Vào cuối tháng 4, một ngày trước khi SpaceX phóng loạt vệ tinh thứ 10 trong năm nay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính đã tới dự lễ khai trương một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước ở Xiongan – siêu đô thị cách Bắc Kinh về phía nam khoảng 2 giờ lái xe, để chào mừng sự hình thành của cái gọi là “câu trả lời cho hệ thống Starlink của Elon Musk.”
Được biết đến với tên gọi Tổng công ty mạng vệ tinh Trung Quốc (China Satellite Network Group), công ty trẻ này được giao nhiệm vụ phóng vệ tinh quỹ đạo thấp của Trái đất (LEO) vào không gian, truyền dịch vụ internet tới mọi nơi trên hành tinh. Doanh nghiệp này sẽ gửi báo cáo tới Ủy ban quản lý và giám sát tài sản, cơ quan kiểm soát cổ phần của chính phủ Trung Quốc trong các công ty nhà nước. Các chi tiết khác về công ty mới hiện vẫn chưa được công khai.
Công ty hiện không có trang web chính thức và chính phủ vẫn chưa công bố bất kỳ thông tin nào về cơ cấu tổ chức của nó – ngoại trừ việc Zhang Dongchen, cựu tổng giám đốc tại Tập đoàn Điện tử Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, được bổ nhiệm để phụ trách việc thành lập công ty.
Tuy nhiên, tầm quan trọng chiến lược của công ty đối với Bắc Kinh đã không tránh được việc bị những người trong cùng ngành để ý tới.
Mặc dù thâm niên còn thấp, Tập đoàn Mạng vệ tinh Trung Quốc đã đứng thứ 26 trong danh sách 98 công ty quốc doanh chính thức của Bắc Kinh – chỉ xếp ngay sau 3 nhà khai thác viễn thông lớn là China Mobile, China Unicom và China Telecom.
Công ty cũng là doanh nghiệp quốc doanh đầu tiên của Trung Quốc được đặt trụ sở chính tại Xiongan, một vùng nông thôn trước đây còn chưa được đánh thức nhưng lại được đích danh Chủ tịch Tập Cận Bình lựa chọn cách đây 4 năm để xây dựng thành một thành phố thông minh trong tương lai.
Lan Tianyi, giám đốc điều hành của công ty tư vấn không gian Ultimate Blue Nebula có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Điều đó cho thấy nhà nước Trung Quốc đã chính thức tham gia cuộc đua này. “Trước đây các doanh nghiệp nhà nước đã từng làm một số công việc trong lĩnh vực này … nhưng bây giờ thì kế hoạch này đang được quốc gia quan tâm một cách tổng thể.”
Việc thành lập Tập đoàn Mạng vệ tinh Trung Quốc thể hiện nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh trong tham vọng cung cấp kết nối internet trên toàn thế giới với các vệ tinh quay quanh địa cầu – một công nghệ hiện đang được thống trị bởi các đối thủ Mỹ như SpaceX.
Trước khi Tập đoàn mạng vệ tinh Trung Quốc ra đời, hai công ty hàng không vũ trụ lớn của nhà nước – Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) và Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) – đã có các chương trình internet vệ tinh của riêng họ.
Nằm trong chương trình Hongyun và Xingyun của mình, CASIC đang có kế hoạch phóng lần lượt 156 và 80 vệ tinh để đạt được vùng phủ sóng toàn cầu, trong khi CASC cũng đã công bố kế hoạch thiết lập hơn 300 vệ tinh vào năm 2016 trong khuôn khổ dự án Hongyan của họ.
Vào tháng 4 năm 2020, Trung Quốc đã bổ sung Internet vệ tinh, cùng với 5G và trí tuệ nhân tạo, vào danh sách “phát triển cơ sở hạ tầng mới” mà nước này muốn tăng tốc với sự hỗ trợ của chính phủ. Đầu năm nay, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các chính sách, bao gồm cả giải pháp tài chính, để hướng tới mục tiêu chung này.
Hồi đầu năm ngoái, chính phủ đã ban hành các tài liệu liên quan đến Tập đoàn Mạng vệ tinh Trung Quốc gắn kết với cơ quan không gian quốc gia, hãng truyền thông Trung Quốc Caixin đưa tin vào tháng 4, trích dẫn các nguồn giấu tên.
Trong khi Tập đoàn Mạng lưới vệ tinh Trung Quốc vẫn chưa phóng một vệ tinh nào, Trung Quốc đã đệ trình văn bản bổ sung lên Liên minh Viễn thông Quốc tế của LHQ (ITU) vào tháng 9 năm ngoái, báo hiệu ý định của nước này xây dựng hai “chòm sao” (constellation) LEO với tổng số 12.992 vệ tinh.
Con số này vẫn chỉ là một phần nhỏ trong số 42.000 vệ tinh theo kế hoạch mà Starlink đã đăng ký với ITU, tuy các nhà phân tích cho rằng những hồ sơ này chỉ là đề xuất sơ bộ, không phải lúc nào cũng chuyển thành các vụ phóng thực tế.
Trong một dự án tiêu tốn nhiều tài nguyên như xây dựng một mạng internet vệ tinh toàn cầu, tham vọng không phải lúc nào cũng đảm bảo thành công.
OneWeb có trụ sở tại London, một trong những công ty nổi tiếng nhất trong ngành, đã đệ đơn phá sản vào tháng 3 năm ngoái, thời điểm đó mới chỉ có 74 vệ tinh được phóng. Sau đó, nó đã nhận được cơ hội thứ hai khi một tập đoàn do chính phủ Anh và các doanh nghiệp Bharti của Ấn Độ lãnh đạo đã đầu tư 1 tỷ đô la Mỹ.
Trong khi đó, Starlink đã triển khai chương trình truy cập sớm cho người tiêu dùng vào năm ngoái và hiện đang tiếp tục mở rộng “chòm sao” của mình. Nó đã đưa lô 60 vệ tinh mới nhất vào quỹ đạo vào hôm thứ Ba, và đã có lịch trình nhiều lần phóng nữa trong tháng này.
Các chuyên gia cho rằng, để đuổi kịp, Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm.
Ông Lan nói: “Nếu bạn chỉ nói về internet, thì Trung Quốc đang làm tốt, nhưng về mặt internet vệ tinh, thì thực tế là vẫn còn một khoảng cách tương đối xa [với Mỹ].”
Blaine Curcio, người sáng lập công ty tư vấn Orbital Gateway có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Trung Quốc đang đi sau từ 5 đến 10 năm trong hầu hết các công nghệ”.
Tuy nhiên, quốc gia này có một số điểm mạnh có thể giúp nó vượt lên. Ông Curcio nói: “Lợi thế của Trung Quốc là toàn bộ hệ thống môi trường khởi nghiệp, mức đầu tư của chính phủ vào lĩnh vực này và chi phí thấp cho một số thứ trong chuỗi cung ứng”.
Tiến Minh (theo SCMP)
Xem thêm:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…