Những năm gần đây, lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc Đại Lục đang trải qua một cuộc biến đổi kinh hoàng: các ngân hàng vừa và nhỏ được phê duyệt sáp nhập hoặc giải thể tăng tốc. Trong 5 tháng đầu năm nay, đã có 184 ngân hàng nhỏ “biến mất”. Làn sóng “biến mất” này không chỉ khiến hoạt động kinh doanh ngân hàng đối mặt với khốn cảnh chưa từng có, mà còn trực tiếp động chạm đến dây thần kinh an toàn của “túi tiền” người dân, gây ra sự hoảng loạn về việc bảo đảm tiền gửi. Theo sau đó là làn sóng thất nghiệp trong ngành tài chính lan rộng và cuộc “nội cuốn”(*) ngày càng khốc liệt trong nội bộ ngành.

id14530705 p3659801a68214894 ss
Ngày 10/6/2025, điểm giao dịch Vệ Thành của Ngân hàng Bưu chính Tiết kiệm Trung Quốc tại thành phố Thanh Trấn, Quý Dương, tỉnh Quý Châu xảy ra “vỡ trận” tiền gửi có kỳ hạn. Một blogger cho biết, năm đó ngân hàng này cam kết với người dân trong thôn rằng mỗi năm gửi 10.000 nhân dân tệ, sau 5 năm sẽ được rút cả gốc lẫn lãi là 58.000 nhân dân tệ. Nhưng nay đã đến hạn mà ngay cả tiền gốc cũng không lấy lại được. (Ảnh chụp màn hình video)

Các ngân hàng vừa và nhỏ tăng tốc “biến mất” – An toàn tiền gửi gây hoảng loạn trong dân chúng

Những năm gần đây, các ngân hàng vừa và nhỏ ở Trung Quốc Đại Lục đang tăng tốc được phê duyệt sáp nhập hoặc giải thể. Trong 5 tháng đầu năm nay đã có 184 ngân hàng nhỏ “biến mất”, con số này gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái, và đã gần bằng tổng số cả năm ngoái. Hiện tượng này gây ra sự hoảng loạn lớn trong dân chúng, vì nó liên quan trực tiếp đến “túi tiền” của họ.

Gần đây, trên mạng xã hội Đại Lục, chủ đề “Hàng loạt ngân hàng phá sản, nhân viên ngân hàng sụp đổ tập thể” đang được bàn luận sôi nổi. Một cư dân mạng cảnh báo: “Những ai có tiền gửi trong ngân hàng nhất định phải biết tin này, vì liên quan đến túi tiền của bạn. Ai có tiền gửi thì nên tính toán sớm, ngân hàng có thể phá sản, bạn có thể không lấy lại được tiền gửi. Sau khi ngân hàng phá sản, mức đền bù tối đa chỉ là 500.000 nhân dân tệ (gần 1,8 tỷ đồng) gồm cả gốc và lãi.”

Các cư dân mạng khác lần lượt bình luận, đối với người dân thường, chỉ có thể gửi tiền ở nhiều ngân hàng khác nhau, đặc biệt là các ngân hàng lớn để phân tán rủi ro. Họ nhấn mạnh: “Bây giờ kiếm tiền không dễ, số tiền đã kiếm được nhất định phải bảo vệ cho tốt.”

Từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý tài chính ở nhiều nơi tại Đại Lục đã lần lượt ra thông báo, tuyên bố giải thể hoặc sáp nhập các ngân hàng nông thôn, hợp tác xã tín dụng nông thôn. Ví dụ, ngày 26/5, Cục Quản lý Tài chính Ninh Ba đã phê chuẩn giải thể Ngân hàng nông thôn Giang Bắc Phú Dân Ninh Ba, toàn bộ tài sản, nợ phải trả, nghiệp vụ, mạng lưới và nhân viên của ngân hàng này sẽ được Ngân hàng Giang Tô tiếp nhận và thành lập chi nhánh Ninh Ba.

Theo số liệu thống kê từ ‘Hệ thống Cảnh báo Sớm Doanh nghiệp’ do China Business News trích dẫn, trong 5 tháng đầu năm nay, số ngân hàng nhỏ được phê duyệt sáp nhập/giải thể lên đến 184, gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái, đã gần bằng tổng số cả năm ngoái. Chỉ riêng ngày 16/5, khu Nội Mông đã có 120 ngân hàng nhỏ đồng loạt “biến mất”. Dữ liệu cho thấy rõ ràng, các ngân hàng vừa và nhỏ đang co lại nhanh chóng: năm 2022 có 43 ngân hàng “biến mất”, năm 2023 là 77, năm 2024 là 204, và trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt 184.

Hoạt động kinh doanh ngân hàng đối mặt với khốn cảnh chưa từng có

Đằng sau làn sóng “biến mất” của ngành ngân hàng là tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn. Gần đây, blogger “Đại thời cục” (Big Times) chia sẻ một video phỏng vấn người dân cho thấy điều đó. Một nữ công dân Bắc Kinh tiết lộ, bạn cô làm ngân hàng kêu trời không thấu, nói rằng hiện tại “không sao cho vay được”, nhân viên áp lực rất lớn, cuối tuần cũng phải chạy đi tìm khách hàng, nhiệm vụ chính của ngân hàng là “toàn nhân viên tiếp thị” để cho vay.

“Bây giờ đến cả khoản vay thế chấp kỳ hạn 10 năm, trả lãi trước trả gốc sau, lãi suất hàng năm 2,2% cũng không ai lấy.” Người bạn này phàn nàn, “Người có tiền thì không cần vay, người thiếu tiền (như các ông chủ doanh nghiệp) thì lại không vay được.”

