Thủ tướng Lý Cường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đến thăm Bắc Kinh vào ngày 13/3 và yêu cầu Bắc Kinh đi đầu trong việc phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới” (tân chất sinh sản lực/新质生产力) – khẩu hiệu mà ông Tập Cận Bình đề xuất. Trong bối cảnh triển vọng kinh tế Trung Quốc u ám, có phân tích chỉ ra khẩu hiệu chỉ là vấn đề “bình mới rượu cũ”.
Tối 13/3 CCTV của ĐCSTQ đưa tin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đến thăm Bắc Kinh vào ngày 13/3 và nhấn mạnh việc quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại “lưỡng hội” (Nhân đại và Chính hiệp), theo đó Bắc Kinh cần tiên phong tăng cường “lực lượng sản xuất chất lượng mới”.
Theo video hiện trường từ CCTV, trước tiên ông Lý Cường đến Trung tâm Điều hành Đổi mới của Khu Trình diễn Lái xe Tự động Bắc Kinh để xem xét, sau đó đến khu văn phòng của Baidu để tìm hiểu, ông Lý lại đến Tập đoàn Công nghệ NAURA lắng nghe phần giới thiệu về tình hình nghiên cứu phát triển thiết bị mạch tích hợp.
Trong quá trình đi khảo sát, ông Lý Cường đã tổ chức một hội nghị chuyên đề để nghe phát biểu của rồi lãnh đạo doanh nghiệp về sự phát triển của “lực lượng sản xuất chất lượng mới” ở Bắc Kinh. Ông cho rằng phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới” là yêu cầu nội tại và là trọng tâm để thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Trung Quốc cần đẩy nhanh nghiên cứu các công nghệ cốt lõi, thúc đẩy phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới” có chất lượng.
Ông cũng cho rằng AI là động cơ quan trọng để phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới”, yêu cầu Bắc Kinh đi đầu và đóng vai trò là nơi dẫn dắt tiêu chuẩn.
Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ gần đây đã đăng bài viết với nội dung: “Tích cực phát triển các ngành công nghiệp, đẩy nhanh việc hình thành lực lượng sản xuất chất lượng mới, tăng cường động lực mới cho phát triển chất lượng cao”. Bài viết dẫn ý kiến học giả Zhao Yuliang của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho rằng việc đẩy nhanh phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới” là vì mục tiêu xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại hoàn chỉnh, tiên tiến và an toàn.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ, thuật ngữ “lực lượng sản xuất chất lượng mới” được nhà chức trách đưa ra tại “lưỡng hội” đã được truyền thông Trung Quốc nhiệt liệt hưởng ứng, coi là một trong những đột phá chiến lược nhằm thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc và cũng là từ khóa tại “lưỡng hội” này.
Chiều 5/3 tại phiên thảo luận tại Nhân đại Trung Quốc của phái đoàn Giang Tô, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa nói về việc phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới” phù hợp với điều kiện địa phương.
Thuật ngữ “lực lượng sản xuất chất lượng mới” được ông Tập đề xuất vào tháng 9/2023 trong chuyến thị sát Hắc Long Giang ở phía đông bắc Trung Quốc. Ông nhấn mạnh “lực lượng sản xuất chất lượng mới” là chất lượng năng suất tiên tiến phù hợp với quan niệm phát triển mới. Ông đã chỉ ra vào tháng 2 năm nay: “Đổi mới khoa học và công nghệ có thể sinh ra các ngành công nghiệp mới, mô hình mới và động năng mới, đó là yếu tố cốt lõi để phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới”.
Để đáp lại kêu gọi phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới”, chính quyền Bắc Kinh cũng hướng đến tiếp tục đầu tư vốn và hỗ trợ nguồn lực vào công nghệ đổi mới và sản xuất tiên tiến. Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ trích rằng việc tiếp tục trợ cấp tài chính sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp, giảm phát và căng thẳng thương mại với phương Tây.
Giới phân tích có chỉ ra rằng bằng cách dùng khẩu hiệu mới về “lực lượng sản xuất chất lượng mới” và tập trung vào triển vọng tăng trưởng trong tương lai, chính quyền hy vọng sẽ chuyển sự chú ý của công chúng ra khỏi “những vấn đề cũ” mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Nền kinh tế Trung Quốc hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có niềm tin tiêu dùng yếu kém, cuộc khủng hoảng bất động sản chưa được giải quyết và gánh nặng nợ chính quyền địa phương.
Reuters dẫn lời một cố vấn chính sách giấu tên của Trung Quốc cho biết: “Phương hướng thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ là đúng đắn, nhưng điều tôi lo lắng là làm thế nào để đạt được, con đường nào và cơ chế thể chế nào để thúc đẩy đổi mới và cải thiện khoa học công nghệ, mang lại lực lượng sản xuất chất lượng mới?”; “Thực tế là thị trường đang suy yếu, cho nên Chính phủ đang tìm cách thúc đẩy”.
