Tranh cãi về đạo đức khi ngành nhân bản thú cưng phát triển ở Trung Quốc

Trong những năm gần đây, ngành kinh doanh nhân bản thú cưng được thương mại hóa ở Trung Quốc đang bùng nổ. Mặc dù giá cả đắt đỏ và công nghệ chưa hoàn toàn thành thục, nhất là khía cạnh đạo đức đang gây tranh cãi, nhưng thị trường này ở Trung Quốc vẫn tăng trưởng nhanh chóng.

Chó nhân bản ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Ngày 12/7, SinoGene, công ty đi đầu trong lĩnh vực nhân bản thú cưng tại Trung Quốc, đã khai trương chi nhánh tại Giang Tô, nhà xưởng mới này có diện tích 27.000 mét vuông và diện tích xây dựng là 17.000 mét vuông.

Vào tháng 7/2019, SinoGene đã nhân bản “con mèo nhân bản đầu tiên của Trung Quốc” với giá 250.000 nhân dân tệ (khoảng 37.000 USD). Kể từ đó, thương mại hóa nhân bản vật nuôi của Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng. Nhưng giá cả đắt đỏ ngoài tầm với của những người bình thường.

Theo nhân viên kinh doanh của SinoGene giới thiệu, do chi phí nhân bản giảm, giá nhân bản một con mèo hiện là 118.000 nhân dân tệ (khoảng 18.000 USD), thấp hơn một nửa so với giá cách đây 3 năm. Giá của những con chó cưng nhân bản thì lại thay đổi theo kích thước cơ thể, hiện ở mức 168.000 đến 198.000 nhân dân tệ (khoảng 25.000 đến 29.000 USD), chênh lệch với mức giá 380.000 nhân dân tệ (khoảng 56.000 USD vào tháng 4/2019), cũng đã giảm một nửa.

Nhưng ngay cả với mức giá đã giảm hiện tại, thì cũng tương đương với thu nhập từ 2 đến 3 năm của người dân phổ thông.

Trong vài năm qua, SinoGene đã chuyển giao thành công hơn 300 vật nuôi nhân bản, trong đó có khoảng 100 con mèo nhân bản và 200 con chó nhân bản. Ngoài ra, hơn 1.000 khách hàng đã giữ lại tế bào vật nuôi để nhân bản vật nuôi trong tương lai. Một số công ty trại nuôi mèo, trại nuôi chó thương mại, vì để giữ lại những con giống xuất sắc, cũng đã giữ lại một lượng tế bào soma mèo và chó nhất định và cung cấp dịch vụ nhân bản.

Thị trường nhân bản thú cưng ở Trung Quốc cũng có tính cạnh tranh cao. Ngoài SinoGene, có một số công ty ở Trung Quốc cũng cung cấp dịch vụ nhân bản vật nuôi, bao gồm PanGene, He-man Gene và Cexiong Biotechnology.

Trong số đó, PanGene do Tập đoàn Boya Holding của Trung Quốc và Viện Công nghệ sinh học Sooam Biotech của Hàn Quốc cùng góp vốn thành lập. Đầu năm 2014, công ty đã nhân bản giống chó ngao Tây Tạng thuần chủng đầu tiên ở Trung Quốc, sau đó triển khai dịch vụ nhân bản chó. Vào tháng 12/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, PanGene đã chuyển nền tảng nhân bản của mình từ Hàn Quốc trở lại Trung Quốc.

Theo “Sách trắng năm 2021 về ngành công nghiệp thú cưng của Trung Quốc”, tổng số chó và mèo cưng ở Trung Quốc đã vượt quá 112 triệu con vào năm ngoái và thị trường tiêu thụ thú cưng chó mèo ở đô thị trên toàn quốc sẽ tăng từ 206,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 30,56 tỷ USD) vào năm 2020 lên 2490 tỷ nhân dân tệ (36,85 tỷ USD) vào năm 2021, tăng 20,6%.

