Những “bước đột phá” trong y khoa Trung Quốc trong những năm gần đây, hơn bao giờ hết, sẽ chỉ có thể mang đến vô vàn nguy cơ cho người dân Trung Quốc nói riêng và người dân thế giới nói chung. Thu hoạch nội tạng, máy làm chết não, cấy ghép đầu người, chỉnh sửa gien thai nhi, v.v.. sẽ không phải là bước tiến vinh quang về y học, mà là bước trượt dài về y đức đáng bị lên án và tẩy chay.
Cùng với sự phát triển của hoa khọc kỹ thuật, ngành y học đã có những bước phát triển đột phá không ngừng. Tuy nhiên, tôn chỉ của y học gắn liền với đạo đức. Nếu những tiến bộ y học không gắn liền với đạo đức, nó có thể tạo ra thảm họa cho nhân loại. Đáng buồn là điều đó hiện đang diễn ra tại đất nước đông dân nhất thế giới – Trung Quốc. Chỉ nhìn vào cái lợi từ những món tiền khổng lồ thu được, chỉ nhìn vào cái danh của một quốc gia “đầu ngành” về y học, bỏ qua những luân lý y đức, Trung Quốc đang đẩy y khoa của đất nước mình vào chỗ giết người thay vì cứu người như sứ mệnh cao quý của ngành y!
Như một truyền thống cao đẹp, các nghiên cứu y sinh học phải tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức đã được quy định và trở thành nguyên tắc cốt lõi trong bản Tuyên bố Helsinki (1964) trong nhiều thập kỷ. Chính bản Tuyên bố này đã phản đối việc vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người diễn ra trong quá trình thử nghiệm y khoa của Đức Quốc xã và sau đó là các thử nghiệm lâm sàng ở Tuskegee và nhiều nơi khác.
Tuyên bố Helsinki đã trở thành một phần trong “quy định trọng yếu” của các nhà nghiên cứu lâm sàng tương tự như Lời tuyên thệ Hippocrate, là một phần quy định cốt lõi về đạo đức đối với tất cả những ai tham gia thực hành lâm sàng. Tất cả các nghiên cứu lâm sàng phải tuân thủ Tuyên bố Helsinki trước khi được duyệt để đăng trên các tạp chí y khoa hoặc trình bày tại các hội thảo y tế. Các bản thảo và bản tóm tắt sẽ phải gửi đến “bộ phận kiểm tra đạo đức” để xem xét.
Hoạt động nghiên cứu y khoa của Trung Quốc thường xuyên được tiếp cận với nền y học hiện đại của phương Tây. Việc trao đổi các nghiên cứu y khoa và đào tạo y tế diễn ra thường xuyên, tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp Y khoa Trung Quốc đều tuân thủ những quy ước về đạo đức nêu trên. Hãy cùng nhìn lại những bước phát triển được coi là “đột phá” trong Y khoa Trung Quốc những năm gần đây.
Cấy ghép tạng là một trong những đột phá lớn của y học hiện đại, nếu được thực hiện theo luật pháp và đạo đức y khoa – đây là một thủ tục y khoa có thể cứu và cũng có thể hủy mạng người. Điều đáng lo ngại nhất trong cấy ghép tạng chính là sự thiếu minh bạch liên quan đến nguồn tạng.
Hiệp hội Y khoa Thế giới đã ban hành tuyên bố về hiến tạng và ghép tạng người vào năm 2000 và đã chỉnh sửa vào năm 2006, với những yêu cầu chi tiết về đạo đức. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã cung cấp văn bản chi tiết Quy tắc Hướng dẫn về cấy ghép tế bào, mô và Tạng người.
