Một lập trình viên máy tính họ Mã ở Trung Quốc dùng VPN để nối với công ty tại Thổ Nhĩ Kỳ để làm việc, theo The Guardian đưa tin hôm Thứ Hai. Tuy nhiên, tại Trung Quốc mà dùng VPN vượt tường lửa kết nối ra nước ngoài là vi phạm pháp luật! Anh Mã đã bị tịch thu tài sản, vì chúng là “thu nhập bất hợp pháp”. Trong đó có khoản thu nhập 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,3 tỷ VND), do anh kiếm được nhờ làm thuê từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2022, đã bị công an Thừa Đức tỉnh Hà Bắc tịch thu.
Anh Mã bị phát hiện dám dùng VPN để vượt tường lửa vào ngày 18/8, và đã bị công an Thừa Đức xử lý. Tội danh là “dùng các kênh trái phép” để vượt “tường lửa vĩ đại” của Trung Quốc và nối với nước ngoài. Tài sản của anh do làm thuê mà có được trở thành “thu nhập bất hợp pháp”.
Theo báo cáo, anh Mã ngoài việc bị tịch thu 1 triệu nhân dân tệ, thì phải nộp 200 nhân dân tệ tiền phạt. Tổng số tiền trên 1 triệu này (khoảng 3,3 tỷ VNĐ) là một khoản rất lớn đối với một người Trung Quốc như anh, tờ báo The Guardian bình luận.
Anh Mã nói trên mạng xã hội Weibo rằng cảnh sát đã tiếp cận anh lần đầu cách đây một năm, và tin rằng anh là chủ sở hữu của một tài khoản Twitter mà họ đang điều tra.
Anh Mã nói tài khoản Twitter (X) đó không thuộc về anh. “Tôi đã nói rằng tôi hiện đang làm việc cho một công ty ở nước ngoài và Twitter cá nhân của tôi chỉ thỉnh thoảng vào like và chuyển tiếp các tweet của công ty.”
Bài đăng của anh sau đó đã bị xóa nhưng được lưu trữ bởi China Digital Times.
Anh Mã kể rằng cảnh sát đã tịch thu điện thoại, máy tính xách tay và một số ổ cứng máy tính của anh khi biết rằng anh làm việc cho một công ty nước ngoài và giữ chúng trong một tháng. Sau đó, anh ta được yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về công việc, thông tin ngân hàng, hợp đồng lao động và các thông tin khác trước khi bị phạt vào tháng 8. Anh Mã nói rằng anh sẽ tìm cách kháng cáo.
“Ngay cả khi quyết định này bị hủy bỏ trước tòa [nếu anh kháng cáo thành công], một thông điệp vẫn được gửi đi và thiệt hại đã xảy ra,” theo Charlie Smith (bút danh), người đồng sáng lập GreatFire.org, một trang web theo dõi hoạt động kiểm duyệt internet ở Trung Quốc. Thông điệp đó là: người trong Trung Quốc mà “kinh doanh bên ngoài Trung Quốc thì có bị phạt không?”
“Tường lửa vĩ đại” của Trung Quốc là tấm chắn và giám sát các kết nối thông tin qua mạng máy tính để nối từ Trung Quốc ra nước ngoài. Nó là một khâu quan trọng trong cơ chế chính phủ kiểm soát tất cả các thông tin mà người Trung Quốc được phép nhìn thấy.
Các mạng xã hội thông dụng mà dân chúng ở nước ngoài vẫn dùng một cách tự do như X (Twitter), thì đều bị chặn lại bởi bức “tường lửa vĩ đại” này. Người dân Trung Quốc được khuyến khích dùng các mạng xã hội do Trung Quốc phát hành, thay thế cho các nền tảng phổ cập ở quốc tế.
VPN là một trong những công nghệ phổ cập, giúp người dùng lách qua “tường lửa” kiểm duyệt ấy của nhà nước. Khi anh Mã thông qua VPN kết nối với quốc tế, thì công nghệ này cũng cho phép giấu đi thông tin cá nhân của mình, nếu anh muốn. Chẳng hạn như máy chủ sẽ thấy rằng anh đang kết nối với họ từ một máy ở nước ngoài chứ không phải từ Trung Quốc.
Về mặt kỹ thuật, các công ty được phép sử dụng VPN được chính phủ phê duyệt cho các hoạt động thương mại. Các doanh nghiệp và trường đại học dựa vào phần mềm VPN để giao tiếp với các đối tác quốc tế.
Thông thường người dân Trung Quốc có thể dùng VPN cho các mục đích cá nhân, riêng tư. Chính phủ thường nhắm mắt làm ngơ trước một số lượng tương đối nhỏ các cá nhân sử dụng công nghệ này để truy cập các trang web như Google, Facebook, Twitter, v.v.
Nhưng trong những năm gần đây, chính phủ đã khiến mọi người khó truy cập VPN hơn và trong một số trường hợp hiếm hoi đã trừng phạt việc sử dụng chúng.
Một số người đã bị bỏ tù vì bán VPN.
Năm 2017, một người đàn ông tên Wu Xiangyang bị kết án 5 năm rưỡi tù giam và bị phạt 500.000 nhân dân tệ vì bán những kênh truy cập này.
Vào tháng 6, Đài Á Châu Tự do RFA đưa tin rằng một sinh viên Duy Ngô Nhĩ, Mehmut Memtimin, đang thụ án 13 năm ở Tân Cương vì sử dụng VPN để truy cập “thông tin bất hợp pháp”.
Anh Mã nói anh chỉ sử dụng VPN để truy cập Zoom cho các cuộc họp. Còn công việc chính của anh là kết nối GitHub, có thể được thực hiện mà không cần VPN, vì GitHub đã có cơ chế lách tường lửa như một giải pháp an ninh rồi.
Khi thảo luận về vụ việc trên Zhihu, nền tảng của Trung Quốc tựa Reddit, một cư dân mạng đã viết đầy bức xúc: “Nếu chúng ta đưa ra kết án và phạt tiền dựa trên lý do này, ngành Công nghệ Thông tin của Trung Quốc về cơ bản sẽ bị xóa sổ.”
Bình luận này đã bị xóa. Anh Mã và công ty Thổ Nhĩ Kỳ mà anh được cho là từng làm việc đã không trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên tờ báo.
Vụ việc này cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi rằng cơ quan chính quyền đang tìm kiếm lợi nhuận hơn là chống tội phạm.
Trong một bài đăng trên Twitter hiện đã bị xóa, một người có ảnh hưởng đã viết: “Vụ việc này đã trở thành trò cười quốc tế và cảnh sát ở một nơi nào đó đã trở thành đồng nghĩa với những tên cướp”.
Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang gánh khoản nợ ước tính khoảng 23.000 tỷ USD, mà các nhà kinh tế coi là một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong nền kinh tế nước này.
Hiện tại, một số thành phố đã phải vật lộn để trả lương và các dịch vụ công. Tại Thừa Đức, doanh thu từ tịch thu tài sản của thành phố đạt gần 990 triệu nhân dân tệ vào năm 2022, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Văn phòng công an Thừa Đức đã không trả lời các cuộc gọi từ tờ báo The Guardian.
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…