Càng đến gần ngày kỷ niệm 28 năm cuộc thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh (4/6/1989 – 4/6/2017), Trung Quốc càng tăng cường kiểm soát tự do ngôn luận trên mạng internet.
Theo phản ánh của cư dân mạng, khi họ sử dụng Wechat hay các mạng xã hội như Facebook để nói chuyện hoặc bình luận về sự kiện này thì đều bị khóa tài khoản. Người phụ trách đưa ra đủ loại lý do, chẳng hạn như có người báo cáo hoặc nghi ngờ có gian lận. Ngoài ra, cư dân mạng ở Trung Quốc cũng phản ánh tình trạng phần mềm VPN để đột phá tường lửa gần đây cũng liên tục không kết nối được.
Ngày 31/5 vừa qua, bà Ngũ Lập Quyên, thành viên của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc khi tiếp nhận phỏng vấn từ Đài Á Châu Tự Do đã phát biểu, gần đây bà vào mạng Internet vô cùng khó khăn, các trang web ở nước ngoài khi truy cập hoặc không mở được hoặc chỉ xuất hiện trang trắng, “Toàn bộ kết nối mạng trên điện thoại đều liên tục không mở được, tình trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài gần đây. Sắp tới kỷ niệm sự kiện Lục Tứ, tự do ngôn luận đang bị kiểm soát ở nhiều phương diện, Wechat, QQ đều bị khóa lại. Ngày hôm qua rất nhiều bạn bè của tôi sử dụng Wechat đều bị khóa tài khoản, mấy ngày này tôi cảm thấy lỗi không phải là do mạng Wechat. Trang web Rosechina.net của chúng tôi cũng bị phong tỏa khoảng 1 tháng trở lại đây. Từ ngày 9/5 cho đến nay, không thể truy cập được trang này từ Trung Quốc Đại Lục, cho dù sử dụng phần mềm đột phá tường lửa.”
Hồi đầu tháng 5, giới chức Trung Quốc đã ban hành quy định về quản lý tin tức trên mạng Internet, yêu cầu các trang web, ứng dụng, diễn đàn, blog, tài khoản công cộng, các công cụ tin nhắn tức thời, các dịch vụ cung cấp mạng…phải có giấy phép, nếu vi phạm quy định thì sẽ bị truy tố. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6.
Bà Ngũ Lập Quyên nói thêm: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát tự do ngôn luận càng ngày càng chặt, càng ngày càng nghiêm trọng, còn tồi tệ hơn cả giai đoạn sau thời Cách mạng Văn hóa. Vì vậy chúng tôi cực lực lên án hành vi kiểm soát chặt tự do ngôn luận của nhà chức trách, đây chính là tước đoạt phi pháp quyền tự do ngôn luận của công dân.”
Cô Chu Tuyết Cầm, một người sử dụng mạng cũng bị phong tỏa tài khoản Wechat. Cô nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do: “Hôm nay tôi phát hiện ra tài khoản Wechat của mình không dùng được nữa, không thể đăng tải thêm bình luận nào lên mạng, tin nhắn đã bị chặn hết. Hiện không có tài khoản nào của tôi hoạt động, rất nhiều tài khoản đều đã bị khóa. Vào mỗi thời điểm có sự kiện nhạy cảm nào đó phát sinh, thì lượng lớn tài khoản đều bị khóa. Tài khoản Wechat của tôi đã bị khóa cách đây hai ngày, tôi phải lập tài khoản mới, đây là lần thứ ba bị chặn rồi.”
Trước đây tài khoản Facebook của cô Chu Tuyết Cầm cũng từng bị khóa khi cô đăng tải một bình luận về tình hình xã hội Trung Quốc. Cô nói: “Tôi từng có một tài khoản Facebook đầy kín 5.000 người kết bạn và có đến hơn 10.000 người theo dõi. Tôi chủ yếu đăng các tin tức lên Facebook của mình, có cả những vấn đề xã hội của Đại Lục. Tài khoản của tôi bị khóa khi tôi đăng một đoạn video, và bình luận về việc một số thương nhân vì lợi ích mà bất chấp lương tâm, đáng lẽ phải nuôi lợn trong khoảng một năm thì nay dùng các chất kích thích tăng trưởng để rút ngắn thời gian xuống còn dưới 6 tháng. Tôi đã bình luận đoạn video này rằng, ‘làm lợn Trung Quốc đã đáng buồn, làm người Trung Quốc còn đáng buồn hơn’, bởi vì có rất nhiều loại thực phẩm đã bị pha trộn hỗn tạp và đều không còn tốt nữa, tôi chỉ nói vậy mà tài khoản Facebook của tôi đã bị khóa.”
Cô Chu Tuyết Cầm còn nói thêm, khi cô bình luận hoặc đăng tải ảnh/video về các vấn đề xã hội của Trung Quốc thì tài khoản Facebook cũng bị khóa.
Trước việc chính quyền ĐCSTQ tăng cường kiểm soát mạng Internet thời gian gần đây, học giả Trương Khởi tại Trùng Khánh nhận xét: “Hiện nay, cho dù ĐCSTQ dùng phương thức gì để phong tỏa mạng Internet, kiểm duyệt ngôn luận, sách báo, bắt giữ người… nhằm che giấu mâu thuẫn xã hội. Để có thể che giấu sự kiện Lục Tứ thì đã là chuyện của dĩ vãng. Nhưng không bàn đến Lục Tứ, không kỷ niệm Lục Tứ, không quay lại khởi điểm của Lục Tứ, thì cũng hãy nghĩ đến vấn đề tương lai của Trung Quốc Đại Lục chúng ta sẽ đi đến đâu, không thể nào đến bước một đi không trở lại được.”
Ông Trương Khởi tin rằng, nếu chính quyền Trung Quốc tiếp tục chọn “chính sách đà điểu”, không dám nhìn nhận sự thật và tự lừa dối bản thân mình, thì sẽ làm mất đi cơ hội đưa Trung Quốc trở thành một xã hội tiến bộ.
Hồng Ngọc
Xem thêm:
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…