Trong cấy ghép tạng, việc thu gom tạng đóng vai trò chủ chốt. Ở các quốc gia có chương trình hiến tặng tạng từ cộng đồng, việc hiến tạng dựa trên việc tự nguyện đồng ý. Trái ngược với thông lệ này, ở Trung Quốc, quyết định “hiến tặng” tạng bị áp đặt lên nhóm những người yếu thế và thiểu số, như những tù nhân chờ hành quyết và các tù nhân lương tâm. Nói cách khác, tù nhân bị “ép” phải hiến tặng tạng. Lời giải thích chính thức thường là “Tù nhân muốn hiến tặng tạng để chuộc lỗi.”
Việc sử dụng nội tạng từ các tù nhân ở Trung Quốc đã tiên phong vào năm 1994. Sau sự kiện Y Ning ở Tân Cương,15 các tù nhân chính trị người Duy Ngô Nhĩ đầu tiên đã bị mổ lấy tạng vào năm 1997, ở quy mô nhỏ. Tù nhân chờ hành quyết được thừa nhận là nguồn cấp tạng chính cho cấy ghép kể từ đó. Đáng chú ý là có sự tăng vọt số ca cấy ghép kể từ năm 1999, trong khi số lượng tử tù vẫn duy trì ổn định ở một mức độ hữu hạn. Thu hoạch tạng đã đạt đến đỉnh điểm trong năm 2006-2007.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc phủ định việc sử dụng nguồn tạng từ tử từ và khẳng định đa số tạng là do người dân hiến tặng tự nguyện. Nhưng theo phát biểu của chính Thứ trưởng Hoàng Khiết Phu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc trong “Chương trình Cấy ghép Tạng Ngày mai ở Trung Quốc” tại hội thảo Madrid về Hiến Tạng và Ghép Tạng vào năm 2010: “… trên 90% trường hợp ghép tạng là từ các tử tù”.
Thông lệ thu hoạch tạng từ tù nhân bị hành quyết ở Trung Quốc đã dấy lên sự phản đối và phản ứng đặc biệt từ cộng đồng y khoa và các ngành nghề khác. Việc lấy tạng từ các tử tù để thực hiện các ca cấy ghép bị coi là sự vi phạm nhân quyền không thể chấp nhận được trong nhiều thập kỷ.
Thu hoạch tạng từ tù nhân chờ hành quyết không đạt được tiêu chuẩn đạo đức về “tự nguyện đồng ý hiến tặng”. Năm 2006, Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) đã thông qua “Nghị quyết về hiến tặng tạng ở Trung Quốc” trong đó nêu rõ “những tù nhân và các cá nhân đang bị tù giam không ở vào thế có thể tự nguyện đồng ý [hiến tặng tạng], và do đó các cơ quan tạng của họ không thể được dùng để cấy ghép.” Cũng trong nghị quyết đó, “WMA nhắc lại lập trường rằng việc hiến tặng tạng phải trên cơ sở người hiến tặng tiềm năng được thông báo trước và tự nguyện đồng ý.”
Đáng nói hơn, nhiều nghiên cứu và thậm chí cả tòa án quốc tế đã chỉ ra, nạn nhân bị mổ lấy tạng bao gồm những người tập Pháp Luân Công, người Tây Tạng, và cả các giáo phái Công giáo, chẳng hạn như “Ánh sáng Phương Đông”… Những người này không phải là tử tù, mà họ là những tù nhân lương tâm, những người có tín ngưỡng hoặc những nhà hoạt động nhân quyền.
Mới đây nhất, đầu tháng 12/2018, luật sư Anh Quốc uy tín hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế Geoffrey Nice tuyên bố trong tòa án độc lập rằng: “Chúng tôi chắc chắn không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn”.
Ngày 27 tháng 8 năm 2014, Tờ Tuổi trẻ Bắc Kinh cho biết Vương Lập Quân – cựu Giám đốc Công An thành phố Trùng Khánh; giám đốc, giáo sư và cố vấn y khoa về Nghiên cứu Tâm lý hiện trường – đã được trao tặng 254 bằng sáng chế trong thời gian nhậm chức tại Trùng Khánh, 211 bằng được đề nghị cấp trong năm 2011. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trong số đó còn có một bằng sáng chế mang tính công nghệ cao có tên là “Máy kích thích não tổn thương nguyên phát” hay còn gọi đơn giản là “Máy làm chết não”.
