Trung Quốc

Trung Quốc: Làn sóng đóng cửa doanh nghiệp chip năm nay trầm trọng hơn

Dữ liệu mới nhất cho thấy làn sóng đóng cửa của các công ty chip Trung Quốc vẫn đang tiếp tục, năm nay đã có hơn 14.000 công ty đóng cửa và khó khăn của ngành này ở Trung Quốc đang nổi bật hơn bao giờ hết.

(Nguồn: FOTOGRIN/ Shutterstock)

Công ty truyền thông công nghệ TrendForce cho biết trong một bài đăng vào ngày 24/12, số công ty chip ở Trung Quốc bị phá sản hoặc hủy bỏ không ngừng tăng từ năm 2022: Con số này năm 2023 là 10.900, đến ngày 5/12/2024 đã tăng lên 14.648. Hiện tượng này được cho là do tăng trưởng trong lĩnh vực ô tô cũng như ngành công nghiệp Trung Quốc nói chung không đạt được kỳ vọng, cộng thêm các hạn chế từ Mỹ đối với xuất khẩu chất bán dẫn của họ.

Vài năm qua, ngành công nghiệp chip toàn cầu phải đối mặt với căng thẳng gia tăng, chủ yếu là do hạn chế thương mại và cạnh tranh địa chính trị. Mỹ và các đồng minh đã áp đặt kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc, đặc biệt là thiết bị và công nghệ sản xuất chip tiên tiến. Những hạn chế này đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của các công ty chip Trung Quốc và tiếp tục làm giảm khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu.

Bài đăng trên TrendForce cho hay, trên thực tế làn sóng đóng cửa của các công ty chip tại Trung Quốc là khởi đầu của xu thế tái cơ cấu và chọn lọc của nội bộ ngành. Có phân tích cho rằng toàn ngành công nghiệp này có thể mất khoảng 2 năm để hoàn thiện quá trình sàng lọc.

Ngoài cạnh tranh ngày càng tăng trong ngành, thực trạng hỗ trợ của các nhà đầu tư và chính quyền địa phương của Trung Quốc đối với các công ty thiết kế chip đang dần suy yếu, khiến các công ty khởi nghiệp khó khăn hơn trong việc kiếm vốn, thu hút nhân tài hàng đầu cùng cải thiện khả năng nghiên cứu phát triển và vận hành.

Hậu quả do duy ý chí

Chuyên gia Tô Tử Vân (Su Tzu-yun) – giám đốc chiến lược quân sự và công nghiệp của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan – cho biết, con số hơn 14.000 công ty chip của Trung Quốc đóng cửa trong một năm là đáng ngạc nhiên, phản ánh những sai lầm chính sách của Bắc Kinh cùng những kỳ vọng không thực tế một cách phản khoa học.

Trong cuộc phỏng vấn với Epoch Times ngày 25/12, ông Tô Tử Vân nói rằng sản xuất chip khác với các ngành công nghiệp truyền thống hoặc máy móc hạng nặng, liên quan đến lý thuyết vật lý phức tạp và thiết bị cao cấp. Ông tin rằng làn sóng đóng cửa của các công ty chip Trung Quốc cho thấy có tình trạng duy ý chí giữa Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chính quyền địa phương, cũng cho thấy ĐCSTQ vẫn khó thoát khỏi tình thế khó liên quan tính đồng bộ trong phát triển.

Ông Tô Tử Vân đề cập trường hợp thời Mao Trạch Đông cố gắng sản xuất thép bằng công nghệ lạc hậu trong nước, và ngành công nghiệp chip ngày nay của họ cũng theo cách đó. Dù thế giới bên ngoài không thể xác định thực tế quy mô đầu tư của họ, nhưng ĐCSTQ tuyên bố chi hơn 1000 tỷ RMB để hỗ trợ ngành công nghiệp chip, khoản tiền khổng lồ này có thể đã chảy vào các công ty hiện đã đóng cửa, trong đó có nhiều công ty vỏ bọc chỉ có trên giấy tờ.