Dịch bệnh có thể làm sâu sắc hơn sự phụ thuộc tình cảm của con người vào vật nuôi

“Nhân bản thú cưng, liều thuốc tốt để chữa lành vết thương nội tâm”, “Hãy chọn cách phù hợp với bản thân để viết tiếp bài viết về tình yêu thú cưng này!’, đây là tiêu đề của một bài viết quảng bá do SinoGene xuất bản trên tài khoản chính thức của nền tảng xã hội Zhihu của Trung Quốc vào tháng Sáu năm nay.

Những tuyên truyền tình cảm tương tự cũng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội lớn khác của Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Bệnh viện thú cưng Banfield (Banfield Pet Hospital) tại Mỹ vào tháng Ba năm ngoái cho thấy, việc nuôi thú cưng trong thời gian dịch bệnh có thể giúp con người thoải mái hơn, khiến tâm thái con người tích cực hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Ở Trung Quốc, sự phụ thuộc về tình cảm của con người đối với vật nuôi cũng tăng lên rất nhiều trong thời kỳ đại dịch. Ngày càng có nhiều người xem video về vật nuôi để giải tỏa lo lắng. Kuaishou, một nền tảng xã hội video ngắn của Trung Quốc, đã đạt đỉnh 700 triệu lượt xem các video ngắn về thú cưng chỉ trong một ngày. Trong đó, khi dịch bệnh ở Trung Quốc trầm trọng vào nửa đầu năm ngoái, cứ 5,4 giây lại có một chương trình phát sóng trực tiếp về thú cưng trên Kuaishou, số lượng người xem đạt hơn 100 triệu người, và số lượng tác giả phát sóng trực tiếp thú cưng đã lên tới 75.000 người.

Taobao, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, cũng đã tuyên bố trong một báo cáo năm ngoái rằng vào tháng Hai, số lượng chương trình phát sóng trực tiếp về thú cưng trên Taobao đã tăng 375% so với cùng kỳ năm trước. Mỗi ngày có 1 triệu người đã xem các chương trình phát sóng trực tiếp về thú cưng trên Taobao Live mỗi ngày, điều này cũng thúc đẩy ngành nuôi thú cưng của Trung Quốc.

Theo một cuộc khảo sát chính thức được thực hiện vào tháng Sáu năm nay, trong số những người dân Thượng Hải đã phong tỏa hơn hai tháng, 40% người được hỏi có nguy cơ bị trầm cảm. Tìm kiếm “tư vấn tâm lý” của người dùng ở Thượng Hải trên Baidu, công cụ tìm kiếm chính của Trung Quốc, đã tăng 253% so với một năm trước.

Chủ sở hữu khác nhau, tâm thái khác nhau

Trong những câu chuyện được tiết lộ bởi các công ty nhân bản và giới truyền thông, hầu hết những người nhân bản vật nuôi đều hy vọng lấy lại được những ký ức và sự bầu bạn với thú cưng đã mất. Nhưng đối với động vật nhân bản, dù công nghệ có tinh vi đến đâu cũng khó có thể đảm bảo giống nhau 100% về ngoại hình, thậm chí còn ít khả năng có được ký ức ban đầu. Về bản chất mà nói, nó không phải là cùng một sinh mệnh.

Vào tháng 7/2019, con mèo nhân bản đầu tiên có tên “Dasuan” (Củ tỏi) với công nghệ tự chủ của Trung Quốc, đã ra đời. Nhưng chủ nhân của nó, Hoàng Vũ (Huang Yu) thừa nhận rằng anh hơi thất vọng khi lần đầu tiên nhìn thấy “Dasuan” nhân bản trong video, vì chú mèo nhân bản và “Dasuan” nguyên bản trông khác nhau về nhiều mặt, đặc biệt là việc thiếu đi các vết đen kích cỡ bằng tép tỏi ở hàm dưới của chú mèo gốc. Mặc dù xét nghiệm của cơ quan bên thứ ba đã xác nhận rằng DNA của hai con mèo là giống hệt nhau.