Sản phẩm này nằm trong nghiên cứu có tựa đề “Phẫu thuật Chấn thương” vào năm 2008, trong đó có mục “Mô phỏng nhân tố hạn chế và tầm quan trọng lâm sàng của nó trong Chấn thương não gây ra bởi tác động vào thái dương ở trạng thái chuẩn tĩnh”. Nghiên cứu đề cập tới một phần mềm mô phỏng trong đó khám phá toàn bộ quá trình hoạt động của não khi bị chấn thương, nhằm cung cấp số liệu cho các tình huống thực tế để có thể góp phần vào việc “chẩn đoán và ngăn ngừa các chấn thương sọ não gây ra do tác động vào thái dương”.
Điều đáng nói là mục tiêu của nghiên cứu này dường như không hề giống với tuyên bố nhằm cứu người ban đầu nó đưa ra. Nó nghiên cứu chấn thương đối với não bộ ở nhiều mức độ khác nhau nhằm tìm ra cách giết người tốt nhất; nếu đánh trúng điểm ở thái dương có thể gây ra chấn thương cuống não, mất nhận thức, từ đó chết não. Tuy nhiên tim vẫn đập, các tế bào và cơ quan nội tạng khác vẫn sống. Kiểu chấn thương này chính là một cách thay thế hữu hiệu cho việc tiêm thuốc độc, không gây ảnh hưởng các cơ quan nội tạng.
Cùng với nghiên cứu, “máy kích thích não tổn thương nguyên phát” đã ra đời. Nó dùng một quả cầu kim loại tròn kích thích trực tiếp vào xương sọ, sóng kích thích sẽ xuyên qua xương sọ đi vào não bộ, khiến đối tượng lập tức bị chết não. Nghiên cứu của nhóm Vương Lập Quân đã tiến hành sử dụng đầu của 12 thi thể để làm thí nghiệm. Tất cả những thi thể làm thí nghiệm đều là nam giới trong độ tuổi từ 26-38, độ tuổi trung bình là 31. Câu hỏi đặt ra là nếu chỉ thí nghiệm trên các thi thể mà không phải cơ thể sống, làm sao nghiên cứu này có thể đưa ra chi tiết về các mức độ phản ứng của con người, ví dụ như rối loạn nhận thức và cảm giác ở các mức độ khác nhau, rối loạn hệ hô hấp và tuần hoàn?
Thông qua điều tra về loại thiết bị này, các phóng viên của TV Chosun trong chương trình “Bảy mối tội đầu” đã tìm tới Bệnh viện Quân đội Trùng Khánh, nơi được cấp phép chính thức để sử dụng loại máy này. Phỏng vấn người cùng nghiên cứu loại máy này với Vương Lập Quân, các phóng viên phát hiện rằng tại một tòa nhà nghiên cứu riêng biệt, loại máy này đã được cải tiến thành phiên bản mới, hiện đại và dễ dàng sử dụng hơn. Ứng dụng của thiết bị này trong thực tế là gì?
Theo bác sĩ khoa ngoại Lee Seung Won, Hội trưởng Hiệp hội Luân lý Cấy ghép nội tạng Hàn Quốc (IAEOT): “‘Máy kích thích não tổn thương tính nguyên phát’, ngoài đưa người ta vào trạng thái chết não để lấy nội tạng thì không còn tác dụng gì, ai lại muốn não mình bị chết?” Ông còn khẳng định: “Nó được dùng để lấy nội tạng nguyên vẹn. Tôi rất chắc chắn. Nếu không thì gây chết não để làm gì?”
Trong phóng sự “Giết người để sống”, một vị bác sĩ Trung Quốc thậm chí còn thẳng thắn thừa nhận về công dụng của thiết bị này: chính là để làm chết não.
