Có “Báo cáo lương tuyển dụng doanh nghiệp Trung Quốc” quý 2 năm nay chỉ ra, bình quân mức lương hàng tháng được nhà tuyển dụng tại Trung Quốc đưa ra là hơn 10.000 RMB (~ 35 triệu Việt Nam). Báo cáo này có phản ảnh đúng đắn thực tế nền kinh tế và thị trường việc làm Trung Quốc?
Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, số sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc vào năm 2024 đạt mức cao kỷ lục mới là 11,79 triệu. Trước tình hình việc làm nghiêm trọng, bắt đầu từ cuối tháng 6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã tổ chức giám sát đặc biệt về việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2024, theo đó tổ chức các đoàn giám sát đến các tỉnh/thành phố như An Huy, Liêu Ninh, Hà Bắc, Bắc Kinh, Giang Tây, Thiên Tân… để theo dõi. Trước đợt giám sát này, Bộ Giáo dục đã phát động chiến dịch “100 ngày kích thích” nhằm tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2024, chiến dịch này sẽ kéo dài đến tháng 8, hiện đang được đẩy mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố ở Trung Quốc.
Các chính quyền địa phương cũng đang đẩy mạnh hoạt động này. Ví dụ, vào ngày 5/7 Cục An sinh xã hội và Nhân sự Thành phố Bắc Kinh đã phát động “Tháng Dịch vụ Việc làm cho Sinh viên Tốt nghiệp Mùa hè 2024 ở Bắc Kinh”.
Có thể thấy, nhiều biện pháp hành động từ trung ương đến địa phương đã nêu bật tính cấp bách của tình hình việc làm đối với sinh viên đại học, đồng thời khẳng định việc làm của sinh viên đại học Trung Quốc không chỉ là vấn đề sinh kế mà còn là vấn đề chính trị. Ngoài các hội chợ việc làm truyền thống, nhiều trường đại học như Đại học Tứ Xuyên, Đại học Giao thông Tây An, Đại học Hắc Long Giang, Đại học Thủy lợi và Thủy điện Bắc Trung Quốc… đang vận động giới cựu sinh viên nhà trường tìm lối thoát cho sinh viên tốt nghiệp năm 2024.
Ngoài ra, nhà chức trách Trung Quốc còn yêu cầu các trường cao đẳng, đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học… có vai trò thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm tham gia vào công việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học, thời gian thường không quá 3 năm. Vào cuối tháng 6 có 8 cơ quan bộ gồm Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ… đã khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp phát triển vị trí trợ lý nghiên cứu khoa học và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học đi làm. Tuy nhiên, vị trí việc làm được phát triển để giảm bớt áp lực việc làm này đang gặp phải những thách thức ngày càng tăng.
Theo Đài VOA Mỹ ngày 5/7 phỏng vấn một cán bộ trường thực hành thuộc một đại học ở tỉnh Quảng Đông cho biết: “Các trường đại học không thể so sánh với các công ty, thực tế trong năm nay nhiều trường đại học đã dừng vị trí trợ lý nghiên cứu khoa học vì tình hình tài chính. Nhìn chung các trường cao đẳng, đại học cấp tỉnh không có khả năng để vung tiền tùy tiện cho sinh viên tốt nghiệp. Hơn nữa, thông thường đại đa số sinh viên tốt nghiệp có bằng cử nhân hay thạc sĩ chưa có năng lực nghiên cứu khoa học. Công việc phù hợp cho họ chỉ có thể là những hoạt động đời sống như in ấn tài liệu, kiểm tra thông tin, liên hệ với mọi người tổ chức các hội thảo hội nghị, như thế các giáo sư khó mà sẵn lòng trích kinh phí nghiên cứu của họ cho sinh viên.”
Vị cán bộ này cho biết, trước đây tỷ lệ có việc làm của nhiều trường cao đẳng, đại học [được bổ sung] gần 5% bằng việc nhà trường thành lập các vị trí trợ lý nghiên cứu khoa học, hiện nay phải nghĩ cách để giải quyết “lỗ hổng” 5% này.
Theo nhà nghiên cứu nhân khẩu nổi tiếng của Trung Quốc là He Yafu: “Mức độ thất nghiệp có liên quan đến điều kiện kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp thấp khi kinh tế thịnh vượng và cao khi kinh tế suy thoái. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933, dân số nước Mỹ vào thời điểm đó chỉ có 120 triệu người nhưng tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25%.”
Trang web tuyển dụng Trung Quốc Zhaopin (cung cấp dịch vụ tìm kiếm việc làm cho người lao động Trung Quốc) mới đây đã công bố “Báo cáo lương tuyển dụng doanh nghiệp Trung Quốc” trong quý 2 năm nay, cho thấy mức lương tuyển dụng trung bình mỗi tháng của các doanh nghiệp tại 38 thành phố ở Trung Quốc là 10.313 RMB (~ 35 triệu Việt Nam), cao hơn cùng kỳ năm ngoái 0,5%.
