Ngày 6/12/2021 vừa qua, cổng Minghui.org đưa tin, bà Khang Ái Phân, một phụ nữ Trung Quốc 63 tuổi đã qua đời vào ngày 18/11/2021 sau 5 tháng kể từ khi bà bị trại lao động Tiền Tiến thành phố Giai Mộc Tư tiêm một loại thuốc không rõ tác dụng vào tĩnh mạch trong 7 ngày liên tiếp. Minghui là một cổng thông tin của người tập Pháp Luân Công ở hải ngoại thường xuyên đăng tải bằng chứng trực tiếp từ nguồn tin sơ cấp (nhân chứng trực tiếp) tại Đại lục về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Cổng thông tin này cho biết bà Khang Ái Phân đã tập luyện Pháp Luân Công được 25 năm, và bà bị bức hại tại trại lao động Tiền Tiến chỉ vì kiên trì với đức tin bất chấp cuộc đàn áp.
Trong suốt 22 năm Pháp Luân Công bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp, bà Khang Ái Phân đã trải qua tổng cộng 7 lần bị bức hại nghiêm trọng cùng nhiều lần bị quấy nhiễu. Bà từng bị tăng huyết áp, bị tim và ói ra máu trong trại lao động và trung tâm giam giữ, khiến những cơ sở này sợ phải chịu trách nhiệm và thả bà về. Trong lần bức hại cuối cùng từ ngày 17/6/2021 đến 18/11/2021, bà Khang Ái Phân đã bị đưa tới trại lao động Tiền Tiến, bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc, và sau khi được thả về nhà, bà đã bị cảnh sát bức hại và quấy rối đến chết.
Vụ việc bắt đầu vào sáng ngày 17/6/2021, khi cảnh sát Tiền Tiến, thành phố Giai Mộc Tư, Hắc Long Giang, bất ngờ ập vào nhà bà Khang Ái Phân, lục soát và bắt cóc bà mà không đưa ra được bất cứ văn bản giấy tờ nào chứng minh cho việc bắt giữ. Họ đưa bà tới phân cục công an và thẩm vấn bà bất hợp pháp, sau đó đưa bà tới bệnh viện để làm thủ tục trước khi đưa tới trại lao động.
Tối hôm đó, cảnh sát đưa bà Khang tới trại lao động Tiền Tiến. Lúc đầu, do huyết áp bà Khang quá cao, gần ngưỡng đột quỵ nên trại lao động từ chối nhận bà. Họ sợ rằng bà Khang sẽ qua đời trong trại và họ sẽ không thể giải thích được sự việc cho gia đình bà. Mặc dù vậy, do sức ép và thỏa thuận với cảnh sát, trại lao động đã tiếp nhận bà Khang. Bà Khang bị bất tỉnh nhân sự sau khi vào trại.
Các bác sĩ tại trại đã lắp ống qua đường mũi và đưa một loại “thức ăn” lỏng không rõ tác dụng vào dạ dày bà Khang. Sau khi tỉnh dậy, bà Khang mất thị lực và bị đau tim. Bà đã yêu cầu các bác sĩ bỏ ống nhưng họ không làm theo và vẫn tiếp tục đưa “thức ăn” vào trong 6 ngày tiếp theo.
Sau khi tình trạng sức khỏe bà Khang càng ngày càng yếu, các bác sĩ tại trại bắt đầu tiêm thuốc bằng đường tĩnh mạch và truyền thuốc liên tục cho bà Khang trong 7 ngày. Khi bà yêu cầu bác sĩ cho biết họ đang sử dụng thuốc gì, họ đã không trả lời. Bà cũng yêu cầu bác sĩ dừng việc tiêm và truyền nhưng họ đã từ chối làm theo.
Trong quá trình này, sức khỏe của bà Khang dần xấu đi. Vào ngày thứ 7, cánh tay của bà sưng tấy đến nỗi không thể tiêm thuốc được. Toàn thân bà sưng tấy, thị lực không trở lại và huyết áp của bà vẫn ở mức cao. Bà bị khó thở và không thể nằm xuống, phải ngủ ngồi.