Điều này càng được chứng thực hơn khi hàng loạt “Trung tâm tử vong não” – “đầu nguồn” thu hoạch nội tạng – được xây dựng ở nhiều địa khu khác nhau tại Trung Quốc. Theo điều tra kinh nghiệm ghép tạng của nhiều bác sĩ được công bố, phần lớn đều lấy tạng từ người chết não. Đơn cử như ông Diệp Khải Phát (Xie Qifa), bác sĩ Bệnh viện Tương Nha 3 Đại học Trung Nam ở Hồ Nam đã thực hiện tổng số hơn 1.000 ca thay gan, hơn 2.000 ca thay thận; thời gian từ 2002 – 2012 đã tham gia 407 ca phẫu thuật cắt bỏ nhiều cơ quan khác nhau, nguồn cung từ người “chết não cấp tính”, “chết tim cấp tính”.
“Máy làm chết não” quả thực xứng danh với tên gọi “phát minh ma quỷ” khi là trợ thủ đắc lực phía sau cho vấn nạn mổ cướp và cấy ghép tạng tại Trung Quốc.
Ngày 17/11/2018, ông Sergio Canavero tại Vienna (Áo) đã tuyên bố thực hiện thành công ca phẫu thuật nối đầu với cột sống, mạch máu và thần kinh của hai thi thể, đồng thời còn tuyên bố ông đã sẵn sàng thực hiện ca phẫu thuật ghép đầu trên người sống tại Trung Quốc, và kế hoạch phẫu thuật cấy ghép đầu người sống sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, bác sĩ Sergio Canavero từng công bố ca “phẫu thuật thay đầu” lần đầu tiên trong lịch sử loài người sẽ được thực hiện ở Nga, tuy nhiên vì ở Nga không cho phép loại phẫu thuật này nên không cung cấp kinh phí. Trái lại, tại Trung Quốc, vị bác sĩ người Ý đã tìm được đối tác là ông Nhậm Hiểu Bình, Phó Chủ nhiệm Khoa Chỉnh hình Bệnh viện thứ hai của Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân.
Tuy nhiên, không tính đến độ khó của loại phẫu thuật này phức tạp đến thế nào, chỉ nhìn từ góc độ lý luận y khoa cũng thấy thật khó tiếp thu. Không ít chuyên gia y khoa chất vấn về vấn đề đạo đức của loại phẫu thuật này.
“Chương trình này là một sai lầm về vấn đề đạo đức”, tiến sĩ James Fildes thuộc Trung tâm Cấy ghép Bệnh viện Đại học Nam Manchester chất vấn, vì mỗi khi phẫu thuật cho một người thì cần một người khác phải hy sinh mạng sống dâng hiến đầu của họ.
Ông Vương Nhạc (Wang Yue), Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Luân lý và Pháp luật ngành Y Đại học Bắc Kinh thẳng thắn cho biết, vấn đề này không khả quan, vì tính mạo hiểm của loại phẫu thuật này quá cao, “nếu được thực hiện sẽ là điều sỉ nhục trong giới lâm sàng Trung Quốc”.
Theo Daily Mail, nhiều chuyên gia còn bày tỏ quan điểm về thứ “khoa học lập dị” này, họ cho rằng dù loại phẫu thuật phức tạp này có khả thi thì bệnh nhân cũng có thể bị bại liệt vì sự kết nối hỗn loạn của dây thần kinh cột sống, biến thành người dở sống dở chết.
Trước đây, vào năm 1959, nhà khoa học Liên Xô Demichov đã thực hiện phẫu thuật ghép đầu chó, nhưng chú “chó hai đầu” này chỉ sống được 7 ngày. Năm 1970, bác sĩ White người Mỹ cũng làm phẫu thuật thay đầu chó, sau khi phẫu thuật điện não đồ hiển thị não hoạt động bình thường. Sau đó ông lại thử phẫu thuật thay đầu đối với khỉ Rhesus, nhưng con “khỉ hai đầu” này bị liệt từ cổ trở xuống, thân thể không tuân theo mệnh lệnh của não bộ.