Chuyên gia Đài Loan cho rằng sụp đổ ngành công nghiệp chip của Trung Quốc sẽ có tác động sâu đến cấu trúc tương lai của Trung Quốc trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, cạnh tranh quân sự và kinh tế kỹ thuật số. Ông nói rằng sự phát triển của khoa học và công nghệ là trực tiếp phản ánh nền kinh tế tổng thể và khả năng cạnh tranh, cho dù đó là cạnh tranh công nghiệp hay cạnh tranh quân sự, có thể bị hạn chế ở trạng thái hiện tại và dần dần suy yếu.

Tài chính của ngành chip Trung Quốc giảm mạnh trong năm 2024

Dữ liệu từ một công ty nghiên cứu ngành công nghiệp Trung Quốc cho thấy, bị ảnh hưởng bởi những hạn chế của Mỹ đối với chip tiên tiến cộng thêm tình trạng dư thừa chip truyền thống cấp thấp, dòng vốn vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đã giảm mạnh 1/3 trong năm nay.

Một báo cáo từ nền tảng thông tin kinh tế và công nghệ JW Insights công bố cho thấy, ngành công nghiệp chip của Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2024 đã hoàn thành tổng cộng 677 giao dịch đầu tư, giảm 35,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cho biết, đầu tư chất bán dẫn của Trung Quốc hiện nay bị chi phối bởi các quỹ do chính phủ tài trợ. Khi cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, Washington tiếp tục thắt chặt quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ tiên tiến của Mỹ với lý do lo ngại rằng những công nghệ này có thể được sử dụng để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Đồng thời, các quỹ nhà nước của ĐCSTQ đã tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn; lớn nhất trong số đó là Quỹ đầu tư ngành mạch tích hợp Trung Quốc, thường được gọi là “Quỹ lớn”.

“Quỹ lớn” được thành lập vào năm 2014 với quy mô giai đoạn đầu là 138,7 tỷ RMB (khoảng 22,5 tỷ USD). Quỹ giai đoạn 2 được thành lập vào năm 2019 với vốn đăng ký là 204 tỷ RMB (khoảng 29,5 tỷ USD). Vào tháng 5 năm nay, quỹ giai đoạn 3 được thành lập với vốn đăng ký là 344 tỷ RMB (khoảng 48,3 tỷ USD). Bộ Tài chính Trung Quốc là cổ đông lớn nhất của quỹ này với tỷ lệ nắm giữ là 17%; Ngân hàng Phát triển Quốc gia Trung Quốc là cổ đông lớn thứ hai nắm giữ 10,5%; ngoài ra, 5 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc lần lượt nắm giữ khoảng 6%.

Mỹ mở điều tra thương mại mới về chip của Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Biden hôm 23/12 tuyên bố mở cuộc điều tra thương mại đối với chip “truyền thống” do Trung Quốc sản xuất – loại chip sử dụng rộng rãi trong các mặt hàng hàng ngày như ô tô, máy giặt và thiết bị viễn thông. Cuộc điều tra này có thể mở đường cho Mỹ áp thêm thuế đối với chip Trung Quốc. Cuộc điều tra được gọi là hành động theo “Mục 301”.

Giới chức chính quyền Tổng thống Biden cho biết, động thái này nhằm mở đường cho Trump nhanh chóng áp thuế cao đối với chip bán dẫn hàng ngày do Trung Quốc sản xuất – sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau. Trong chiến dịch tranh cử, Trump từng nói rằng ông sẽ áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm đã quyết định từ ngày 1/1/2025 áp thuế 50% đối với chất bán dẫn do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, chính quyền Biden đã thắt chặt hơn nữa các hạn chế xuất khẩu đối với Trung Quốc, bao gồm các lĩnh vực chính như chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến, chip nhớ và thiết bị sản xuất chip.