Bà Khang yêu cầu các bác sĩ ngừng tất cả việc điều trị nhưng một lần nữa, các bác sĩ không nghe và bắt đầu ép bà uống thuốc không rõ tác dụng. Bà đã giấu những viên thuốc dưới lưỡi và ném chúng ra ngoài khi các bác sĩ không nhìn thấy. Bà tin rằng mình đang bị đầu độc.
Vào ngày 17/8/2021, các bác sĩ tin rằng bà Khang có thể chết bất cứ lúc nào và đã yêu cầu gia đình đến đón bà. Sau khi bà Khang được trở về nhà, cảnh sát đã tiến hành quản thúc bà, đồng thời bố trí 10 nhân viên đến kiểm tra tình trạng của bà mỗi tuần.
Gia đình bà Khang đã chăm sóc và khiến bà Khang hồi phục thị lực, tuy nhiên cơ thể bà vẫn sưng tấy. Bà Khang cho rằng các bác sĩ tại trại lao động đã phá hủy hệ miễn dịch và nội tạng của bà. Dù cố gắng, bà không thể ăn gì nhiều và thường bị nôn ra.
Vào ngày 28/10/2021, ba cảnh sát đến nhà bà Khang và đưa bà đến Tòa án quận Hướng Dương mà không cho biết lý do. Vì bà Khang không thể đi bộ, hai cảnh sát đã nắm hai tay và kéo bà đi. Tuy vậy, cảnh sát và nhân viên tòa án lại xảy ra cãi vã về trường hợp của bà Khang. Cuối cùng, các cảnh sát phải kéo bà Khang trở lại xe và đưa bà về nhà.
Vào ngày 15/11/2021, hai nhân viên từ Viện kiểm sát quận Hướng Dương đã đến nhà bà Khang cùng với một cảnh sát. Họ cố gắng ép buộc bà Khang ký vào một tài liệu để phản bội lại đức tin. Họ đe dọa sẽ đưa bà trở lại nhà tù nếu bà không ký. Tuy nhiên bà Khang cùng chồng đều từ chối tuân theo.
Vào ngày 17/11, bà Khang một lần nữa mất thị lực và qua đời vào sáng sớm ngày 18/11.
Bà Khang Ái Phân sinh ngày 17/2/1958. Bà từng bị chẩn đoán mắc viêm tủy nặng khi còn nhỏ. Khi trưởng thành, bà mắc bệnh nặng khác là urê huyết và lao. Bà bắt đầu tập Pháp Luân Công vào năm 1996 và nhận được nhiều lợi ích sức khỏe. Chứng kiến sự hồi phục của bà Khang, cha mẹ và các chị em gái của bà đều bắt đầu tập Pháp Luân Công.
Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, bà Khang đã trải qua 7 lần bị bức hại nghiêm trọng vì đức tin, từng bị tra tấn tại phòng lấy cung của Đội cảnh sát tuần tra 110 thuộc Công an thành phố Giai Mộc Tư, từng bị bắt cóc và giam giữ vào tháng 2/2000, tháng 2/2001, tháng 5/2002, tháng 10/2002, cuối năm 2012, tháng 12/2014. Bà cùng gia đình cũng phải chuyển chỗ ở nhiều lần để tránh bị cảnh sát quấy nhiễu.
Được biết vụ việc của bà Khang xảy ra trong đợt bức hại người tập Pháp Luân Công mới nhất bắt đầu vào năm 2020 mà Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là chiến dịch “Xóa sổ”. Theo đó, cảnh sát trên khắp Trung Quốc đã thực hiện việc quấy nhiễu và bắt giữ những người tập Pháp Luân Công nằm trong danh sách đen, cưỡng ép họ từ bỏ đức tin thông qua việc viết cái gọi là “bảo chứng thư”.
Dựa trên thông tin đăng tải trên Minghui.org
Minh Nhật biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…