Một công dân nam khoảng hơn 40 tuổi được phỏng vấn nói thẳng, tình cảnh ngân hàng “rất khó khăn”, không thể cho vay được, bởi vì “trên thị trường không có khách hàng tốt – khách hàng nào cũng nợ nần chồng chất, càng lúc càng tệ”. Anh ta chỉ ra rằng ngân hàng “lấy vay nuôi vay là không xoay chuyển nổi nữa.” Nhiều nhân viên ngân hàng thừa nhận riêng rằng dù có muốn “nhắm mắt cho qua” để phê duyệt khoản vay, nhưng “hệ thống kiểm tra tín dụng của ngân hàng đã ‘bắn hạ’ khách hàng rồi”.

Anh ta lấy ví dụ Citibank, nói rằng ngân hàng nước ngoài này đã sa thải 3.500 nhân viên, nguyên nhân cốt lõi là “không kiếm được tiền thì phải cắt lỗ kịp thời”. “Tình hình nghiêm trọng đến mức nào! Ngân hàng rất khó tồn tại, mà vấn đề lại không có lời giải.”

Ngày 5/6, Citibank tuyên bố rằng như một phần trong kế hoạch đơn giản hóa toàn cầu, sẽ điều chỉnh các bộ phận kỹ thuật và hỗ trợ nghiệp vụ trên toàn cầu, tinh giản trung tâm giải pháp kỹ thuật toàn cầu đặt tại Thượng Hải và Đại Liên của Trung Quốc, và sa thải khoảng 3.500 nhân viên kỹ thuật.

Làn sóng giảm lương trong ngành tài chính và cơn sốt “thi công” – Nhân viên văn phòng trắng tay sau một đêm

Khi nền kinh tế Trung Quốc dần suy thoái, ngành tài chính Trung Quốc cũng đang trải qua một mùa đông lạnh giá. Các tổ chức tài chính lớn và ngân hàng quốc doanh giảm lương mạnh, khiến nhiều nhân viên văn phòng từng được xem là “cầm bát vàng” trở nên “nghèo lại chỉ sau một đêm”. Tiếp đó là hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ lần lượt “phá sản”, làn sóng thất nghiệp trong ngành tài chính không ngừng mở rộng, cạnh tranh nội bộ ngành (nội cuốn) càng khốc liệt.

Đặc biệt là năm nay, nhân viên ngành tài chính từ các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải liên tục phàn nàn trên mạng xã hội rằng áp lực công việc cực lớn, thường xuyên tăng ca, nhưng lương thì ngày càng giảm, mà vẫn không dám nghỉ việc vì “sau khi nghỉ thì càng không biết phải đi đâu”.

Năm nay còn xuất hiện một hiện tượng đáng chú ý: nhân viên ngành tài chính “ngược dòng” đi thi công chức. Truyền thông tài chính mới của Trung Quốc “Xu hướng Trí Cốc” (智谷趨勢) ngày 4/7 đăng bài viết: “Bát vàng không bằng bát sắt, cơn sốt thi công chức lan đến cả giới tài chính.”

Ngoài ra, theo blogger nổi tiếng “Băng Xuyên Tư Tưởng Khố” (冰川思想庫) viết trong bài báo rằng tháng Tư năm nay, trong danh sách công khai dự kiến tuyển dụng công chức năm 2025 của Ủy ban Chứng khoán, trong số 287 người dự kiến trúng tuyển, có 28 người đến từ các công ty chứng khoán. Trong danh sách đợt một trúng tuyển kỳ thi công chức năm 2025 do thành phố Thượng Hải công bố, có 15 người từ 12 công ty chứng khoán trúng tuyển công chức. Điều này hoàn toàn trái ngược với tình trạng trước đây khi lương ngành tài chính vượt xa công chức.

Trên thực tế, làn sóng giảm lương trong ngành tài chính đã kéo dài khoảng 3 năm. Lấy 2 công ty chứng khoán nổi tiếng với mức lương cao làm ví dụ, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Chứng khoán Trung Tín đã giảm từ 947.000 tệ năm 2021 xuống còn 779.800 tệ năm 2024; còn Công ty Trung Tín thì giảm từ 1.167.200 tệ xuống còn 642.600 tệ – gần như giảm một nửa.

Ellen – từng là nhà phân tích tại một công ty chứng khoán lâu đời ở Thượng Hải – tiết lộ với tạp chí “Nam Phong Song” (南風窗) rằng nửa cuối năm 2021, tổng hoa hồng của 50 công ty chứng khoán hàng đầu trong nửa năm có thể thu về 10 tỷ tệ, nhưng hiện nay “chỉ còn khoảng 1/3 so với trước”.

Chú thích:

(*): “Nội cuốn” (tiếng Trung: 內捲, bính âm: nèijuǎn, tiếng Anh: involution) là một thuật ngữ xã hội học dùng để mô tả một tình trạng phát triển trì trệ hoặc kém hiệu quả trong một hệ thống hoặc xã hội. Thay vì phát triển theo chiều rộng (mở rộng, đổi mới), hệ thống đó lại phát triển theo chiều sâu một cách thái quá, tức là ngày càng trở nên phức tạp, tinh vi hơn bên trong, nhưng không tạo ra giá trị gia tăng hoặc năng suất thực chất cao hơn.

Nói một cách đơn giản, “nội cuốn” là khi mọi người trong một hệ thống phải cố gắng nhiều hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn để đạt được cùng một kết quả hoặc thậm chí là kết quả tồi tệ hơn so với trước đây.