Đồng thời chính quyền Biden còn có kế hoạch tăng thuế đối với tấm silicon và silicon đa tinh thể cần thiết cho các tấm pin mặt trời xuất khẩu của Trung Quốc – mức từ 25% hiện nay lên 50%, ngoài ra còn áp thuế nhập khẩu 25% đối với các sản phẩm vonfram xuất khẩu của Trung Quốc (mức thuế hiện tại là 0).

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ phụ trách cuộc khảo sát mới nhất này. Đại diện Thương mại Katherine Tai nói rằng Trung Quốc đang cố gắng sử dụng ngành công nghiệp chip như một bước đột phá để đạt được thống trị toàn cầu, một mô hình hành vi giống như cách tiếp cận của họ trong các lĩnh vực thép, nhôm, tấm pin mặt trời, xe điện và khoáng sản quan trọng.

Chính quyền Tổng thống Biden cùng các đồng minh 2 năm qua đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với Trung Quốc liên quan đến các chất bán dẫn tiên tiến được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, tiếp tục tăng cường kiểm soát đối với ngành công nghiệp chiến lược này.

Chuyên gia quân sự Lý Chính Tu (Li Zhengxiu) là phó nhà nghiên cứu của Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan nói với phóng viên Epoch Times vào ngày 25/12 rằng cuộc chiến chip Mỹ-Trung có thể tiếp tục nóng lên sau khi ông Trump nhậm chức, đặc biệt là việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc liên quan đến các lĩnh vực gồm công nghệ cao cấp, chip tiên tiến và quy trình sản xuất quan trọng, điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp tổng thể của Trung Quốc, mà còn có thể trì hoãn khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn – vấn đề này khiến Trung Quốc rất lo lắng. Trong bối cảnh đó, mục tiêu thúc đẩy cung cấp chip tự chủ và độc lập của Trung Quốc cũng sẽ trở nên xa vời hơn.

Ông Tô Tử Vân nói rằng quy trình sản xuất chip trưởng thành của Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt kiểm soát của Mỹ, đặc biệt là trong trường hợp Trump trở lại Nhà Trắng. Ông nói rằng cuộc chiến thương mại và cuộc chiến công nghệ do chính quyền Trump phát động trong nhiệm kỳ đầu tiên hiện đã bắt đầu có hiệu quả, sự xuất hiện của giai đoạn Trump 2.0 có thể tăng cường hơn nữa việc kiểm soát công nghệ đối với Trung Quốc đang được Chính quyền Tổng thống Biden thúc đẩy, và sau khi Trump lên nắm quyền một lần nữa thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt tình huống “nghẽn cổ” nghiêm trọng hơn.

Diệc Dương, Ninh Hả

Published by
Diệc Dương, Ninh Hả

Recent Posts

Tổng thống Đức tuyên bố giải tán quốc hội, xác định ngày bầu cử

Tổng thống Đức Steinmeier đã tuyên bố giải tán quốc hội và xác định ngày…

57 phút ago

Ấn Độ tổ chức 7 ngày quốc tang tưởng nhớ cựu Thủ tướng

Chính phủ Ấn Độ ngày 27/12 công bố lễ Quốc tang kéo dài 7 ngày…

1 giờ ago

Năm 2024 khắc tinh của thị trường vàng

Năm 2024, Chính phủ, NHNN siết chặt quản lý thị trường vàng khiến các kênh…

2 giờ ago

Brazil nói công nhân tại cơ sở BYD của Trung Quốc là nạn nhân của nạn buôn người

Những công nhân người Hoa đang làm việc tại một địa điểm xây dựng tại…

5 giờ ago

Đại án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2: 4 bị cáo được hưởng án treo

Trong số 17 bị cáo hầu tòa đại án Chuyến bay giải cứu giai đoạn…

8 giờ ago

Điều giản dị: Câu chuyện quanh ly cà phê

Những cuộc đối thoại trong đời sống và công việc, những câu chuyện xung quanh…

8 giờ ago