Và quan trọng nhất, không giống như anh kỳ vọng ban đầu, đó là khi nhìn thấy “Dasuan” thì sẽ có sự xúc động vì một cuộc hội ngộ sau thời gian dài xa cách.

Trương Nguyệt Diễn (Zhang Yueyan), chủ nhân của chú chó nhân bản “Nini”, không hề bận tâm về vấn đề nói trên như Hoàng Vũ, mặc dù bộ lông của nó đen thẫm hơn rất nhiều so với Nini ban đầu. Cô vẫn mong rằng tiểu “Nini” có thể giống như Nini ban đầu và bầu bạn cùng cô, một người 19 tuổi.

“Lý Thục Viện” (Li Shuyuan) là tên chú chó của Lý Mẫn (Li Min). Từ cái tên ông đặt cho con chó của mình có thể thấy địa của nó trong lòng ông.  Ông nói: “Thú cưng là loại tình thân duy nhất có thể mua được.”

Nhưng rắc rối duy nhất của Lý Mẫn là lần nhân bản này có hai tiểu “Lý Thục Viện” sống sót, và chúng vẫn phụ thuộc lẫn nhau, điều này khiến ông không thể chỉ lấy một con mà bỏ con còn lại.

Những vấn đề đạo đức không thể tránh khỏi

Sự phát triển nhanh chóng trong thương mại hóa nhân bản vật nuôi ở Trung Quốc đã kéo theo tranh cãi về đạo đức nhân bản vật nuôi. Vì Trung Quốc không có luật và quy định liên quan về nhân bản vật nuôi và vật nuôi mang thai hộ. Do đó hiện tại không có rủi ro pháp lý trong việc nhân bản vật nuôi ở Trung Quốc, nhưng vẫn có những áp lực về phương diện luân lý đạo đức.

Một trong những tranh luận chính đó là mặc dù kết quả vật nuôi được nhân bản có thể tái tạo các gen chính, nhưng không cách nào sao chép được ký ức và linh hồn của chúng; trong khi những đặc điểm gen phụ này thường là những gì chủ sở hữu hy vọng vật nuôi xuất hiện trở lại nhất thông qua nhân bản.

Tiến sĩ Dương Quý Viễn (Yang Guiyuan), người đã tham gia nghiên cứu bệnh lý và lâm sàng thú y trong nhiều năm, hiện sống ở Nhật Bản. Ông nói với Epoch Times rằng cơ thể vật chất của sự sống, dù là người hay động vật, đều một chủ tể (chi phối) ở mức cao hơn và vi quan hơn. Người phương Tây gọi nó là “linh hồn”, và người Trung Quốc gọi nó là “nguyên thần”. Từ góc độ này mà nói, dù động vật nhân bản có ngoại hình giống nhau đến đâu, thì nó cũng là một sinh mệnh độc lập khác.

Ông cũng cho biết: “Phân tích từ góc độ di truyền, sự kết hợp của lưỡng tính là quá trình gen đang tối ưu, nhưng việc nhân bản là sinh sản vô tính nên không có khả năng tối ưu hóa, dẫn đến xác suất các dòng vô tính gặp vấn đề tăng cao, như dị tật, lão hóa sớm, tuổi thọ ngắn. Các phương tiện khoa học và công nghệ không thể đảm bảo rằng các sinh vật nhân bản không có khiếm khuyết về gen. Như vậy các động vật được nhân bản ra lại tiếp tục sinh sôi ra các thế hệ sau, vài thế hệ sau đó, cuối cùng liệu có xuất hiện dị tật? Điều này rất khó nói.”

Hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề trong công nghệ nhân bản cần được giải quyết, tỷ lệ thành công thấp cũng làm tăng số lượng động vật tham gia vào quá trình nhân bản, và có thể có trường hợp động vật bị đối xử vô nhân đạo. Ví dụ, khi con mèo nhân bản đầu tiên của Trung Quốc cuối cùng đã thành công, ít nhất 40 tế bào trứng từ 5 con mèo đã được sử dụng và cấy vào 4 con mèo mang thai hộ. Khi đó, trứng được lấy từ mèo mẹ và phôi được cấy vào mèo mang thai hộ đều cần phải thông qua phẫu thuật để hoàn thành.