Báo cáo cho thấy trong quý 2 năm nay, mức lương tuyển dụng trung bình hàng tháng ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến được xếp hạng trong số 3 thành phố hàng đầu, tất cả đều khoảng 13.000 RMB. Ở các thành phố xếp thứ 4, thứ 5 và thứ 6 là Hàng Châu, Nam Kinh và Quảng Châu, mức lương tuyển dụng trung bình hàng tháng vượt quá 11.000 RMB. Dữ liệu dựa trên việc theo dõi, thống kê và phân tích dữ liệu từ cơ sở dữ liệu tuyển dụng trực tuyến năm 2024 của Zhaopin.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, chủ đề “Mức lương tuyển dụng trung bình hàng tháng ở 38 thành phố là 10.313 RMB” đã thu hút một lượng lớn cư dân mạng đặt câu hỏi về dữ liệu này.
Theo Đài RFA ngày 5/7, những người Trung Quốc được phỏng vấn cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Ông Zhan, người đã làm việc nhiều năm ở Nam Xương tỉnh Giang Tây cho biết, mức lương tuyển dụng hàng tháng do nhiều công ty Trung Quốc đưa ra thực ra chỉ là một kiểu quảng cáo: “Do kinh tế suy thoái, doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để quảng cáo trong đó cách tuyển dụng dùng mức lương cao, thật nực cười dùng dữ liệu quảng cáo để thực hiện nghiên cứu [xem đó là sự thật] để đo lường tình hình kinh tế…”.
Ông Xiao, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghệ Quảng Châu, tin rằng hàng chục nghìn dữ liệu về lương tuyển dụng trung bình hàng tháng trong báo cáo nguyên cứu này không phản ánh đúng tình hình thực tế, bởi vì số liệu về lương tuyển dụng do nhiều công ty cung cấp chỉ là quảng cáo và cao hơn tình hình thực tế: “Nó không là sự thật, chúng ta đều biết điều đó, thực tế dữ liệu đó không có ý nghĩa tham khảo”.
Ngày 19/6, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu tỷ lệ thất nghiệp theo nhóm tuổi trong tháng 5/2024 trên toàn Trung Quốc (không bao gồm học sinh, sinh viên). Theo đó trong tháng này, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động 16-24 tuổi khu vực thành thị là 14,2%, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động 25-29 tuổi là 6,6%, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động từ 30 – 59 tuổi là 4,0%.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vào năm ngoái đã ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên. Sau đó họ đã điều chỉnh để thống kê tỷ lệ thất nghiệp theo nhóm tuổi, công bố tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi 16-24, 25-29, và 30-59 (không bao gồm người còn đi học). Việc công bố dữ liệu thất nghiệp ở thanh niên được tiếp tục vào tháng 1 năm nay.
Tiểu mục dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố trước đây là “Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát đối với thanh niên trong độ tuổi 16-24”, hiện đã được đổi thành “Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát đối với lực lượng lao động trong độ tuổi 16-24” [bỏ qua những người còn đi học]. Nhưng dù thay đổi cách thống kê, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.
Dữ liệu gần đây nhất do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố mà chưa sửa đổi cách thống kê là vào tháng 6 năm ngoái, mức thất nghiệp trong thống kê đó cao kỷ lục là 21,3%.
Hơn nữa, trước đây Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố rằng thống kê này không tính hầu hết sinh viên. Tháng 6 năm ngoái, khi Cục trưởng Fu Linghui của Cục Thống kê Toàn diện Kinh tế Quốc gia – Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, ông cho hay học sinh sinh viên không được đưa vào số liệu thống kê. Dân số thanh niên Trung Quốc trong độ tuổi 16-24 là khoảng 96 triệu người, hầu hết độ tuổi đó là học sinh sinh viên chưa thực sự tham gia thị trường lao động.
Nhà nghiên cứu Ren Zhongdao tại tổ chức tư vấn “Chính trị và Kinh tế Thiên Quân” (ở ngoài Trung Quốc) từng có nhận định, theo thống kê chính thức của Trung Quốc về thanh niên trong độ tuổi 16-24, ngoài sinh viên tốt nghiệp đại học cũng có nhiều người có việc làm sau khi tốt nghiệp giáo dục trung học. Ví dụ, năm 2001 có 17,02 triệu ca sinh, năm 2023 có 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học; nếu loại trừ các yếu tố như tử vong và nhập cư, vẫn còn hàng triệu người cần việc làm. Đáng chú ý: cái gọi là 200 triệu người “việc làm tự do linh hoạt” không được đưa vào thống kê thất nghiệp.
Học giả Zhang Dandan tại Đại học Bắc Kinh từng đăng bài viết chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc vào tháng 3 năm ngoái lên tới 46,5%, cao hơn nhiều so với con số nhà chức trách Trung Quốc công bố.
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…