Thí nghiệm này gây chấn động xấu trong giới khoa học, khiến bác sĩ White gặp nhiều lời đe dọa, cuối cùng phải đề nghị cảnh sát bảo vệ ông và người thân. Từ vị trí là một bác sĩ tiên phong White đã bị biến thành “côn đồ khoa học” trong mắt nhiều người, kinh phí nghiên cứu của ông cũng buộc phải dừng lại.
Tạp chí “Nhà Khoa học mới” (New Scientis) lại nhận định, trước tiên chưa nói chuyện sau khi “đầu tách khỏi thân” thì đầu có còn sống được không, việc phẫu thuật cấy ghép đầu dĩ nhiên sẽ kéo theo tranh luận gay gắt về vấn đề đạo đức. Ví dụ, sau khi người bệnh hồi phục và sinh con cái thì về sinh học người con này thuộc về ai, vì trứng hoặc tinh trùng đến từ cơ thể mới. Còn nữa, cái cơ thể hoàn toàn mới này cũng là áp lực tâm lý khủng khiếp đối với người bệnh.
Theo trang “Tin tức Giới diện” (Jiemian), tại Đại hội thường niên Hội bác sĩ thần kinh và Khoa ngoại chỉnh hình Mỹ năm 2015, hai bác sĩ Sergio Canavero và Nhậm Hiểu Bình đều đã lần lượt diễn giảng về kế hoạch ghép đầu. Nhưng diễn giảng của họ đã bị lên án. “Ở đó không có ai hứng thú với việc phẫu thuật cấy ghép đầu”, bác sĩ Canavero nói.
Nhà khoa học Trung Quốc Nhậm Hiểu Bình cũng từng thí nghiệm “thay đầu” cho chuột bạch, nhưng tỷ lệ thành công chỉ có 30%, còn ca thành công nhất là con chuột sống được một ngày. Hiển nhiên, cho dù loại phẫu thuật này có thành công thì cũng chỉ có lợi cho một số ít người chứ không thể tạo phúc cho toàn loài người. Vì lợi ích của một thiểu số mà chi ra số kinh phí lớn như thế để tiến hành nghiên cứu trong nhiều năm trời sẽ gây ra hàng loạt vấn đề, vậy thì loại phẫu thuật này có cần phát triển không?
Đáng nói là chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức khoa học ở châu Âu và Mỹ hiện nay cũng không ủng hộ loại phẫu thuật gây tranh cãi này. Rõ ràng, cho dù y thuật có xuất sắc đến đâu mà không có giá trị luân lý thì chỉ là y thuật ma quỷ.
Tháng 11/2018, ông Hạ Kiến Khuê công bố sau khi qua chỉnh sửa gen, một cặp song sinh nữ được cho là có khả năng đề kháng với virus HIV bẩm sinh đã chào đời. Thông tin này đã nhanh chóng dẫn đến làn sóng tranh luận, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến luân lý đạo đức.
Theo thông tin, thử nghiệm này bắt đầu vào tháng 03/2017, thời hạn hoàn thành vào tháng 03/2019. Thử nghiệm dùng công nghệ CRISPR-Cas9, thay đổi gen thông qua virus bệnh AIDS để đạt được hiệu quả chống lại bệnh AIDS.
Theo lời ông Hạ Kiến Khuê, cặp vợ chồng chấp nhận tham gia vào thực nghiệm đều có người chồng bị nhiễm HIV, còn người vợ thì không. Tuy nhiên, người trong giới y học đều biết rằng, mặc dù người mẹ trong thời kỳ mang thai và sinh con thì tỷ lệ truyền nhiễm bệnh AIDS sang cho trẻ sơ sinh là tương đối cao, nhưng bệnh AIDS không thể truyền nhiễm vào tinh trùng và trứng, do đó bệnh AIDS cơ bản không thể di truyền, người bố bị AIDS không ảnh hưởng đến thai nhi.