Hiện nay, lĩnh vực ứng dụng của nhân bản động vật, vốn đã được quốc tế công nhận, chủ yếu được sử dụng trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và y sinh học, hoặc để cứu một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Người tiên phong trong ngành rút khỏi ngành công nghiệp nhân bản

Không giống như ngành kinh doanh nhân bản vật nuôi đang bùng nổ của Trung Quốc, Viện Roslin ở Anh, nơi nhân bản cừu Dolly, con cừu nhân bản đầu tiên trên thế giới, không còn làm công việc nhân bản động vật nữa. Công ty BioArts tại Mỹ thực hiện nhân bản chó tương đối sớm, cũng thông báo đóng cửa kinh doanh nhân bản của mình vào năm 2009.

Viện Roslin giải thích trên trang web chính thức của mình lý rằng công nghệ cấy chuyển nhân tế bào soma mà họ sử dụng khi nhân bản cừu Dolly có tỷ lệ thành công rất thấp, chủ yếu là do phôi nhân bản có nhiều khả năng bị mất trong quá trình mang thai hộ hơn so với các phôi bình thường.

Ông Harry Griffin, giám đốc khoa học của Viện Roslin, nói với Nature Medicine vào tháng 3/1999, “Chúng ta vẫn biết rất ít về cách các tế bào soma được lập trình lại.” Trong khi đó, các nhân bản vật nuôi của Trung Quốc hiện nay về cơ bản đều sử dụng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma này.

Giám đốc điều hành của công ty BioArts, ông Lou Hawthorne, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với truyền thông Anh Mirror vào tháng 4/2014 rằng sự ghê tởm với nỗi đau mà quá trình nhân bản gây ra cho hàng ngàn con chó mỗi năm là lý do ông rời đi. Trước khi đóng cửa, BioArts đã nhân bản tổng cộng 20 con chó cưng. “Tôi không quan tâm đến việc thế giới kinh doanh nhân bản sụp đổ, nhưng tôi quan tâm đến sự đau khổ (của những con vật đó)”, ông nói.

Tiến sĩ Dương Quý Viễn cho rằng thương mại hóa nhân bản vật nuôi ở Trung Quốc là hành vi vi phạm quy luật tự nhiên và đạo đức vì lợi ích kinh tế, thao túng sinh mệnh một cách tùy tiện và không có sự kính nể đối với sinh mệnh.

Lý Bội, Chung Nguyên

Published by
Lý Bội, Chung Nguyên

Recent Posts

Hải Phòng: Nguyên Chủ tịch phường bị tạm giữ vì sử dụng ma túy

Công an TP. Hải Phòng kiểm tra vũ trường New MDM, phát hiện 26 người…

16 phút ago

Sở VH và TT TP.HCM đề xuất chi 1.850 tỷ đồng xây nhà thi đấu Phan Đình Phùng

TP.HCM quyết định dừng dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức…

4 giờ ago

Bình Định: 9 ca nhiễm bệnh, 4 ca đã tử vong do cúm A/H1pdm

Trong 22 trường hợp viêm phổi nặng được xét nghiệm, sàng lọc tại tỉnh Bình…

4 giờ ago

Tập đoàn Trung Quốc cùng Vingroup xây cầu Tứ Liên (Hà Nội)

Cầu Tứ Liên có chiều dài khoảng 11,5km, tổng mức đầu tư được tạm tính…

4 giờ ago

Lợn giống chết ở Gia Lai: Lên phương án cấp lại cho các hộ nghèo, cận nghèo

Tại thời điểm thống kê, xác định dịch bệnh, 58/100 con lợn giống cấp trong…

5 giờ ago

Sáu điều cần biết về bà Kristi Noem, ứng viên Bộ trưởng An ninh Nội địa của ông Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…

6 giờ ago