Bắc Kinh hy vọng phong trào “lực lượng sản xuất chất lượng mới” sẽ củng cố sức mạnh của Trung Quốc trong bối cảnh áp lực địa chính trị, đặc biệt là vào thời điểm các biện pháp “tách rời” hoặc “giảm rủi ro” của Mỹ và phương Tây hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ nước ngoài.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, chuyên gia kinh tế Xu Tianchen tại Nhóm Chuyên gia Kinh tế (Economist Intelligence Unit) ở Bắc Kinh cho biết: “Vấn đề ‘lực lượng sản xuất chất lượng mới’ phản ánh lo lắng của các nhà lãnh đạo về sự phát triển của Trung Quốc trong các công nghệ tiên tiến như chip và AI có thể tụt hậu so với Mỹ”.
Theo Đài Á châu Tự do, chuyên gia kinh tế Xia Yeliang đã chỉ ra rằng không có thuật ngữ nào như vậy trong kinh tế học chính thống trên toàn thế giới. Lý luận về ‘lực lượng sản xuất’ là bắt nguồn từ giới kinh tế học theo chủ nghĩa Marx vào thế kỷ 19, trong đó chủ yếu nhấn mạnh sự kết hợp tối ưu giữa người lao động, tư liệu lao động và đối tượng lao động. Hiện nay cho rằng ‘lực lượng sản xuất chất lượng mới’ là những đột phá mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ, đi đôi với việc phân bổ sáng tạo các yếu tố sản xuất, cộng thêm chuyển đổi nâng cấp theo chiều sâu đối với các ngành công nghiệp.
Xia Yeliang nói: “Khái niệm này khiến mọi người cảm thấy dở khóc dở cười, vì trong lý thuyết của kinh tế học chính thống không có thứ đó; khái niệm đó cũng không có trong kinh tế chính trị học theo truyền thống chủ nghĩa Marx. Có thể xem đó là sự kết hợp giữa những khái niệm truyền thống, lạc hậu của thế kỷ 19 và một số vấn đề thời thượng ngày nay”.
Ông cho hay, vì không có giáo dục và nghiên cứu cơ bản để phù hợp với đổi mới công nghệ nên Trung Quốc chưa bao giờ có bất kỳ phát minh độc đáo nào. Đồng thời, xã hội Trung Quốc trong một môi trường mà các quyền con người cơ bản như ngôn luận, xuất bản, lập hội bị hạn chế hoặc thậm chí bị tước đoạt thì không thể có đổi mới đàng hoàng: “Cái gọi là đổi mới [mà Trung Quốc đạt được thời gian qua] chẳng qua là đạo văn và trộm cắp trí tuệ – giống như dùng trò cướp đoạt và cử gián điệp công nghệ”.
Chuyên gia này cũng đề cập nhiều học giả như nhà kinh tế học nổi tiếng Wu Jinglian ngay từ cuối những năm 1990 đã đề xuất rằng Trung Quốc nên sớm chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế: Không chỉ tăng trưởng về mặt số lượng mà còn tăng trưởng về mặt chất lượng, tập trung vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường… Nhưng bây giờ cái gọi là “năng lực sản xuất chất lượng mới” chỉ là bình mới rượu cũ. Ông lưu ý: “Trong khoảng 20 năm trở lại đây, nếu Trung Quốc thực sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thì việc có đề cập đến ‘lực lượng sản xuất chất lượng mới’ hay không cũng không quan trọng. Vấn đề là họ chưa hề làm như vậy trong 20 năm qua. Bây giờ ông Tập Cận Bình hô hào khẩu hiệu nhưng có cơ sở thực tế không?”
Sự phục hồi đáng thất vọng của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên nghi ngờ về nền tảng của mô hình kinh tế nước này, làm dấy lên kỳ vọng rằng các nhà hoạch định chính sách cần xem xét những cải cách táo bạo hơn để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Trong năm qua, Bắc Kinh đã phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến do khủng hoảng nhà đất, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, các công ty nước ngoài rút vốn đầu tư, các nhà sản xuất tranh giành người mua và chính quyền địa phương gánh gánh nặng nợ khổng lồ.
Tạp chí Phố Wall (WSJ) ngày 6/3 đưa tin rằng thời kỳ bùng nổ kinh tế của Trung Quốc đã đi đến hồi kết, các chính sách của chính phủ đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Nguồn tin cho hay, những thách thức cơ bản mà Trung Quốc phải đối mặt như cơ cấu dân số bất lợi (chênh lệch nam – nữ, già hóa) và nợ nần chồng chất thực sự nghiêm trọng. Nhưng cũng rõ ràng rằng phần lớn các vấn đề đang gây khó khăn cho Trung Quốc đã trở thành một cuộc suy thoái mang tính chu kỳ khó chịu, vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do những lựa chọn chính sách không phù hợp của chính phủ. Ông Lý Cường đã có bài phát biểu quan trọng tại Nhân đại Trung Quốc vào ngày 5/3, nhưng bài phát biểu đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức này có vẻ cho thấy không mang được lại niềm tin rằng Bắc Kinh nhận ra gốc rễ vấn đề, hoặc sẵn sàng thay đổi đường lối. Dân số già đi, gánh nặng nợ địa phương cao và mô hình tài trợ bất động sản bị thảm bại là những vấn đề gai góc. Nhưng điều quan trọng nhất của Trung Quốc là mang tính cơ cấu: Bộ máy chính quyền toàn trị ngày càng cứng nhắc – đó là quy luật tất yếu.
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…