kinh chủ trì buổi họp thì phương hướng triển khai hiện tại sẽ không thực hiện được.
Ông Đặng Tiểu Bình cũng gợi ý cho ông Giang rằng đây là một cuộc khảo nghiệm, nếu nhiệm vụ được hoàn thành tốt thì sự nghiệp chính trị của Giang sẽ có thay đổi lớn.
Ngày 23/5, ông Giang Trạch Dân quay lại Thượng Hải. 3 giờ chiều ngày 25/5, máy bay của ông Vạn Lý đáp xuống sân bay Thượng Hải. Ông Giang Trạch Dân tự thân ra đón và đưa cho Vạn Lý bức thư của viết tay của ông Đặng Tiểu Bình.
Ông Vạn Lý ở Thượng Hải 6 ngày thì cả 6 ngày đều vô cùng thống khổ vì ông Giang Trạch Dân quyết chơi lá bài rằng nếu không ủng hộ ông Đặng Tiểu Bình thì ông Giang nhất định giữ ông Vạn Lý lại Thượng Hải. Đến ngày 27/5, ông Vạn Lý đưa ra một thông điệp công khai rằng ủng hộ việc Trung ương tiến hành thiết quân luật. Như vậy, ông Giang Trạch Dân đã thành công trong việc cắt đi một cánh tay chiến lược của ông Triệu Tử Dương.
Sau sự kiện Lục Tứ, ông Giang Trạch Dân cũng lên nắm quyền chính thức làm Tổng Bí thư ĐCSTQ (đến năm 2002). Chính quyền Trung Quốc sau đó triệt để thi hành các chính sách tìm kiếm các sinh viên và những người tham gia ủng hộ phong trào dân chủ để thanh toán chính trị. Đồng thời, chính quyền cũng sử dụng các tuyên truyền sai sự thật và ngụy tạo chứng cứ để tạo ra sự sợ hãi của nhân dân đối với sự kiện Lục Tứ.
Trong một buổi họp báo tại nước ngoài, khi một nhà báo người Pháp hỏi về việc liệu có hay không việc một sinh viên tham gia biểu tình Lục Tứ đã bị hãm hiếp tập thể ở nhà tù Tứ Xuyên, ông Giang Trạch Dân đã buột miệng nói ra một câu làm cả thế giới kinh ngạc: “Cô ta xứng đáng bị như thế!”
Đến tận ngày nay, các chứng cứ và thông tin về sự kiện Lục Tứ vẫn bị che giấu cẩn mật tại Trung Quốc bởi vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí quyền lực của ông Giang Trạch Dân và nhiều người khác. Rất nhiều nhà phân tích bình luận đã từng cho rằng, ông Giang Trạch Dân chính là người thu lợi nhiều nhất từ sau sự kiện này.
Tự Minh
Xem thêm:
Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến một số điểm ở huyện miền núi…
Hôm thứ Bảy (23/11), tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một luật mới cấm…
Cuối ngày làm việc với Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), người đàn…
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…
Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…