Trang tin Duowei News đưa tin, trong bào thai sinh đôi tham gia vào thử nghiệm này có một hài nhi chỉnh sửa gen không thành công, vấn đề này cũng gây lo lắng về việc liệu có xảy ra tác dụng phụ vì “hiệu ứng bắn trượt” (off-target), có thể dẫn đến những đột biến gen không thể lường trước.
Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng hệ thống CRISPR có thể làm cho các tế bào không còn gien ức chế khối u p53, làm tăng khả năng gây ung thư. Ngoài ra, mối quan hệ giữa gen CCR5 và bệnh AIDS trong thí nghiệm biến đổi này vẫn chưa rõ ràng, vẫn chưa rõ liệu có thực sự chống lại được bệnh AIDS hay không, trong khi lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, chẳng hạn như nhiễm Virus West Nile hoặc Virus cúm…
Tờ Newsweek tại Mỹ chỉ ra, trong tình huống chưa hoàn toàn hiểu về ảnh hưởng lâu dài của công trình chỉnh sửa gen này mà tiến hành thực nghiệm như vậy, không chỉ không có đạo đức, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.Theo Hãng tin AP (Mỹ), loại thí nghiệm này bị cấm tại Mỹ.
Trang tin ABA News dẫn lời Tiến sĩ Kiran Musunuru, biên tập viên tạp chí Di truyền học và là chuyên gia điều chỉnh gen của Đại học Pennsylvania Mỹ cho biết: “Đây là thí nghiệm không có lương tri trên con người, không thể được chấp nhận nếu nhìn từ góc nhìn luân lý và đạo đức, thử nghiệm này không có lương tâm, vô đạo đức”.
Trên trang tin “Tài hình hàng đầu” (Yicai), nhà sinh vật học nổi tiếng người Hàn Quốc Yoo YongJoon cho biết: “Rõ ràng, chương trình thử nghiệm này không có sự cân nhắc nào về hậu quả nguy hại đối với tương lai loài người”; “Kỹ thuật chỉnh sửa gen không phải là mới, tất cả các nhà sinh vật học đều có thể hiểu về công nghệ này, nhưng không mấy người muốn làm thử nghiệm này, bởi vì không ai có thể lường trước tác dụng phụ của vấn đề chỉnh sửa gen, đặc biệt khi áp dụng đối với những trẻ sơ sinh không thể tự bày tỏ mong muốn của bản thân”.
Tiến sĩ Eric Topol, giám đốc Viện nghiên cứu Scripps ở California Mỹ cho biết, “Điều này quá non nớt”. “Chúng ta đang thí nghiệm trên người, đây là một vấn đề nghiêm trọng”.
Những năm 1990, thời điểm Trung Quốc bắt đầu tham gia lĩnh vực công nghệ sinh học và nghiên cứu về gen người được coi là khá muộn. Dù vậy, chính phủ Trung Quốc lại tin rằng đây là lĩnh vực mang lại cơ hội lớn để bắt kịp Tây phương. Do đó, họ bất chấp chi phí và hậu quả mà đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ y sinh học. Những năm qua, Trung Quốc còn đưa ra cái gọi là kế hoạch “Made in China 2025” và “China Standard 2035”, mục tiêu là bằng mọi giá chiếm quyền chủ đạo trong lĩnh vực công nghệ cao toàn cầu, đồng thời do Trung Quốc chế định tiêu chuẩn ngành nghề, trong đó không thể thiếu sự góp mặt của y sinh học.
Tuy nhiên, việc phát triển y học bất chấp y đức, bất chấp hậu quả sẽ không thể khiến Trung Quốc vươn lên được. Ông Caroline Wagner, học giả chính sách y học và công cộng nhận định: “Bất kỳ một hình thức phát triển liều lĩnh nào vượt khỏi quy phạm đạo đức, cuối cùng đều sẽ dẫn y sinh học đến chỗ nguy hiểm.” Thực tế, phương thức phát triển này sẽ chỉ khiến Trung Quốc trở thành kẻ “côn đồ y học” bị tẩy chay mà thôi.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…